Adenosine

28 sản phẩm

Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Adenosine

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022.

Trang 166-168, tải PDF TẠI ĐÂY

ADENOSIN 

Tên chung quốc tế: Adenosine

Mã ATC: C01EB10. 

Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp tim. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 6 mg/2 ml, 12 mg/4 ml. Dung dịch truyền tĩnh mạch: 3 mg/ml (lọ 30 ml). 

2 Dược lực học 

Adenosin là chất chủ vận purin, kích thích chủ yếu trên receptor P (trong đó bao gồm receptor adenosin A1 và A2 trên màng tế bào). Tác dụng chống loạn nhịp của adenosin do kích thích thụ thể adenosin A1 làm chậm dẫn truyền thông qua nút nhĩ thất. Tác dụng giãn mạch vành và giãn mạch ngoại vi do kích thích thụ thể adenosin A2 Tiêm tĩnh mạch nhanh adenosin làm chậm sự dẫn truyền qua nút nhĩ thất và làm mất nhịp nhanh kịch phát trên thất do cắt hiện tượng vào lại ở nút nhĩ thất (một khi hiện tượng vào lại đã mất, nhịp nhanh ngừng và nhịp xoang bình thường sẽ phục hồi). Thuốc cũng có ích trong nghiên cứu điện sinh lý học để xác định vị trí của blốc nhĩ thất. Do tác dụng đặc hiệu trên nút nhĩ - thất, adenosin cũng có ích trong chẩn đoán phân biệt nhịp nhanh trên thất có phức bộ QRS giãn rộng hay hẹp. 

Thuốc làm tăng đáng kể lưu lượng mạch vành bình thường trong khi hầu như rất ít hoặc không làm tăng ở động mạch hẹp nên có ích trong kỹ thuật xạ hình tưới máu cơ tim. 

Adenosin không có hiệu quả đối với cuồng động nhĩ, rung nhĩ, hoặc nhịp nhanh thất. 

3 Dược động học 

3.1 Phân bố

Adenosin khi tiêm tĩnh mạch bị mất nhanh khỏi tuần hoàn do thuốc xâm nhập vào tế bào, chủ yếu vào hồng cầu và tế bào nội mô mạch máu. Quá trình này liên quan đến một hệ thống chất vận chuyển nucleosid xuyên màng đặc hiệu. 

3.2 Chuyển hóa

Adenosin trong tế bào chuyển hóa nhanh do phosphoryl hóa thành adenosin monophosphat nhờ adenosin kinase hoặc do khử amin thành inosin nhờ adenosin desaminase trong bào tương. Quá trình khử amin chỉ đóng một vai trò quan trọng khi adenosin bảo tương bão hòa con đường phosphoryl hóa. Inosin được hình thành bằng cách khử adenosin có thể thoát khỏi tế bào ở dạng nguyên vẹn hoặc có thể bị phân hủy thành hypoxanthin, xanthin và cuối cùng là acid uric. Adenosin monophosphat được hình thành bằng cách phosphoryl hóa adenosin được kết hợp vào nhóm phosphat năng lượng cao. 

3.3 Thải trừ

Adenosin ngoài tế bào bị mất nhanh do xâm nhập vào tế bào với nửa đời thải trừ dưới 10 giây trong máu toàn phần. 

3.4 Đối tượng đặc biệt

Vì adenosin không cần có sự tham gia của chức năng gan hoặc thận để hoạt hóa hoặc bất hoạt, cho nên suy gan hoặc suy thận không ảnh hưởng đến hiệu quả hoặc dung nạp của thuốc. 

4 Chỉ định 

Nhịp nhanh kịch phát trên thất, bao gồm cả hội chứng Wolff - Parkinson - White để chuyển nhanh về nhịp xoang. Khi được khuyến cáo về mặt lâm sàng, nên thử các thao tác phế vị thích hợp (ví dụ, nghiệm pháp Valsalva) trước khi dùng adenosin.

Thuốc hỗ trợ trong kỹ thuật xạ hình tưới máu cơ tim trên những bệnh nhân không thể thực hiện được gắng sức thể lực thích hợp: Adenosin dùng để làm giãn động mạch vành cùng với chụp hiện hình tưới máu cơ tim hoặc siêu âm gắng sức để phát hiện các khiếm khuyết trong tưới máu hoặc co bóp bất thường cục bộ do bệnh động mạch vành.

