Bromocriptin

2 sản phẩm

Ước tính: 6 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây Bromocriptin

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

BROMOCRIPTIN 

Tên chung quốc tế: Bromocriptine. 

Mã ATC: N04BC01, G02CB01. 

Loại thuốc: Thuốc chủ vận đối với thụ thể dopamin; thuốc ức chế prolactin. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén bromocriptin mesilat: 0,8 mg; 2,5 mg (tính theo bromocriptin).

Viên nang bromocriptin mesilat: 5 mg, 10 mg (tính theo bromocriptin).

2 Dược lực học 

Bromocriptin là một dẫn chất từ nấm cựa gà, có tác dụng chủ vận của thụ thể dopamin, gây hoạt hóa thụ thể sau synap của dopamin. Bromocriptin là thuốc chủ vận mạnh nhóm thụ thể D2 của dopamin và là thuốc đối kháng một phần của nhóm thụ thể D1

Bromocriptin là thuốc không có tác dụng hormon, không có tác dụng oestrogen, làm giảm nồng độ prolactin huyết thanh bằng cách ức chế tiết prolactin từ thủy trước tuyến yên theo cơ chế tác dụng trực tiếp lên tuyến yên và/hoặc bằng cách kích thích các thụ thể dopamin sau synap ở vùng dưới đồi để giải phóng yếu tố ức chế prolactin qua một con đường catecholamin phức tạp. 

Tác dụng chính của bromocriptin được chia thành tác dụng trên nội tiết và thần kinh. 

2.1 Tác dụng trên nội tiết

Bromocriptin ức chế đặc hiệu tiết hormon prolactin của thùy trước tuyến yên mà không ảnh hưởng đến các hormon khác của tuyến yên. Tuy nhiên, bromocriptin có thể làm giảm nồng độ của hormon tăng trưởng (GH) ở bệnh nhân mắc chứng to đầu chi. Những tác dụng này là do kích thích các thụ thể dopamin. 

Bromocriptin có thể được sử dụng để ngăn ngừa hoặc ức chế tiết sữa sinh lý cũng như để điều trị các trạng thái bệnh lý do prolactin gây ra. Đối với trường hợp vô kinh và/hoặc rụng trứng (có hoặc không có đa tiết sữa), bromocriptin có thể được sử dụng để phục hồi chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng. 

Không cần thiết áp dụng các biện pháp thường được thực hiện trong quá trình ức chế tiết sữa như hạn chế uống chất lỏng khi dùng bromocriptin. Ngoài ra, bromocriptin không làm suy giảm sự phát triển hậu sản của tử cung và không làm tăng nguy cơ huyết khối tắc mạch. 

Bromocriptin đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự phát triển hoặc làm giảm kích thước của u tuyến yên tiết prolactin (prolactinomas). 

Bromocriptin cải thiện các triệu chứng lâm sàng của hội chứng buồng trứng đa nang bằng cách khôi phục tiết LH bình thường. Ở những bệnh nhân to đầu chi, ngoài việc làm giảm nồng độ hormon tăng trưởng và prolactin trong huyết thanh, bromocriptin còn có tác dụng trên các triệu chứng lâm sàng và khả năng dung nạp glucose.  

Ở những bệnh nhân đái tháo đường typ 2, dùng bromocriptin vào buổi sáng đúng giờ có liên quan đến việc tăng độ nhạy Insulin và thải Glucose, đồng thời giảm tình trạng tăng đường huyết lúc đói và sau ăn trong suốt các bữa ăn trong ngày mà không làm tăng mức insulin huyết thanh. 

2.2 Tác dụng trên thần kinh

Trong điều trị bệnh Parkinson, một trạng thái lâm sàng bị ảnh hưởng bởi tổng hợp dopamin trong chất đen (substantia nigra) bị suy giảm dần, bromocriptin có hiệu quả do thuốc kích thích trực tiếp các thụ thể dopamin trong thế vẫn (corpus striatum) với liều lượng thường cao hơn liều chỉ định cho nội tiết. 

Về mặt lâm sàng, bromocriptin cải thiện tình trạng run, cứng khớp, chậm chạp và các triệu chứng Parkinson khác ở tất cả các giai đoạn của bệnh. Thông thường hiệu quả điều trị kéo dài trong nhiều năm (cho đến nay, kết quả tốt đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị đến tám năm). 

