Acid Tranexamic
55 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 154-155, tải file PDF TẠI ĐÂY
ACID TRANEXAMIC
Tên chung quốc tế: Tranexamic acid.
Mã ATC: B02AA02.
Loại thuốc: Thuốc chống tiêu fibrin.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 250 mg, 500 mg, 650 mg, 1 g.
Viên nang: 250 mg, 500 mg.
Thuốc tiêm: 50 mg/ml, 100 mg/ml (lọ 5 ml, 10 ml).
2 Dược lực học
Acid tranexamic là một dẫn chất tổng hợp của acid amin lysin có tác dụng chống tiêu fibrin, ức chế sự phân hủy fibrin. Cơ chế tác dụng chủ yếu của acid tranexamic là ngăn cản plasminogen và plasmin gắn vào fibrin, do đó ức chế sự giáng hóa tự nhiên của fibrin, làm ổn định cục máu đông.
Nồng độ cần thiết của acid tranexamic trong huyết tương là 5 - 10 microgam/ml để có tác dụng ức chế tiêu fibrin. In vitro: Acid tranexamic tác dụng tương tự acid aminocaproic nhưng mạnh hơn gấp 10 lần, acid tranexamic ở nồng độ 1 mg/ml không làm tiểu cầu kết tập. Ở người khỏe mạnh, nồng độ acid tranexamic dưới 10 mg/ml máu cũng chưa gây ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu, thời gian máu đông hoặc các yếu tố đông máu trong máu toàn phần hoặc máu có citrat ở người bình thường. Nhưng acid tranexamic ở nồng độ 10 mg/ml và 1 mg/ml trong máu kéo dài thời gian thrombin. Dung dịch acid tranexamic đã được dùng tại chỗ để rửa bàng quang hoặc súc miệng.
3 Dược động học
Acid tranexamic được hấp thu từ Đường tiêu hóa, đạt nồng độ cao nhất trong huyết tương sau khoảng 3 giờ (tiêm bắp là 1 giờ, tiêm tĩnh mạch là 3 phút). Sinh khả dụng của thuốc sau khi uống khoảng 45%. Thuốc phân bố rộng trong cơ thể, gắn rất ít vào protein huyết tương (3%).
Thể tích phân bố ở người lớn là 9 - 12 lít. Thuốc qua được nhau thai và vào sữa mẹ (1% so với trong huyết thanh), vào được dịch não tủy (10% so với trong huyết tương). Thuốc phân bố nhanh vào dịch khớp và màng hoạt dịch trong dịch khớp, nồng độ thuốc tương tự như trong huyết thanh.
Nửa đời sinh học của acid tranexamic trong dịch khớp khoảng 3 giờ. Nồng độ acid tranexamic trong một số các mô khác thấp hơn so với nồng độ trong máu. Thuốc cũng vào dịch kính và thấy ở tinh dịch vẫn còn hoạt tính ức chế tiêu fibrin nhưng không ảnh hưởng đến di chuyển tinh trùng. Nửa đời thải trừ trong huyết tương khoảng 2 giờ. Sau khi tiêm tĩnh mạch, 95% liều thuốc bài tiết dưới dạng không đổi trong nước tiểu, nhưng sau khi uống, tỷ lệ này chỉ là 39%.
4 Chỉ định
Phòng ngừa và điều trị chảy máu kết hợp với tiêu fibrin quá mức (ví dụ phẫu thuật, nhổ răng, rối loạn chảy máu trong sản khoa, xuất huyết tiền phòng do chấn thương).
Dùng trong thời gian ngắn (2 - 8 ngày) trong và sau khi nhổ răng để làm giảm hoặc ngăn ngừa chảy máu ở bệnh nhân hemophilia.
Chảy máu mũi.
Rong kinh nguyên phát.
Phù mạch di truyền.
Chảy máu do dùng quá liều thuốc làm tiêu huyết khối.
Xuất huyết tiêu hóa.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với acid tranexamic.
