Acid Mandelic
1 sản phẩm
Dược sĩ Thảo Phương Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
![Acid Mandelic](/images/others/axit-mandelic-6650.jpg)
Danh pháp: 2-hydroxy-2-phenylacetic acid
CTPT: C8H8O3
Mã ATC: J01XX06
Nhóm thuốc: Các chất kháng khuẩn khác.
1 Acid Mandelic là gì?
Acid mandelic là một α-hydroxy acid, được biết đến với hiệu quả đã được chứng minh trong việc điều trị mụn trứng cá và tình trạng tăng sắc tố da.
Trong nhóm các Alpha Hydroxy Acid (AHA), acid mandelic ít được nhắc đến hơn so với những cái tên phổ biến như Acid Lactic hay acid glycolic. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hiệu quả của acid mandelic thua kém các loại khác.
Acid mandelic nổi bật nhờ đặc tính dịu nhẹ và ít gây kích ứng, khiến nó trở thành lựa chọn tuyệt vời cho mọi loại da, đặc biệt là da nhạy cảm hoặc dễ bị kích ứng. Điểm đặc biệt của acid mandelic nằm ở kích thước phân tử lớn hơn đáng kể so với các AHA khác, thậm chí được coi là lớn nhất trong nhóm.
Kích thước phân tử lớn giúp acid mandelic thẩm thấu chậm vào da, giảm thiểu nguy cơ kích ứng và bảo vệ da tốt hơn. Đồng thời, sự hấp thụ chậm rãi này cho phép da tiếp nhận dưỡng chất một cách ổn định và hiệu quả hơn.
2 Mandelic Acid chiết xuất từ đâu?
Mandelic acid có thể được chiết xuất từ quả hạnh nhân hoặc tạo ra bằng phương pháp tổng hợp trong phòng thí nghiệm.
3 Mandelic Acid là AHA hay BHA?
Như đã đề cập, Acid Mandelic là một chất thuộc nhóm Alpha Hydroxy Acid (AHA).
4 Mandelic Acid có tác dụng gì?
4.1 Tác dụng
4.1.1 Tác dụng giảm mụn và tăng sức sống của da sau điều trị
Acid mandelic được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm viêm và cải thiện tình trạng da bị tổn thương do mụn. Sau liệu trình, da giảm nhạy cảm, phát ban và đốm sắc tố được cải thiện rõ rệt, trong khi các mao mạch nhỏ trở nên khó nhận thấy hơn. Acid mandelic còn thúc đẩy quá trình tái tạo da nhanh chóng mà không gây hoại tử nghiêm trọng. Đặc biệt, vùng trung tâm khuôn mặt ghi nhận sự giảm đáng kể của các yếu tố phát ban và viêm da, giúp da trở nên khỏe mạnh hơn.
4.1.2 Làm sáng và đều màu da
Việc sử dụng Mandelic Acid trong một thời gian nhất định giúp làm giảm các vết thâm sạm, vết thâm do mụn và các vùng da không đều màu, nhờ vào khả năng loại bỏ lớp da chết ngoài cùng và kích thích quá trình tái tạo tế bào mới. Sau một thời gian sử dụng, Mandelic Acid còn giúp làn da trở nên mịn màng, sáng khỏe và tràn đầy sức sống.
4.1.3 Chống lão hoá
Giống như các hoạt chất AHA khác, Mandelic Acid có khả năng kích thích sản sinh collagen, giúp duy trì độ đàn hồi và độ săn chắc cho da. Nhờ vậy, da sẽ luôn giữ được vẻ tươi trẻ, đồng thời làm giảm các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn và vết chân chim.
4.1.4 Tẩy tế bào chết
Là một loại AHA, acid mandelic thường được tìm thấy trong các sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho da mặt. Thành phần này hoạt động bằng cách thẩm thấu và làm suy yếu các liên kết giữa các tế bào da cũ, giúp loại bỏ chúng khỏi bề mặt da. Quá trình này kích thích sự hình thành tế bào da mới, mang lại làn da sáng mịn và rạng rỡ hơn.
Nghiên cứu so sánh hiệu quả điều trị của liệu pháp lột da với 35% Acid glycolic và liệu pháp lột da kết hợp 20% Acid salicylic và 10% acid mandelic trong việc điều trị mụn trứng cá, sẹo và tăng sắc tố da. Kết quả cho thấy liệu pháp kết hợp acid salicylic và acid mandelic hiệu quả hơn trong việc điều trị mụn trứng cá và tăng sắc tố, đồng thời có ít tác dụng phụ hơn so với liệu pháp acid glycolic.
4.2 Mandelic Acid có đẩy mụn không?
Mặc dù Mandelic Acid không trực tiếp tác động lên quá trình trị mụn như BHA, nhưng nó vẫn hỗ trợ làm quá trình này diễn ra nhanh hơn nhờ vào khả năng loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da. Đây chính là ưu điểm của Mandelic Acid, thay vì tác dụng phụ như nhiều người thường nghĩ.
5 Cơ chế hoạt động
Tương tự như các thành phần khác trong nhóm AHA, Mandelic Acid tác động lên bề mặt da, làm lỏng các liên kết giữa tế bào sừng cũ và tế bào mới. Nhờ đó, tế bào chết được loại bỏ dễ dàng, giúp làn da trở nên mịn màng và căng bóng.