Bromocriptin có thể được dùng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị Parkinson khác ở giai đoạn đầu cũng như giai đoạn nặng. Phối hợp với Levodopa làm tăng tác dụng điều trị Parkinson, thường có thể làm giảm liều levodopa. Bromocriptin mang lại lợi ích đặc biệt cho những bệnh nhân đang điều trị levodopa có đáp ứng điều trị xấu đi hoặc các biến chứng như cử động bất thường không tự chủ (loạn vận động múa giật và/hoặc đau loạn trương lực cơ), thất bại khi kết thúc liều và hiện tượng 'bật - tắt’. 

Bromocriptin cải thiện triệu chứng trầm cảm thường thấy ở bệnh nhân Parkinson, các đặc tính chống trầm cảm đã được chứng minh bởi các nghiên cứu có kiểm soát ở bệnh nhân không Parkinson bị trầm cảm nội sinh hoặc tâm thần. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Nghiên cứu dược động học và chuyển hóa bromocriptin ở người với thuốc có gắn phóng xạ cho thấy có khoảng 28% liều uống được hấp thu qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên do bị chuyển hóa đáng kể, chỉ khoảng 6% liều uống vào được hệ tuần hoàn dưới dạng không đổi. 

3.2 Phân bố

Thử nghiệm in vitro cho thấy 90 - 96% thuốc gắn với Albumin huyết thanh. 

3.3 Chuyển hóa

Phần lớn thuốc được chuyển hóa ở gan, chủ yếu bằng cách thủy phân liên kết amid tạo ra acid lysergic và peptid. Các chất chuyển hóa không có tác dụng dược lý và không có độc tính. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau khi uống là 1 - 2 giờ. Với liều 2,5 mg bromocriptin gắn phóng xạ, nồng độ đỉnh trong huyết thanh của thuốc chưa biến đổi và các chất chuyển hóa đạt khoảng 4 - 6 nanogam/ml. Với một mức liều cố định, nồng độ trong huyết tương dao động rất lớn giữa các cá thể. Hiện chưa biết mức nồng độ bromocriptin trong huyết tương là bao nhiêu thì có thể gây tác dụng hạ prolactin huyết và điều trị bệnh Parkinson. Sau khi uống liều đơn 1,25 - 5 mg bromocriptin, nồng độ prolactin huyết thanh giảm trong vòng 2 giờ, giảm tối đa sau 8 giờ và tiếp tục giảm sau 24 giờ. Mức giảm tối đa đạt được ở người bệnh tăng prolactin huyết thanh thường xảy ra trong vòng 4 tuần đầu của liệu pháp điều trị bằng bromocriptin. Liều đơn 2,5 mg cũng làm giảm đáng kể nồng độ hormon tăng trưởng ở người bệnh to đầu chi trong vòng 1 - 2 giờ và mức nồng độ giảm này được kéo dài trong khoảng ít nhất 4 - 5 giờ. 

3.4 Thải trừ

Quá trình thải trừ bao gồm hai giai đoạn: Nửa đời thải trừ ban đầu 4 - 4,5 giờ; nửa đời thải trừ: 45 - 50 giờ. Đường thải trừ chủ yếu của thuốc đã hấp thu là qua mật. Chỉ có 2,5 - 5,5% liều thuốc thải trừ trong nước tiểu. Hầu như toàn bộ (84,6%) liều uống thải trừ theo phân trong vòng 120 giờ. 

4 Chỉ định 

4.1 Ức chế tiết sữa vì lý do y tế

Chỉ ngăn ngừa hoặc gây ngừng tiết sữa sinh lý sau đẻ khi có chỉ định về mặt y tế (như trong trường hợp sảy thai, trẻ sơ sinh tử vong, mẹ nhiễm HIV). 

Không khuyến cáo dùng bromocriptin thường quy để ức chế tiết sữa hoặc để giảm các triệu chứng đau và căng sữa sau sinh có thể được điều trị đầy đủ bằng can thiệp không dùng thuốc (như nâng đỡ vụ chắc, chườm đá) và/hoặc thuốc giảm đau đơn giản. 

4.2 Tăng prolactin huyết

Điều trị tăng prolactin huyết ở nam giới và phụ nữ bị thiểu sinh dục và/hoặc bệnh đa tiết sữa. 

4.3 Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và vô sinh nữ

Vô kinh và thiểu kinh, có hoặc không có đa tiết sữa. 

Rối loạn tăng prolactin huyết do thuốc. 

