Arginine
202 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
ARGININ
Tên chung quốc tế: Arginine.
Mã ATC: B05XB01.
Loại thuốc: Thuốc chẩn đoán chức năng tuyến yên; thuốc làm giảm amoniac máu; bổ sung acid amin.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch arginin hydroclorid: 10% (dung dịch 1 g/10 ml), lọ 200 ml, 300 ml.
Dung dịch uống arginin hydroclorid: 1 g/5 ml.
2 Dược lực học
Arginin, như các acid amin Dibasic khác, kích thích tuyến yên giải phóng hormon tăng trưởng và prolactin, kích thích tuyến tuỵ giải phóng glucagon và insulin.
Tác dụng của arginin kích thích giải phóng hormon tăng trưởng, prolactin, glucagon và Insulin không phụ thuộc vào sự kiểm soát giải phóng adrenalin và thay đổi nồng độ Glucose huyết. Arginin kích thích giải phóng hormon tăng trưởng và prolactin của tuyến yên có thể do tác dụng lên vùng dưới đồi. Ở bệnh nhân có chức năng tuyến yên bình thường, nồng độ hormon tăng trưởng trong huyết tương tăng sau khi dùng arginin, còn ở bệnh nhân có chức năng tuyến yên suy giảm, hormon tăng trưởng tăng rất ít hoặc không tăng.
Arginin là một acid amin chủ yếu trong chu trình urê ở bệnh nhân bị thiếu hut enzym N-acetylglutamat synthase (NAGS), carbamyl phosphat synthetase (CPS), ornithin transcarbamylase (OTC), argininosuccinat synthetase (ASS), hoặc argininosuccinat lyase (ASL).
Dùng arginin hydroclorid ở bệnh nhân có các rối loạn này làm hồi phục nồng độ arginin huyết, giúp ngăn chặn sự dị hóa protein. Truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân bị thiếu hụt ASS hoặc ASL có tác dụng đẩy mạnh sự hợp nhất amoniac vào citrulin và argininosuccinat. Các sản phẩm trung gian này của chu trình urê ít độc và dễ bài tiết trong nước tiểu hơn amoniac và cung cấp một chuỗi các phản ứng hóa sinh để thải trừ chất thải nitơ.
Arginin làm tăng nồng độ glucose huyết. Tác dụng này có thể là trực tiếp. Sự phân hủy glycogen và sự tân tạo glucose cũng có thể thông qua arginin kích thích giải phóng glucagon.
Nồng độ gastrin trong huyết thanh tăng do arginin. Thuốc ức chế cạnh tranh sự tái hấp thu của ống thận và vì thế làm tăng sự bài tiết protein trong nước tiểu gồm Albumin, chuỗi nhẹ immunoglobulin và beta, microglobulin.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Arginin hydroclorid hấp thu tốt qua Đường tiêu hóa. Cmax đạt được sau khoảng 2 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối 70%. Sau khi truyền tĩnh mạch, Cmax của arginin đạt được ở 20 – 30 phút sau khi bắt đầu truyền.
3.2 Phân bố
Arginin phân bố nhiều vào các mô.
3.3 Chuyển hóa
Arginin hydroclorid được kết hợp với nhiều quá trình phản ứng sinh hóa. Thuốc chuyển hóa mạnh ở gan, tạo thành omithin và urê qua sự thủy phân nhóm guanidin dưới sự xúc tác của arginase.
3.4 Thải trừ
Arginin được lọc ở ống thận và được hấp thu lại gần như hoàn toàn ở ống thận. Nửa đời thải trừ: 1,2 - 2 giờ.
4 Chỉ định
4.1 Đường tiêm truyền tĩnh mạch
Dùng làm thử nghiệm đánh giá dự trữ hormon tăng trưởng của tuyến yên ở người nghi ngờ hoặc đã biết bị thiếu hormon tăng trưởng trong các bệnh như suy toàn bộ tuyến yên, lùn do tuyến yên, adenom tuyến yên tế bào kỵ sắc, u sọ - hầu sau phẫu thuật, cắt bỏ tuyến yên, chấn thương tuyến yên, bệnh to đầu chi, bệnh khổng lồ và các vấn đề liên quan đến tăng trưởng và tầm vóc.
