Acid Clavulanic
144 sản phẩm
Dược sĩ Hương Trà Dược sĩ lâm sàng - Đại học Y Dược Thái Nguyên
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
1 Mô tả hoạt chất
Công thức cấu tạo: C8H9NO5.
Tên IUPAC: (2 R ,3 Z ,5 R )-3-(2-hydroxyetyliden)-7-oxo-4-oxa-1-azabicyclo[3.2.0]heptan-2-axit cacboxylic.
Trạng thái: Là chất rắn có điểm sôi ở 545,8 độ; điểm nóng chảy ở 117,5-118 độ.
2 Dược lực học
Acid Clavulanic là kháng sinh được phân lập từ Streptomyces clavuligerus. Nó hoạt động như một chất ức chế tự sát của các enzym beta-lactamase của vi khuẩn. Nó có vai trò như một loại thuốc kháng khuẩn, chất chuyển hóa của vi khuẩn, thuốc giải lo âu và chất ức chế EC (beta-lactamase). Nó là một axit liên hợp của một clavulanate.
3 Cơ chế tác dụng
Việc sử dụng Acid Clavulanic luôn kết hợp với Amoxicillin ở dạng muối clavulanate kali. Amoxicillin là một loại kháng sinh beta-lactam làm gián đoạn quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Lớp peptidoglycan bị ức chế tổng hợp thông qua hoạt động liên kết với protein gắn với Penicillin. Sự gián đoạn trong quá trình tổng hợp thành tế bào này dẫn đến sự ly giải tế bào và cái chết của vi khuẩn. Một số loài vi khuẩn tạo ra enzym beta-lactamase, enzyme này có thể làm bất hoạt các thuốc beta-lactam bằng cách thủy phân vòng beta-lactam trong hợp chất kháng sinh, dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Acid Clavulanic có tác dụng ức chế Beta-Lactamase. Vòng Beta-lactam có trong Acid Clavulanic có vai trò làm bất hoạt enzyme Beta-Lactamase bằng cách gắn với vị trí hoạt động của enzym này. Từ đó giúp tác dụng kháng khuẩn của nhóm Beta-lactam tăng lên. Nó được cung cấp với liều lượng cố định cùng với Amoxicillin. Acid Clavulanic được phân loại là chất ức chế tự sát của các beta-lactamase này vì nó làm bất hoạt vĩnh viễn enzyme thông qua các phản ứng hóa học tại vị trí hoạt động. Acid Clavulanic đứng mình không có hiệu quả kháng khuẩn nên luôn phải đi cùng kháng sinh, đặc biệt là Amoxicilin.
4 Dược động học
Hấp thu: Tốt Ở tiêu hóa. Sinh khả dụng trung bình của Acid Clavulanic là 64%. Nồng độ tối đa của Acid Clavulanic là 2,098±0,441 mcg/ml. Acid Clavulanic có nồng độ tối đa sau 1,042±0,8 giờ.
Phân bố: Thể tích phân bố của Acid Clavulanic khoảng 12L. Acid Clavulanic vào dịch kẽ, các mô với nồng độ khá cao được tìm thấy ở mô mỡ, da, bụng,… 25% Acid Clavulanic gắn với protein huyết tương.
Chuyển hóa: Qua gan.
Thải trừ: Qua nước tiểu, phân và đường thời. Acid Clavulanic có nửa đời thải trừ 45-90 phút. Độ thanh thải của Acid Clavulanic trong một nghiên cứu dược động học trên 4 tình nguyện viên khỏe mạnh dùng liều Acid Clavulanic được đánh dấu phóng xạ là 0,21 l/phút. 6 Một nguồn khác cho biết độ thanh thải trung bình của Acid Clavulanic là 12,20 lít/h/70kg.
5 Chỉ định
Acid Clavulanic, còn được gọi là muối Kali dạng clavulanate, được FDA chấp thuận cho sử dụng lâm sàng kết hợp với Amoxicillin để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Điều này có thể dựa trên nguồn lây nhiễm, nhuộm Gram hoặc kết quả nuôi cấy và độ nhạy. Hoạt tính kháng khuẩn của Amoxicillin không được cải thiện bởi Acid Clavulanic khi được sử dụng chống lại vi khuẩn không tạo ra beta-lactamase. Do đó, chỉ định phối hợp thuốc này chỉ bao gồm những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm vi khuẩn sinh beta-lactamase. Sự phối hợp này được nghiên cứu là mang đến hiệu quả tốt trong điều trị các nhiễm trùng hô hấp, tiết niệu, da, mô mềm gây ra bởi nhiều chủng sinh vật như: H. influenzae, M. catarrhalis và S. aureus. Nên cân nhắc phối hợp Amoxicillin/Clavulanate trước khi dùng Ceftriaxone trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu để giảm nguy cơ tái nhiễm trùng và biến chứng.
