Acarbose

20 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây Acarbose

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022.

ACARBOSE 

Tên chung quốc tế: Acarbose. 

Mã ATC: A10BF01. 

Loại thuốc: Thuốc điều trị đái tháo đường (ức chế alpha glucosidase). 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 25 mg, 50 mg, 100 mg. 

2 Dược lực học 

Acarbose có tác dụng ức chế cạnh tranh, thuận nghịch enzym Alpha-amylase (được tiết ra ở tụy) và các enzym alpha-glucosidase ở diềm bàn chải trên tế bào biểu mô niêm mạc ruột non. Alpha- Amylase là enzym thủy phân tinh bột thành oligosaccharid trong khi alpha-glucosidase là enzym thủy phân tinh bột và saccharose thành glucose, là dạng carbohydrat cơ thể hấp thu được. Thuốc ức chế các enzym này làm giảm tốc độ tiêu hóa tinh bột, do đó làm giảm hấp thu và giảm đường huyết sau ăn. Thuốc không có tác dụng ức chế lactase, do đó không gây hiện tượng không dung nạp Lactose. Thuốc không ảnh hưởng đến chức năng bài tiết Insulin của cơ thể và không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc lúc đói. Thuốc được dùng đơn độc hoặc dùng kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường khác. Trong phác đồ đơn độc, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy acarbose có tác dụng làm giảm HbA1c và đường huyết sau ăn hiệu quả hơn thay đổi chế độ ăn, thuốc làm giảm HbA1c khoảng 0,4 - 0,77%. Một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả của acarbose tương tự với sulfonylurê trong kiểm soát tăng đường huyết sau ăn mức độ nhẹ và trung bình ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2. Acarbose có thể được sử dụng phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường khác như sulfonylurê, Metformin do khác cơ chế tác dụng. Trong phác đồ phối hợp, acarbose có thể làm giảm HbA1c khoảng 0,5 - 0,65% và giảm đường huyết sau ăn 1 giờ khoảng 34 mg/dl. 

3 Dược động học 

Sau khi uống, thuốc chủ yếu lưu lại trong ống tiêu hóa. Thuốc được chuyển hóa ở Đường tiêu hóa nhờ các enzym đường ruột và hệ vi khuẩn chí, tạo thành các sản phẩm chuyển hóa khác nhau. Chỉ có 1 - 2% thuốc được hấp thu ở dạng không biến đổi và khoảng 35% được hấp thu ở dạng đã chuyển hóa rồi đào thải qua nước tiểu. Nửa đời thải trừ ở pha phân bố của thuốc khoảng 2 giờ. Thuốc và các chất chuyển hóa được thải trừ qua phân và nước tiểu. 

Ở bệnh nhân suy thận, nồng độ đỉnh và Diện tích dưới đường cong của thuốc có thể tăng lên từ 5 - 6 lần so với bệnh nhân không suy thận. Hiện tượng này chưa có cơ chế rõ ràng. 

4 Chỉ định 

Đái tháo đường không phụ thuộc insulin không kiểm soát được khi thay đổi chế độ ăn hoặc khi thay đổi chế độ ăn kết hợp với sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường đường uống khác. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với thuốc. 

Viêm ruột, loét đại tràng, tắc ruột một phần hoặc có nguy cơ dẫn đến tắc ruột. 

Bệnh đường tiêu hóa mạn tính có rối loạn tiêu hóa và hấp thu. 

Các tình trạng bệnh lý có thể diễn biến xấu hơn khi đường tiêu hóa tăng sinh hơi (ví dụ thoát vị). 

Bệnh nhân suy gan nặng, xơ gan

Bệnh nhân đái tháo đường có nhiễm toan ceton

Bệnh nhân suy thận có Clcr< 25 ml/phút. 

6 Thận trọng 

Khi được dùng đơn độc, thuốc không gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, thuốc có nguy cơ làm tăng tác dụng hạ đường huyết của các thuốc điều trị đái tháo đường khác như insulin, metformin và các thuốc nhóm sulfonylurê. Trong trường hợp có hạ đường huyết quá mức, sử dụng Glucose để bổ sung cho bệnh nhân và không nên sử dụng saccharose do acarbose làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu của các disaccharid. 

