Ngũ Vị Tử (Schisandra chinensis)
110 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Ngũ vị được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị ho suyễn, thận hư. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Ngũ vị.
1 Giới thiệu về cây Ngũ vị
Ngũ vị còn có tên gọi khác là Ngũ vị Bắc, Sơn hoa tiêu, Ngũ mai tử, mọc ở trong rừng vùng núi cao.
Ngũ vị tử tên khoa học là Schisandra chinensis (Turcz.) Baill., thuộc họ Ngũ vị (Schisandraceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây leo thân gỗ to, dài 5-7m, có thể hơn; Thân cành có nốt sần, vỏ màu nâu sẫm, với kẽ sần sùi, cành nhỏ hơi có cạnh. Lá mọc so le trên cành dài và mọc chụm vòng trên cành ngắn, phiến lá hình trứng ngược, dài 5-10cm, rộng 2-5cm, gốc thuôn hẹp, đầu có mũi nhon, mép khía răng nhỏ và thưa, mặt trên nhẵn màu lục sẫm.
Hoa đơn tính khác gốc màu trắng sẫm hay phớt hồng, có mùi thơm mát dịu, bao hoa xếp thành 2-3 lớp; hoa đực có 4-5 nhị; hoa cái có 12-120 lá noãn rời, mỗi lá noãn chứa 2-3 noãn. Lúc kết quả, trục hoa kéo dài, quả thật tròn, mọng, mọc phân tán thành chùm có cuống dài ở đầu cành hay nách lá, đường kính 4-6mm; khi non màu xanh lục, vàng lục, chín chuyển màu đỏ thẫm; mỗi quả chứa 2 hạt nhẵn. Mùa hoa tháng 5-6, mùa quả tháng 7-9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả chín, gọi là Ngũ vị tử, tên khoa học theo Dược điển Việt Nam 5 là Fructus Schisandrae chinensis.
Quả thu hái sau khi chín, phơi hoặc sấy khô. Một cách chế biến khác là đồ chín, sau đó phơi khô và loại bỏ cuống, tạp chất.
Mô tả dược liệu: Quả khô hình cầu không đều hoặc hình cầu dẹt, đường kính 5-8mm. Mặt ngoài đỏ thẫm, đỏ tía, nhăn nheo, có dầu, thịt quả mềm. Có 1-2 hạt hình thận, màu vàng nâu, vỏ mỏng giòn. Thịt quả mùi nhẹ, vị chua. Sau khi đập vỡ, nhân hạt màu trắng, thơm, vị cay, hơi đắng.
1.3 Bào chế
Ngũ Vị Tử sống: Giã vụn sau khi đã loại bỏ tạp chất.
Thố ngũ vị tử (ngũ vị tử chế giấm): Trộn một lượng giấm vừa đủ với ngũ vị tử (tỷ lệ 100 kg ngũ vị tử cần 20 L giấm hoặc pha loãng hơn), đem đồ đến khi ngũ vị tử có màu đen, lấy ra phơi hay sấy khô, khi dùng thì giã dập.
Thố ngũ vị tử thu được mặt ngoài có màu đen nhuận do có tinh dầu, hơi sáng bóng, thịt quả mềm, dính, mặt ngoài vỏ quả có màu nâu đỏ, sáng bóng. Phần hạt quả màu đỏ nâu, sáng bóng.
1.4 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Lai Châu, Lào Cai. Có nguồn gốc từ vùng bắc và đông bắc Trung Quốc, hiện có ở các nước châu Á, châu u khác.
2 Thành phần hóa học
Ngũ vị tử chứa lignan, triterpenoid, tinh dầu, axit phenolic, flavonoid, phytosterol và các thành phần khác.
2.1 Quả
Các thành phần quan trọng nhất của quả mọng là dibenzo[a,c]cyclooctadiene lignans. Các lignan dibenzocyclooctadiene được xác định sớm nhất và có hàm lượng lớn nhất trong quả là: schisandrin, schisandrins B và C, γ-schisandrin, schisantherin A và B, schisanthenol, deoxyschisandrin, gomisins A và G. Ngoài ra, các loại lignan khác đã được phân lập từ quả của Ngũ vị tử - dibenzylbutanes lignans (schineolignans A–C) và tetrahydrofuran lignans (schinlignins A và B).
