Calcipotriol
11 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 346-347, tải file PDF TẠI ĐÂY
CALCIPOTRIOL
(Calcipotrien)
Tên chung quốc tế: Calcipotriol.
Mã ATC: D05AX02.
Loại thuốc: Thuốc điều trị vảy nến (dùng ngoài), dẫn chất Vitamin D, tổng hợp.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc mỡ, kem: 0,005%, tuýp 1,5 mg/30 g, 3 mg/60 g, 6 mg/120 g. Dung dịch dùng ngoài: 0,005%, lọ 1,5 mg/30 ml, 2 mg/40 ml, 3 mg/60 ml.
2 Dược lực học
Calcipotriol là một dẫn chất tổng hợp của Vitamin D3 có tác dụng điều trị tại chỗ các tổn thương của bệnh vảy nến.
Cơ chế tác dụng chính xác đối với bệnh vảy nến của Calcipotriol chưa được hiểu đầy đủ, tuy nhiên, những bằng chứng in vitro cho thấy thuốc kích thích sự biệt hóa và ức chế sự tăng sinh của nhiều loại tế bào trong đó có tế bào sừng.
3 Dược động học
Sau khi bôi lên da đầu dung dịch calcipotriol 0,005% qua da lành hoặc những mảng vảy nến, chưa đến 1% liều dùng được hấp thu qua da đầu trong 12 giờ. Tương tự, nếu bôi thuốc mỡ 0,005%, thì lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể qua da lành là khoảng 5% và qua mảng vảy nến là khoảng 6%. Hấp thu qua da của dạng kem bôi chưa được nghiên cứu. Hầu hết lượng thuốc hấp thu qua da đều biến đổi thành chất chuyển hóa không hoạt tính trong vòng 24 giờ tại gan và thải trừ qua mật.
4 Chỉ định
Thuốc mỡ và kem calcipotriol: được dùng tại chỗ để điều trị vảy nến mảng, mức độ nhẹ đến vừa.
Dung dịch calcipotriol: được dùng tại chỗ để điều trị vảy nến da đầu mạn tính, mức độ vừa đến nặng.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với calcipotriol.
Người bệnh rối loạn chuyển hóa calci, tăng calci huyết, đang điều trị cùng các thuốc làm tăng calci huyết hoặc có dấu hiệu nhiễm độc vitamin D.
Suy gan nặng hoặc suy thận nặng.
Không được bôi thuốc lên mặt (kem và thuốc mỡ).
Không dùng dung dịch calcipotriol bôi da đầu cho người bệnh có ban vảy nến cấp tính.
6 Thận trọng
Nếu dùng calcipotriol để điều trị những trường hợp vảy nến mảng mạn tính, nặng, cần định kỳ theo dõi nồng độ calci trong huyết thanh và nước tiểu vì có nguy cơ tăng calci huyết do lượng thuốc hấp thu nhiều.
Calci huyết tăng thuận nghịch nhanh, thoáng qua. Nếu calci huyết tăng trên mức bình thường, ngừng điều trị cho đến lúc trở về mức bình thường. Có nguy cơ tăng calci huyết khi dùng quá liều tối đa trong 1 tuần.
Chỉ được dùng ngoài; không dùng tra mắt, uống hoặc trong âm đạo. Tránh hoặc hạn chế để thuốc tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng đèn, hoặc quang trị liệu.
Dung dịch dễ cháy, cần để xa lửa.
7 Thời kỳ mang thai
Độ an toàn của thuốc trên phụ nữ mang thai chưa được nghiên cứu đầy đủ. Nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính sinh sản khi dùng calcipotriol theo đường uống. Hấp thu toàn thân khi dùng dạng bôi ngoài da là rất ít, tuy nhiên có thể gây mất cân bằng nội môi calci. Do đó, nên tránh dùng calcipotriol cho phụ nữ mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa rõ thuốc có tiết được vào sữa mẹ hay không. Thận trọng khi dùng calcipotriol cho phụ nữ đang cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các số liệu dưới đây phản ánh từ cộng đồng người lớn. Mức độ nghiêm trọng của các ADR trên da do thuốc mỡ calcipotriol gây ra tăng lên ở người bệnh trên 65 tuổi nhưng không tăng ở người cao tuổi khi dùng kem hoặc dung dịch calcipotriol. Tần suất có thể thay đổi tùy theo vị trí dùng thuốc.
9.1 Thường gặp
Kích ứng da gặp ở 10 - 15% số người bệnh có điều trị bằng calcipotriol với các triệu chứng bỏng rát, ngứa, phát ban, đau nhói, tê ngứa.
Ban đỏ, mẩn ngứa, viêm da, khô da, bệnh vảy nến trầm trọng thêm, bong da gặp ở 1 - 10% số người bệnh.
9.2 Ít gặp
Teo da, viêm nang, tăng calci huyết, tăng calci niệu, tăng sắc tố mô, tăng nhạy cảm với ánh sáng.