Hỗ trợ chẩn đoán phân biệt nhịp nhanh trên thất phức bộ QRS rộng hay hẹp. Mặc dù adenosin không có tác dụng chuyển cuồng nhĩ, rung nhĩ hoặc nhịp nhanh thất sang nhịp xoang, nhưng sự chậm lại của dẫn truyền nhĩ - thất giúp chẩn đoán hoạt động của tâm nhĩ.

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với adenosin. 

Người có hội chứng suy nút xoang hay (Blốc) nhĩ thất độ hai hoặc ba mà không cấy máy tạo nhịp, do nguy cơ ngừng xoang kéo dài hoặc blốc nhĩ thất hoàn toàn.

Người có hội chứng QT dài, hạ huyết áp nặng, suy tim mất bù. 

Bệnh hen và bệnh phế quản phổi tắc nghẽn, vì có thể gây thêm co thắt phế quản. 

6 Thận trọng 

Adenosin có thể ức chế trực tiếp trên các nút xoang nhĩ và nhĩ thất và có thể gây ra blốc nhĩ thất độ 1, 2 hoặc 3 hoặc nhịp chậm xoang. Vì vậy, cần thận trọng đối với bệnh nhân blốc nhĩ thất độ 1 và blốc các nhánh của bó His. Không sử dụng adenosin cho những bệnh nhân bị blốc nhĩ thất độ cao hoặc rối loạn chức năng nút xoang (ngoại trừ những bệnh nhân có máy tạo nhịp tim nhân tạo đang hoạt động). Ngừng dùng thuốc trên bệnh nhân có xuất hiện blốc ở độ cao dai dẳng hoặc có triệu chứng. 

Do khả năng rối loạn nhịp tim thoáng qua phát sinh trong quá trình chuyển đổi nhịp tim nhanh trên thất sang nhịp xoang bình thường, nên tiến hành dùng thuốc tại bệnh viện với thiết bị theo dõi và hồi sức tim phổi để sử dụng ngay nếu cần. Trong khi dùng thuốc, cần theo dõi điện tâm đồ liên tục vì có thể xảy ra rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Vì adenosin có khả năng gây hạ huyết áp đáng kể, nên thận trọng khi sử dụng adenosin cho bệnh nhân hẹp nhánh chính động mạch vành trái, giảm thể tích tuần hoàn không điều chỉnh, bệnh hẹp van tim, shunt trái sang phải, viêm màng ngoài tim hoặc tràn dịch màng ngoài tim, rối loạn chức năng tự động hoặc bệnh hẹp động mạch cảnh với rối loạn tuần hoàn não. Nên ngừng truyền thuốc trên bệnh nhân xuất hiện hạ huyết áp kéo dài hoặc có triệu chứng hạ huyết áp. Adenosin có thể làm tăng huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương có ý nghĩa lâm sàng. Hầu hết sự gia tăng tự hết trong vòng vài phút, nhưng trong một số trường hợp, tăng huyết áp có thể kéo dài trong vài giờ. 

Các tai biến xuất huyết não hoặc nhồi máu não đã xảy ra. Adenosin nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân bị rung hoặc cuồng nhĩ và đặc biệt là ở những bệnh nhân có đường dẫn truyền phụ vì những trường hợp này có thể làm tăng dẫn truyền qua đường dẫn truyền dị thường. 

Các trường hợp hiếm gặp về nhịp tim chậm nghiêm trọng đã được báo cáo. Một số xảy ra ở bệnh nhân sau ghép tim sớm; trong các trường hợp khác là sự có mặt của bệnh xoang - nhĩ tiềm ẩn. Sự xuất hiện của nhịp tim chậm nghiêm trọng nên được coi là một cảnh bảo của bệnh lý có từ trước và có khả năng dẫn đến xuất hiện xoắn đinh, đặc biệt ở những bệnh nhân có khoảng QT kéo dài. Ngừng tim gây tử vong và không tử vong, nhịp nhanh thất kéo dài (cần hồi sức) và nhồi máu cơ tim đã xảy ra sau khi truyền adenosin. Tránh sử dụng cho những bệnh nhân có các triệu chứng hoặc dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim cấp, ví dụ: đau thắt ngực không ổn định hoặc tim mạch không ổn định; những bệnh nhân này có thể có nhiều nguy cơ bị các phản ứng tim mạch nghiêm trọng hơn với adenosin. Cần có các biện pháp hồi sức thích hợp. 