6 Chống chỉ định
Tất cả các chống chỉ định đối với Acid Clavulanic được xem xét kết hợp với Amoxicillin vì Acid Clavulanic không được sử dụng riêng lẻ. Phối hợp thuốc thải trừ chủ yếu qua thận nên cần thận trọng khi bệnh nhân suy thận hoặc đang chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân mắc bệnh thận cần điều chỉnh liều, theo dõi chặt chẽ. Gan chuyển hóa chủ yếu sự kết hợp thuốc, và do đó, cần thận trọng khi dùng cho những bệnh nhân bị tổn thương gan hoặc bệnh. Amoxicillin/Clavulanate không bao giờ được dùng cho những bệnh nhân bị tổn thương đặc ứng do thuốc do Acid Clavulanic hoặc Amoxicillin, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy bản thân Acid Clavulanic gây độc cho gan. Vì Acid Clavulanic chỉ được dùng cùng với Amoxicillin, điều quan trọng là phải xem xét các tác dụng phụ của Amoxicillin, một loại kháng sinh có nguồn gốc từ penicillin, vì vậy cần thận trọng đối với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicillin.
7 Ứng dụng trong lâm sàng
Một số cách sử dụng Amoxicillin/Clavulanate ngoài hướng dẫn bao gồm vết cắn của động vật, bệnh chốc lở, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản và nhiễm trùng do răng.
8 Liều dùng - Cách dùng
8.1 Liều dùng
Tuy vào dạng phối hợp với Amoxicillin và tỷ lệ phối hợp mà liều dùng chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn, cách sử dụng cũng khác nhau. Thông thường Acid Clavulanic và Amoxicilin dạng phổ biến nhất là dạng viên nén với hàm lượng 2 thành phần lần lượt là Acid Clavulanic/Amoxicillin 625mg (125mg/500mg) hoặc Acid Clavulanic/Amoxicillin (62,5mg/500mg) dùng 1 viên/lần, các 8 giờ dùng 1 lần hoặc viên thuốc Acid Clavulanic/Amoxicillin 1g (125mg/875mg) dùng 1 viên/lần x 2 lần/ngày.
Acid Clavulanic/Amoxicillin cho trẻ em, liều thường là 5-15mg Acid Clavulanic/kg/ngày, chia làm 3 lần.
8.2 Cách dùng
Thuốc dùng đường uống, tiêm tùy vào tình trạng của mỗi người, dạng bào chế được chỉ định.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Điều trị viêm phổi cộng đồng với Amoxicillin
9 Tác dụng không mong muốn
Acid Clavulanic, khi dùng cùng với Amoxicillin, có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ trên Đường tiêu hóa. Chúng bao gồm nôn mửa, buồn nôn, phân lỏng, khó chịu. Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh do điều trị bằng Amoxicillin-Acid Clavulanic là tác dụng phụ phổ biến nhất. Tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn khi Acid Clavulanic được thêm vào Amoxicillin so với chỉ dùng Amoxicillin. Tiêu chảy phổ biến hơn ở những người dùng liều cao Acid Clavulanic và Amoxicillin giải phóng kéo dài. Viêm tụy do thuốc từ Acid Clavulanic và amoxicillin đã xảy ra trong một số trường hợp.
Khi được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, sự kết hợp thuốc này có thể gây viêm âm đạo do nấm candida. Amoxicillin, kết hợp với Acid Clavulanic, là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tổn thương đặc ứng do thuốc gây ra, đặc biệt là tổn thương gan do ứ mật, và điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nồng độ phosphatase kiềm và bilirubin. Vì việc sử dụng Acid Clavulanic luôn kết hợp với Amoxicillin, điều quan trọng là phải xem xét các tác dụng phụ của Amoxicillin đơn độc. Phản ứng quá mẫn với sự kết hợp thuốc này, thường là do Amoxicillin, có thể xảy ra và dẫn đến phản ứng da liễu. Tuy nhiên, không có phản ứng dị ứng nào trong số này được biết là do riêng Acid Clavulanic.
10 Tương tác thuốc
Tương tác cụ thể của Acid Clavulanic vẫn chưa ghi nhận. khi ở dạng phối hợp với Amoxicilin, chủ yếu xảy ra tương tác với Amoxicilin.
