Calcium Ascorbate
2 sản phẩm
Dược sĩ Kim Viên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Hoạt chất Calcium Ascorbate được biết đến và được sử dụng trong lâm sàng nhằm mục đích bổ sung Vitamin C cho cơ thể. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về chất Calcium Ascorbate
1 Tổng quan về hoạt chất Calcium Ascorbate
1.1 Calcium Ascorbate là gì?
Nhiều người tiêu dùng có thắc mắc về việc Canxi Ascorbate là canxi hữu cơ hay vô cơ thì xin đọc những thông tin dưới đây:
Calcium Ascorbate là muối Calci của Acid Ascorbic (Vitamin C). Đây là một chất hữu cơ, thường được dùng để bổ sung Vitamin C cho cơ thể con người.
1.2 Đặc điểm hoạt chất Calcium Ascorbate
CTCT: C12H14CaO12
Tên IUPAC: Calcium (2R)-2-[(1S)-1,2-dihydroxyethyl]-4-hydroxy-5-oxo-2H-furan-3-olate
Tên gọi khác: Calcium diascorbate; Calcium L-ascorbate; Hemicalcium ascorbate; Calci-C; E 302.
Khối lượng phân tử: ~390 g/mol
Trạng thái: bột tinh thể màu trắng đến hơi xám vàng, không mùi.
Độ hòa tan: hòa tan một phần trong nước. Ít tan trong rượu; không tan trong ete.
Hoạt chất này là muối Calci của Acid Ascorbic, là một trong những khoáng chất Ascorbate . Lượng Calci chiếm khoảng 10% theo khối lượng.
Điều chế: Calcium Ascorbate được điều chế từ Acid Ascorbic và Calcium Carbonate bằng cách kết tủa có kiểm soát trong Aceton hoặc rượu loãng.
2 Tác dụng dược lý
2.1 Dược lực học
Calcium Ascorbate cũng thể hiện các tác dụng có lợi tương tự Vitamin C:
- Calcium Ascorbate có khả năng chống oxy hóa.
- Chất này cũng có thể bổ sung Vitamin C cho cơ thể.
- Bên cạnh đó, việc sử dụng các Muối Khoáng Ascorbate còn hạn chế được những vấn đề về dạ dày mà Acid Ascorbic gây ra.
2.2 Cơ chế tác dụng
Calcium Ascorbate chứa một anion ascorbate và một ion calcium, vì vậy mà khi vào cơ thể, chất này hoạt động tương tự như Acid Ascorbic.
3 Chỉ định
Hiện tại, Calcium Ascorbate trong các chế phẩm thuốc được sử dụng kết hợp trong trường hợp:
- Người thiếu hụt Vitamin C gây ra các bệnh lý.
- Người suy nhược, mệt mỏi, chán ăn, muốn bổ sung Vitamin C để tăng cường sức khỏe.
4 Chống chỉ định
Không sử dụng cho người dị ứng, có tiền sử mẫn cảm với hoạt chất.
Bệnh nhân có sỏi Canxi, sỏi Uric, thiếu men G6PD, tăng canxi máu cũng không được sử dụng thuốc.
5 Những ứng dụng trong lâm sàng
Hiện tại, Calcium Ascorbate được sử dụng trong lâm sàng để bổ sung Vitamin C (Acid Ascorbic) cho cơ thể mà không ảnh hưởng đến chức năng dạ dày. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng Calcium Ascorbate và Acid Ascorbic có hoạt tính chống oxy hóa tương tự. Tuy nhiên, độ pH của dịch dạ dày được tăng lên nhờ Calcium Ascorbate, trong khi tổng lượng axit được tăng lên nhờ Acid Ascorbic. Trong mô hình loét do thắt môn vị chuột gây ra, Calcium Ascorbate làm tăng pH dịch dạ dày mà không làm thay đổi tổng lượng axit sản sinh ra. Việc sử dụng Calcium Ascorbate cho chuột với liều uống duy nhất 100 mg/kg dưới dạng Acid Ascorbic dẫn đến nồng độ trong huyết tương cao hơn so với nồng độ chỉ dùng Acid Ascorbic. Giá trị Diện tích dưới đường cong (AUC) của Calcium Ascorbate cao hơn 1,5 lần so với Acid Ascorbic và giá trị C max của Calcium Ascorbate (91,0 ng/ml) cao hơn so với Acid Ascorbic (74,8 ng/ml) . Tuy nhiên, giá trị Tmax của 2 chất này tương đương nhau. Do đó, mặc dù Calcium Ascorbate cho thấy hoạt tính chống oxy hóa tương đương với Acid Ascorbic, nhưng nó có thể làm giảm độ axit cao trong dạ dày do Acid Ascorbic gây ra, khiến nó phù hợp để xem xét sử dụng để cải thiện tác dụng phụ của Acid Ascorbic. Hơn nữa, Calcium Ascorbate có thể là chất nền chống oxy hóa thích hợp, với khả dụng sinh học đường uống tăng lên cho bệnh nhân rối loạn tiêu hóa.
Calcium Ascorbate cũng được sử dụng nhằm mục đích giảm đau do viêm khớp hông hay khớp gối ở những người thoái hóa khớp. Nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng hoạt chất này giúp giảm đau đáng kể so với giả dược, tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn so với NSAIDs và vẫn cần nghiên cứu đánh giá thêm về liều lượng/ hiệu quả.
6 Liều dùng - Cách dùng của Calcium Ascorbate
6.1 Liều dùng
Người lớn và trẻ từ 15 tuổi trở lên, mỗi ngày uống từ 500mg/ngày, có thể chia 2 lần/ngày.
