Cefpodoxim proxetil
171 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 414-416, tải PDF TẠI ĐÂY
CEFPODOXIM PROXETIL
Tên chung quốc tế: Cefpodoxime proxetil.
Mã ATC: J01DD13.
Loại thuốc: Kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Cốm để pha hỗn dịch uống: 50 mg/5 ml (50 ml, 75 ml, 100 ml); 100 mg/5 ml (50 ml, 75 ml, 100 ml).
Viên nén bao phim: 100 mg, 200 mg.
Thuốc được dùng dưới dạng cefpodoxim proxetil. Hàm lượng và liều dùng được tính theo cefpodoxim: 130 mg cefpodoxim proxetil tương đương với khoảng 100 mg cefpodoxim.
2 Dược lực học
Cefpodoxim là kháng sinh thuộc phân nhóm cephalosporin thế hệ 3, tác dụng thông qua ức chế tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn. Cefpodoxim có hoạt tính ngay cả khi có mặt một số beta- lactamase, cả penicillinase và cephalosporinase của vi khuẩn Gram âm và Gram dương.
2.1 Phổ kháng khuẩn
Vi khuẩn Gram dương: Staphylococcus aureus (chủng nhạy cảm với methicilin, chủng sinh penicilinases), Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus pneumoniae (ngoài trừ các chủng kháng penicilin), Streptococcus pyogenes.
Vi khuẩn Gram âm: Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis, Haemophilus influenzae (bao gồm các chủng sinh beta-lactamase), Moraxella catarrhalis, Neisseria gonorrhoeae (bao gồm các chủng sinh penicilinase).
2.2 Kháng thuốc
Vi khuẩn kháng cefpodoxim thông qua cơ chế thủy phân bởi beta-lactamase, thay đổi liên kết protein-penicilin (penicilin- binding protein - PBP) và giảm tính thẩm.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Cefpodoxim proxetil (ester của cefpodoxim) là một tiền dược không có tác dụng kháng khuẩn khi chưa được thủy phân thành cefpodoxim trong cơ thể. Cefpodoxim proxetil được hấp thu qua Đường tiêu hóa và được chuyển hóa bởi các esterase không đặc hiệu trong ruột thành chất chuyển hóa cefpodoxim có tác dụng. Sự hấp thu tăng khi có mặt của thức ăn và giảm khi pH dạ dày thấp. Thức ăn làm tăng Diện tích dưới đường cong và nồng độ đỉnh của viên nén bao phim nhưng không ảnh hưởng đến hỗn dịch uống. Tuy nhiên, tốc độ hấp thu giảm khi dùng dạng hỗn dịch với thức ăn.
3.2 Phân bố
Cefpodoxim liên kết từ 22 đến 33% với protein trong huyết thanh và từ 21 - 29% với protein trong huyết tương. Thuốc phân bố được vào mô mềm, amidan, phổi, dịch màng phổi.
3.3 Thải trừ
Thải trừ của cefpodoxim giảm ở bệnh nhân suy thận mức độ trung bình và nặng (Clcr < 50 ml/phút). Ở bệnh nhân suy thận nhẹ (Clcr từ 50 - 80 ml/phút), nửa đời thải trừ của cefpodoxim là 3,5 giờ. Ở bệnh nhân suy thận trung bình (Clcr từ 30 - 49 ml/phút) nửa đời thải trừ tăng lên đến 5,9 giờ và bệnh nhân suy thận nặng (Clcr 5 - 29 ml/phút), nửa đời thải trừ là 9,8 giờ. Xấp xỉ 23% liều thuốc được loại ra khỏi cơ thể sau một lần lọc máu dài 3 giờ.
3.4 Ảnh hưởng của suy giảm chức năng gan (xơ gan)
Hấp thu gần như giảm dần và thải trừ không thay đổi ở bệnh nhân xơ gan. Nửa đời thải trừ của cefpodoxim và Độ thanh thải qua thận ở bệnh nhân xơ gan tương tự như các đối tượng khỏe mạnh. Cổ trướng dường như không ảnh hưởng đến các thông số dược động học ở bệnh nhân xơ gan. Không cần điều chỉnh liều đối với bệnh nhân suy giảm chức năng gan.
3.5 Dược động học ở người cao tuổi
Không cần điều chỉnh liều ở người cao tuổi trừ khi họ bị suy giảm chức năng thận.
Ở người già khỏe mạnh, nửa đời thải trừ của cefpodoxim trong huyết tương trung bình là 4,2 giờ (so với 3,3 giờ ở những người trẻ tuổi hơn).
