Aciclovir (Acyclovir)
56 sản phẩm
Dược sĩ Thu Hà Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 5 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
ACICLOVIR
Tên chung quốc tế: Aciclovir (Acyclovir).
Mã ATC: D06BB03, J05AB01, S01AD03.
Loại thuốc: thuốc kháng virus.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 200 mg, 400 mg, 800 mg.
Nang: 200 mg.
Bột pha tiêm: 1 g, 500 mg, 250 mg (dưới dạng muối natri).
Hỗn dịch uống: Lọ 200 mg/5 ml, 5 g/125 ml, 4 g/50 ml.
Thuốc mỡ tra mắt: 3% (tuýp 4,5 g).
Thuốc mỡ dùng ngoài: 5% (tuýp 3 g, 15 g); kem dùng ngoài: 5%, tuýp 2 g, 10 g
2 Dược lực học
Aciclovir (acycloguanosin) là một purin nucleosid tổng hợp. Để có tác dụng, aciclovir phải được phosphoryl hóa thành dạng có hoạt tính là aciclovir triphosphat. Đầu tiên, aciclovir được chuyển thành aciclovir monophosphat nhờ enzym của virus là thymidin kinase, sau đó chuyển tiếp thành aciclovir diphosphat và aciclovir triphosphat bởi một số enzym của tế bào. Aciclovir triphosphat ức chế tổng hợp ADN và sự nhân lên của virus bằng cách cạnh tranh vị trí gắn với deoxyguanosin triphosphat trên ADN polymerase, dẫn đến tích hợp aciclovir vào chuỗi ADN đang tổng hợp và gây gián đoạn quá trình tổng hợp ADN của virus. Ngoài ra, dạng triphosphat của aciclovir cũng tác dụng như một chất ức chế ưu tiên đối với ADN polymerase của virus. Trên các tế bào không bị nhiễm virus, aciclovir chỉ thể hiện hoạt tính yếu do khả năng xâm nhập nội bào kém, hiệu suất phosphoryl hóa thấp và ái lực gắn yếu của dạng triphosphat với a-ADN polymerase.
Phổ tác dụng: Aciclovir thể hiện hoạt tính in vitro và in vivo chống lại các chủng virus Herpes simplex (HSV), bao gồm HSV typ I, HSV typ 2 và Varicella zoster. Ngoài ra, aciclovir cũng có tác dụng ức chế một số chủng Herpes khác nhưng với mức độ yếu hơn, bao gồm virus Epstein-Barr (EBV), Herpesvirus simiae, cytomegalovirus (CMV).
Xu hướng đề kháng: Sử dụng aciclovir kéo dài hoặc lặp lại có thể dẫn đến chọn lọc các chủng virus giảm nhạy cảm và gây mất hiệu quả điều trị, thường gặp trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Hầu hết các chủng đề kháng phân lập được trên lâm sàng có sự thiếu hụt enzym thymidin kinase, tuy nhiên cũng đã ghi nhận các chủng đề kháng bằng cách đột biến thay đổi cấu trúc thymidin kinase hoặc ADN polymerase.
3 Dược động học
Hấp thụ: Aciclovir chỉ được hấp thu một phần tại đường tiêu hóa. Sinh khả dụng đường uống dao động từ 10 - 20% và giảm dần khi tăng liều. Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương đạt được trong khoảng 1,5 - 2,5 giờ sau khi uống. Thức ăn không làm ảnh hưởng đến hấp thụ thuốc. Lượng thuốc được hấp thụ từ các dạng bào chế dùng tại chỗ (kem, thuốc mỡ) vào tuần hoàn chung rất nhỏ và thường nằm dưới ngưỡng phát hiện.
Phân bố: Thể tích phân bố của aciclovir khoảng 0,8 lít/kg. Thuốc có khả năng phân bố rộng trong các mô và dịch cơ thể, bao gồm não, thận, tuyến nước bọt, phổi, gan, cơ, lách, tử cung, niêm mạc và dịch tiết âm đạo, tinh dịch, dịch não tủy, dịch mụn herpes. Nồng độ thuốc đạt được trong dịch não tủy tương đương khoảng 50% nồng độ trong huyết tương. Tỷ lệ liên kết của thuốc với protein huyết tương là 9 - 33%.
