Bari Sulfat

0 sản phẩm

Bari Sulfat

Ngày đăng:
Cập nhật:

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

BARI SULFAT 

Tên chung quốc tế: Barium sulfate. 

Mã ATC: V08BA01, V08BA02. 

Loại thuốc: Thuốc cản quang (không phối hợp) đường tiêu hóa. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Hỗn dịch uống: 96,25% (bình 300 ml), 100% (bình 300 ml). 

Bột nhão uống: Tuýp 150 g (70 g bari sulfat/100 g). 

Túi thụt trực tràng: 70% (400 ml) (cung cấp trong bộ thụt trực tràng). Bột pha hỗn dịch: 140 g, 200 g. 

Viện nén: 650 mg. 

2 Dược lực học 

Bari sulfat là một muối kim loại không hòa tan trong nước và trong các dung môi hữu cơ, rất ít tan trong acid và hydroxyd kiềm. Bari sulfat thường được dùng dưới dạng hỗn dịch uống hoặc thụt hậu môn, hoặc dưới dạng bột nhão uống để làm chất cản quang trong xét nghiệm X-quang đường tiêu hóa. Bari là một kim loại có khối lượng nguyên tử 137, có tính chất hấp thụ mạnh tia X. Hỗn dịch hoặc bột nhão bari sulfat tùy theo nồng độ được dùng theo đường uống hay đường trực tràng để bao phủ lên ống tiêu hóa làm rõ tổn thương trên phim X-quang, dùng trong kỹ thuật tương phản đơn hoặc kép hoặc chụp cắt lớp điện toán. 

Hỗn dịch bari sulfat ổn định, đồng nhất, có tỷ trọng 1,8 g/cm với nồng độ 1 g bari sulfat trong 1 ml và có độ nhớt 2 000 cP, ở nhiệt độ 25 °C. 

Vì bari sulfat không hòa tan trong nước nên không có độc tính nặng như ion bari. Tử vong đã xảy ra khi dùng nhầm bari sulfid là một chất hòa tan trong nước. 

3 Dược động học 

Do tính chất không hòa tan trong nước và trong các dung môi hữu cơ nên bari sulfat không hấp thu qua đường tiêu hóa. 

4 Chỉ định 

Thuốc cản quang dùng để thăm khám bằng X-quang toàn bộ đường tiêu hóa và theo dõi thời gian vận chuyển qua đường tiêu hóa. 

Chống chỉ định 

Tắc nghẽn hoặc thủng trên đường tiêu hóa. 

5 Thận trọng 

Bari sulfat không được chỉ định cho người bệnh bị tắc ruột và phải thận trọng đối với người có chứng hẹp môn vị hoặc có tổn thương dễ dẫn đến tắc nghẽn ống tiêu hóa. Phải tránh dùng thuốc, nhất là cho qua đường hậu môn, ở những người có nguy cơ bị thủng như trong viêm đại tràng loét cấp hoặc viêm túi thừa Meckel, sau khi làm sinh thiết trực tràng hoặc đại tràng, soi đại tràng sigma hoặc quang tuyến liệu pháp. 

Thận trọng đối với người bị suy kiệt nặng. Để tránh táo bón sau khi dùng bari sulfat, cần cho người bệnh uống nước đủ.  

Vì bari sulfat có tính chất trơ nên những vết mổ còn để lại sẽ cản trở cho những lần chụp X-quang tiếp theo. 

6 Thời kỳ mang thai 

Chưa có tài liệu nghiên cứu cho thấy tai biến khi dùng bari sulfat cho người mang thai. Nói chung, nên tránh tất cả các loại thăm dò bằng X-quang ở người mang thai. 

7 Thời kỳ cho con bú 

Chưa có tài liệu nghiên cứu cho thấy tại biển khi dùng bari sulfat cho người cho con bú. Nói chung, cần thận trọng khi dùng thuốc cho người mẹ đang cho con bú. 

8 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Thường gặp và rất thường gặp 

Tiêu hóa: Táo bón (có thể ngăn ngừa táo bón bằng cách cho người bệnh dùng thuốc nhuận tràng nhẹ sau khi kiểm tra X-quang). 

Hiếm gặp và rất hiếm gặp 

Toàn thân: dị ứng phản vệ (khi dùng hỗn dịch bari sulfat). 

Da: nổi mày đay, phù mặt. 

9 Liều lượng và cách dùng 

Liều lượng bari sulfat phụ thuộc vào loại thăm khám và kỹ thuật dùng. 

  • Thực quản: Uống ≤ 150 ml hỗn dịch nồng độ 50 - 200% (khối lượng/thể tích). 

  • Dạ dày và tá tràng: Uống ≤ 300 ml hỗn dịch nồng độ 30 - 200%. 

  • Tiểu tràng: Uống 100 - 300 ml hỗn dịch nồng độ 30 - 150%. 

  • Đại tràng: Thụt 200 ml tới 2 lít hỗn dịch có nồng độ 20 - 130%. 

  • Phần trên ống tiêu hóa (hầu, hạ hầu, thực quản): Uống bột nhão 2 - 4 thìa canh tùy theo vị trí thăm khám. Để có các hình ảnh tốt nhất (không có bọt không khí), phải nuốt không nhai. 

Thăm khám X-quang phải thực hiện lúc đói đối với ống tiêu hóa phần trên. Đối với đường tiêu hóa dưới, phải thụt tháo buổi tối và ăn chế độ ít cặn bã 3 ngày trước khi xét nghiệm. 

Hỗn dịch có nồng độ 1,6 - 2,2% có thể dùng để chụp cắt lớp điện toán đường tiêu hóa. 

Để thực hiện tương phản kép, có thể đưa khí vào đường tiêu hóa bằng cách dùng các hỗn dịch bari sulfat chứa carbon dioxyd. Cũng có các chế phẩm có Natri bicarbonat để tạo khí riêng. Không khí có thể đưa vào qua một ống để thay thế carbon dioxyd. 

Thuốc cản quang và siêu âm đều đã được dùng để chẩn đoán lồng ruột, nhưng siêu âm thường được đánh giá cao hơn trong chẩn đoán, còn thụt để dành cho tháo lồng ruột. Hỗn dịch bari sulfat đã được dùng từ nhiều năm để chẩn đoán lồng ruột và tháo lồng, nhưng hiện nay nhiều nơi đã thay thế hỗn dịch bari sulfat bằng thụt tháo lồng bằng không khí hoặc bằng thụt nước muối có siêu âm hướng dẫn để giảm nguy cơ viêm màng bụng do chất hóa học nếu xảy ra thủng ruột. 

10 Quá liều và xử trí 

Khi chỉ định nhầm hoặc do quá trình chụp gây thủng, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn (do vi khuẩn trong ống tiêu hóa), làm nghẽn mạch (trong trường hợp xuất huyết). 

Cần phải mổ cấp cứu, làm sạch tại chỗ càng sớm càng tốt (trước 6 giờ). 

Cập nhật lần cuối: 2017
 

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Bari Sulfat

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633