4.2 Đường uống
Điều trị tăng amoniac huyết bẩm sinh do rối loạn chu trình urê. Hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
6 Thận trọng
Quá liều arginin hydroclorid truyền tĩnh mạch ở trẻ em có thể dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa tăng clorid huyết, phù não và có thể gây tử vong. Đã có báo cáo về quá liều arginin hydroclorid tiêm tĩnh mạch ở trẻ em dẫn đến tử vong nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng ở trẻ em.
Phản ứng quá mẫn, bao gồm phản ứng phản vệ đã được báo cáo. Khi truyền arginin hydroclorid phải sẵn có các phương tiện cấp cứu. Nếu phản ứng phản vệ hoặc phản ứng quá mẫn nặng nào khác xảy ra, nên ngừng truyền ngay và xử trí phù hợp. Không dùng arginin hydroclorid đối với bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Các dung dịch tiêm truyền arginin hydroclorid được dùng theo đường tĩnh mạch.
Arginin tương kỵ với dung dịch dextrose 5% nên khuyến cáo pha arginin với dung dịch Natri clorid 0,9%, nên truyền vào ven chính, ven to để dịch chảy nhanh, tránh tiêm tĩnh mạch trực tiếp vì gây ADR nóng bừng toàn thân, nôn, buồn nôn, ho.
Dung dịch arginin hydroclorid là dung dịch ưu trương (950 mOsmol/ lít) và có tính acid (pl trung bình là 5,6) nên có thể gây kích ứng và tổn thương mô. Truyền tĩnh mạch với tốc độ nhanh có thể gây kích ứng tại chỗ, đỏ bừng, buồn nôn và nôn.
Arginin có thể chuyển hóa thành các hợp chất chứa nitrogen để thải trừ. Nên thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận do ảnh hưởng của lượng nitrogen cao lên chức năng thận. Arginin hydroclorid có thể gây tăng Kali huyết đe dọa sự sống đối với bệnh nhân suy thận vì sự thải trừ kali giảm ở các bệnh nhân này. Nên dùng arginin thận trọng đối với bệnh nhân có bệnh về thận, suy giảm chức năng thận hoặc vô niệu.
Arginin hydroclorid có chứa clorid (47,5 mEa/100 ml dung dịch arginin hydroclorid 10%), vì vậy, cần đánh giá ảnh hưởng đối với bệnh nhân rối loạn thăng bằng điện giải trước khi sử dụng. Đối với chứng tăng amoniac huyết cấp tính, dùng liều cao arginin có thể gây nhiễm acid chuyển hóa tăng clorid huyết, do đó cần theo dõi nồng độ clorid và bicarbonat trong máu và có thể dùng đồng thời một lượng thích hợp bicarbonat.
Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân nhiễm acid chuyển hóa tăng clorid huyết và bệnh nhân rối loạn điện giải. Nên lưu ý nồng độ hormon tăng trưởng trước và sau kích thích bằng arginin hydroclorid có thể tăng ở bệnh nhân mang thai hoặc đang dùng thuốc tránh thai đường uống.
Không dùng arginin cho bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim.
Thận trọng khi dùng trong trường hợp tắc nghẽn đường mật và suy tế bào gan nặng.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm chứng tốt về việc dùng arginin ở phụ nữ mang thai, không nên dùng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa biết rõ arginin có được tiết với lượng đáng kể trong sữa người hay không. Cần cân nhắc giữa lợi ích cho mẹ và nguy cơ đối với trẻ bú mẹ để quyết định việc dùng thuốc và ngừng cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
TKTW: tê cóng, đau đầu.
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn.
Nội tiết - chuyển hóa: tăng thân nhiệt.