Thải trừ: Aciclovir được chuyển hóa một phần nhỏ tại gan tạo thành các chất chuyển hóa không có hoạt tính. Thuốc được bài tiết chủ yếu qua thận thông qua lọc ở cầu thận và bài tiết tại ống thận. Trên người có chức năng thận bình thường, khoảng 62 - 91% liều tiêm truyền tĩnh mạch được bài tiết qua thận dưới dạng không biến đổi. Nồng độ aciclovir trong huyết tương giảm theo kiểu hai pha với nửa đời pha đầu là 0,34 giờ và nửa đời thải trừ pha cuối là 2,1 - 3,5 giờ. Trên bệnh nhân suy thận, nửa đời thải trừ của thuốc phụ thuộc vào thanh thải creatinin và có thể lên tới 19,5 giờ,
4 Chỉ định
Điều trị nhiễm virus Herpes simplex (typ 1 và typ 2) ở da và niêm mạc, bao gồm herpes sinh dục lần đầu và tái phát.
Dự phòng nhiễm virus Herpes simplex trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Dự phòng tái phát trên các bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bình thường bị tái nhiễm virus Herpes simple nhiều lần (≥ 6 lần mỗi năm).
Điều trị viêm màng não do Herpes simplex.
Điều trị nhiễm Herpes simplex sơ sinh (trẻ từ 0 - 3 tháng tuổi).
Điều trị nhiễm virus Varicella zoster (bệnh thủy đậu) và Herpes zoster (bệnh Zona).
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với aciclovir hoặc valaciclovir
6 Thận trọng
Do aciclovir được thải trừ qua thận, cần hiệu chỉnh liều trên các bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc đang thẩm tách máu để ngăn ngừa tích lũy thuốc, giảm nguy cơ độc tính và duy trì nồng độ thuốc thích hợp trong huyết tương.
Cần thận trọng khi sử dụng aciclovir đồng thời với các thuốc có độc tính trên thận do làm tăng nguy cơ độc tính trên thận và/hoặc TKTW
Nguy cơ suy thận do aciclovir tăng lên khi truyền tĩnh mạch nhanh, do đó aciclovir phải được truyền tĩnh mạch chậm trong thời gian tối thiểu 1 giờ.
Cần duy trì lượng dịch đưa vào thích hợp để tránh hiện tượng lắng đọng các tỉnh thể thuốc tại ống thận khi sử dụng aciclovir, đặc biệt trong trường hợp dùng liều cao. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân mắc viêm não Herpes, cần lưu ý nguy cơ phù não nếu bệnh nhân được bổ sung dịch quá mức.
Những thay đổi bất thường liên quan đến hệ thần kinh (ngủ lịm, run, lú lẫn, ảo giác, kích động, co giật, hôn mê) đã được ghi nhận trên các bệnh nhân điều trị bằng aciclovir. Do đó, thuốc cần được sử dụng thận trọng trên các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, có tình trạng thiếu oxy, suy thận, suy gan nặng hoặc rối loạn điện giải. Thuốc cũng cần được sử dụng thận trọng trên các bệnh nhân có tiền sử gặp ADR trên thần kinh khi sử dụng các hóa chất gây độc tế bào hoặc đang điều trị bằng methotrexat hoặc interferon tiêm nội tủy.
Khi sử dụng dài hạn aciclovir để dự phòng tái phát Herpes, cần tạm ngừng sử dụng thuốc sau 1 năm điều trị để tái đánh giá sự cần thiết của việc tiếp tục điều trị dựa trên tần suất và mức độ nặng của bệnh. Sử dụng thuốc kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể gây chọn lọc các chủng virus giảm nhạy cảm, dẫn đến mất đáp ứng điều trị với aciclovir.
7 Thời kỳ mang thai
Thuốc đã được sử dụng trên số lượng hạn chế phụ nữ mang thai và không ghi nhận sự tăng tần suất dị tật cũng như những ảnh hưởng bất lợi trực tiếp hoặc gián tiếp khác đối với thai nhi. Có thể sử dụng aciclovir đường uống để điều trị Herpes sinh dục nguyên phát trong thời kỳ mang thai. Những trường hợp nặng cũng có thể được điều trị với aciclovir truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, do chưa có đủ dữ liệu từ những nghiên cứu, chỉ nên sử dụng aciclovir khi lợi ích với người mẹ vượt trội so với nguy cơ tiềm tàng đối với thai nhi.