6 Mandelic Acid cách dùng
Mandelic Acid đôi khi xuất hiện trong danh sách thành phần mỹ phẩm với tên gọi AHA, vì nó thuộc nhóm các acid alpha-hydroxy.
Tùy vào mục đích sử dụng, các nhà sản xuất có thể chọn sử dụng Mandelic Acid đơn lẻ hoặc kết hợp với các thành phần AHA khác để tối ưu hiệu quả cải thiện da. Phần lớn các sản phẩm chứa Mandelic Acid sẽ có công dụng loại bỏ tế bào chết hóa học và được sử dụng sau khi làm sạch và toner.
Để đạt được hiệu quả tối đa và đảm bảo an toàn khi sử dụng, bạn nên lưu ý một số điểm sau đây:
Bắt đầu với AHA có nồng độ từ thấp đến cao.
Tăng tần suất sử dụng dần dần theo phản ứng của da (khi da đã quen, có thể sử dụng hàng ngày hoặc xen kẽ giữa các ngày với BHA).
Nếu có cảm giác châm chích, nóng rát hoặc mẩn đỏ, nên ngừng sử dụng và điều chỉnh nồng độ/tần suất phù hợp.
Tránh kết hợp Mandelic Acid với các sản phẩm treatment chứa nồng độ cao như Retinol, Niacinamide để tránh gây quá tải cho da. Hãy để da thích nghi từ từ.
Đảm bảo sử dụng kem chống nắng mỗi ngày với SPF từ 30 trở lên để bảo vệ da.
7 Mandelic Acid kết hợp với gì để tối ưu hiệu quả chăm sóc da
7.1 Mandelic Acid và BHA
Mandelic Acid (AHA) và BHA là bộ đôi quen thuộc trong việc làm đẹp. AHA giúp làm sạch bề mặt da, trong khi BHA thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông để làm sạch từ bên trong. Kết hợp cả hai theo tần suất hợp lý sẽ giúp tái tạo da, kích thích Collagen và giải quyết nhiều vấn đề về da.
7.2 Mandelic Acid và Lactic Acid
Một thành phần không thể thiếu khi nhắc đến Mandelic Acid là Lactic Acid, một dạng AHA phổ biến. Mặc dù cả hai đều là AHA và có công dụng tương tự, nhưng chúng vẫn có sự khác biệt. Lactic Acid có nguồn gốc từ sữa và có phân tử nhỏ hơn Mandelic Acid, trong khi Mandelic Acid nhẹ nhàng và phù hợp với da nhạy cảm, giúp làm đều màu da và củng cố
hàng rào bảo vệ. Cả hai đều có tính tương hỗ, giúp tăng cường hiệu quả khi sử dụng chung trong sản phẩm.
7.3 Mandelic Acid và Retinol
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bạn có thể bắt đầu sử dụng Mandelic Acid và Retinol theo chu kỳ ngày chẵn-ngày lẻ. Khi da đã thích nghi, có thể tăng dần tần suất sử dụng. Kết hợp này giúp cải thiện tình trạng da thô ráp, xỉn màu, làm đều màu da, mờ thâm, nám, tàn nhang và giảm nếp nhăn, cải thiện độ đàn hồi của da.
8 Tác dụng phụ
Mặc dù Acid Mandelic được biết đến là một hoạt chất khá dịu nhẹ, nhưng như bất kỳ AHA nào, nó vẫn có thể gây kích ứng cho da, đặc biệt khi mới bắt đầu sử dụng. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm:
- Da khô, bong tróc
- Kích ứng hoặc đỏ da
- Da trở nên nhạy cảm hơn.
Những hiện tượng này thường xảy ra khi sử dụng Mandelic Acid với nồng độ cao trong khi da chưa kịp thích nghi. Do đó, khi mới bắt đầu, bạn nên sử dụng sản phẩm với nồng độ vừa phải theo hướng dẫn và tăng dần nồng độ theo thời gian để giảm thiểu kích ứng.
9 Mandelic Acid có dùng được cho bà bầu và phụ nữ đang cho con bú không?
Mandelic Acid an toàn cho bà bầu và mẹ đang cho con bú khi sử dụng đúng cách. Loại axit này giúp cải thiện mụn, làm sáng da và tăng tái tạo tế bào, phù hợp với da nhạy cảm. Tuy nhiên, hãy chọn sản phẩm có thành phần lành tính, không chứa các chất dễ gây kích ứng hoặc không phù hợp cho mẹ bầu.
10 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả: Jacobs SW, Culbertson EJ, Effects of Topical Mandelic Acid Treatment on Facial Skin Viscoelasticity, Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2024
2. Tác giả: Čepukova, E. và Gierasimovič, Migdolų rūgšties poveikis aknės pakenktai veido odai, Điều dưỡng. Khoa học và thực hành. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2024
3. Tác giả: Garg VK, Sinha S, Sarkar R, Glycolic acid peels versus salicylic-mandelic acid peels in active acne vulgaris and post-acne scarring and hyperpigmentation: a comparative study, Pubmed. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2024