Hội chứng buồng trứng đa nang. 

Phụ nữ vô sinh bị thiểu kinh hoặc vô kinh và bệnh đa tiết sữa có thể rất nhạy cảm với prolactin. 

Phụ nữ vô sinh mắc bệnh đa tiết sữa không tăng prolactin huyết. 

4.4 U tuyến yên tiết prolactin (Prolactinomas)

Để giảm kích thước khối u, đặc biệt ở những người có nguy cơ chèn ép dây thần kinh thị giác. 

4.5 To đầu chi

Bromocriptin đã được sử dụng hỗ trợ cho phẫu thuật và/hoặc xạ trị để làm giảm hormon tăng trưởng trong điều trị bệnh nhân to đầu chi. 

4.6 Bệnh Parkinson

Trong điều trị bệnh Parkinson tự phát, bromocriptin đã được sử dụng đơn độc và phối hợp với levodopa để điều trị những bệnh nhân chưa được điều trị trước đó và những người bị tàn tật bởi hiện tượng “bật - tắt”. 

Bromocriptin đã được sử dụng ở những bệnh nhân không đáp ứng hoặc không thể dung nạp levodopa và những người đang giảm đáp ứng với levodopa. 

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt và bệnh vú lành tính. 

Hỗ trợ cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở người lớn mắc bệnh đái tháo đường typ 2. 

4.7 Hạn chế sử dụng

Dữ liệu về hiệu quả hạn chế khi phối hợp với thiazolidinedion. 

Hiệu quả chưa được xác nhận khi phối hợp với insulin. 

5 Chống chỉ định 

Quá mẫn với bromocriptin, alcaloid nấm cựa gà. 

Tăng huyết áp không kiểm soát được; mang thai (đánh giá nguy cơ và lợi ích phải được thực hiện ở những phụ nữ mang thai trong thời gian điều trị bệnh to đầu chi, u tiết prolactin hoặc bệnh Parkinson - tăng huyết áp trong khi điều trị thường dẫn đến ngừng thuốc), người bệnh đang được điều trị chứng tăng prolactin huyết, phải ngừng dùng bromocriptin khi mang thai; phụ nữ sau sinh có tiền sử bệnh mạch vành hoặc các tình trạng tim mạch nặng khác, có triệu chứng hoặc tiền sử rối loạn tâm thần nặng; nhiễm độc huyết thai nghén. 

Đối với điều trị lâu dài: người có bằng chứng của bệnh van tim bằng siêu âm tim trước điều trị. 

Với hàm lượng 0,8 mg để phối hợp điều trị đái tháo đường typ 2. 

Đau nửa đầu; bệnh nhân hậu sản; bệnh nhân đang cho con bú. 

Bromocriptin không được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường typ hoặc nhiễm toan ceton do đái tháo đường. 

6 Thận trọng 

6.1 Thận trọng liên quan đến ADR 

Xơ hóa van tim: Sử dụng lâu dài, mãn tính alcaloid nấm cựa gà và các dẫn xuất có liên quan đến sự dày lên của van xơ (ví dụ, động mạch chủ, hai lá, ba lá).  

Tác dụng lên tim mạch: Có thể xảy ra hạ huyết áp, bao gồm hạ huyết áp thế đứng và ngất, đặc biệt khi bắt đầu điều trị và tăng liều. Ngoài ra, tăng huyết áp, co giật, nhồi máu cơ tim và đột quỵ đã được báo cáo. Đau đầu dữ dội hoặc thay đổi thị giác có thể là dấu hiệu báo trước. Các phản ứng có thể khởi phát ngay lập tức hoặc chậm (thường có thể xảy ra vào tuần điều trị thứ hai). Ngừng điều trị và đánh giá ngay nếu tăng huyết áp, đau đầu dữ dội, tiến triển hoặc không ngừng (có hoặc không kèm theo rối loạn thị giác), hoặc bằng chứng về nhiễm độc TKTW. Trong một tuyên bố khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bromocriptin đã được xác định là một tác nhân có thể gây độc trực tiếp cho cơ tim. 

Ức chế TKTW: Có thể gây ức chế TKTW, có thể làm suy giảm khả năng thể chất hoặc tinh thần, và khởi phát cơn ngủ đột ngột, đặc biệt ở bệnh nhân Parkinson; bệnh nhân phải được cảnh báo khi thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo về tinh thần (ví dụ: vận hành máy móc hoặc lái xe). Cân nhắc giảm liều hoặc ngừng điều trị nếu xảy ra các triệu chứng. 