Người bệnh mới ghép tim (dưới 1 năm) có thể gia tăng nhạy cảm với tác dụng trên tim của adenosin. 

Sử dụng thận trọng đối với người cao tuổi vì người cao tuổi có thể bị giảm chức năng tim, rối loạn nút tự động hoặc có các bệnh mắc kèm, sử dụng nhiều thuốc đồng thời do đó có thể thay đổi huyết động học và dẫn đến chậm nhịp tim hoặc blốc nhĩ thất. 

Sử dụng adenosin có thể gây khó thở, co thắt phế quản và ảnh hưởng đến hô hấp. Adenosin nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn không liên quan đến co thắt phế quản (ví dụ, khi phế thũng, viêm phế quản). Không sử dụng cho những bệnh nhân bị co thắt phế quản (ví dụ, hen phế quản). Nging adenosin ở bất kỳ bệnh nhân nào bị khó thở nghiêm trọng. Các biện pháp hồi sức nên có sẵn trước khi sử dụng adenosin.

Cơn co giật mới khởi phát hoặc tái phát đã xảy ra sau khi dùng adenosin. Một số cơn co giật kéo dài và cần điều trị chống co giật cấp. Aminophylin có thể làm tăng nguy cơ co giật liên quan đến adenosin. Sử dụng methylxanthin không được khuyến cáo ở những bệnh nhân bị co giật liên quan đến việc sử dụng adenosin. 

7 Thời kỳ mang thai 

Không có hoặc hạn chế dữ liệu về việc sử dụng adenosin ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu trên động vật là không đủ về độc tính sinh sản. Adenosin không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai trừ khi bác sĩ cân nhắc lợi ích cao hơn nguy cơ tiềm ẩn. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa rõ liệu các chất chuyển hóa của adenosin có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Không nên dùng adenosin trong thời kỳ cho con bú. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Khi tiêm adenosin, trước khi về hẳn nhịp xoang bình thường ổn định, loạn nhịp tim cũng có thể xảy ra nhưng nhất thời, như ngoại tâm thu thất, nhịp chậm xoang, blốc nhĩ thất, rung nhĩ và nhịp nhanh trên thất trở lại, thậm chí có cả ngừng tim ngắn. 

Các ADR thường có tính nhất thời (dưới 1 phút), vì nửa đời của adenosin rất ngắn (dưới 10 giây). 

Tần suất xuất hiện ADR của thuốc rất khác nhau liên quan đến cách dùng adenosin. Tần suất gặp ADR cao hơn khi dùng adenosin truyền tĩnh mạch liên tục. 

Các methylxanthin, chẳng hạn như aminophylin hoặc theophylin tiêm tĩnh mạch đã được sử dụng để chấm dứt các ADR dai dẳng (50 - 125 mg tiêm tĩnh mạch chậm). 

9.1 Rất thường gặp 

Tim mạch: nhịp tim chậm, nghi xoang, ngoại tâm thu nhĩ, blốc nhĩ thất, rối loạn kích thích thất như ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh thất không duy trì, nóng bừng mặt. 

Hô hấp: khó thở. 

Rối loạn chung và tại vị trí dùng thuốc: đau hoặc tức ngực, cảm giác co thắt/đè nén lồng ngực.  

9.2 Thường gặp 

Tâm thần: lo lắng. 

Tim mạch: hạ huyết áp, nhịp nhanh thất kéo dài hoặc không duy trì, blốc nhĩ thất. 

Tiêu hóa: buồn nôn. 

Thần kinh: nhức đầu, hơi choáng váng, hoa mắt chóng mặt

Thần kinh - cơ và xương: khó chịu ở cổ, họng, hàm, khó chịu ở chi trên (đến 4%), dị cảm (đến 2%). 

9.3 Ít gặp 

Tim mạch: nhịp nhanh xoang, đánh trống ngực. 

Mắt: nhìn mờ. 

Hô hấp: tăng thông khí. 

Tiêu hóa: vị kim loại. 

Rối loạn chung và tại vị trí dùng thuốc: đổ mồ hôi, khó chịu ở chân, cánh tay hoặc lưng, cảm giác khó chịu chung, yếu/đau. 