9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngưng dùng thuốc nếu người bệnh bị kích ứng da.
Nếu xuất hiện tăng calci huyết, cần ngừng dùng thuốc cho tới khi calci huyết trở về bình thường.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Người lớn
Bệnh vảy nến mảng: Bôi kem hoặc thuốc mỡ calcipotriol thành một lớp mỏng vào vùng da bị bệnh, xoa nhẹ nhàng để thuốc ngấm hết. Bởi thuốc mỡ 1 - 2 lần/ngày hoặc bôi kem 2 lần/ngày (sáng và chiều). Thời gian điều trị: Không quá 8 tuần.
Bệnh vảy nến da đầu mạn tính, nặng vừa: Dùng dung dịch calcipotriol. Trước khi bôi thuốc cần chải tóc để làm tróc và loại bỏ hết các vảy da. Rẽ tóc để dễ bôi thuốc vào các tổn thương trên da đầu. Chỉ bôi thuốc lên những tổn thương nhìn thấy được, chủ xát nhẹ nhàng để thuốc ngấm vào da đầu, bôi thuốc 2 lần/ngày. Thời gian điều trị: Không quá 8 tuần. Không bôi thuốc vào những phần da đầu không bị bệnh. Cần thận trọng không để thuốc chảy xuống trán.
Không nên dùng quá 100 g kem/thuốc mỡ hoặc quá 60 ml dung dịch bôi da đầu calcipotriol trong 1 tuần. Nhưng khi dùng phối hợp các dạng thuốc đồng thời thì dùng tối đa 60 g kem/thuốc mỡ với 30 ml dung dịch; hoặc 30 g kem/thuốc mỡ với 60 ml dung dịch trong một tuần (không quá 5 mg calcipotriol/tuần).
10.1.1 Trẻ em > 6 tuổi
Bôi kem hoặc thuốc mỡ calcipotriol 2 lần/ngày. Liều dùng tối đa trong 1 tuần cho trẻ em 6 - 12 tuổi là 50 g, cho trẻ trên 12 tuổi là 75 g kem hoặc thuốc mỡ calcipotriol.
Dung dịch calcipotriol không được cấp phép dùng cho trẻ em. Thuốc mỡ calcipotriol không được cấp phép dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Ghi chú
Hiệu quả của thuốc trên các bệnh lý da khác không phải vảy nến chưa được chứng minh.
Tránh không để thuốc tiếp xúc với mặt, mắt, niêm mạc và những vùng da không bị bệnh. Rửa sạch bằng nước nếu vô tình để thuốc tiếp xúc với những vùng này.
Không được băng kín sau khi bôi thuốc. Với các nếp gấp da, cần bội thật ít thuốc vì dễ gây kích ứng. Người bệnh cần rửa sạch tay sau khi bôi thuốc để tránh vô tinh làm thuốc dính vào mặt, mắt hoặc những phần da không cần bôi thuốc.
Kết quả điều trị với kem hoặc dung dịch calcipotriol 0,005% ngày 2 lần bôi thấy rõ kết quả trong vòng 2 tuần. Sau 8 tuần điều trị, bệnh tiếp tục được cải thiện ở 50% hoặc 31% số người bệnh tùy theo dùng thuốc mỡ hay dung dịch tương ứng; chỉ có 4% (dùng thuốc mỡ) hoặc 14% số người bệnh (dùng dung dịch) hết các tổn thương. Nếu bệnh không đỡ hoặc nặng lên (thường trong vòng 2 - 8 tuần), cần phải khám lại.
Thuốc có thể gây kích ứng thoáng qua tại tổn thương hoặc vùng da xung quanh đó sau khi bôi. Chú ý, không được gãi vùng da bị kích ứng. Ngừng thuốc nếu kích ứng da kéo dài hoặc người bệnh bị nổi mẩn trên mặt hoặc tình trạng bệnh xấu hơn.
11 Tương tác thuốc
Khi dùng thuốc mỡ calcipotriol đồng thời với điều trị bằng ánh sáng tử ngoại B, cần bôi thuốc ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi chiếu tia cực tím để tránh làm giảm tác dụng của tia tử ngoại cũng như của calcipotriol.
Sử dụng đồng thời calcipotriol và Acid salicylic ngoài da có thể gây bất hoạt calcipotriol.
Calcipotriol có thể bị giảm tác dụng bởi Orlistat.
12 Tương kỵ
Dung dịch calcipotriol dễ chảy, cần tránh tiếp xúc nguồn lửa.
13 Quá liều và xử trí
13.1 Triệu chứng
Calcipotriol bôi ngoài da có thể hấp thụ với lượng đủ để có tác dụng toàn thân. Khi bôi thuốc với lượng lớn, có thể gây tăng calci huyết. Triệu chứng của tăng calci huyết bao gồm: chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón, hạ huyết áp, trầm cảm, thờ ơ và hôn mê.
13.2 Xử trí
Ngừng điều trị cho tới khi chỉ số này trở về bình thường.
Cập nhật lần cuối: 2019