Ảo giác: Ảo giác thị giác hoặc thính giác có thể xảy ra khi dùng đơn độc hoặc đồng thời với levodopa; có thể cần giảm liều hoặc ngừng thuốc. Các triệu chứng có thể dai dẳng trong vài tuần sau khi ngừng thuốc. 

Rối loạn kiểm soát xung động: Các chất chủ vận dopamin được sử dụng cho bệnh Parkinson hoặc hội chứng chân không yên có liên quan đến các hành vi cưỡng chế và/hoặc mất kiểm soát xung động, biểu hiện như mới xuất hiện hoặc gia tăng các ham muốn cờ bạc, ham muốn tình dục, chi tiêu không kiểm soát hoặc các thôi thúc dữ dội khác. Việc giảm liều hoặc ngừng điều trị sẽ đảo ngược những hành vi này trong một số, nhưng không phải tất cả các trường hợp. 

Khối u ác tính: Nguy cơ phát triển khối u ác tính tăng ở bệnh nhân Parkinson; tuy nhiên chưa xác định được nguyên nhân do thuốc hay các yếu tố nguy cơ. Theo dõi chặt chẽ tất cả các bệnh nhân về khối u ác tính và thực hiện khám da định kỳ. 

Xơ hóa màng phổi/sau phúc mạc: Các trường hợp tràn dịch màng phổi và màng ngoài tim, cũng như xơ hóa màng phổi, phổi, và/ hoặc sau phúc mạc và viêm màng ngoài tim co thắt đã được báo cáo khi sử dụng liều cao và kéo dài hàng ngày. Ngừng điều trị nếu nghi ngờ có xơ hóa. 

6.2 Thận trọng liên quan đến bệnh 

Bệnh tim mạch: Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim; loạn nhịp nhĩ, nút hoặc thất). 

Sa sút trí tuệ: Sử dụng thận trọng cho bệnh nhân sa sút trí tuệ; liều cao có thể liên quan đến lú lẫn và rối loạn tâm thần. 

Suy gan: Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy gan; có thể cần điều chỉnh liều lượng do chuyển hóa rộng rãi qua gan. 

U to ở tuyến yên: Việc ngừng điều trị ở những bệnh nhân mắc u to ở tuyến có liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của khối u và tăng nồng độ prolactin trong huyết thanh. 

Bệnh loét dạ dày tá tràng: Thận trọng khi dùng cho những bệnh nhân bị bệnh loét dạ dày tá tràng; xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng đã được báo cáo (một số trường hợp tử vong). 

U tuyến tiết prolactin: Rò dịch não tủy đã được quan sát thấy ở một số bệnh nhân này. 

Rối loạn tâm thần: Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân loạn thần; chất chủ vận dopamin có thể làm trầm trọng thêm rối loạn hoặc làm giảm hiệu quả của các loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần. Không khuyến cáo sử dụng ở những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nặng. 

6.3 Thận trọng ở quần thể đặc biệt 

Bệnh nhân hậu sản (phụ nữ sau sinh): Các biến cố bất lợi, chẳng hạn như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn tâm thần, co giật và đột quỵ đã được báo cáo ở bệnh nhân hậu sản; những phản ứng này có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Nguy cơ có thể tăng lên ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. 

6.4 Thay đổi giữa các hàm lượng 

Do sự khác biệt về dạng bào chế, hàm lượng thuốc và dược động học của bromocriptin để điều trị đái tháo đường so với các công thức khác của bromocriptin, không nên dùng bất kỳ sản phẩm bromocriptin nào khác để điều trị đái tháo đường typ 2. 

6.5 Thận trọng khác 

Ngừng điều trị: Thuốc dopaminergic có liên quan đến hội chứng giống hội chứng an thần kinh ác tính khi ngừng thuốc đột ngột hoặc giảm liều đáng kể sau khi sử dụng lâu dài. Khuyến cáo giảm liều từ từ khi ngừng điều trị. 

