Bạch Truật (Atractylodes macrocephala,)
218 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 4 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Atractylodes (Thương truật) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Atractylodes macrocephala |
Bạch truật được biết đến khá phổ biến với công dụng làm đẹp da, chữa đau dạ dày, tiêu hóa kém, đầy bụng, tiêu chảy, động thai. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bạch truật.
1 Giới thiệu về cây Bạch truật
Bạch Truật có tên khoa học là Atractylodes macrocephala, thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Theo Dược điển Việt Nam 5, vị thuốc Bạch truật (thân rễ của cây) có tên gọi là Rhizoma Atractylodis macrocephalae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo sống lâu năm, thân cao 40 - 60cm, mọc thẳng đứng, thường phân nhánh từ giữa thân, màu nâu nhạt. Thân hình trụ, phần dưới hóa gỗ. Lá mọc cách hình bầu dục hay hình trứng thuôn, dài 4,5 - 7cm, rộng 1,5 - 2cm, các lá phía dưới có cuống dài, xẻ lông chim thành 3 thùy sâu như những lá chét riêng biệt, thùy giữa to hơn; mỗi bên có 1 - 2 đôi hình trứng ngược, phiến xẻ ở đỉnh lớn hơn các phiến ở bên. Lá gần ngọn (gần cụm hoa) có cuống ngắn, không chia thùy; mép lá có răng cưa, gân nổi rõ ở dưới.
Cụm hoa đầu mọc đơn độc ở đầu cành, ngọn gồm nhiều hoa hình ống màu tím, trên cuống dài 2 - 6cm. Tổng bao hình chuông rộng, đường kính 3 - 4cm, gồm 9 - 10 hàng lá bắc. Tràng hoa hình ống, màu tím hồng, đầu loe ra và xẻ sâu thành 5 thuỳ hình dải. Quả bế hình cầu, bầu dục hơi dẹt hoặc chuỳ dài 7,5mm, vỏ phủ lông dài; mào lông dạng lông chim dài 15mm, màu trắng đục, gốc dỉnh hợp thành vòng.
Thân rễ to có hình dạng thay đổi, hình chùy có nhiều mấu phình ra, phía trên thót nhỏ lại hoặc từng khúc mập, nạc, dài 5 - 10 cm, đường kính 2 - 5 cm. Rễ thành củ mập, có vỏ ngoài màu vàng xám.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ
Thu hoạch cây đã trồng 2 - 3 năm, vào tháng 6 - 7 (ở đồng bằng) và tháng 12 (ở miền núi) khi lá ở gốc đã khô vàng, đào lấy thân rễ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất, sấy Lưu Huỳnh 12 giờ, rồi phơi khô.
Mô tả dược liệu: Củ cứng chắc, mặt ngoài màu nâu, nâu nhạt hoặc xám, có nhiều mấu, có vân hình hoa cúc, có nhiều nếp nhăn dọc, ruột trắng ngà, có mùi thơm nhẹ là loại tốt. Chất cứng khó bẻ gãy, mặt cắt không phẳng, có màu vàng đến nâu nhạt, rải rác có khoang chứa tinh dầu màu nâu vàng, mùi đặc trưng. Khi dùng, dấp nước vào khăn ủ rễ cho mềm rồi thái miếng.
Bào chế: Loại bỏ tạp chất trên Bạch truật, đem rửa sạch rồi ủ cho mềm, thái thành từng lát dày, phơi hay sấy khô.
- Thổ Bạch truật: Đem Bạch truật phiến, dùng đất lòng bếp sao cho đến khi mặt ngoài có màu đất thì rây bỏ đất, 20kg bột mịn phục long can sẽ dùng được cho 100kg Bạch truật phiến.