Các thông số dược động học khác (nồng độ đỉnh, diện tích dưới đường cong và thời gian đạt nồng độ đỉnh) không thay đổi so với các thông số quan sát thấy ở những đối tượng trẻ khỏe mạnh.
3.6 Trẻ em
Tính an toàn và hiệu quả ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi chưa được xác lập.
4 Chỉ định
Cefpodoxim proxetil được chỉ định để điều trị nhiễm trùng nhẹ và vừa do các chủng vi khuẩn nhạy cảm như sau:
Viêm tai giữa do Streptococcus pneumoniae (loại trừ chủng kháng penicillin), Streptococcus pyogenes, Haemophilus influenzae (bao gồm cả chủng sinh beta-lactamase), hoặc Moraxella (Branhamella) catarrhalis (bao gồm cả chủng sinh beta-lactamase).
Viêm họng và/hoặc viêm amidan do Streptococcus pyogenes.
Viêm phổi cộng đồng do S. pneumoniae hoặc H. Influenzae (bao gồm cả chủng sinh beta-lactamase).
Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính do S. pneumoniae, H. influenzae (chỉ với chủng không sinh beta-lactamase), hoặc M. catarrhalis.
Viêm niệu đạo cấp tính, không biến chứng và cổ tử cung do Neisseria gonorrhoeae (bao gồm cả chủng sinh beta-lactamase).
Nhiễm trùng hậu môn trực tràng cấp tính, không biến chứng ở phụ nữ do Neisseria gonorrhoeae (bao gồm cả chủng sinh beta- lactamase).
Nhiễm trùng da và tổ chức da không biến chứng do Staphylococcus aureus (bao gồm cả chủng kháng penicilinase) hoặc Streptococcus Pyogenes.
Áp xe nên được phẫu thuật dẫn lưu theo chỉ định lâm sàng.
Viêm xoang hàm trên cấp tính do Haemophilus influenzae (bao gồm cả chủng kháng penicilinase), Streptococcus pneumonia và Moraxella catarrhalis.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng (viêm bàng quang) do Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis, hoặc Staphylococcus saprophyticus.
Lưu ý: Khi xem xét việc sử dụng cefpodoxim proxetil trong điều trị viêm bàng quang, nên cân nhắc mức độ diệt vi khuẩn của cefpodoxim proxetil thấp hơn so với mức độ diệt vi khuẩn và tình an toàn khác so với một số kháng sinh khác.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với cefpodoxim hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
Dị ứng với các cephalosporin khác.
6 Thận trọng
Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefpodoxim, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác.
Cần sử dụng thận trọng đối với những người mẫn cảm với penicilin, thiểu năng thận và người có thai hoặc đang cho con bú.
Theo dõi dấu hiệu và triệu chứng sốc phản vệ trong liều dùng đầu tiên. Nếu có phản ứng quá mẫn xảy ra trong khi điều trị với cefpodoxim thì phải dừng dùng thuốc và sử dụng liệu pháp điều trị phù hợp cho người bệnh (như dùng epinephrin, corticosteroid và duy trì đủ oxygen).
Sử dụng thuốc dài ngày có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn và nấm: đặc biệt nhiễm Clostridium difficile gây ỉa chảy và viêm kết tràng. Độ an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được xác định đối với trẻ dưới hai tháng tuổi.
7 Thời kỳ mang thai
Không có các bằng chứng về ngộ độc thai và quái thai trong các nghiên cứu trên chuột hoặc thỏ cho uống cefpodoxim. Tuy nhiên chưa có các nghiên cứu thỏa đáng và được kiểm soát chặt chẽ về việc dùng cefpodoxim cho người mang thai hoặc khi sinh đẻ, vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc cho người mang thai, chỉ dùng cefpodoxim trong thời kỳ mang thai khi thực sự cần thiết.
8 Thời kỳ cho con bú
Cefpodoxim được tiết qua sữa mẹ với nồng độ thấp. Do tiềm năng về ADR nghiêm trọng cho trẻ bú mẹ, cần cân nhắc kỹ việc dừng cho con bú hoặc uống thuốc.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR của cefpodoxim tương tự như các cephalosporin đường uống khác. Nói chung thuốc được dung nạp tốt, hầu hết các ADR qua nhanh và từ nhẹ đến vừa trong một số trường hợp. ADR đối với trẻ dùng thuốc tương tự như người lớn, bao gồm tác dụng từ nhẹ đến vừa trên đường tiêu hóa và trên da.
9.1 Với dạng viên nén bao phim
9.1.1 Thường gặp
Tiêu hóa: nôn, ỉa chảy, đau bụng.