7 Thời kỳ mang thai 

Những nghiên cứu rộng lớn và dài hạn trên người không cho thấy bromocriptin làm tăng tỷ lệ khuyết tật sơ sinh. Tuy nhiên, không khuyến cáo dùng bromocriptin trong thời kỳ mang thai. Phải ngừng thuốc ngay nếu phát hiện có thai khi dùng thuốc và phải theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ. Ở người bệnh u tuyến yên, một số thầy thuốc ủng hộ dùng bromocriptin để phòng ngừa hoặc điều trị khối u phát triển trong thai kỳ. Nồng độ prolactin ở thai nhi bị giảm nhưng nồng độ ở dịch màng ối không bị ảnh hưởng và nồng độ prolactin ở trẻ sơ sinh trở về mức bình thường sau khi sinh. Trong trường hợp dùng trở lại bromocriptin để kiểm soát một u tuyến to phát triển nhanh cho người tăng huyết áp do thai nghén, phải cân nhắc giữa lợi ích do tiếp tục dùng bromocriptin và nguy cơ có thể xảy ra trong khi tăng huyết áp do thai nghén. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Không được dùng bromocriptin cho người cho con bú, thuốc phân bố vào sữa và bromocriptin ảnh hưởng đến việc tiết sữa. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

ADR của bromocriptin giống như của levodopa. Bên cạnh những ADR có liên quan với tác dụng trên thụ thể của dopamin, bromocriptin có chung một số tính chất với những hợp chất từ nấm cựa gà. Tỷ lệ ADR cao, đặc biệt lúc bắt đầu điều trị và với liều dùng trên 20 mg/ngày. Khoảng 70% bệnh nhân dùng bromocriptin điều trị các rối loạn do prolactin huyết cao gặp các tác dụng không mong muốn, trong đó 5% phải ngừng thuốc. 

9.1 Thường gặp 

TKTW: trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, hoang tưởng. 

Tim mạch: hạ huyết áp, hiện tượng Raynaud. 

Tiêu hóa: buồn nôn, táo bón, chán ăn. 

Thần kinh - cơ và xương: chuột rút. 

Hô hấp: ngạt mũi

9.2 Ít gặp 

TKTW: chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu, cơn co giật, rối loạn vận động. 

Tim mạch: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, ngất, hạ huyết áp thế đứng. 

Tiêu hóa: nôn, co cứng cơ bụng, khó nuốt, loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, khô miệng. 

Tâm thần: lú lẫn, kích động tâm thần, ảo giác. 

Hô hấp: sung huyết mũi. 

9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Tuy hiếm, nhưng đã ghi nhận hạ huyết áp đáng kể sau liều bromocriptin đầu tiên, do đó phải bắt đầu dùng liều thấp và tăng dần từ từ, đặc biệt ở người bệnh đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp khác hoặc có tiền sử hạ huyết áp thế đứng từ trước. Có thể làm giảm co thắt mạch ngón tay nhạy cảm với lạnh xảy ra ở một số người có bệnh to đầu chỉ được điều trị bằng bromocriptin bằng cách giảm liều và có thể dự phòng bằng cách giữ ấm ngón tay. Phải theo dõi cẩn thận người bệnh có tiền sử loét dạ dày hoặc chảy máu Đường tiêu hóa trong khi điều trị với bromocriptin. 

Ảo giác thường giảm khi giảm liều; đôi khi phải ngừng bromocriptin. Để làm giảm tỷ lệ các tác dụng không mong muốn, nên điều chỉnh liều lượng ở những khoảng cách từ 3 đến 7 ngày, nên uống thuốc cùng với thức ăn và nên uống một phần hoặc toàn bộ liều thuốc vào lúc đi ngủ, đặc biệt là liều đầu tiên. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng

Bromocriptin mesilat nên được uống cùng với thức ăn. Liều dùng phải được xem xét cẩn thận với từng bệnh nhân, thường xuyên theo dõi trong khi tăng dần liều để xác định liều thấp nhất có tác dụng điều trị. Có thể phải giảm liều tạm thời hoặc ngừng thuốc nếu bệnh nhân gặp nhiều tác dụng không mong muốn. 

10.2 Liều lượng 

10.2.1 Người lớn 

đái tháo đường typ 2 (chi với hàm lượng 0,8 mg)

Uống: Khởi đầu: 0,8 mg × 1 lần/ngày vào buổi sáng trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy; có thể tăng mỗi tuần 0,8 mg nếu dung nạp; liều thông thường: 1,6 - 4,8 mg × 1 lần/ngày (tối đa: 4,8 mg/ngày). Nếu quên thuốc, dùng vào sáng hôm sau với liều bình thường. 