8 Thời kỳ cho con bú
Aciclovir có thể khuếch tán vào sữa mẹ, tuy nhiên lượng thuốc bài tiết vào sữa được xem là ít có ý nghĩa lâm sàng, một phần do sinh khả dụng đường uống của thuốc tương đối thấp. Chưa ghi nhận ADR cho trẻ đang bú khi người mẹ dùng aciclovir. Do đó, có thể sử dụng aciclovir trong thời kỳ cho con bú khi có chỉ định.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Gan: tăng enzym gan có hồi phục.
Da: ngứa, mày đay, phát ban (do tăng nhạy cảm với ánh sáng).
Thận: tăng urê và creatinin máu.
Toàn thân: mệt mỏi, sốt.
Tại chỗ: viêm và kích ứng tại chỗ, bệnh giác mạc chấm nông (đối với dạng tra mắt), viêm tĩnh mạch (tại nơi tiêm).
Hiếm gặp
Huyết học: giảm các tế bào máu (thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu), giảm bạch cầu trung tính.
TKTW: đau đầu, chóng mặt, kích động, lú lẫn, run, mất điều hòa, rối loạn vận ngôn, ảo giác, rối loạn tâm thần, co giật, ngủ gà, bệnh não, hôn mê.
Hô hấp: khó thở.
Gan: tăng bilirubin, vàng da, viêm gan.
Thận: suy giảm chức năng thận, suy thận cấp, đau (có thể do tinh thể niệu).
Khác: phù mạch, phản ứng phản vệ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các ADR trên thần kinh thường tự hồi phục sau khi ngừng thuốc. Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng (lú lẫn, hôn mê ở người suy thận), phải ngừng thuốc ngay. Các triệu chứng thường tiến triển tốt sau khi ngừng thuốc và ít khi phải thẩm phân máu.
Triệu chứng buồn nôn và nôn có thể được điều trị với thuốc chống nôn.
Nếu xuất hiện phát ban trong quá trình điều trị, cần áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ, cân nhắc sử dụng các thuốc kháng histamin hoặc corticosteroid.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Aciclovir có thể được sử dụng theo đường uống, bôi ngoài da hoặc tra mắt; dạng muối natri được dùng theo đường truyền tĩnh mạch chậm. Khi dùng đường uống, thời điểm sử dụng thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn.
Bột pha tiêm aciclovir natri cần được hòa tan trong nước cất pha tiêm hoặc dung dịch tiêm truyền Natri clorid 0,9% để được dung dịch có nồng độ 25 hoặc 50 mg/ml. Pha loãng thêm với một dung dịch tương hợp để được dịch truyền có nồng độ cuối không vượt quá 5 mg/ml (0,5%). Sử dụng dịch truyền với nồng độ cao hơn có thể gây viêm tĩnh mạch hoặc viêm tại vị trí tiêm kèm thoát mạch. Dung dịch aciclovir sau khi pha loãng thích hợp cần được truyền tĩnh mạch chậm với tốc độ hằng định trong thời gian 1 giờ.
10.2 Liều dùng
10.2.1 Điều trị nhiễm Herpes simplex nguyên phát hoặc tái phát
Cần bắt đầu điều trị sớm nhất có thể, tốt nhất là trong vòng 1 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu tổn thương đầu tiên hoặc khi có các triệu chứng báo trước (đối với trường hợp tái phát).
Đường uống:
Người lớn: Uống 200 mg/lần, 5 lần/ngày (cách 4 giờ/lần, trừ thời gian ngủ vào ban đêm). Liều dùng có thể tăng gấp đôi (400 mg/lần, 5 lần/ngày) trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc hấp thu thuốc kém. Thời gian điều trị thông thường là 5 - 10 ngày nhưng có thể kéo dài hơn trong những trường hợp nặng hoặc tổn thương chưa lành.