- Bạch truật sao: Lấy cám mật chích theo tỷ lệ 100 kg Bạch truật cần 40 kg cám mật chích, cho cám mật chính vào nồi nóng đến khi khói bốc lên cho Bạch truật phiến vào sao đến khi có màu vàng sém và có mùi thơm cháy, lấy ra rây bỏ cám mật chích. Hoặc có thể sao Bạch truật với cám gạo giống cách làm trên.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bạch truật có nguồn gốc ôn đới, được trồng nhiều ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Ấn Độ, được di thực vào các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Khoảng năm 1960, ta nhập trồng thử ở Bắc Hà và Sa Pa tỉnh Lào Cai, rồi đem trồng ở nhiều nơi cả miền núi và đồng bằng. Trồng bằng hạt vào tháng giêng hoặc tháng 3, hoặc tháng 9 - 10 ở vùng núi và từ tháng 10 đến đầu tháng 11 ở đồng bằng. Trồng 2 năm thì có thể thu hoạch dược liệu; nhưng trồng ở đồng bằng thì chỉ cần 8 - 10 tháng. Ra hoa kết quả từ tháng 8 đến tháng 11.
Cây ưa ẩm và ưa khí hậu mát lạnh ở vùng núi cao như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lâm Đồng. Cây còn được trồng ở các nơi khác như đồng bằng và trung du Bắc bộ (Hà Nội, Hưng Yên) bằng cách nhân giống bằng hạt, hạt giống được lấy từ các cây trồng từ 2 năm tuổi, ở vùng núi cao là tốt nhất. Đến mùa đông, toàn bộ phần trên mặt đất bị tàn lụi, phần củ dưới mặt đất có thể sống qua mùa đông.
1.4 Cách trồng
Bạch truật là loài ưa khí hậu mát, lạnh do đó thường được trồng ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Tại các khu vực khác, cây chỉ sinh trưởng tốt vào những tháng mùa đông và mùa xuân.
Cây nhân giống bằng hạt, hạt giống được sản xuất ở miền núi, chủ yếu ở Bắc Hà và Sa Pa. Tại Bắc Hà khí hậu ẩm ướt hơn nên thuận lợi hơn so với ở Sa Pa. Một số khu vực khác đã xây dựng khu sản xuất hạt giống như Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa nhưng hiện chưa có kết quả.
Kinh nghiệm dân gian của Trung Quốc cho thấy rằng, hạt giống lấy từ những cây Bạch Truật 2 năm tuổi sẽ cho năng suất cũng như chất lượng dược liệu cao hơn so với những hạt giống lấy từ những cây 1 năm tuổi. Do đó, hạt giống thường được gieo từ tháng 2 đến tháng 4 của năm trước sau đó tiến hành thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 10 năm sau.
Một số kỹ thuật như chọn đất, làm đất, gieo hạt cũng tương tự như khi trồng các loại dược liệu khác nhưng Bạch Truật cần khoảng cách gieo hạt thưa hơn. Khi bước sang mùa đông, cần phải vun đất vào gốc, cắt bỏ thân cành để cây có khả năng sống sót. Sau khi sang mùa xuân, tiến hành chăm sóc như bình thường và thu lấy hạt của cây. Khi các lá ở gốc cây bắt đầu úa vàng thì tiến hành chọn những bông hoa đo, lứa đầu của những cây khỏe, không bị sâu bệnh đem phơi vào bóng mát cho đến khi khô và thu lấy hạt. Hạt Bạch truật nên bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát, thời gian bảo quản có thể lên đến 3-4 tháng.
Thời điểm gieo trồng thường là từ tháng 10 đến tháng 11 sau vụ mùa, tránh trồng liên canh hoặc luân canh với rau nhằm mục đích hạn chế sâu bệnh.
Đất cần bừa kỹ, rễ cây thường không đâm sâu xuống mặt đất nên không cần bừa sâu, lên luống quá cao mà chỉ cần làm rãnh để đất có khả năng thoát nước.
Tiến hành ngâm hạt với nước trong khoảng 6-12 giờ, gieo hạt, các hạt cách nhau 3-5cm. Trộn tro với đất phủ lên trên hạt, độ dày khoảng 3-5cm, phủ thêm 1 lớp phân chuồng rồi tưới ẩm đều đặn.