Có tiền sử bệnh huyết khối tắc mạch hoặc đang có nguy cơ huyết khối (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...).
Chảy máu dưới màng nhện, rối loạn thị giác kiểu loạn màu sắc mắc phải (do không theo dõi được độc tính của thuốc).
Suy thận nặng (nguy cơ tích lũy thuốc) ở một số sản phẩm (tham khảo thông tin trên sản phẩm).
Tiền sử co giật.
Dung dịch tiêm: Tiêm trong tủy sống (intrathecal), trong não thất hoặc dùng trong não (nguy cơ phù não và co giật).
6 Thận trọng
Giảm liều ở người suy thận. Tránh dùng nếu suy thận nặng ở trẻ em. Thận trọng khi dùng ở người bị bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh mạch máu não hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo, phụ nữ kinh nguyệt không đều.
Người bệnh dùng acid tranexamic có thể ức chế sự phân giải các cục máu đông tồn tại ngoài mạch. Các cục máu đông trong hệ thống thận có thể dẫn đến tắc nghẽn trong thận. Phải thận trọng ở người đái ra máu (tránh dùng nếu có nguy cơ tắc nghẽn niệu quản). Chảy máu do động máu rải rác nội mạch không được điều trị bằng thuốc chống tiêu fibrin trừ khi bệnh chủ yếu do rối loạn cơ chế tiêu fibrin. Trong một số trường hợp phù hợp, acid tranexamic có thể được dùng sau đó, nhưng phải theo dõi cẩn thận và dùng thuốc chống đông máu.
Kiểm tra chức năng gan và thị giác thường xuyên khi điều trị dài ngày. Không dùng đồng thời với phức hợp yếu tố IX hoặc chất kháng ức chế đông máu vì tăng nguy cơ huyết khối.
Dùng acid tranexamic sau chảy máu dưới màng nhện có thể làm tăng tỷ lệ biến chứng thiếu máu cục bộ ở não.
7 Thời kỳ mang thai và cho con bú
7.1 Thời kỳ mang thai
Thuốc qua được nhau thai. Không có bằng chứng về tác dụng gây quái thai trên động vật thí nghiệm. Tài liệu về dùng acid tranexamic cho người mang thai có rất ít, do đó chỉ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai khi lợi ích lớn hơn nguy cơ thuốc có thể gây ra.
7.2 Thời kỳ cho con bú
Một lượng nhỏ acid tranexamic tiết vào sữa mẹ. Ảnh hưởng của thuốc lên trẻ nhỏ chưa được rõ. Thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú.
8 Tác dụng không mong muốn (ADR)
8.1 Thường gặp
Tiêu hóa: tiêu chảy (giảm liều), buồn nôn, nôn.
8.2 Ít gặp
Da: viêm da.
8.3 Hiếm gặp
Mắt: suy giảm thị lực (ngừng dùng); dấu hiệu huyết khối tắc mạch; rối loạn thị giác (ngừng dùng).
8.4 Chưa xác định được tần suất
Co giật (thường là với liều cao); hạ huyết áp (khi tiêm tĩnh mạch nhanh); tình trạng khó chịu (khi tiêm tĩnh mạch nhanh).
TKTW: phù não và nhồi máu não (khi điều trị chảy máu dưới màng nhện), đau đầu, chóng mặt.
Huyết học: giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, thời gian chảy máu bất thường.
Tiết niệu: hoại tử vỏ thận cấp ở người bị bệnh ưa chảy máu A. Suy thận kết hợp với hoại tử vỏ thận cấp hiếm gặp.
Phản ứng dị ứng: tăng mẫn cảm bao gồm phản ứng phản vệ (ngứa, phù mạch, sốc phản vệ) hoặc phát ban da.
8.5 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Giảm liều khi có các rối loạn tiêu hóa. Ngừng dùng thuốc khi có các rối loạn về thị giác.