9.4 Rất hiếm gặp 

Tim mạch: rung nhĩ, nhịp tim chậm nghiêm trọng không được điều chinh bằng atropin và có thể cần tạo nhịp tạm thời, rối loạn kích thích tâm thất, bao gồm rung thất và xoắn đỉnh. 

Thần kinh: tăng áp lực nội sọ thoáng qua và hồi phục nhanh. Hô hấp: co thắt phế quản. 

Rối loạn chung và tại vị trí dùng thuốc: phản ứng tại vị trí tiêm. Chưa xác định được tần suất 

Hệ miễn dịch: phản ứng phản vệ (bao gồm phủ mạch và các phản ứng trên da như mày đay và phát ban). 

Tim mạch: vô tâm thu/ngừng tim, đôi khi gây tử vong, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim/rối loạn tim, hạ huyết áp (đôi khi nghiêm trọng). 

Thần kinh: mất ý thức/ngất, co giật, đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ. 

Hô hấp: suy hô hấp, ngừng thở/ngừng hô hấp. 

Tiêu hóa: nôn. 

10 Liều lượng và cách dùng 

Dùng adenosin phải có bác sĩ theo dõi và có sẵn phương tiện hồi sức tim và hô hấp. 

10.1 Điều trị loạn nhịp nhanh kịch phát trên thất 

Tiêm nhanh thẳng vào tĩnh mạch trong 1 - 2 giây hoặc vào dây truyền tĩnh mạch tại vị trí gần với bệnh nhân nhất có thể, sau đó truyền nhanh nước muối sinh lý (20 ml đối với người lớn, 5 ml hoặc hơn đối với trẻ em). 

Trẻ em < 50 kg: Liều khởi đầu là 0,05 - 0,1 mg/kg tiêm tĩnh mạch, nếu không chuyển biến sau 1 - 2 phút, lại tăng liều tiếp 0,05 - 0,1 mg/kg đến khi nhịp nút xoang được thiết lập hoặc liều đơn tối đa 0,3 mg/kg (liều đơn không quá 12 mg). 

Trẻ em ≥ 50 kg: Liều khởi đầu 6 mg. Nếu không có kết quả trong 1 - 2 phút, có thể dùng liều 12 mg và lặp lại 1 lần, nếu cần. Liều đơn tối đa 12 mg. 

Cấp cứu tim mạch hiện nay trong nhi khoa: Liều khởi đầu 0,1 mg/kg (liều đơn tối đa 6 mg) tiêm nhanh tĩnh mạch để điều trị loạn nhịp nhanh trên thất. Nếu cần, 1 liều thứ hai 0,2 mg/kg (liều đơn tối đa 12 mg). 

Người lớn: Liều khởi đầu là 6 mg tiêm nhanh tĩnh mạch trong 1 - 2 giây cả liều. Nếu không có hiệu quả trong vòng 1 - 2 phút, lại tiêm tĩnh mạch nhanh 12 mg và lặp lại 1 lần nếu cần. Liều dùng một lần cao hơn 12 mg không được khuyến cáo. 

Khi cần phải dùng đồng thời với dipyridamol, giảm liều adenosin xuống một phần tư so với liều dùng thông thường. 

Bệnh nhân ghép tim thường rất nhạy cảm với tác dụng của adenosin, nên đưa liều khởi đầu là 3 mg trong 2 giây, nếu cần, đưa tiếp 6 mg sau 1 - 2 phút và từ đó có thể dùng 12 mg sau 1 - 2 phút. Để chẩn đoán phân biệt nhịp nhanh trên thất: Dùng chế độ liều tương tự như trên. Bắt đầu với liều 3 mg, tiếp theo dùng liều 6 và sau đó dùng liều 12 mg sau mỗi 1 - 2 phút nếu cần.