Tăng prolactin huyết: Uống: Khởi đầu: 1,25 - 2,5 mg mỗi ngày; có thể tăng 2,5 mg mỗi ngày nếu dung nạp sau mỗi 2 - 7 ngày, cho đến khi đáp ứng tối ưu (khoảng liều: 2,5 - 15 mg/ngày). 

Ức chế tiết sữa vì lý do y tế: Ngăn ngừa tiết sữa: 2,5 mg vào ngày dự sinh, tiếp theo 2,5 mg × 2 lần/ngày trong 14 ngày. Nên điều trị sau khi sinh vài giờ, khi các dấu hiệu sinh tồn đã ổn định; Ngừng tiết sữa: 2,5 mg ngày đầu, sau 2 - 3 ngày tăng dần lên 2,5 mg x 2 lần/ngày trong 14 ngày. 

Suy sinh dục/Hội chứng đa tiết sữa/Vô sinh 

Hầu hết bệnh nhân tăng prolactin huyết đều đáp ứng với 7,5 mg mỗi ngày, chia làm nhiều lần, có thể dùng đến liều 30 mg mỗi ngày. Ở những bệnh nhân hiếm muộn có nồng độ prolactin huyết thanh tăng không rõ rệt, liều thông thường là 2,5 mg x 2 lần/ngày. 

U tuyến yên tiết prolactin 

Khởi đầu 1 - 1,25 mg mỗi ngày, dùng trước khi đi ngủ, theo lịch trình dự kiến. Sau đó, có thể tăng liều 2,5 mg mỗi ngày sau mỗi 2 - 3 ngày, như sau: 2,5 mg mỗi 8 giờ; 2,5 mg mỗi 6 giờ; 5 mg mỗi 6 giờ. Liều hàng ngày không được vượt quá 30 mg. 

To đầu chi 

Khởi đầu 1 - 1,25 mg mỗi ngày, dùng trước khi đi ngủ, theo lịch trình dự kiến. Sau đó có thể tăng liều 2,5 mg mỗi 2 - 3 ngày như sau: 2,5 mg mỗi 8 giờ; 2,5 mg mỗi 6 giờ; 5 mg mỗi 6 giờ. 

Parkinson: Tuần 1: 1 - 1,25 mg trước khi đi ngủ. Tuần 2: 2 - 2,5 mg khi đi ngủ. Tuần 3: 2,5 mg x 2 lần/ngày. Tuần 4: 2,5 mg × 3 lần/ngày. Sau đó, tăng 2,5 mg mỗi 3 - 14 ngày, tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân. Tiếp tục cho đến khi đạt được liều tối ưu, thường từ 10 - 30 mg mỗi ngày. Liều hàng ngày không được vượt quá 30 mg. Ở những bệnh nhân đã dùng levodopa, có thể giảm dần liều levodopa, trong khi tăng liều của bromocriptin cho đến khi xác định được sự cân bằng tối ưu. 

10.2.2 Trẻ em và thanh thiếu niên (từ 7 - 17 tuổi) 

U tuyến yên tiết prolactin: Trẻ em từ 7 tuổi trở lên: 1 mg, uống 2 hoặc 3 lần mỗi ngày, tăng dần mỗi ngày theo đáp ứng để duy trì đầy đủ tác dụng ức chế prolactin huyết tương. Liều tối đa hàng ngày được khuyến cáo ở trẻ em từ 7 - 12 tuổi là 5 mg. Liều tối đa hàng ngày được khuyến cáo ở trẻ 13 - 17 tuổi là 20 mg. 

To đầu chi: Trẻ em từ 7 tuổi trở lên; Liều khởi đầu nên dựa vào nồng độ hormon tăng trưởng. Liều tối đa hàng ngày được khuyến cáo ở trẻ em từ 7 - 12 tuổi là 10 mg. Liều tối đa hàng ngày được khuyến cáo ở trẻ em 13 - 17 tuổi là 20 mg. 

10.2.3 Người cao tuổi 

Không có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy bromocriptin gây nguy cơ đặc biệt cho người cao tuổi. 

10.2.4 Bệnh nhân suy gan 

Có thể cần điều chỉnh liều ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan do tốc độ đào thải thuốc có thể giảm và nồng độ thuốc trong huyết tương có thể tăng lên. 