Quả mọng của Ngũ vị tử đã được phát hiện có chứa các hợp chất được xác định là thuộc nhóm triterpenoid, chẳng hạn như: pre-schisanartanes (schisanartanins A và B) và 3,4-seco-21,26-olide-artane triterpenoid (wuweizilactone axit). Một vài năm trước, hợp chất được coi là chất tạo màu chủ yếu của quả Ngũ vị tử đã được xác định là cyanidin-3-O-xylosylrutinoside (Cya-3-O-xylrut).
Quả của Ngũ vị tử cũng chứa tinh dầu với lượng khoảng 3%. Sesquiterpenes chiếm ưu thế trong tinh dầu. Monoterpen oxy hóa, monoterpen và sesquiterpen oxy hóa có mặt với số lượng nhỏ hơn (khoảng 5%). Y-langene, β-himachalene, α-bergamotene và β-chamigrene là những thành phần chính, chiếm khoảng 75 %trong dầu.
Các nghiên cứu gần đây nhất cũng bao gồm các phân tích về thành phần của các nhóm polyphenol khác nhau. Trong số đó đã xác nhận sự hiện diện của: axit chlorogenic, p-coumaric, p-hydroxybenzoic, protocatechuic, salicylic, syringic, axit gentisic và nhóm flavonoid: hyperoside, isoquercitrin, Rutin và quercetin.
Hơn nữa, quả Ngũ vị tử rất giàu polysaccharide và monosaccharide (glucose, Fructose, arabinose và galactose), vitamin (C và E), phytosterol (stigmasterol, β-sitosterol), axit hữu cơ (axit citric, malic, fumaric và tartaric) và các khoáng chất (Ca, Mg, Fe, Mn, B, Zn, Cr, Ni, Cu, Co).
2.2 Thân, lá
Lá chứa hàm lượng lớn các hợp chất từ nhóm terpenoit, nhất là các terpenoit đặc biệt từ nhóm cycloartan, chẳng hạn như: schinchinenin A –H và schinchinenlactones A–C. Hai loại schinesdilactone nortriterpenoids cũng đã được xác định: schinedilactones A và B. Ngoài ra, 16,17-seco-preschisanartane nortriterpenoids: schisdilactones A–G, là ví dụ đầu tiên của các lớp này được phân lập từ lá và thân của Ngũ vị tử; cùng các triterpenoid khác: isoschicagenin C và schicagenins A–C.
Thân và lá của Ngũ vị tử cũng là một nguồn dibenzocyclooctadiene lignans, ví dụ như schisandrin, gomisins A và J, pregomisin, angeloylgomisin H và Q. Trong chiết xuất từ lá, ngoài schisandrin và gomisin A, các hợp chất khác từ nhóm này cũng đã được phát hiện như deoxyschisandrin, schisandrin B, gomisin G và schisantherin với số lượng đáng kể nhưng nhỏ hơn so với trong quả.