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Điều trị nhiễm trùng tiêu hóa với Ampicilin
11 Thận trọng
Độc tính của Acid Clavulanic đơn độc vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, tác dụng độc hại của Amoxicillin/Clavulanate đã được báo cáo. Tác dụng độc phổ biến nhất là tổn thương gan do thuốc đặc ứng dẫn đến tổn thương hỗn hợp tế bào gan-ứ mật, và nó phổ biến hơn ở nam giới lớn tuổi. Amoxicillin-Acid Clavulanic là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương gan do thuốc đặc ứng. Các yếu tố nguy cơ gây tổn thương gan bao gồm giới tính, sắc tố tế bào P450 và đa hình di truyền. Những yếu tố rủi ro này nên được kiểm tra trước khi sử dụng Amoxicillin/Clavulanate để giảm nguy cơ tác dụng phụ và độc hại. Ngoài việc chẩn đoán sớm và ngừng thuốc, có thể tiêm N-acetylcysteine để giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, có thể dùng steroid để giảm thời gian cần thiết để đưa các men gan và nồng độ bilirubin trở lại bình thường. Suy gan cũng là một tác dụng độc hại hiếm gặp nhưng có thể xảy ra của Amoxicillin-Acid Clavulanic.
12 Tại sao kết hợp kháng sinh Amoxicillin và Acid Clavulanic?
Việc kết hợp 2 chất này với nhau giúp phổ kháng khuẩn được mở rộng hơn, Acid Clavulanic giúp cho Amoxicillin hạn chế được nguy cơ bị phân hủy, giúp hiệu quả điều trị của thuốc được nâng cao.
Acid Clavulanic là một chất ức chế Beta-lactamase được sản xuất từ Streptomyces clavuligerus, khi kết hợp với một số loại kháng sinh Beta-lactam nhất định sẽ mở rộng hoạt động của chúng chống lại vi khuẩn có khả năng kháng lại việc sản xuất Beta-lacatamases. Khi kết hợp với Amoxicillin, nó mở rộng hoạt tính kháng khuẩn của Amoxicillin để bao gồm các chủng sản xuất Beta-lactamase, những chủng kháng thuốc khác, cũng như các loài kháng Amoxicillin như Bacteroides fragilis. Việc bổ sung Acid Clavulanic vào Amoxicillin đôi khi làm tăng (nhưng không làm giảm) tính nhạy cảm của vi khuẩn nhạy cảm với Amoxicillin. Acid Clavulanic được hấp thu đầy đủ sau khi uống và các đặc tính dược động học cơ bản của nó tương tự như của Amoxicillin. Các thử nghiệm điều trị sơ bộ cho thấy Amoxicillin cộng với Acid Clavulanic có hiệu quả trong nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn kháng Amoxicillin và nhiễm trùng đường hô hấp dưới không đáp ứng với liệu pháp kháng sinh thông thường trước đó, ở bệnh nhân nhập viện.
13 Các dạng bào chế phổ biến của Acid Clavulanic
Chỉ riêng Acid Clavulanic đã được chứng minh là không có tác dụng kháng khuẩn và việc sử dụng phải đi kèm với Amoxicillin. Nó có sẵn ở cả dạng rắn và lỏng. Đối với dạng rắn, bệnh nhân phải nhai viên nhai trước khi nuốt, ngoài ra còn có dạng viên giải phóng tức thời và giải phóng kéo dài phải nuốt nguyên viên. Hỗn dịch uống nên được lắc trước khi dùng và là công thức được khuyên dùng cho trẻ em không thể nhai viên hoặc nuốt cả viên. Nên dùng tất cả các dạng thuốc khi bắt đầu bữa ăn nhẹ để tăng cường hấp thu qua đường uống và tránh kích ứng đường tiêu hóa. Acid Clavulanic có thể làm tăng hấp thu Amoxicillin. Chế độ thuốc này được dùng hai lần đến ba lần mỗi ngày, tùy thuộc vào liều lượng.
Biệt dược gốc của Acid Clavulanic là: Augmentin ở dạng kết hợp với Amoxicillin.
Các thuốc khác chứa là: Klavunamox Amoxicillin 400mg/Acid Clavulanic 57mg, Augmentin Amoxicillin 250mg/Acid Clavulanic 31.25 mg,….
14 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Leah R. Uto; Valerie Gerriets (Ngày đăng 29 tháng 5 năm 2023). Clavulanic Acid, NIH. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2023
- Chuyên gia của Pubchem. Clavulanic Acid, Pubchem. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2023