Khác: đỏ bừng, kích thích tĩnh mạch cục bộ.
9.2 Hiếm gặp
Da: phù nề, đỏ, đau.
Huyết học: giảm tiểu cầu.
Miễn dịch: phản ứng phản vệ.
Chưa xác định được tần suất
Tim mạch: giảm huyết áp, viêm tĩnh mạch.
Hô hấp: ho nặng (khi xông arginin cho trẻ em có xơ nang); tăng hơi thở ra oxyd nitric và giảm FEV1 (thể tích thở ra gắng sức trong 1 phút) ở bệnh nhân hen.
Tiêu hóa: co cứng cơ bụng và trướng bụng ở bệnh nhân có xơ nang. Nột tiết - chuyển hóa: gây giải phóng hormon tăng trưởng, insulin, glucagon, prolactin. Tăng kali huyết ở người có bệnh gan, thận, đái tháo đường. Giảm phospho huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Tiết niệu: tăng mức nitơ urê huyết và creatinin huyết thanh. Khi tiêm tĩnh mạch gây ho, ho sặc sụa, tiêm tĩnh mạch nhanh gây nóng bừng toàn thân.
9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phản ứng dị ứng thuốc, ban đỏ và sưng ở tay và mặt giảm nhanh sau khi ngừng thuốc và dùng diphenhydramin.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Đường truyền tĩnh mạch
10.1.1 Cách dùng
Truyền tĩnh mạch dung dịch arginin hydroclorid là một phần của thử nghiệm đánh giá dự trữ hormon tăng trưởng của tuyến yên ở người. Quy trình đánh giá được thực hiện như sau:
Thử nghiệm được thực hiện vào buổi sáng, sau 1 đêm ngủ, bệnh nhân nhịn đói qua đêm và tiếp tục nhịn đói trong khi thực hiện thử nghiệm. Bệnh nhân nằm nghi tại giường ít nhất 30 phút trước khi bắt đầu truyền. Tránh các căng thẳng và gắng sức cho bệnh nhân, điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ em. Arginin hydroclorid là dung dịch ưu trong, nên truyền qua kim luồn hoặc cathete mềm đặt vào tĩnh mạch trụ trước hoặc tĩnh mạch thích hợp. Nên lấy mẫu máu để đánh giá từ tĩnh mạch ở cánh tay đối diện ở các thời điểm 30 phút trước khi truyền, ngay trước khi truyền và 30 phút, 60 phút, 90 phút, 120 phút và 150 phút sau khi truyền arginin hydroclorid. Truyền arginin hydroclorid với tốc độ thích hợp để thời gian truyền kéo dài trên 30 phút. Mẫu máu nên được ly tâm ngay và bảo quản ở -20 °C đến khi được phân tích.
Dùng liều không thích hợp hoặc kéo dài thời gian tiêm truyền có thể làm giảm kích thích tuyến yên và làm hỏng thử nghiệm.
Đánh giá kết quả: Chức năng tuyến yên bình thường: Nồng độ hormon tăng trưởng trong huyết tương 10 - 30 nanogam/ml ở thời điểm 60 phút sau khi bắt đầu truyền arginin. Đối với một số nhà lâm sàng, tiêu chuẩn dự trữ hormon tăng trưởng trong huyết tương phải đạt được từ 7 nanogam/ml trở lên, với nồng độ hormon huyết tương do arginin gây ra phải ít nhất 5 nanogam/ml. Bệnh khổng lồ và to đầu chỉ có thể phản ánh qua mất khả năng đáp ứng với kích thích do arginin. Khi nồng độ hormon tăng trưởng huyết tương bằng 4 nanogam/ml hoặc ít hơn thì chứng tỏ sự thiếu hụt hormon tăng trưởng tuyến yên. Nồng độ hormon tăng trưởng tăng do arginin có thể cao ở nữ hơn ở nam và cao ở phụ nữ mang thai hơn phụ nữ không mang thai. Đáp ứng với arginin có thể không rõ nét ở người béo phì và người suy tuyến giáp. Kết quả dương tính giả và âm tính giả tương đối phổ biến, do đó, không thể chỉ dựa vào một thử nghiệm duy nhất. Một thử nghiệm thứ hai với arginin hoặc insulin có thể làm sau 24 giờ.