11 Tương tác thuốc 

Bromocriptin mesylat liên kết nhiều với protein huyết thanh. Do đó, bromocriptin có thể làm tăng tỷ lệ tự do của các thuốc dùng đồng thời có tỷ lệ liên kết protein cao (như salicylat, sulfonamid, Cloramphenicol và probenecid), có thể làm thay đổi hiệu quả và nguy cơ gặp tác dụng phụ. 

Bromocriptin là chất chủ vận thụ thể dopamin. Sử dụng đồng thời các chất đối kháng thụ thể dopamin, chẳng hạn như thuốc an thần kinh (như phenothiazin, butyrophenon, thioxanthen), hoặc metoclopramid có thể làm giảm hiệu quả của bromocriptin và ngược lại bromocriptin có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc. Sử dụng đồng thời bromocriptin với các thuốc này chưa được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng và không được khuyến cáo. 

Bromocriptin kết hợp với các loại thuốc dẫn chất của nấm cựa gà có thể làm tăng xuất hiện các tác dụng phụ liên quan đến nấm cựa gà, như buồn nôn, nôn và mệt mỏi, và cũng có thể làm giảm hiệu quả của các dẫn chất nấm cựa gà khi điều trị chứng đau nửa đầu. Không khuyến cáo dùng đồng thời các dẫn chất nấm cựa gà trong vòng 6 giờ sau khi dùng bromocriptin. 

Bromocriptin được chuyển hóa nhiều qua gan bởi CYP3A4. Do đó, chất ức chế hoặc chất cảm ứng mạnh CYP3A4 có thể làm tăng hoặc giảm nồng độ của bromocriptin trong tuần hoàn. Thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế hoặc cảm ứng bromocriptin. 

Liều bromocriptin không được vượt quá 1,6 mg x 1 lần/ngày khi sử dụng đồng thời với chất ức chế CYP3A4 trung binh (như Erythromycin). Nên tránh sử dụng đồng thời các chất ức chế CYP3A4 mạnh (như thuốc chống nấm azol, chất ức chế Protease HIV) với bromocriptin. Đảm bảo thuốc ức chế CYP3A4 mạnh được thải trừ hết trước khi bắt đầu điều trị bromocriptin. 

Có những báo cáo sau khi đưa thuốc ra thị trường về tăng huyết áp và nhịp tim nhanh khi dùng đồng thời bromocriptin với các thuốc có tác dụng giống giao cảm (như phenylpropanolamin và isomethepten) ở phụ nữ sau sinh. Có một số ít dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ủng hộ sự an toàn của việc dùng đồng thời thuốc có tác dụng giống giao cảm và bromocriptin trên 10 ngày. Do đó, không nên sử dụng đồng thời các thuốc này với bromocriptin trong thời gian trên 10 ngày. 

Ngoài ra, có một số ít dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ủng hộ sự an toàn của việc sử dụng đồng thời bromocriptin với các chất chủ vận chọn lọc 5-hydroxytryptamin1B (5 HT1B) (như Sumatriptan), do đó, nên tránh sử dụng đồng thời. 

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Triệu chứng

Quá liều bromocriptin có thể dẫn đến nôn và các triệu chứng khác, có thể do kích thích quá mức các thụ thể dopaminergic và có thể bao gồm buồn nôn, chóng mặt, hạ huyết áp, hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh, buồn ngủ, ngủ gà, hôn mê, lú lẫn và ảo giác. Nên thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ chung để loại bỏ các chất không hấp thu và duy trì huyết áp nếu cần thiết. 

Đã có những báo cáo về trẻ em vô tình ăn phải bromocriptin. Các tác dụng phụ đã được báo cáo bao gồm nôn, ngủ gà và sốt. Bệnh nhân tự hồi phục trong vòng vài giờ hoặc sau khi điều trị triệu chứng. 

12.2 Xử trí

Trong trường hợp mới uống: Nên dùng than hoạt, có thể cân nhắc rửa dạ dày.

Xử trí triệu chứng nhiễm độc cấp tính: Có thể cần dùng metoclopramid để điều trị nôn hoặc ảo giác. 

Có thể điều trị hạ huyết áp bằng cách để bệnh nhân nằm ở tư thế Trendelenburg và truyền dịch, cân nhắc dùng thuốc vận mạch nếu không tăng được huyết áp. 

Cập nhật lần cuối: 2021

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Bromocriptin

Parcitin 25
Parcitin 25
Liên hệ
Parlodel 2,5mg Meda Pharma
Parlodel 2,5mg Meda Pharma
450.000₫
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633