10.2 Trong kỹ thuật xạ hình cơ tim

Truyền tĩnh mạch liên tục với liều 140 microgam/kg/phút trong 6 phút, tổng liều là 0,84 mg/kg. Dược chất phóng xạ (thali clorid TI 201) sẽ được tiêm vào thời điểm giữa quá trình truyền adenosin, ví dụ, sau khi bắt đầu truyền 3 phút. Công thức tính tốc độ truyền tĩnh mạch adenosin dựa vào trọng lượng cơ thể: 

Tốc độ truyền dịch (ml/phút) = [0,140 (mg/kg/phút) X trọng lượng cơ thể (kg)] / Nồng độ adenosin (3 mg/ml) 

Ví dụ: 

Trọng lượng cơ thể (kg)

Tốc độ truyền dịch

(ml/phút ml/phút trong 6 phút với tổng liều 0,84 mg/kg) 

45-49 

50 - 54 

55-59 

60 - 64 

65 - 69 

70-74 

75-79 

80-84 

85 - 89 

90-94 

95-99 

100-104 

2,1 

2,3 

2,6 

2,8 

3,0 

3,3 

3,5 

3,8 

4,0 

4,2 

4,4

4,7 

11 Tương tác thuốc 

Thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc cũng có tác động làm chậm dẫn truyền nhĩ thất như Digoxin hay Verapamil vì có thể gây suy tâm thu hoặc rung thất, tuy hiếm gặp. Các thuốc khác cũng có tác động trên tim như chẹn beta-adrenergic, chẹn kênh calci, ức chế men chuyển dạng angiotensin, quinidin nên được lưu ý khi dùng đồng thời với adenosin vì có tác dụng hiệp đồng trên nút xoang và nút nhĩ thất. 

Dipyridamol ức chế sự hấp thu và chuyển hóa tế bào của adenosin, đồng thời làm tăng tác dụng của adenosin. Trong một nghiên cứu, dipyridamol đã được chứng minh là làm tăng 4 lần tác dụng của adenosin. Vô tâm thu đã được báo cáo sau khi dùng đồng thời 2 thuốc. Do đó, không nên dùng adenosin cho bệnh nhân đang dùng dipyridamol; nếu việc sử dụng adenosin là cần thiết, nên ngừng dipyridamol 24 giờ trước khi sử dụng hoặc giảm liều adenosin.

Aminophylin, theophylin và các xanthin khác là những chất đối kháng cạnh tranh với adenosin, và nên tránh dùng trong 24 giờ trước khi sử dụng adenosin.

Tránh dùng thực phẩm và đồ uống có chứa xanthin (trà, cà phê, sôcôla và côla) 12 giờ trước khi dùng adenosin.

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Triệu chứng

Dùng quá liều sẽ gây hạ huyết áp nghiêm trọng, nhịp tim chậm hoặc vô tâm thu. Nửa đời thải trừ của adenosin trong máu rất ngắn, và ADR của adenosin (khi chúng xảy ra) sẽ nhanh chóng biến mất khi ngừng thuốc, mặc dù các phản ứng chậm hoặc dai dẳng đã được quan sát thấy. 

12.2 Xử trí

Nếu tai biến kéo dài, có thể dùng các methylxanthin như Cafein, aminophylin hoặc theophylin là những chất đối kháng cạnh tranh với adenosin. Sử dụng các methylxanthin không được khuyến cáo ở những bệnh nhân bị co giật liên quan đến việc sử dụng adenosin. 

Cập nhật lần cuối: 2020. 

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Adenosine

Kiehl’s Clearly Corrective Dark Spot Solution 50ml
Kiehl’s Clearly Corrective Dark Spot Solution 50ml
Liên hệ
BFS-Adenosin 3mg/ml
BFS-Adenosin 3mg/ml
Liên hệ
Viên uống bổ khớp Q&P Kowa 120
Viên uống bổ khớp Q&P Kowa 120
Liên hệ
Serum B9 Vic Derma+
Serum B9 Vic Derma+
950.000₫
Adenorythm 3mg/ml
Adenorythm 3mg/ml
Liên hệ
SNO Calendula Herbal Phyto Toner
SNO Calendula Herbal Phyto Toner
Liên hệ
AHC Capture Solution Max Ampoule 50ml
AHC Capture Solution Max Ampoule 50ml
Liên hệ
Eldas EG Tox Program
Eldas EG Tox Program
Liên hệ
Eldas Aura Shine Gold Pearl Premium Peptide
Eldas Aura Shine Gold Pearl Premium Peptide
Liên hệ
GoodnDoc Hydra B5 Serum
GoodnDoc Hydra B5 Serum
Liên hệ
Dr.pepti Centella Toner Ex
Dr.pepti Centella Toner Ex
Liên hệ
SkinMD Revi-tox Blue 10ml
SkinMD Revi-tox Blue 10ml
Liên hệ

SO SÁNH SẢN PHẨM CÙNG HOẠT CHẤT

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633