Nếu thử nghiệm cho kết quả giảm dự trữ hormon tuyến yên thì nên đánh giá lại bằng thử nghiệm thứ hai với dung dịch arginin hydroclorid hoặc thử nghiệm hạ glucose huyết bằng insulin. Nên đợi 1 ngày giữa 2 lần thử nghiệm.
10.1.2 Liều dùng đánh giá dự trữ hormon tăng trưởng của tuyến yên (truyền tĩnh mạch arginin hydroclorid)
Liều khuyến cáo dùng ở người lớn là 30 g arginin hydroclorid, ở trẻ em là 500 mg arginin hydroclorid/kg, truyền tĩnh mạch trên 30 phút. Tổng liều không vượt quá 30 g arginin hydroclorid.
10.2 Đường uống
Điều trị tăng amoniac huyết bẩm sinh do rối loạn chu trình urê: Liều dùng arginin hydroclorid ở người lớn là 250 - 500 mg/kg/ ngày. Trẻ sơ sinh: 1 - 5 g/ngày, trẻ em: 5 - 10 g/ngày.
Hỗ trợ điều trị khó tiêu: Liều dùng arginin hydroclorid ở người lớn là 1 - 2 g/lần, 3 lần/ngày.
11 Tương tác thuốc
Thuốc tránh thai đường uống kết hợp estrogen và progestogen có thể làm tăng đáp ứng của hormon tăng trưởng và làm giảm đáp ứng của glucagon và insulin với arginin.
Nồng độ insulin trong huyết tương sau sự kích thích của arginin có thể được tăng lên bởi thuốc lợi tiểu thiazid, Xylitol và aminophylin. Hai thuốc sau cũng làm giảm đáp ứng của glucagon với arginin. Dung thời gian dài sulfonylurê, thuốc chữa đái thảo đường uống, có thể ngăn cản đáp ứng của glucagon trong huyết tương với arginin. Phenytoin làm giảm đáp ứng của insulin trong huyết tương với arginin, khi bệnh nhân không dung nạp glucose được nạp glucose. Tăng kali huyết nặng xảy ra sau liệu pháp arginin điều trị nhiễm kiểm chuyển hóa ở vài bệnh nhân bị bệnh gan nặng vừa mới dùng spinnolacton. Bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu giữ kali có nguy cơ cao bị tăng kali huyết gây bởi arginin, và vì thế tránh kết hợp các thuốc này.
12 Tương kỵ
Arginin tương kỵ với dung dịch dextrose 5% nên khuyến cáo pha arginin với dung dịch natri clorid 0,9%.
13 Quá liều và xử trí
Quá liều có thể do nhiễm acid chuyển hóa nhất thời kèm tăng thông khí, có thể dẫn đến tử vong. Trong phần lớn trường hợp, nhiễm acid chuyển hóa sẽ được cơ thể tự bù chỉnh và sự thiếu hụt cơ bản sẽ trở lại binh thường sau khi hoàn thành quá trình tiêm truyền. Nếu tình trạng này kéo dài, nên đánh giá lại sự thiếu hụt và điều trị bằng các chất kiềm hóa với liều được tính toán chính xác.
Có báo cáo về quá liều xảy ra ở trẻ em. Phải hết sức thận trọng khi truyền tĩnh mạch dung dịch arginin hydroclorid cho trẻ em. Quá liều thuốc này ở trẻ em có thể dẫn đến nhiễm acid chuyển hóa tiểu quản thận, phù não hoặc có thể chết. Một thuốc kháng histamin thích hợp nên có sẵn để dùng trong trường hợp phản ứng dị ứng xảy ra.
Cập nhật lần cuối: 2019.