9 Liều lượng và cách dùng
Acid tranexamic dùng đường uống, tiêm tĩnh mạch chậm (tối đa 100 mg/phút hay tốc độ không quá 1 ml/phút) hoặc truyền tĩnh mạch liên tục. Dùng đường tĩnh mạch sau vài ngày thường chuyển sang đường uống. Cũng có thể điều trị khởi đầu bằng tiêm tĩnh mạch, sau đó truyền tĩnh mạch liên tục.
9.1 Người lớn
9.1.1 Ức chế tiêu fibrin (tại chỗ).
Người lớn, uống 1 - 1,5 g/lần (hoặc 15 - 25 mg/kg), ngày 2 - 3 lần. Khi tiêm tĩnh mạch chậm, liều dùng mỗi lần 0,5 - 1 g (hoặc 10 mg/kg), ngày 3 lần.
Sau điều trị ban đầu bằng tiêm tĩnh mạch, tiếp theo truyền tĩnh mạch liên tục, liều 25 - 50 mg/kg/ngày.
Trẻ em, uống 15 - 25 mg/kg, 2 - 3 lần/ngày (tối đa 1,5 g/lần).
9.1.2 Rong kinh (liều đầu tiên khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt)
Người lớn, uống 1 g/lần, ngày 3 lần, tới 4 ngày. Tối đa mỗi ngày 4 g.
9.1.3 Phù mạch di truyền
Người lớn, uống 1,0 - 1,5 g/lần, ngày 2 - 3 lần.
Để dự phòng ngắn hạn của phù mạch di truyền, acid tranexamic được bắt đầu dùng từ vài ngày trước khi làm thủ thuật mà có nguy cơ gây ra phù mạch di truyền cấp tính (ví dụ trong nha khoa) và tiếp tục trong 2 - 5 ngày sau đó.
9.1.4 Chảy máu mũi
Uống 1,0 g/lần, ngày 3 lần, trong 7 ngày.
9.2 Trẻ em
Thông thường mỗi lần uống 25 mg/kg hoặc dùng đường tĩnh mạch 10 mg/kg, ngày 2 - 3 lần.
9.2.1 Ức chế tiêu fibrin nói chung
Tiêm tĩnh mạch chậm, người lớn, 1 g, cách 6 - 8 giờ, hoặc 15 mg/kg, cách 6 - 8 giờ, tốc độ tiêm không quá 100 mg/phút.
9.2.2 Phẫu thuật răng cho những người bị bệnh ưa chảy máu
Tiêm tĩnh mạch 10 mg/kg ngay trước khi phẫu thuật, sau đó tiêm 10 mg/kg/lần, ngày 3 - 4 lần, trong 2 - 8 ngày.
Người suy thận: Điều chỉnh liều dùng và khoảng cách dùng dựa trên nồng độ creatinin huyết thanh (Clcr):
Clcr: 120 - 250 micromol/lít: Uống 15 mg/kg/lần, ngày 2 lần, hoặc dùng đường tĩnh mạch 10 mg/kg/lần, ngày 2 lần (cách nhau 12 giờ).
Clcr : 250 - 500 micromol/lít: Uống 15 mg/kg, mỗi ngày 1 lần hoặc dùng đường tĩnh mạch 10 mg/kg, mỗi ngày một lần.
Clcr > 500 micromol/lít: Uống 7,5 mg/kg, mỗi ngày 1 lần hoặc 15 mg/kg cách mỗi 48 giờ; hoặc dùng đường tĩnh mạch 5 mg/kg, mỗi ngày 1 lần hoặc 10 mg/kg, cách mỗi 48 giờ (một số chế phẩm chống chỉ định ở người suy thận nặng).
10 Tương tác thuốc
Không dùng đồng thời acid tranexamic với estrogen vì có thể gây huyết khối nhiều hơn.
Thận trọng khi dùng đồng thời acid tranexamic với các thuốc cầm máu khác.
Tác dụng chống tiêu fibrin của thuốc bị đối kháng bởi các thuốc làm tan huyết khối.
Dùng đồng thời acid tranexamic với Tretinoin đường uống có thể gây huyết khối trong các vi mạch.