Ngoài các hợp chất nêu trên, lá cũng được phát hiện có chứa isoquercitrin là Flavonoid chính, tiếp theo là hyperoside, rutin, myricetin, quercitrin, quercetin và kaempferol; bên cạnh đó, các flavonoid glycoside khác có trong lá, chẳng hạn như: ((+)-isoscoparine và quercetin 3-O-β-L-rhamnopyranosyl (1 → 6)-β-D-glucopyranoside. So với quả, lá là một nguồn phong phú hơn của các hợp chất phenolic, chẳng hạn như axit phenolic. Các axit phenolic được ước tính trong lá bao gồm: chlorogenic, p-coumaric, p-hydroxybenzoic, protocatechuic, salicylic, axit syringic, và cả axit gentisic và ferulic, và tiền chất của một nhóm axit phenolic - axit cinnamic - cũng đã được xác định.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Xạ can - Dược liệu hữu ích trong trị bệnh đường hô hấp
3 Tác dụng - Công dụng của Ngũ vị tử
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Bảo vệ gan
Gomisin A làm tăng hoạt động của microsome của: cytochrom B5, P450, NADPH cytochrom C reductase, N-demethylase aminophenazone, 7-ethoxycoumarin O-deethylase và làm giảm hoạt động của 3,4-dibenzopyrene hydroxylase; đồng thời đẩy nhanh sự tăng sinh của tế bào gan, mạng lưới nội chất và dòng chảy của gan. γ-schisandrin tăng nồng độ Glutathione của ty thể; tăng nồng độ Vitamin C trong gan ở động vật thử nghiệm. Hơn nữa, schisandrin B cũng đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại tổn thương oxy hóa đối với các mô gan.
3.1.2 Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Chiết xuất từ trái cây Ngũ vị tử có thể được ứng dụng như một loại thuốc chống hen suyễn vì chúng làm giảm phản ứng quá mức của đường thở, mức độ immunoglobuline E và sự xâm nhập tế bào miễn dịch ở chuột mắc bệnh hen suyễn. Kết quả cũng gợi ý rằng chất chiết xuất từ trái cây có thể được sử dụng như một loại thuốc bổ sung hoặc thay thế cho glucocorticoid. Ngoài ra, chiết xuất cũng làm giảm tần suất ho và viêm phổi ở chứng quá mẫn cảm do ho gây ra ở chuột lang do tiếp xúc với khói thuốc lá. Lignans được chỉ định là hợp chất có khả năng chịu trách nhiệm cho hoạt động này.
3.1.3 Ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương
Dibenzocyclooctadiene lignans được coi là chất bảo vệ chống lại sự chết tế bào thần kinh và suy giảm nhận thức trong các rối loạn thần kinh. Ngoài ra, các polysaccharide cũng đóng một vai trò quan trọng bằng cách nâng cao mức độ dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương.
Chiết xuất Ngũ vị tử cải thiện khả năng học hỏi và ghi nhớ, gián tiếp tăng cường sự tỉnh táo, cải thiện sự tập trung và hoạt động trí óc; được sử dụng làm chất bổ trợ trong điều trị bệnh Alzheimer, Parkinson, Meniere và ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý); đồng thời thể hiện hoạt tính chống trầm cảm mà không gây buồn ngủ.
Người ta đã chứng minh rằng schisandrin—hợp chất chiếm ưu thế trong chiết xuất từ quả Ngũ vị tử, tạo ra hoạt tính sinh học có tác dụng an thần và thôi miên có lợi, thông qua điều chỉnh hệ thống serotonergic.
3.1.4 Chống oxy hóa và giải độc
Dibenzocyclooctadiene lignans ức chế quá trình peroxy hóa lipid ở microsome, làm giảm nồng độ của các gốc superoxide, ức chế quá trình oxy hóa NADPH ở microsome trong tế bào gan và giảm giải phóng alanine aminotransferase (ALT) và lactate dehydrogenase, làm tăng tính toàn vẹn của màng tế bào và khả năng tồn tại của tế bào gan.
Schisandrin B làm suy yếu Doxorubicin gây ra rối loạn chức năng tim thông qua tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Schisandrin B đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại tổn thương oxy hóa ở các mô gan, tim và não ở loài gặm nhấm.
3.1.5 Chống ung thư
Các nghiên cứu khác về gomisin A đã cho thấy hoạt động chống ung thư trên ung thư biểu mô ruột kết. Lignan—gomisin N, gây ra quá trình chết theo chương trình của các tế bào ung thư bạch cầu ở người—U973 và tế bào ung thư gan. Hơn nữa, nó cùng với deoxyschisandrin, chống lại hai dòng tế bào khối u ở người (tế bào ung thư biểu mô tuyến—2008 và tế bào ung thư biểu mô tuyến ruột kết—LoVo).