Trẻ em từ 1 tháng đến < 2 tuổi: Dùng liều bằng một nửa so với liều tương ứng trên người lớn; trẻ em từ 2 tuổi trở lên dùng liều như người lớn.
Truyền tĩnh mạch:
Người lớn và trẻ em 2-12 tuổi: 5 mg/kg, mỗi 8 giờ, trong 5 ngày.
Trẻ em 3 tháng - 11 tuổi: 250 mg/m² Diện tích bề mặt cơ thể, mỗi 8 giờ, trong 5 ngày.
Trẻ sơ sinh và trẻ em 1 - 2 tháng tuổi: 20 mg/kg, mỗi 8 giờ, trong 14 ngày.
10.2.2 Dự phòng tài phát trên các bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bình thường bị tái nhiễm Herpes nhiều lần
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: Uống 200 mg/lần, 4 lần/ngày (cách 6 giờ/lần) hoặc 400 mg lần, 2 lần/ngày (cách 12 giờ/lần). Liều có thể tăng lên tới 400 mg lần, 3 lần/ngày; việc tăng liều được cân nhắc khi vẫn xuất hiện các đợt tái phát với chế độ liều dự phòng khuyến cáo hoặc để dự phòng Herpes sinh dục trong giai đoạn cuối của thai kỳ (bắt đầu từ tuần thứ 36). Cần tạm ngưng điều trị sau mỗi 6 - 12 tháng để đánh giá lại tần suất tái phát; cân nhắc tái sử dụng phác đồ dự phòng nếu có từ 2 đợt tái phát trở lên.
10.2.3 Dự phòng nhiễm Herpes trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch
Đường uống:
Người lớn và trẻ em ≥ 2 tuổi: Uống 200 - 400 mg/lần, 4 lần/ngày.
Trẻ em từ 1 tháng đến < 2 tuổi: Uống 100 - 200 mg/lần, 4 lần/ngày.
Truyền tĩnh mạch:
Người lớn: 5 mg/kg, mỗi 8 giờ.
10.2.4 Điều trị nhiễm Varicella zoster (thủy đậu) và Herpes zoster (bệnh Zona)
Đường uống:
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: Uống 800 mg/lần, 5 lần/ngày, trong 7 ngày.
Trẻ em 6 - 11 tuổi: 800 mg/lần, 4 lần/ngày, trong 5 ngày.
Trẻ em 2 - 5 tuổi: 400 mg/lần, 4 lần/ngày, trong 5 ngày.
Trẻ em 1 tháng đến < 2 tuổi: 200 mg/lần, 4 lần/ngày, trong 5 ngày. Cần bắt đầu sử dụng thuốc trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu có dấu hiệu phát ban.
Truyền tĩnh mạch:
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 5 mg/kg, mỗi 8 giờ, trong 5 ngày; đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch, cần tăng liều lên tới 10 mg/kg, mỗi 8 giờ, trong 5 ngày.
Trẻ em 3 tháng - 11 tuổi: 250 mg/m², mỗi 8 giờ, trong 5 ngày hoặc 500 mg/m, mỗi 8 giờ, trong 5 ngày trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Trẻ sơ sinh và trẻ em 1 - 2 tháng tuổi: 10 - 20 mg/kg, mỗi 8 giờ, trong ít nhất 7 ngày.
10.2.5 Viêm não do Herpes
Truyền tĩnh mạch:
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 10 mg/kg, mỗi 8 giờ, trong 10 - 14 ngày.
Trẻ em 3 tháng - 11 tuổi: 500 mg/m², mỗi 8 giờ, trong 10 - 14 ngày.
Trẻ sơ sinh và trẻ em 1 - 2 tháng tuổi: 10 - 20 mg/kg, mỗi 8 giờ, trong 10 - 14 ngày.
Thời gian điều trị cần dài hơn (ít nhất 21 ngày) trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch có virus tác động đến hệ TKTW - dừng điều trị khi khẳng định dịch não tủy âm tính.
10.2.6 Dạng thuốc mỡ (dùng tại chỗ để điều trị nhiễm Herpes)
Tra mắt: Dùng 5 lần/ngày, trong 7 - 10 ngày (hoặc ít nhất 3 ngày sau khi tổn thương đã lành).