11 Tương hợp và tương kỵ
11.1 Tương hợp
Để truyền tĩnh mạch, có thể pha loãng dung dịch acid tranexamic với các dung dịch Natri clorid 0,9%, Glucose 5%, dung dịch Ringer lactat. Có thể cho acid tranexamic và Heparin vào cùng một dung dịch tiêm truyền. Chuẩn bị dịch truyền trong ngày truyền.
11.2 Tương kỵ
Không trộn thuốc tiêm với máu, urokinase.
Không trộn thuốc tiêm với một số thuốc tăng huyết áp (noradrenalin bitartrat, desoxyepinephrin hydroclorid, metaraminol bitartrat), các benzylpenicilin, penicilin, các tetracyclin (tetracyclin hydroclorid, rolitetracyclin nitrat, rolitetracyclin), dipyridamol, Diazepam, vì có những thay đổi về màu sắc hoặc có kết tủa.
Có nhà sản xuất cho rằng không trộn thuốc tiêm acid tranexamic với các thuốc khác.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Chưa có thông báo về trường hợp quá liều acid tranexamic. Những triệu chứng quá liều có thể là: buồn nôn, nôn, các triệu chứng và/hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.
12.2 Xử trí
Không có thuốc đặc hiệu. Nếu nhiễm độc do uống quá liều: gây nôn, rửa dạ dày và dùng than hoạt. Trong cả 2 trường hợp nhiễm độc do uống và do tiêm truyền, nên duy trì bổ sung dịch để thúc đẩy bài tiết thuốc qua thận và dùng các biện pháp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Cập nhật lần cuối: 2016
Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3
13 Acid Tranexamic và công nghệ trắng da số 1 tại Nhật Bản hiện nay
Tranexamic acid với tác dụng giúp trị nám và làm trắng đã được xác nhận hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng và được phê duyệt thành thuốc không kê đơn đầu tiên ở Nhật Bản có hiệu quả trị nám vào năm 2007, dưới tên thương mại là "Transino", được tiếp thị bởi tập đoàn Daiichi Sankyo Healthcare.
Cho đến nay, tại Nhật Bản và 1 số quốc gia châu Á, Axit Tranexamic được bán như một thuốc cầm máu và Transino: thuốc không kê đơn trị nám và làm trắng da.
14 Các chế phẩm có chứa Acid Tranexamic hiện nay
Mặc dù công dụng trị nám đang phát triển mạnh mẽ, Acid Tranexamic vẫn được chấp thuận trong y khoa với tác dụng chính là thuốc cầm máu theo cơ chế chống tiêu sợi huyết trong phẫu thuật và chấn thương, hiện đang được bán trên thị trường ở các dạng bào chế:
Viên nén, viên nén bao phim: 250 mg, 500 mg, 1000 mg.
Viên nang: 250 mg, 500 mg.
Ống tiêm: 50 mg/ml, 100 mg/ml, 250 mg/5 ml, 500 mg/5 ml, 1000 mg/10 ml.
Một số thuốc biệt dược phổ biến trên thị trường gồm: Antisamin; Exirol Injection; Hexamic, A.T Tranexamic inj, Acid tranexamic 250mg/5ml, Acid tranexamic 500mg, Tranbleed 250, Tranbleed 500, Tranbleed 500,.....
15 Tài liệu tham khảo
1. Ramirez RJ, Spinella PC, Bochicchio GV (Ngày đăng: tháng 1 năm 2017). Tranexamic Acid Update in Trauma, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
2. Paul L McCormack (Ngày đăng: ngày 26 tháng 3 năm 2012). Tranexamic acid: a review of its use in the treatment of hyperfibrinolysis, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
3. William Ng (ngày đăng: năm 2015). Tranexamic acid: a clinical review, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
4. Jean Wong và cộng sự (Ngày đăng: tháng 6 năm 2021). Tranexamic acid: current use in obstetrics, major orthopedic, and trauma surgery, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.