3.1.6 Các tác dụng khác
Kháng khuẩn: Tinh dầu và chiết xuất từ Ngũ vị tử cho thấy tác dụng kháng khuẩn chống lại vi khuẩn Gram dương (Staphylococcus cholermidis, S.aureus, Bacillus subtilis) và Gram âm (Chlamydia pneumoniae, C.trachomatis, E.coli, Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris).
Chống virus: Schisandrin B và deoxyschisandrin ức chế chọn lọc hoạt động DNA polymerase liên quan đến phiên mã ngược của HIV-1.
Chống béo phì: Chất chiết xuất từ quả Ngũ vị tử ức chế sự biệt hóa preadipocyte và quá trình tạo mỡ trong tế bào nuôi cấy, dẫn đến giảm trọng lượng cơ thể và khối lượng mô mỡ ở chuột béo phì trong chế độ ăn nhiều chất béo.
Bảo vệ tim mạch: Chiết xuất trái cây và lignans của nó có tác dụng bảo vệ tim mạch bằng cách kiểm soát nhiều con đường truyền tín hiệu liên quan đến các quá trình sinh học khác nhau, chẳng hạn như co bóp mạch máu, xơ hóa, viêm, stress oxy hóa và chết theo chương trình.
Điều hòa miễn dịch: Phần polysaccharide cải thiện trọng lượng của các cơ quan miễn dịch, tăng cường hoạt động của đại thực bào phúc mạc, thúc đẩy sự hình thành hemolysin và tăng chuyển đổi tế bào lympho.
Chống viêm: Cơ chế dựa trên sự ức chế hoạt động của nitric oxide và sản xuất prostaglandin bằng cách kích thích giải phóng cyclooxygenase 2 và ức chế biểu hiện của nitric oxide synthase.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Vị thuốc Xuyên tâm liên - Tăng cường hệ miễn dịch cơ thể
4 Tác dụng của ngũ vị tử theo y học cổ truyền
Tính vị, quy kinh: Ngũ vị tử vị toan, hàm, ôn, quy kinh phế, thận.
4.1 Công năng, chủ trị
Liễm phế chỉ ho, sinh tân chỉ hàn, chỉ tả, bổ thận cố tinh, an thần.
Chủ trị: Ho lâu ngày, hư suyễn, mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, đái dầm, niệu tần, tiêu chảy kéo dài, đạo hãn, tân dịch hao tổn, háo khát, mạch hư, nội nhiệt, đánh trống ngực và mất ngủ
4.2 Kiêng kỵ
Không nên dùng ngũ vị tử cho những nhười đang sốt phát ban, lên sởi, sốt cao.
4.3 Ngũ vị tử ngâm rượu có tác dụng gì ?
Ngũ vị tử có tính ấm, có 5 vị ngọt, mặn, đắng, cay và chua, nhưng thường là chua, ngọt, quy vào kinh phế, thận, có tác dụng ích khí sinh tân dịch, chỉ ho, thu liễm giữ tinh, bổ thận an tâm, chỉ tả lỵ mạn tính.
Trong đông y, quả Ngũ vị tử ngâm rượu được dùng trong chữa hen suyễn, ho lâu, nhiều mồ hôi, ra mồ hôi trộm, di tinh, tiêu chảy dài ngày, bồn chồn mất ngủ.
5 Cách dùng và các bài thuốc từ Ngũ vị tử
5.1 Cách dùng Ngũ vị tử
Liều dùng của Ngũ vị tử là 2-8g mỗi ngày, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc Ngũ vị tử dạng viên.
Còn trong theo Dược điển Việt Nam 5, liều lượng ngũ vị tử là ngày dùng 1,5 - 6g, phối hợp trong các bài thuốc.
5.2 Chữa bệnh thận
Chữa thận hư, tiểu đục, đau eo lưng, cứng xương sống: Dùng Ngũ vị tử 100g, sấy khô, tán nhỏ làm viên bằng hạt đỗ xanh, uống mỗi lần 30 viên với giấm.
