Bạch Thược (Paeonia lactiflora P.)
184 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Saxifragales (Tai hùm) |
Họ(familia) | Paeoniaceae (Mẫu đơn) |
Chi(genus) | Paeonia (Mẫu đơn) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Paeonia lactiflora P. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Paeonia albiflora Pall., 1789 |
Trungtamthuoc.com - Bạch Thược là một loài thực vật, được sử dụng từ lâu đời như một vị thuốc chữa đau đầu, tiền đình, giúp tiêu hóa khỏe hơn, giảm rối loạn tiêu chảy hiệu quả. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về vị thuốc này.
1 Giới thiệu về cây Bạch Thược
Bạch Thược còn được gọi là Thược dược Trung Quốc, được du nhập từ Trung Quốc, ưa khí hậu mát mẻ vùng núi cao.
Tên khoa học của Bạch thược là Paeonia lactiflora P., thuộc họ Mẫu đơn (Paeoniaceae). Có hai loại Thược dược Trung Quốc, là Xích Thược và Bạch thược, trong đó Xích thược là Thược dược hoa đỏ (Radix Paeoniae Rubra), Bạch thược là Thược dược hoa trắng (Radix Paeoniae Alba).
Theo Dược điển Việt Nam 5, tập 2, vị thuốc Bạch thược (rễ của cây) có tên khoa học là Radix Paeoniae lactiflorae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Bạch thược thuộc nhóm nào? Đây là cây thảo sống lâu năm, cao 50-80cm. Lá mọc so le, chụm hai hay chụm ba, kép, với 9-12 phần phân chia, các đoạn không đều, hình trái xoan ngọn giáo, dài 8-12cm, rộng 2 4cm, mép nguyên, phía cuống hơi hồng. Hoa rất to тос đơn độc, có mùi hoa hồng, trên mỗi thân mang hoa có 1-7 hoa, rộng 10-12cm. Đài có 6 phiến; cánh hoa xếp trên một dãy hoặc hai dãy; màu hồng thịt trước khi nở, rồi dần chuyển sang màu trắng tinh; bao phấn màu da cam. Quả gồm 3-5 lá noãn. Có nhiều thứ trồng khác nhau, có hoa có độ lớn, số lượng cánh hoa, màu sắc... 5 cánh khác nhau.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng Bạch thược: Củ, rễ.
Người ta dùng củ có đường kính khoảng 12cm, dài 10-15cm, màu trắng hồng, ít xơ. Đào về rửa sạch, ngâm nước 1-2 giờ, ủ 1-2 ngày đêm (có thể đồ) rồi bào hay thái mỏng, sao qua. Bạch thược tươi có thể được tẩm giấm hoặc rượu rồi sao qua hoặc sao cháy cạnh. Lúc chưa bào chế thì cần phải sấy Lưu Huỳnh, khi đã bào chế rồi cần để nơi khô ráo, tránh ẩm. Mời bạn đọc theo dõi hình ảnh Bạch thược sao vàng ở hình dưới.
Các cách chế biến theo Dược điển: Phần rễ Bạch thược đào về đem rửa sạch, cắt bỏ đầu đuôi và những rễ con, cạo sạch lớp vỏ rồi luộc hay thuộc xong mới bỏ vỏ đều được. Đem phơi khô hoặc thái lát rồi phơi khô.
Dược liệu thái lát: Đem rễ chưa thái lát ra làm ẩm rồi ủ cho mềm, sau đó thái thành từng lát mỏng và phơi khô.
Bạch thược dùng trong các bài thuốc Tỳ thì đem sao với huyết.
Bạch thược dùng vào thuốc dưỡng huyết thì đem sao với mật hoặc với nước.
Dùng thuốc bình can thì để sống.
1.3 Đặc điểm phân bố
Ở Việt Nam, Bạch thược được trồng chủ yếu ở Sa Pa (Lào Cai).
2 Thành phần hóa học
Trong củ có paeoniflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyl-paeoniflorin, paeo-niflorigenone, paeonolide, paeonol...; còn có tinh bột, tanin, calcium oxalat, một ít tinh dầu, Acid benzoic, Nhựa và chất béo, chất nhầy.
