Carboprost
3 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
CARBOPROST
Tên chung quốc tế: Carboprost.
Mã ATC: G02AD04.
Loại thuốc: Kích thích cơ trơn tử cung, gây sảy thai, dẫn chất tổng hợp prostaglandin F2a.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch tiêm chứa 250 microgam carboprost (dưới dạng muối tromethamin)/ml.
2 Dược lực học
Carboprost là dẫn chất tổng hợp của prostaglandin có tác dụng kích thích co cơ trơn tử cung, có tác dụng cầm máu sau đẻ hoặc gây sảy thai. Cơ chế phân tử chưa hoàn toàn được biết rõ.
Có tác dụng kích thích cơ trơn Đường tiêu hóa, có thể dẫn đến nôn và/hoặc tiêu chảy. Trên động vật thí nghiệm, carboprost tromethamin với liều cao có thể gây tăng huyết áp, do co thắt cơ trơn mạch máu. Ở một số bệnh nhân, có thể gây co thắt phế quản thoáng qua.
3 Dược động học
Thuốc hấp thu nhanh sau khi tiêm bắp, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 20 - 30 phút. Khi dùng với tác dụng cầm máu sau đẻ, tác dụng xuất hiện sau 45 phút.
Chuyển hóa chủ yếu qua con đường ω-oxi hóa. Thải trừ qua nước tiểu (83%) chủ yếu dưới dạng sản phẩm chuyển hóa.
4 Chỉ định
Chấm dứt thai kỳ: Trong vòng 3 tháng giữa thai kỳ (tuần 13 - 20). Sử dụng sau khi dùng các biện pháp khác không thành công, sử dụng để gây sảy thai sau khi đã bị vỡ màng ối.
Cầm máu sau đẻ khi tử cung bị mất trương lực cơ, không đáp ứng với các liệu pháp thông thường như: oxytocin tiêm tĩnh mạch, alkaloid cựa lõa mạch tiêm bắp.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
Bệnh viêm chậu cấp, bệnh gan, thận, phổi, tim cấp.
6 Thận trọng
Thuốc chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ trong bệnh viện có điều kiện xử lý tai biến ngay lập tức.
Với chỉ định chấm dứt thai kỳ: Nếu không thành công với carboprost, cần dùng một biện pháp thay thế. Có nguy cơ tổn thương cổ tử cung, cần kiểm tra sau khi đã hoàn thành việc chấm dứt thai kỳ.
Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có bất thường nội mạc tử cung.
Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử hen, co giật, đái tháo đường, thiếu máu.
Sốt nhẹ thoáng qua có thể gặp ở 12,5% bệnh nhân.
Đã có báo cáo về tăng huyết áp xuất hiện ở 4% phụ nữ dùng thuốc để cầm máu sau đẻ.
Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân bị tăng huyết áp, hạ huyết áp, bệnh tim mạch.
Những bệnh nhân bị viêm màng ối có thể không đáp ứng với điều trị cầm máu sau đẻ bằng carboprost.
Sử dụng thận trọng ở người có tiền sử bệnh gan, vàng da, chống chỉ định ở bệnh nhân suy gan.
Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân suy thận, chống chỉ định ở bệnh nhân bệnh suy thận.
Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân tăng nhãn áp, sẹo tử cung.
7 Thời kỳ cho con bú
Không có đủ dữ liệu về độ an toàn. Tuy nhiên, khuyến cáo không cho con bú ít nhất 6 giờ sau khi dùng thuốc.
8 Tác dụng không mong muốn (ADR)
8.1 Thường gặp
Nôn, tiêu chảy, buồn nôn, sốt, đỏ mặt.
8.2 Ít gặp
Ớn lạnh, run, đau đầu, viêm nội mạc, còn sót nhau hoặc màng.
8.3 Hiếm gặp
Rối loạn nhịp tim, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, khô miệng, tức ngực, đau bụng, đau tại chỗ tiêm, sốc nhiễm khuẩn, đau lưng, đau cơ, khó ngủ, dị cảm, ngất do cường dây phế vị, hôn mê, rối loạn trương lực cơ, đau vú, thủng tử cung, khó chịu ở đường hô hấp, hen, khó thở, khò khè, nấc, toát mồ hôi, nhiễm khuẩn tiết niệu.
9 Liều lượng và cách dùng
9.1 Chấm dứt thai kỳ
Tiêm bắp. Khởi đầu 250 microgam hoặc có thể dùng liều thăm dò 100 microgam.
Sau đó, dùng liều duy trì 250 microgam sau 1,5 - 3,5 giờ tùy vào đáp ứng tử cung.
Sau vài liều 250 microgam, có thể tăng lên 500 microgam nếu chưa đạt mục tiêu co tử cung. Tổng liều tối đa là 12 mg. Không khuyến cáo dùng nhiều hơn 2 ngày.
9.2 Cầm máu sau đẻ
Tiêm bắp liều khởi đầu 250 microgam, lặp lại sau mỗi 15 - 90 phút tới tổng liều tối đa 2 mg.
Thông thường chỉ liều đơn là đủ tác dụng. Bác sĩ cần cân nhắc có cần thêm liều bổ và khoảng cách liều, tùy theo đáp ứng lâm sàng.
10 Tương tác thuốc
Không nên dùng đồng thời với oxytocin, ergometrin vì có thể làm tăng tác động lên tử cung.
11 Quả liều và xử trí
11.1 Triệu chứng
Quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ như: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt cũng có thể xảy ra.
11.2 Xử trí
Sử dụng các biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là bổ sung điện giải khi có nôn và tiêu chảy nặng. Chưa có điều trị đặc hiệu trong trường hợp quá liều.
Cập nhật lần cuối: 2017