Cây con sau 10-12 ngày sẽ nảy mầm, lúc này cần liên tục giữ ẩm cho ấy, dọn cỏ cho sạch. Khi làm cỏ cần cẩn thận không để là đứt rễ. Khi cây con ra được 3 lá thì tiến hành tỉa cây để đảm bảo khoảng cách giữa các cây là 15-20cm.
Tiến hành bón thúc bằng nước phân bắc ngâm kỹ, bắt đầu tưới từ tháng thứ 2 trở đi, tưới 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng.
2 Thành phần hóa học
Củ chứa 1,4% tinh dầu. Thành phần của tinh dầu gồm: atractylol, atractylenolid I, II và III, endesmol và Vitamin A. Sesquiterpenoid (atractylenolid I-VII), triterpenoid (taraxeryl acetat, lupeol), polyacetylen, coumarin, phenylpropanoid, Flavonoid, polysaccharid, benzoquinon.
2.1 Tác dụng của Sesquiterpenoid
Sesquiterpenes là thành phần chính của terpenoid trong thân rễ Bạch truật, với 23 hoạt chất đã được tìm thấy, được chứng minh là có hoạt tính chống oxy hóa tốt. Hoạt động bảo vệ thần kinh trong các tế bào microglia BV-2 do LPS gây ra đã được thực hiện, và các hợp chất 4 và 6 cho thấy sự ức chế NO đáng kể với các giá trị IC 50 lần lượt là 15,8 và 17,8 μΜ. Nghiên cứu cơ chế cho thấy 4 phát huy tác dụng bảo vệ thông qua việc ức chế sản xuất interleukin-6 (IL-6). Những phát hiện cho thấy tiềm năng của A. macrocephala được phát triển thành thực phẩm chức năng và thuốc bảo vệ thần kinh mới.
2.2 Tác dụng của Tinh dầu
Tinh dầu trong bạch truật thể hiện hoạt tính chống ung thư hiệu quả trong các tế bào HepG2, MCG803 và HCT-116 và hoạt tính chống viêm bằng cách ức chế quá trình sản xuất oxit nitric (NO) do lipopolysacarit (LPS) tạo ra trong các tế bào ANA-1.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Bạch truật
3.1 Tác dụng dược lý
Atractylenolid có tác dụng kháng viêm, kháng khối u và bảo vệ tế bào thần kinh. Bạch truật được chứng minh có nhiều tác dụng dược lý gồm: cải thiện chức năng Đường tiêu hóa, ức chế khối u, kháng viêm, chống loãng xương, kháng khuẩn, điều hòa hormon tuyến sinh dục và chống co thắt. Tác dụng của bạch truật trong làm đẹp được thể hiện qua việc chống oxy hóa và chống lão hóa da. Ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, chống béo phì, tăng cường chuyển hóa năng lượng.
3.1.1 Tác dụng chống loét dạ dày
Khi tiến hành gây lớt dạ dày trên thực nghiệm, người ta nhận thấy rằng, Bạch truật có tác dụng ức chế loét Shay bằng cách thắt môn bị và loét do nhịn đói, không có tác dụng loét do histamin gây ra.
Qua các nghiên cứu, Bạch truật đã được chứng minh có tác dụng làm giảm đáng kể lượng acid dịch vị tiết ra và không làm giảm độ acid tự do của dịch vị.
3.1.2 Hoạt tính chống viêm
Hoạt tính chống viêm của Bạch truật được thể hiện trong giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm.
3.1.3 Tác dụng đối với hệ thống miễn dịch
Bạch truật cho thấy có tác dụng gây teo tuyến ức, đây là tuyến có vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của chuột cống non khi sử dụng ở liều 15g/kg thể trọng.
3.1.4 Tác dụng độc
Bạch truật khi được nghiên cứu trong các thí nghiệm thì không cho thấy tác dụng độc tính cấp và bán cấp, dược liệu cũng không gây phản ứng phụ khi sử dụng cho động vật thí nghiệm trong thời gian dài.