3 Tác dụng - Công dụng của Bạch thược
3.1 Tác dụng dược lý
Vị thuốc Bạch thược có nhiều hiệu quả trong điều trị y học hiện đại, điển hình là tác dụng chống viêm và chống khối u.
Các thành phần hóa học có tác dụng chống viêm chủ yếu là paeoniflorin và paeonol. Trong khi paeoniflorin điều chỉnh giảm nồng độ matrixmetallo proteinase-2 (MMP-2), matrixmetallo proteinase-9 (MMP-9), iNOS và cyclooxygenase-2 (COX-2); và ức chế con đường truyền tín hiệu -κB và quá trình chết theo chương trình; đồng thời thúc đẩy quá trình điều chỉnh lại các chất trung gian gây viêm như yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), Interleukin 1β (IL-1β), iNOS, COX-2 và 5-lipoxygenase (5-LOX) và các chất kích hoạt của JNK và p38 MAPK, để bảo vệ khỏi tổn thương não do thiếu máu cục bộ. Paeonol có thể đảo ngược quá trình sản xuất quá mức iNOS, COX-2, matrixmetallo proteinase-1 (MMP-1), matrixmetallo proteinase-3 (MMP-3) và matrixmetallo proteinase-13 (MMP-13) và ức chế kích hoạt NF-κB, cũng như quá trình phosphoryl hóa PI3K và AKT.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thành phần chính có hoạt tính chống khối u là paeoniflorin, paeonol, axit galic và methyl gallate. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chiết xuất với paeoniflorin, axit galic và methyl gallate trên những con chuột có khối u bàng quang. Các tác dụng chống tăng sinh của chiết xuất làm giảm một số quần thể chu kỳ tế bào, chủ yếu là các tế bào pha G1 và gây ra sự gia tăng dân số G phụ đáng kể. Trong các thí nghiệm trên chuột mang tế bào khối u DU145, paeonol thúc đẩy quá trình tự hủy của tế bào DU145, tăng cường hoạt động của caspase-3, caspase-8 và caspase-9, làm giảm biểu hiện của Bcl-2 và tăng biểu hiện của Bax. Quá trình phosphoryl hóa AKT và mTOR cũng giảm, đồng thời ức chế tăng sinh DU145 bằng paeonol và các chất ức chế PI3K/AKT có tác dụng hiệp đồng.
Ngoài ra, Bạch thược cũng có khả năng tác động đáng kể đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch, có thể được tóm tắt như sau: bảo vệ thần kinh, chống trầm cảm, an thần, giảm đau và chống co giật.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị của Bạch thược: vị đắng, chua, tính mát quy vào kinh can, phế, tỳ; có tác dụng bình can chỉ thống, dưỡng huyết điều kinh, liễm âm chỉ hãn, bổ huyết bình can, tiêu sưng viêm, làm mát dịu.
Trong đông y, Bạch thược được dùng trong điều trị các chứng sau: Đau lưng, đau bụng, trướng bụng đầy hơi, tiêu chảy, can huyết bất túc, hen suyễn, chữa các chứng bệnh phụ nữ trước và sau sinh…
Liều lượng: Ngày dùng 8g - 12g dạng thuốc hoàn hay thuốc sắc. Đem phối hợp cùng các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ: Không phối hợp Bạch thược cùng Lê lô, người đầy bụng không được dùng.
Bạch Truật có tác dụng bổ tỳ dương, Bạch thược có tác dụng bổ tỳ âm, khi phối với thêm các vị khác như Kỳ thời, sâm thì có tác dụng bổ khí. Trừ nhiệt táo thì dùng kết hợp với Sơn chi, Mẫu đơn, Sài hồ. Tán hàn thấp thì dùng thêm can khương, nhục quế. Bổ huyết dùng chung với Đương Quy, thục địa.
4 Bài thuốc từ cây Bạch thược
4.1 Trị tiểu đường
Nguyên liệu: 40g Bạch thược, 8g Cam thảo.
Cách làm: Sơ chế nguyên liệu, đun thành cao đặc, vo thành viên nhỏ nặng khoảng 0,16g. Dùng 4-8 viên mỗi lần, ngày uống 3 lần với nước ấm.