Trẻ em mỗi ngày uống 250mg/ngày.
6.2 Cách dùng
Dùng đường uống, có thể uống vào thời điểm bất kỳ. Nếu có tình trạng khó chịu dạ dày sau khi uống thì có thể uống thuốc cùng bữa ăn.
Đối với dạng bào chế viên nén, viên nang,... cần uống nguyên viên, không bẻ, nghiền hay làm nát viên. Uống thuốc với 1 cốc nước đầy (250ml).
==>> Xem thêm về hoạt chất: Chlorobutanol chất bảo quản ngăn ngừa nhiễm bẩn cho dung dịch nhỏ mắt
7 Tác dụng không mong muốn
Khi sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy,...
Thuốc khi vào cơ thể sẽ các các phản ứng khác nhau, nếu trong quá trình sử dụng, người dùng gặp bất kỳ thay đổi bất thường nào của cơ thể, đặc biệt là chúng không biến mất thì phải báo ngay với bác sĩ. Đặc biệt, với những tác dụng phụ dưới đây thì người dùng cần ngưng thuốc và liên hệ bác sĩ ngay:
- Các phản ứng dị ứng như phát ban ; nổi mề đay; ngứa; thở khò khè ; tức ngực hoặc cổ họng; khó thở, nuốt hoặc nói chuyện; khàn giọng bất thường; hoặc sưng miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
- Các dấu hiệu của ngộ độc Calci như suy nhược, lú lẫn, cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu , đau bụng và nôn mửa, táo bón hoặc đau xương.
- Các dấu hiệu của các vấn đề về thận như không thể đi tiểu, lượng nước tiểu thay đổi, tiểu ra máu hoặc tăng cân nhiều.
- Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc yếu đuối.
- Nước tiểu sẫm màu hoặc da hoặc mắt màu vàng.
- Đau lưng , đau bụng hoặc có máu trong nước tiểu. Có thể là dấu hiệu của sỏi thận.
- Thay đổi tâm trạng.
8 Tương tác thuốc
Nếu bạn đang sử dụng cùng lúc nhiều thuốc điều trị bệnh, nên thông báo với bác sĩ về tiền sử dùng thuốc của bạn. Calcium Ascorbate gây giảm hấp thu ở một số thuốc:
- Thuốc kháng sinh quinolon (như Ciprofloxacin, Levofloxacin)
- Thuốc kháng sinh Tetracycline (như Doxycycline, Minocycline)
- Streptomycin, Lincomycin, Kanamycin, Erythromycin
- Thuốc tuyến giáp (như Levothyroxine)
- Thuốc điều trị loãng xương (bisphosphonates như Alendronate).
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Ethosuximid: Thuốc sucinimid chống động kinh - Dược thư Quốc Gia 2022
9 Thận trọng khi sử dụng
Hoạt chất này có thể ảnh hưởng hấp thu các thuốc. Báo với bác sĩ về tiền sử dùng thuốc của bạn.
Thuốc cũng có thể ảnh hưởng tới một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Người mắc đái tháo đường, đang trong chế độ ăn kiêng muối cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
10 Các câu hỏi thường gặp về hoạt chất Calcium Ascorbate
10.1 Có nên sử dụng Calcium Ascorbate cho trẻ em không?
Có thể sủ dụng cho trẻ em nhưng cần lưu ý tuân thủ liều lượng quy định, không tự ý sử dụng vượt liều vì bất kỳ lý do nào.
10.2 Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng được Calcium Ascorbate không?
Thận trọng khi sử dụng chế phẩm chứa hoạt chất cho các đối tượng này do lo ngại về tính an toàn.
11 Các dạng bào chế phổ biến
Calcium Ascorbate được bào chế dạng viên nén, viên nang hay Dung dịch uống.
Một số chế phẩm trên thị trường chứa hoạt chất Calcium Ascorbate có thể kể tới như: Blackmores Bio C 1000, Calcilife 5ml,...
12 Một số ứng dụng khác của hoạt chất
Ngoài tác dụng bổ sung Vitamin, được sử dụng rộng rãi trong ngành y học, Calcium Ascorbate còn rất được ưa chuộng trong ngành thực phẩm và mỹ phẩm.
- Ứng dụng trong mỹ phẩm: Chất này có thể được sử dụng làm chất chống oxy hóa, chất bảo quản, điều chỉnh pH, tăng độ ổn định cho các công thức mỹ phẩm.
- Ứng dụng trong thực phẩm: Thân thuộc với ngành thực phẩm, Calcium Ascorbate còn có cái tên là E302, có tác dụng làm chất bảo quản, chất phụ gia, chất giữ màu cho các thực phẩm chế biến sẵn như thịt, xúc xích, sữa,... Chất này được chấp thuận sử dụng làm thực phẩm ở EU, Hoa Kỳ, Úc và New Zealand.
13 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Joon-Kyung Lee, Sang-Hyuk Jung, Sang-Eun Lee, Joo-Hui Han, Eunji Jo, Hyun-Soo Park và các cộng sự khác (Ngày đăng tháng 1 năm 2018). Alleviation of ascorbic acid-induced gastric high acidity by calcium ascorbate in vitro and in vivo, Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023.
- Chuyên gia PubChem. Calcium ascorbate | C12H14CaO12 | CID 54740489, PubChem. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023.
- Tác giả Niels Hertz Jensen (Ngày đăng 16 tháng 6 năm 2023). [Reduced pain from osteoarthritis in hip joint or knee joint during treatment with calcium ascorbate. A randomized, placebo-controlled cross-over trial in general practice], Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2023.