3.2 Vị thuốc Bạch truật - Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Củ Bạch truật có vị ngọt, đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm, quy kinh tỳ, vị, có tác dụng bổ tỳ ích khí, táo thấp lợi thuỷ, cố biểu chỉ hãn, an thai.
Chủ trị: Tiêu hóa kém, phù thũng, động thai, tự hãn, bụng trướng, tiêu chảy.
Công dụng: Dược liệu (cao khô, bột) Bạch truật được xem là một vị thuốc bổ bồi dưỡng và được dùng chữa viêm loét dạ dày, đau dạ dày, tiêu hóa kém, suy giảm chức năng gan, nôn mửa, bụng trướng, tiêu chảy, viêm ruột mạn tính, ốm nghén, động thai, sốt ra mồ hôi. Cũng dùng làm thuốc lợi tiểu, trị ho, trị đái tháo đường. Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc, bột hoặc cao.
Bạch truật sao cám, tẩm Mật Ong tác dụng kiện tỳ còn sao cháy thì cho tác dụng chỉ huyết.
Trong cuốn sách Thần nông bản thảo kinh có nói rằng: Bạch truật có thể chữa trị đau đầu, sưng phù, đau mắt đỏ chảy nước, còn có thể tiêu đờm, loại trừ các chứng phù thũng do tỳ hư gây nên, trị bệnh dạ dày đẩy hơi, trướng bụng, thổ tả, tiêu chảy, bổ máu dưỡng tân, làm ẩm dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa thức ăn, trị chứng khí ứ trệ trong dạ dày, ruột dẫn đến đi ngoài sủi bọt mạn tính. Ngoài ra, còn có thể thông lợi tiểu tiện, bổi bố chứng ngũ lao thất thương; trị tỷ sưng to và kết khối rắn phần bụng dưới ở phụ nữ; có thể trị chứng nóng dạ dày và cơ bắp. Tóm lại, bạch truật có công dụng kiện tỳ ích khí, trục thấp lợi thủy, ổn định lượng mồ hôi bài tiết, tiêu đờm, trị hoa mắt, trục phong táo thấp, thông nhuận đại tiểu - tiện, chống nôn mửa, giải khát, bổ máu dưỡng tân. Trên phương diện lâm sàng, thường dùng bạch truật chữa trị tỳ khí hư nhược, bộ máy tiêu - hóa thất thường dẫn đến ăn ít, đi phân lỏng, trướng bụng, tứ chi không có lực và trị bệnh phủ né, ra mồ hôi trộm, thai khí bất an. Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh, sử dụng lượng lớn bạch truật có thể trị táo bón, phối hợp với Quế chỉ và phục lình có thể chữa tiêu chảy và giảm béo phi. Bạch truật tươi, thêm đường rồi chưng lên uống, còn có thể chữa khỏi bệnh chảy nước miếng ở trẻ nhỏ.
Tác dụng của Bạch truật trong làm đẹp: Atractylodes macrocephala đã được sử dụng theo truyền thống cho nhiều mục đích y học, các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa được báo cáo của nó có thể có một số lợi ích tiềm năng cho sức khỏe của da.
Tác dụng phụ của Bạch truật? Người đau bụng do âm hư nhiệt trướng, đại tiện táo, háo khát không dùng.
4 Bài thuốc từ Bạch truật
4.1 Chữa đái tháo đường
12,5g Bạch truật.
65g Hoàng Kỳ.
15,5g Sơn dược.
12,5g Phục linh.
25g Đảng Sâm.
500ml nước.
Sắc đến khi còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Mỗi đợt điều trị thường kéo dài ít nhất là 2 tháng.
4.2 Chữa viêm dây thần kinh ở thắt lưng, chữa chứng đái dầm ở người lớn tuổi
4g Bạch truật.
8g Phục linh.
8g Gừng.
4g Cam thảo.
600ml nước.