4.2 Trị ho gà
Nguyên liệu: 15g Bạch thược, 3g Cam thảo.
Cách làm: Sắc với nước uống một lần mỗi ngày. Nếu ho kèm đờm thì thêm Ngô công, Địa Long, Đình lịch; nếu ho dai dẳng thì thêm Bạch hổ.
4.3 Trị hen suyễn
Nguyên liệu: Bạch thược, Cam thảo với tỷ lệ 2 : 1.
Cách làm: Tán thành bột rồi trộn đều. Lấy 30g hỗn hợp bột đun với 120ml nước sôi trong 3 phút; lọc lấy phần nước uống khi còn ấm.
4.4 Trị táo bón lâu ngày
Nguyên liệu: 24g Bạch thược tươi, 10g Cam thảo tươi.
Cách làm: Sắc với nước rồi uống mỗi ngày 1 thang, ít nhất 2-4 thang để có hiệu quả rõ rệt.
4.5 Trị viêm loét dạ dày
Nguyên liệu: 20g Bạch thược, 15g Cam thảo.
Cách làm: Sắc với 200ml nước, uống trong ngày; dùng được cả khi có khí trệ, huyết ứ.
4.6 Trị đau bụng kinh
Nguyên liệu: Bạch thược, Hương Phụ (mỗi loại 8g), Thanh bì, Xuyên khung, Sinh Địa, Sài Hồ (mỗi loại 3g), 2g Cam thảo.
Cách làm: Sắc với 600ml nước, uống trong ngày.
4.7 Trị băng huyết, rong kinh
Nguyên liệu: Bạch thược, Can khương, Thục Địa, Mẫu Lệ, Long cốt, Quế lâm, Mộc giác giao, Hoàng Kỳ (mỗi loại 8g).
Cách làm: Sắc với 500ml nước trong 10 phút, uống trong ngày.
4.8 Trị kiết lỵ
Nguyên liệu: Bạch thược, Hoàng cầm (mỗi loại 12g), Cam thảo 6g.
Cách làm: Sắc với 500ml tới khi còn một nửa, uống trong ngày.
4.9 Bảo can thang, giải rượu
Nguyên liệu: 30g Sơn Tra sao, 20g Uất kim, Bạch thược sao, Hoàng cầm, Chi Tử sao, Thần khúc, Sa nhân (mỗi loại 10g), Tích tương tử, Trư linh, Trạch Tả, Kê nội kim, Sài hồ (mỗi loại 15g), 5g Sinh địa.
Cách làm: Sắc với nước, uống trong ngày; giải rượu, giải độc gan cho người nghiện rượu.
4.10 Bài thuốc 'Tiểu tục mệnh thang'
Tiểu tục mệnh thang là bài thuốc có công dụng khu phong, phù chính, thông dương, ôn kinh. Trong bài thuốc gồm các vị:
Vị thuốc | Công dụng |
Quế chi | Giải biểu, trừ phòng, hòa được tấu lý |
Sâm | Bổ nguyên khí, hồi dương cứu nghịch, ôn dương tán hàn |
Ma hoàng | Có vị cay, tính ấm, có tác dụng bình suyễn, phát hàn |
Xuyên Khung | Trừ phong ở đỉnh đầu, hoạt huyết hóa ứ |
Hoàng Cầm | Hạn chế tính nhiệt của các vị thuốc trong đơn |
Bạch thược | Bổ huyết, hoãn cấp chỉ thống |
Hạnh nhân | Chữa ho, ôn phế chỉ khái, nhuận tràng, long đờm |
Phòng Phong | Giải biểu, trừ phong tà |
Cam Thảo | Bổ trung khí, giải độc |
Sinh khương | Ôn trung |
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bạch thược trang 107-108, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Yu-Qing Tan và cộng sự (Ngày đăng 10 tháng 7 năm 2020). Efficacy, Chemical Constituents, and Pharmacological Actions of Radix Paeoniae Rubra and Radix Paeoniae Alba, Frontiers. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Bạch thược (rễ) trang 1076 - 1077, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 18 tháng 09 năm 2023.