Bôi ngoài da: Dùng 5 lần/ngày, trong 5 - 10 ngày, bắt đầu ngay khi có dấu hiệu tổn thương đầu tiên.
10.2.7 Hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân suy thận
Đường uống:
Liều dùng đường uống trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận như sau:
Chế độ liều với chức năng thận bình thường | Độ thanh thải creatinin (mL/phút) | Liều hiệu chỉnh |
---|---|---|
200 mg, mỗi 4 giờ, 5 lần/ngày | > 10 0-10 | Không cần hiệu chỉnh 200 mg, mỗi 12 giờ |
400 mg, mỗi 12 giờ | > 10 0-10 | Không cần hiệu chỉnh 200 mg, mỗi 12 giờ |
800 mg, mỗi 4 giờ, 5 lần/ngày | > 25 10-25 0-10 | Không cần hiệu chỉnh 800 mg, mỗi 8 giờ 800 mg, mỗi 12 giờ |
Liều dùng đường uống với bệnh nhân suy thận kèm nhiễm HIV như sau:
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) | Liều hiệu chỉnh |
> 80 | Không hiệu chỉnh |
50-80 | 200 - 800 mg, mỗi 6 - 8 giờ |
25-50 | 200 - 800 mg, mỗi 8 - 12 giờ |
10 25 | 200 - 800 mg, mỗi 12 - 24 giờ |
<10 | 200 - 400 mg, mỗi 24 giờ |
Trên các bệnh nhân thẩm tách máu, cần bổ sung thêm một liều ngay sau khi thẩm tách. Không cần bổ sung thêm liều trong trường hợp thẩm phân phúc mạc.
Truyền tĩnh mạch:
Liều tiêm truyền tĩnh mạch trên bệnh nhân suy thận như sau:
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) | Tỷ lệ % so với liều khuyến cáo | Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc (giờ) |
---|---|---|
> 50 | 100% | 8 |
25-50 | 100% | 12 |
10-25 | 100% | 24 |
< 10 | 50% | 24 |
Liều tiêm truyền tĩnh mạch trên bệnh nhân suy thận kèm nhiễm HIV như sau:
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) | Liều hiệu chỉnh |
---|---|
> 50 | Không cần hiệu chỉnh |
10-50 | 5 mg/kg, cách nhau 12 - 24 giờ |
<10 | 2,5 mg/kg, cách nhau 24 giờ |
Trên các bệnh nhân thẩm tách máu, cần bổ sung thêm một liều ngay sau khi thẩm tách. Không cần bổ sung thêm liều trong trường hợp thẩm phân phúc mạc.
11 Tương tác thuốc
Probenecid và cimetidin làm tăng nửa đời trong huyết tương và AUC của aciclovir, có thể do các thuốc này ức chế cạnh tranh quá trình bài tiết qua ống thận, dẫn đến làm giảm độ thanh thải qua thận của aciclovir. Tuy nhiên, không có khuyến cáo hiệu chỉnh liều khi sử dụng đồng thời aciclovir với probenecid hoặc cimetidin.
Dùng đồng thời zidovudin và aciclovir có thể làm tăng độc tính trên thần kinh (ngủ lịm và lơ mơ). Cần giảm sát chặt chẽ bệnh nhân khi dùng đồng thời hai thuốc này.
Interferon làm tăng tác dụng chống virus HSV-1 in vitro của aciclovir. Tuy nhiên, chưa xác định được ý nghĩa lâm sàng của tương tác này.
Aciclovir có thể làm tăng AUC của theophylin. Cần theo dõi nồng độ theophylin trong huyết tương khi sử dụng đồng thời thuốc này với aciclovir.
Cần thận trọng khi dùng đồng thời aciclovir và methotrexat do có thể gây tăng nguy cơ độc tính trên thận.
12 Tương kỵ
Tương kỵ với các chế phẩm máu và dung dịch chứa protein.