Sắc trong 1 giờ, lọc, hâm nóng và chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.3 Chữa sỏi mật, sa dạ dày, khó tiêu
6g Bạch truật.
6g Phục linh.
5g Trần bì.
6g Nhân Sâm.
8g Gừng.
600ml nước.
Sắc đến khi còn 300ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.4 Thuốc bổ và chữa dị ứng
Bạch truật 6kg cho ngập nước vào nồi đất hay đồ sành, đồ Sắt tráng men, nấu cạn còn một nửa, gạn lấy nước, thêm nước mới, làm như vậy 3 lần. Trộn 3 nước lại cô đặc thành cao. Ngày uống 2-3 thìa cao này.
4.5 Viêm gan nhiễm trùng
Bạch truật 9g. Nhân Trần 30g. Trạch Tả 9g. Dành dành 9g. Phục Linh 12g, nước 450ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.6 Viêm dạ dày cấp và mạn tính, bệnh về máu
Bạch truật 6g. Trần Bì 4,5g. Toan táo nhân 3g. Hậu phác 4,5g. Gừng 3g. Cam Thảo 1,5g, nước 600ml, sắc, sau đó lọc, chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.7 Trị nhức mỏi cơ hoành, khoang ngực
Bạch truật tán nhỏ, mỗi lần uống 4ml với nước sôi.
4.8 Trị tứ chi sưng tấy
Dùng 93g bạch truật, mỗi lần uống 15,6g, dùng miệng cắn nát, thêm 3 lát táo, sao lên uống, mỗi ngày 3 - 4 lần.
4.9 Trị trúng phong méo mồm, bất tỉnh nhân sự
Lấy 125g bạch truật, thêm 31 rượu, hẩm còn 11, uống hết trong 1 lần.
4.10 Trị phong thấp, đau nhức xương khớp
Lấy 31g bạch truật, thêm 360ml rượu, sắc còn 120ml, uống hết trong 1 lần. Người không uống rượu có thể dùng nước để sắc.
4.11 Trị tỳ hư, gầy ốm, chứng chán ăn ở trẻ nhỏ
Bạch truật, Bạch Phục Linh, Bạch Thược dược, mỗi loại 31g, cam thảo 15,6g thêm gừng, táo, sao lên dùng.
4.12 Trị chứng nôn mửa sau sinh
Bạch truật 37g, gừng tươi 46g, thêm nước và rượu, mỗi loại 21, sắc còn 11 nước thuốc, chia 3 lần uống.
4.13 Trị tỳ hư, sưng phù
Bạch truật 62g, vỏ quýt 125g. 2 vị thuốc trên tán nhỏ, dùng rượu nặn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên trước khi ăn, uống với canh Mộc Hương.
4.14 Trị tỳ hư, tiêu chảy
Bạch truật 15g, bạch thược dược 31g. 2 vị thuốc trên tán nhỏ trộn với cơm nặn thành viên bằng hạt ngô, mỗi lần dùng 50 viên, uống với cháo loãng. Ngày 2 lần, mùa đông thêm nhục đậu khấu ninh nhừ.
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bạch truật trang 82 - 83, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bạch truật trang 110 - 111, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Bạch truật (thân rễ) trang 1077 - 1078, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 12 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả Jin-Guang Si và cộng sự (Đăng tháng 08 năm 2021). Sesquiterpenoids from the rhizomes of Atractylodes macrocephala and their protection against lipopolysaccharide-induced neuroinflammation in microglia BV-2 cells, ScienceDirect. Truy cập ngày 14 tháng 02 năm 2023.
- Tác giả Sihao Gu và cộng sự (Đăng tháng 08 năm 2019). Antitumor, Antiviral, and Anti-Inflammatory Efficacy of Essential Oils from Atractylodes macrocephala Koidz. Produced with Different Processing Methods, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 02 năm 2023.
- Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh (Xuất bản năm 2021). Truật, trang 51-53. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (xuất bản năm 2006). Bạch truật, trang 161-165. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2024.