Ambroxol
55 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
AMBROXOL
Tên chung quốc tế: Ambroxol.
Mã ATC: R05CB06.
Loại thuốc: Thuốc long đờm.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc dùng dưới dạng muối ambroxol hydroclorid:
Viên nén: 30 mg.
Dung dịch uống: 30 mg/5 ml, lọ 50 ml.
Khí dung: 15 mg/2 ml.
Sirô: 15 mg/5 ml, 30 mg/5 ml.
Nang giải phóng kéo dài: 75 mg.
2 Dược lực học
Ambroxol là một chất chuyển hóa của Bromhexin, có tác dụng và công dụng tương tự như bromhexin. Ambroxol có tác dụng làm đờm lỏng hơn, ít quánh hơn nên dễ bị tống ra ngoài, vì vậy thuốc có tác dụng long đờm.
Ambroxol có thể kích thích tổng hợp và bài tiết chất diện hoạt phế nang. Thuốc đã được coi là một chất hoạt hóa bề mặt. Tuy vậy, thuốc không có hiệu quả khi dùng cho người mẹ để phòng hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, nhưng thuốc có hiệu quả khiêm tốn khi điều trị sớm cho trẻ nhỏ phát bệnh.
3 Dược động học
Ambroxol hấp thụ nhanh sau khi uống, thuốc khuếch tán nhanh từ máu đến mô với nồng độ thuốc cao nhất trong phổi. Sinh khả dụng khoảng 70%. Nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được trong vòng 0,5 - 3 giờ sau khi dùng thuốc. Với liều điều trị, thuốc liên kết với protein huyết tương xấp xỉ 90%. Ambroxol được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Nửa đời thải trừ cuối khoảng 10 giờ. Thuốc bài tiết qua thận khoảng 83%.
4 Chỉ định và chống chỉ định
4.1 Chỉ định
Điều trị các rối loạn tiết dịch phế quản, đặc biệt trong các giai đoạn của viêm phế quản cấp tính, giai đoạn cấp tính của các bệnh phế quản - phổi mạn tính.
4.2 Chống chỉ định
Quá mẫn với ambroxol.
Loét dạ dày - tá tràng tiến triển.
5 Lưu ý và Thận trọng
5.1 Thận trọng
Cần chú ý với người bị loét Đường tiêu hóa và các trường hợp ho ra máu, vì ambroxol có thể làm tan các cục đông fibrin và làm xuất huyết trở lại. Chỉ điều trị ambroxol một đợt ngắn, nếu không đỡ phải thăm khám lại.
5.2 Thời kỳ mang thai
Chưa có đủ số liệu lâm sàng dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Khuyến cáo không nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
5.3 Thời kỳ cho con bú
Không dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
6 Tác dụng không mong muốn (ADR)
6.1 Thường gặp
Tiêu hóa: ỉa chảy, sau khi tiêm gây ợ nóng, khó tiêu, đôi khi buồn nôn, nôn.
6.2 Ít gặp
Dị ứng, chủ yếu phát ban.
6.3 Hiếm gặp
Phản ứng kiểu phản vệ và phản ứng nặng ở da (hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, nhiễm độc hoại tử biểu bì), miệng khô và tăng các transaminase.
6.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng điều trị nếu cần thiết.
7 Liều lượng và cách dùng
7.1 Uống
Uống sau khi ăn.
Người lớn và trẻ em > 10 tuổi: 30 - 60 mg/lần, 2 lần/ngày.
Dạng nang giải phóng kéo dài: 1 viên 75 mg/ngày.
Trẻ em 6 - 10 tuổi: 15 - 30 mg/lần, ngày 2 lần.
7.2 Khí dung
Người lớn và trẻ em > 10 tuổi: 15 mg/lần, ngày 1 - 2 lần.
Trẻ em 6 - 10 tuổi: 7,5 mg/lần, ngày 2 - 3 lần.
8 Tương tác thuốc
Dùng ambroxol với kháng sinh (amoxicilin, cefuroxim, erythro- mycin, doxycyclin) làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi.
Không phối hợp ambroxol với thuốc chống ho (thí dụ codein) hoặc thuốc làm khô đờm (thí dụ atropin).
9 Quá liều và xử trí
Chưa có báo cáo về dấu hiệu quá liều. Nếu xảy ra, cần ngừng thuốc và điều trị triệu chứng.
Cập nhật lần cuối: 2016