Aciclovir tương kỵ với các dung dịch amifostin, amsacrin, aztreonam, Diltiazem hydroclorid, dobutamin hydroclorid, dopamin hydroclorid, fludarabin phosphat, foscarnet natri, idarubicin hydroclorid, Meropenem, Morphin sulphat, Ondansetron hydroclorid, pethidin hydroclorid, piperacilin natri Tazobactam natri, sargramostim và vinorelbin tartrat.
13 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Aciclovir chỉ được hấp thu một phần qua đường tiêu hóa. Đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân uống aciclovir liều đơn lên tới 20 g nhưng không xuất hiện độc tính. Sử dụng quá liều aciclovir đường uống, lặp lại trong một vài ngày có thể gây ra các tác dụng bất lợi trên Đường tiêu hóa (như buồn nôn, nôn) và thần kinh (đau đầu, lú lẫn).
Quá liều: Aciclovir đường tĩnh mạch đã được ghi nhận sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh hoặc sử dụng liều cao trên các bệnh nhân có rối loạn cân bằng nước và điện giải, dẫn đến tăng nồng độ urê huyết thanh, creatinin huyết thanh và có thể tiến triển suy thận cấp sau đó. Những tác dụng bất lợi khác cũng được ghi nhận trong các trường hợp quá liều aciclovir bao gồm kích động, lơ mơ, hôn mê, co giật. Với nồng độ vượt quá 2,5 mg/ml, các tinh thể aciclovir có thể lắng đọng tại ống thận, gây rối loạn chức năng thận, suy thận và vô niệu
Xử trí: Trong trường hợp suy thận cấp hoặc vô niệu, cần cân nhắc tiến hành thẩm tách máu cho đến khi chức năng thận hồi phục.
Cập phật lần cuối: 2018
Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3
14 Bị kiến ba khoang cắn thì sử dụng Acyclovir đúng không. Vì sao?
Kiến ba khoang cắn thường gây nên tình trạng viêm da. Đa số mọi người thường nhầm lẫn giữa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona, bởi chúng đều có đặc điểm là gây ra tình trạng bọng nước. Tuy nhiên, zona là bệnh do virus gây nên, không giống với viêm da do tiếp xúc với dịch nhầy của kiến ba khoang. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng bị kiến ba khoang cắn thì bôi acyclovir.
Tuy nhiên, điều này là không chính xác bởi Acyclovir là một loại thuốc sử dụng để điều trị bệnh ngoài da, chỉ có tác dụng với bệnh Zona thần kinh, thủy đậu hay nhiễm virus herpes simplex. Trường hợp kiến ba khoang cắn bôi acyclovir sẽ không có tác dụng mà thậm chí có thể gây tổn thương sâu hơn, gây cản trở quá trình điều trị và làm cho việc khỏi bệnh trở nên chậm chạp hơn nếu sử dụng quá nhiều. Do đó, khi bị cắn bởi kiến ba khoang, không nên sử dụng Acyclovir để bôi vào vết cắn.
Nếu kiến ba khoang đang cắn bạn thì bạn cần loại bỏ chúng ra ngay, tuy nhiên tuyệt đối không được đập chúng mà phải sử dụng một vật nào đó để gạt chúng ra. Bởi nếu bạn đập kiến ba khoang sẽ khiến da bạn tiếp xúc với chất dịch của kiến, khiến tình trạng viêm da nặng hơn. Sau đó, dùng cồn 70 độ hoặc xà phòng dịu nhẹ để làm sạch vùng da bị tổn thương, điều này giúp bạn giảm cảm giác khó chịu trên da. Tiếp đó, bôi mỡ corticoid và kem phenaegan.
Lưu ý rằng không tự ý bôi thuốc mà không có chỉ định để tránh trường hợp làm tổn thương sâu, khiến vết thương lâu khô và bỏng rát lâu hơn. Trường hợp vết thương lan rộng, gây sốt, khó chịu,... thì cần đến thăm khám bác sĩ sớm nhất để kịp thời có cách điều trị phù hợp.
Khi bị kiến ba khoang cắn tuyệt đối không nên gãi, điều này sẽ khiến vết thương loét sâu hơn. Ngoài ra, tay chúng ta có thể chứa rất nhiều vi khuẩn và bụi bẩn, khi gãi lên vết thương sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng và làm dịch tiết lan sang các vùng da xung quanh vùng tổn thương.