Biển Súc (Rau Đắng - Polygonum aviculare)
54 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Caryophyllales (Cẩm chướng) |
Họ(familia) | Polygonaceae (Rau răm) |
Chi(genus) | Polygonum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Polygonum aviculare L. |
Trungtamthuoc.com - Biển súc, thường gọi là Rau đắng, là một vị thuốc có tác dụng lợi tiểu, chống viêm; được sử dụng để điều trị viêm bàng quang... Hãy cùng theo dõi các thông tin chi tiết về vị thuốc này nhé.
1 Giới thiệu về cây Biển Súc
Biển Súc, còn có tên gọi khác là cây càng tôm, cây xương cá và rau đắng, có tên khoa học của là Polygonum aviculare L., thuộc họ Rau răm Polygonaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Biển Súc (Rau đắng) là gì? Đây là một loại cây thân thảo hàng năm, phát triển mạnh mẽ và phân bố rộng rãi chủ yếu ở các cánh đồng hoặc ven đường.
Thân cỏ ba lá mọc thẳng đứng và trải dài trên mặt đất. Thân mảnh (đường kính 0,5–2 mm), phân nhánh, có đốt, hình trụ và có vân dọc. Chiều dài trung bình của thân cây là 30 cm. Lá nhỏ, hẹp, hình mũi mác, không cuống và nhẵn. Đặc điểm của cây là lá kèm giống như bẹ (ochrea) có dạng màng rách màu bạc và nâu ở gốc.
Hoa mọc thành cụm ở nách lá, rất nhỏ, có 5 đốt bao hoa màu trắng xanh, đầu mút thường có màu đỏ, thường ra hoa từ tháng 6 đến tháng 9. Quả (2–4 mm) hình trứng màu nâu đến đen, quả hạch hình tam giác, thường có dấu chấm hoặc vân, bên trong chứa một hạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thu hái vào lúc ra hoa, có thể dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Biển Súc phân bố ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt, bao gồm các nước như Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia... Ở Việt Nam, Biển Súc được tìm thấy ở các vùng đồng bằng, trung du và vùng núi thấp.
2 Thành phần hóa học
Flavonoid (0,1-1%; hiếm khi 2,5-3%): dẫn xuất của kaempferol, quercetin và myricetin, đặc biệt là avicularin, juglanin, hyperoside, quercitrin, quercetin-3-galactoside, cũng như vitexin, isovitexin, rhamnetin-3-Ogalactoside, rhamnazin hydro sulfat, myricetin-3-O-fhamnoside, Rutin, astragalin, isoquercitrin, miquelianin, spiraeoside, orientin, myricitrin, desmanthin-1 , luteolin, betmidin, taxifolin, isorhamnetin, apigenin. Gần đây một số flavonoid mới đã được phân lập: liquiritin và cinaroside, 5,7-dihydroxy-6-methoxyflavane, 5,7-dihydroxy flavane, 5,7-dimethoxy-4’-hydroxyflavane, morin-7-O-β-D-glucoside và 5-hydroxyl-3’-methoxyflavanone-7-O-rutinoside.
Tannin (3,5-4%): tanin rhatannin, gallo- và catechol.
Axit cacboxylic phenolic: axit caffeic, chlorogenic, gallic và protocatechuic.
Hydroxycoumarin: umbelliferone, scopoletin.
Lignans: lignin glycoside, aviculin.
Sterol: chủ yếu là β-sitosterol.
Saponin: Saponin triterpenoid, chủ yếu là axit oleanolic.
Antraquinon: emodin.
Axit silicic, tartaric và formic (1%): hiện diện dưới dạng silicat hòa tan trong nước.
Carbohydrate: Glucose, galactose, arabinose, sucrose, rhamnose, axit galacturonic.
Các thành phần khác: tinh dầu, caroten, Vitamin C và K...
3 Tác dụng - Công dụng của Biển Súc
3.1 Tác dụng dược lý
Tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn đáng kể của chiết xuất Biển Súc (nước, acetone, Ethanol và chloroform) và các thành phần phân lập (panicudine, flavonol glucuronide, avicularin) đã được chứng minh trong các mô hình thử nghiệm in vitro, ex vivo và trong cơ thể sống.