TKTW: đau đầu.
Da: mẩn ngứa.
Tiết niệu - sinh dục: nhiễm nấm âm đạo.
9.1.2 Ít gặp
Toàn thân: nhiễm nấm, trướng bụng, khó chịu, mệt mỏi, suy nhược, sốt, đau ngực, đau lưng, ớn lạnh, đau toàn thân, xét nghiệm vi sinh bất thường, áp xe, dị ứng, phù mặt, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, phù cục bộ, đau cục bộ.
Tim mạch: suy tim sung huyết, đau nửa đầu, đánh trống ngực, giãn mạch, tụ máu, tăng huyết áp, hạ huyết áp.
Tiêu hóa: nôn mửa, khó tiêu, khô miệng, đầy hơi, giảm cảm giác ngon miệng, táo bón, khó chịu ở miệng, chán ăn, ợ hơi, viêm dạ dày, loét miệng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn trực tràng, rối loạn lưỡi, rối loạn răng, khát nước, tổn thương miệng, đau mỏi, khô họng, đau răng.
Máu và bạch huyết: thiếu máu.
Chuyển hóa và dinh dưỡng: mất nước, bệnh gút, phù ngoại biên, tăng cân.
Cơ - xương: đau cơ.
Thần kinh: chóng mặt, mất ngủ, buồn ngủ, lo lắng, run rẩy, hồi hộp, nhồi máu não, thay đổi trong giấc mơ, suy giảm tập trung, nhầm lẫn, ác mộng, dị cảm, chóng mặt.
Hô hấp: hen, ho, chảy máu cam, viêm mũi, thở khò khè, viêm phế quản, khó thở, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm xoang.
Da: nổi mề đay, phát ban, viêm màng bồ đào, nổi mề đay, viêm da do nấm, tróc vảy, khô da, rụng tóc, nổi mụn nước, cháy nắng.
Nhạy cảm đặc biệt: thay đổi vị giác, kích ứng mắt, mất vị giác, ù tai.
Tiết niệu - sinh dục: tiểu máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, xuất huyết tử cung, khó tiểu, tăng số lần đi tiểu, tiểu đêm, nhiễm trùng dương vật, protein niệu, đau âm đạo.
9.2 Với dạng hỗn dịch
9.2.1 Thường gặp
Tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn.
Da: mẩn ngứa.
9.2.2 Ít gặp
Toàn thân: đau bụng tại chỗ, co rút bụng, nhức đầu, nhiễm nấm, đau bụng toàn thân, suy nhược, sốt, nhiễm nấm.
Tiêu hóa: buồn nôn, nhiễm nấm, chán ăn, khô miệng, viêm miệng, viêm đại tràng giả mạc.
Máu và hệ bạch huyết: tăng tiểu cầu, xét nghiệm Coombs trực tiếp dương tính, tăng bạch cầu ái toan, tăng/giảm bạch cầu, kéo dài thời gian thromboplastin từng phần, ban xuất huyết giảm tiểu cầu.
Chuyển hóa: tăng ALT, tăng Kali huyết,
Cơ - xương: đau cơ.
Thần kinh: ảo giác, hồi hộp, buồn ngủ.
Hô hấp: chảy máu cam, viêm mũi.
Da: nấm da, nổi mề đay, viêm da do nấm, mụn trứng cá, viêm da tróc vảy, phát ban dát sần.
Nhạy cảm đặc biệt: mất vị giác.
9.2.3 Chưa xác định được tần suất
Sau khi đưa ra thị trường, đã có các báo cáo về các phản ứng dị ứng bao gồm: hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, ban đỏ đa dạng và phản ứng giống như bệnh huyết thanh, viêm đại tràng giả mạc, tiêu chảy ra máu với đau bụng, viêm loét đại tràng, đau trực tràng có hạ huyết áp, sốc phản vệ, tổn thương gan cấp tính, sảy thai, viêm thận xuất huyết, thâm nhiễm phổi với tăng bạch cầu ái toan và viêm da mí mắt.
9.2.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng điều trị bằng cefpodoxim.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Nên uống viên nén cefpodoxim cùng thức ăn để tăng sự hấp thu của thuốc qua đường tiêu hóa. Cefpodoxim dạng hỗn dịch uống có thể uống bất cứ lúc nào, với thức ăn hoặc không.