Chữa liệt dương: Dùng Ngũ vị tử 100g, sấy khô, tán nhỏ, uống mỗi lần 4g, ngày uống 3 lần.
Chữa tỳ thận dương hư di tả: Ngũ vị tử 6g, Phá Cố Chỉ 12g, nhục đậu khấu, ngô thù du mỗi vị 4g. Tán nhỏ làm viên với đại táo và sinh khương, mỗi lần uống 10g, ngày 1 lần hòa với ít nước muối làm thang.
5.3 Chữa bệnh hô hấp
Hen phế quản: Ngũ vị tử, Bán Hạ chế mỗi vị 8g, Tế Tân, Tử Uyển, khoản đông hoa, đại táo mỗi vị 12g, ma hoàng 10g, Xạ Can 6g, Gừng sống 4g. Sắc uống.
5.4 Chữa ho suyễn
Ngũ vị tử, phèn phi đồng lượng. Tán thành bột, mỗi lần dùng 12g, cho vào giữa phổi lợn, luộc ăn hằng ngày.
5.5 Chữa người già yếu suyễn thở
Ngũ vị tử 5g, sa sâm bắc 12g, mạch môn, Ngưu Tất mỗi vị 16g. Sắc uống.
5.6 Chữa suy nhược cơ thể
Do phế khí hư: Ngũ vị tử, đẳng sâm, Hoàng Kỳ mỗi vị 10g, thục địa, tử uyển, tang bạch bì mỗi vị 12g. Sắc uống.
Do mất máu, thiếu máu: Ngũ vị tử, Cát Cánh mỗi vị 6g, Đẳng Sâm 16g, Huyền Sâm, địa hoàng mỗi vị 12g, thiên môn, Mạch Môn mỗi vị 10g, Đan sâm, Phục Linh, viễn chí, đương quy, bá tử nhân, toan táo nhân mỗi vị 8g. Sắc uống.
5.7 Chữa bệnh khác
Hỗ trợ nhồi máu cơ tim: Ngũ vị tử, Nhân Sâm, mạch môn mỗi vị 8g, Cam Thảo 6g. Sắc uống.
Suy tim: Ngũ vị tử, hoàng kỳ, phụ tử chế, mạch môn, đương quy, Trạch Tả, Mã Đề mỗi vị 12g, đan sâm, long cốt mỗi vị 16g, nhân sâm, Hồng Hoa mỗi vị 8g, đào nhân 6g. Sắc uống.
Thiếu máu: Ngũ vị tử, đương quy, Viễn Chí mỗi vị 10g, đẳng sâm 16g, phục linh, hoàng kỳ, thục địa, bạch thược, đại táo mỗi vị 12g, Bạch Truật 8g, Quế tâm, cam thảo, Trần Bì mỗi vị 6g, gừng 2g. Sắc uống.
Hỗ trợ tai biến mạch máu não: Ngũ vị tử, nhân sâm, phụ tử chế mỗi vị 8g, mạch môn, long cốt, Mẫu Lệ mỗi vị 12g. Sắc uống.
Chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hay quên: Ngũ vị tử, Đương Quy mỗi vị 8g, toan táo nhân, Hoài Sơn, long nhãn mỗi vị 12g. Sắc uống.
Bế kinh: Ngũ vị tử, cam thảo, hoàng kỳ, a giao, bán hạ chế, phục linh, đương quy, sa sâm, Thục Địa mỗi vị 40g, Bạch Thược 120g. Tán nhỏ, ngày uống 12-20g..
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Agnieszka Szopa, Radosław Ekiert, Halina Ekiert (Ngày đăng 12 tháng 5 năm 2016). Current knowledge of Schisandra chinensis (Turcz.) Baill. (Chinese magnolia vine) as a medicinal plant species: a review on the bioactive components, pharmacological properties, analytical and biotechnological studies, Springer Link. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2023.
- Tác giả Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Ngũ vị trang 232-233, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2023.
- Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Ngũ vị trang 324-325, Từ điển cây thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Ngũ vị tử trang 1273 - 1274, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 09 tháng 09 năm 2023.