Alverin Citrat
35 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 189, tải PDF tại đây
ALVERIN CITRAT
Tên chung quốc tế: Alverine citrate.
Mã ATC: A03AX08.
Loại thuốc: Chống co thắt cơ trơn.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang cứng: 60 mg, 120 mg.
2 Tác dụng của Alverin citrat
2.1 Dược lực học
Alverin citrat có tác dụng trực tiếp chống co thắt cơ trơn ở Đường tiêu hóa và tử cung, nhưng không ảnh hưởng đến tim, mạch máu và cơ trơn khí phế quản ở liều điều trị.
Gần đây tác dụng của alverin citrat trên đường tiêu hóa được xác định do 3 cơ chế: chẹn kênh calci; làm giảm tính nhạy cảm của ruột; ức chế thụ thể serotonin 5HT1A
2.2 Dược động học
Sau khi được hấp thu từ đường tiêu hóa, alverin citrat chuyển hóa nhanh chóng thành chất chuyển hóa có hoạt tính, nồng độ cao nhất trong huyết tương đạt được sau khi uống 1 - 1,5 giờ. Sau đó thuốc được chuyển hóa tiếp thành các chất không còn hoạt tính và được thải trừ ra nước tiểu theo cơ chế bài tiết tích cực ở thận.
Nửa đời thải trừ của alverin là 0,8 giờ, nửa đời thải trừ của chất chuyển hóa có hoạt tính là 5,7 giờ.
Chỉ định, chống chỉ định
2.3 Chỉ định
Giảm triệu chứng các bệnh lý trên đường tiêu hóa do co thắt cơ trơn như hội chứng ruột kích thích, đau do viêm túi thừa.
Thống kinh nguyên phát.
2.4 Chống chỉ định
Quá mẫn với thuốc.
Tắc ruột hoặc liệt ruột.
Mất trương lực đại tràng.
3 Thận trọng
Phải đến khám thầy thuốc nếu xuất hiện các triệu chứng mới hoặc các triệu chứng còn dai dẳng, xấu hơn, không cải thiện sau 2 tuần điều trị.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bệnh nhân ≥ 40 tuổi hoặc xuất hiện các triệu chứng sau trong quá trình điều trị: có dấu hiệu buồn nôn, chán ăn, giảm cân, da nhợt nhạt, mệt mỏi, táo bón nặng, sốt, phụ nữ mang thai, chảy máu âm đạo bất thường hoặc dịch tiết âm đạo bất thường, bí tiểu hoặc đau khi đi tiểu.
4 Thời kỳ mang thai và cho con bú
4.1 Thời kỳ mang thai
Mặc dù không gây quái thai nhưng không nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai vì bằng chứng về độ an toàn trong các nghiên cứu tiền lâm sàng còn hạn chế.
4.2 Thời kỳ cho con bú
Không nên dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú vì bằng chứng về độ an toàn còn hạn chế.
5 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Miễn dịch: phản ứng dị ứng, phản vệ, khó thở và/hoặc thở khò khè.
Thần kinh: đau đầu, chóng mặt.
Tiêu hóa: nôn.
Gan - mật: vàng da do viêm gan.
Da: ngứa, phát ban.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các ADR thường nhẹ, không cần phải xử trí. Nếu thấy ngứa, phát ban, cần ngừng thuốc, theo dõi phản ứng phản vệ tuy rất hiếm xảy ra.
6 Liều lượng và cách dùng
Người lớn, trẻ em ≥ 12 tuổi: uống 60 - 120 mg/lần, ngày 1 - 3 lần. Trẻ em dưới 12 tuổi không nên dùng.
7 Tương tác thuốc
Thuốc ít có nguy cơ tương tác với các thuốc khác.
8 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Hạ huyết áp và triệu chứng nhiễm độc giống atropin.
Xử tri: Như khi ngộ độc atropin: nếu do uống quá liều thì phải rửa dạ dày, nên cho uống than hoạt trước khi rửa dạ dày và cần có biện pháp hỗ trợ điều trị hạ huyết áp.
Cập nhật lần cuối: 2017