Pha hỗn dịch uống: Đầu tiên lắc lọ thuốc để nới lỏng các hạt thuốc. Lấy lượng nước cất hoặc nước đun sôi để nguội cần thêm vào lọ thuốc bột để có hỗn dịch chứa 50 - 100 mg cefpodoxim/5 ml (bảng dưới). Chia lượng nước cần thêm làm 2 phần bằng nhau để thêm vào lọ thuốc 2 lần. Lắc kỹ lọ sau mỗi lần thêm. Lắc kỹ hỗn dịch trước khi dùng.
Hàm lượng lọ hỗn dịch | Lượng nước cần thêm vào lọ thuốc | Thể tích cuối cùng đạt được |
---|---|---|
50 mg/5 ml | 31 ml | 50 ml |
50 mg/5 ml | 44 ml | 75 ml |
50 mg/5 ml | 57 ml | 100 ml |
100 mg/5 ml | 30 ml | 50 ml |
100 mg/5 ml | 43 ml | 75 ml |
100 mg/5 ml | 57 ml | 100 ml |
10.2 Liều dùng
10.2.1 Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi
Viêm họng và/hoặc viêm amidan: 100 mg mỗi 12 giờ (tổng liều 1 ngày là 200 mg) trong 5 đến 10 ngày.
Viêm phổi cộng đồng cấp tính: 200 mg mỗi 12 giờ (tổng liều 1 ngày là 400 mg) trong 14 ngày.
Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: 200 mg mỗi 12 giờ (tổng liều 1 ngày là 400 mg) trong 10 ngày.
Lậu không biến chứng (nam và nữ) và nhiễm trùng trực tràng do lậu cầu (nữ): Liều duy nhất 200 mg.
Da và tổ chức da: 400 mg mỗi 12 giờ (tổng liều 1 ngày là 800 mg) trong 7 đến 14 ngày.
Viêm xoang hàm cấp tính: 200 mg mỗi 12 giờ (tổng liều 1 ngày là 400 mg) trong 10 ngày.
Nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng: 100 mg mỗi 12 giờ (tổng liều 1 ngày là 200 mg) trong 7 ngày.
10.2.2 Trẻ em từ 2 tháng đến 12 tuổi
Viêm tai giữa cấp tính: 5 mg/kg mỗi 12 giờ, tối đa 200 mg/lần (tổng liều 1 ngày là 10 mg/kg/ngày, tối đa 400 mg/ngày) trong 5 ngày.
Viêm họng và/hoặc viêm amidan: 5 mg/kg mỗi 12 giờ, tối đa 100 mg/lần (tổng liều 1 ngày là 10 mg/kg/ngày, tối đa 200 mg/ngày) trong 5 đến 10 ngày.
Viêm xoang hàm cấp tính: 5 mg/kg mỗi 12 giờ, tối đa 200 mg/ liều (tổng liều 1 ngày là 10 mg/kg/ngày, tối đa 400 mg/ngày) trong 10 ngày.
Chưa có dữ liệu nghiên cứu về an toàn và hiệu quả với trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi.
Hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận:
Với bệnh nhân có mức lọc cầu thận < 30 ml/phút: Tăng khoảng cách đưa liều mỗi 24 giờ.
Với bệnh nhân lọc máu: Khoảng đưa liều là 3 lần/tuần sau lọc máu.
Liều cho người suy thận:
Phải giảm liều tùy theo mức độ suy thận. Đối với người bệnh có độ thanh thải creatinin ít hơn 30 ml/phút và không thẩm tách máu, cho uống liều thường dùng, cách 24 giờ một lần.
Người bệnh đang thẩm tách máu, uống liều thường dùng 3 lần/ tuần, nếu thẩm tách máu chu kỳ, nên dùng vào thời điểm sau thẩm tách máu.
11 Tương tác thuốc
Thuốc kháng acid, kháng H2: Nồng độ đỉnh của cefpodoxim giảm khi có chất kháng acid hoặc kháng H2, vì vậy tránh dùng cefpodoxim cùng với chất kháng acid và chất kháng histamin H2
Probenecid: Giảm bài tiết cefpodoxim qua thận.
Các thuốc gây độc với thận: Mặc dù chưa ghi nhận độc tính của cefpodoxim khi dùng đơn độc, tuy nhiên vẫn cần theo dõi chặt chẽ chức năng thận khi phối hợp cefpodoxim cùng các thuốc gây độc với thận.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Buồn nôn, nôn, đau thượng vị, và tiêu chảy.
12.2 Xử trí
Lọc máu hoặc thẩm tách màng bụng có thể hỗ trợ việc loại bỏ cefpodoxim khỏi cơ thể, đặc biệt trong trường hợp tổn thương thận.
Cập nhật lần cuối: 2018