Các chiết xuất nước của Polygonum aviculare L. cũng như các phân đoạn và các chất riêng lẻ được phân lập trong một số nghiên cứu đã cho thấy hoạt tính kém hơn so với chiết xuất chloroform nhưng hoạt tính cao hơn so với chiết xuất ethanol và aceton. Trong một số nghiên cứu, người ta đã chỉ ra rằng hàm lượng phenolics và flavonoid cao có trong lá và thân chịu trách nhiệm cho hầu hết các tác dụng dược lý quan trọng của loài thực vật này.
Biển Súc được sử dụng trong các trường hợp như:
- Chống viêm: Điều trị triệu chứng viêm nhẹ ở miệng hoặc cổ họng;
- Kháng khuẩn: Điều trị triệu chứng cảm lạnh thông thường;
- Lợi tiểu: Tăng lượng nước tiểu để rửa sạch đường tiết niệu.
Các tác dụng khác đã được nghiên cứu chứng minh bao gồm tác dụng chống béo phì, kháng nấm, giãn mạch, giãn phế quản, chống xơ vữa động mạch và chống ung thư.
Rau Đắng có hại không? Hiện các nghiên cứu về độc tính của Biển Súc vẫn còn khá hạn chế, tuy nhiên được biết là không có độc tính, nên khá an toàn khi sử dụng.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Biển Súc có tính bình, vị đắng nhẹ, quy vào kinh bàng quang, có tác dụng lợi tiểu, chống viêm, tiêu sưng, giải độc, sát trùng.
Trong đông y, Rau đắng trị bệnh tiểu giắt, tiểu buốt, viêm bàng quang, sỏi thận, nóng trong, giải độc gan, trị viêm ngứa âm đạo...
4 Các bài thuốc từ cây Biển Súc
4.1 Trị viêm bàng quang
Nguyên liệu: Biển súc 12g; Tỳ giải, Bồ Công Anh, mỗi vị 20g; Sài Hồ, Hoàng Cầm, hoạt thạch, cù mạch, mỗi vị 12 g; mộc thông 6 g. Ngoài ra, nếu kèm theo tiểu ra máu, có thể thêm Sinh Địa, Chi Tử sao đen, rễ cỏ tranh mỗi vị 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống một lần mỗi ngày.
4.2 Trị viêm đường niệu
Nguyên liệu: Biển súc 20g, Xa tiền thảo, Thạch vỹ đều 12g, Cam Thảo 6g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống ngày một lần.
4.3 Trị bí tiểu
Nguyên liệu: Biển súc, mộc thông, xa tiền, cù mạch, sơn chi tử, hoạt thạch mỗi vị 12 g; đại hoàng 8 g, chích thảo 6 g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày một lần.
4.4 Trị viêm ruột, kiết lỵ
Nguyên liệu: Biển súc 16g, Xa tiền tử 12g, Tiên hạc thảo 16g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.5 Trị sưng đau
Nguyên liệu: Biển Súc phơi hoặc sấy khô, tán nhỏ.
Cách làm: Ngâm với rượu trắng, dùng để xoa bóp hàng ngày.
Ngoài ra, cũng có thể rửa sạch cây tươi, giã nhuyễn, thêm nước lọc để uống.
4.6 Hỗ trợ trị rắn cắn, bụng giun
Nguyên liệu: Biển Súc, cỏ nọc rắn, 40-60g mỗi vị.
Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày đến khi khỏi.
4.7 Trị trùng roi âm đạo, ngứa ngoài da, giun đũa, giun móc câu
Trùng roi: Biển súc tươi 250g, sắc trong 1500ml nước; dùng để rửa ngứa ngoài da.
Giun móc: Biển súc 40g, sắc đặc, uống một lần mỗi ngày, trong 3 ngày liền.
Giun chui ống mật: Biển súc 40g, giấm 120g, sắc với 3 chén nước, đun đặc còn 1 chén chia 2 lần uống.
4.8 Trị đau răng
Nguyên liệu: Biển súc 50 - 100g sắc nước chia 2 lần uống mỗi ngày. Ngoài ra cũng có thể dùng Biển súc 40 - 80g tươi, gia với trứng gà, gừng tươi vừa đủ sắc uống trong ngày 1 lần trong 20 ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Chuyên gia của EMA/HMPC (Ngày đăng 5 tháng 4 năm 2016). Assessment report on Polygonum aviculare L., herba, EMA. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.
2. Tác giả Hediat M.H. Salama, Najat Marraiki (Ngày đăng 22 tháng 12 năm 2009). Antimicrobial activity and phytochemical analyses of Polygonum aviculare L. (Polygonaceae), naturally growing in Egypt, PubMed. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.