Thuốc có thể làm tăng enzym gan, cần giám sát trị số enzym gan của bệnh nhân vào 6 - 12 tháng đầu sau khi khởi đầu điều trị hoặc khi dùng liều cao. Nếu xuất hiện tăng enzym gan có thể xem xét giảm liều hoặc ngừng điều trị. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được theo dõi hàng tuần cho tới khi các trị số enzym gan trở về mức bình thường. 

7 Thời kỳ mang thai 

Không nên dùng cho phụ nữ mang thai do chưa có thông tin nghiên cứu lâm sàng trên đối tượng này. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Không nên dùng cho phụ nữ cho con bú do chưa có nghiên cứu về mức độ an toàn. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Thường gặp 

Đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. 

Ít gặp 

Buồn nôn, nôn, khó tiêu. 

Hiếm gặp 

Phù, vàng da. 

Bên cạnh đó, còn ghi nhận một số ADR chưa xác định được tần suất: giảm tiểu cầu, phản ứng quá mẫn, phát ban, ban đỏ, nổi mày đay, tắc ruột, trướng bụng, viêm gan, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính. 

Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Các tình trạng đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy thường sẽ được cải thiện và giảm dần theo thời gian điều trị. Các triệu chứng trên đường tiêu hóa thường liên quan đến cơ chế tác dụng của thuốc mà chủ yếu là do carbohydrat không được tiêu hóa tích tụ tại phần dưới đường tiêu hóa. Cân nhắc chế độ ăn hợp lý. Trong trường hợp triệu chứng không được cải thiện, có thể cân nhắc giảm liều. 

Các trường hợp tăng enzym gan, vàng da thường hồi phục khi giảm liều hoặc ngừng thuốc. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Uống acarbose vào đầu bữa ăn để hạ glucose huyết sau ăn. Do sự khác biệt rất lớn về hoạt tính của glucosidase giữa các bệnh nhân nên hiệu quả và dung nạp thay đổi tùy từng người bệnh. Cần điều chỉnh liều dùng cho phù hợp từng trường hợp. Nên nhai thuốc cùng với miếng đầu tiên của bữa ăn hoặc uống cùng với một ít chất lỏng trước bữa ăn. Trong giai đoạn dò liều, nên định lượng glucose 1 giờ sau ăn nhằm đánh giá đáp ứng điều trị. Sau đó, xét nghiệm HbA1c khoảng 3 tháng một lần để theo dõi việc kiểm soát glucose huyết dài hạn. 

10.2 Liều dùng 

Liều ban đầu 

Liều thường dùng là 25 mg/lần × 3 lần/ngày dùng cùng với bữa ăn chính. Để giảm ADR đường tiêu hóa, có thể bắt đầu 25 mg × 1 lần/ngày, rồi tăng dần liều cho tới 25 mg/lần × 3 lần/ngày theo khả năng dung nạp. 

Liều duy trì 

Khi đã đạt được liều 25 mg/lần × 3 lần/ngày, tiến hành chỉnh liều sau mỗi 4 - 8 tuần dựa vào đường huyết sau ăn 1 giờ và khả năng dung nạp thuốc. Liều thường dùng dao động từ 50 - 100 mg/lần, 3 lần/ngày. Chỉ nên chỉnh liều lên trên 50 mg/lần, 3 lần/ngày, ở các bệnh nhân có cân nặng trên 60 kg vì nguy cơ tăng enzym gan ở các bệnh nhân nhẹ cân. 

Nếu tăng liều lên 100 mg/lần × 3 lần/ngày mà đường huyết sau ăn hoặc HbA1c không giảm thêm nữa thì nên xem xét giảm liều. Khi xác định được liều dùng có hiệu quả với khả năng dung nạp tốt, cần duy trì mức liều này. Trong một vài trường hợp có thể cân nhắc dùng đến liều tối đa 200 mg/lần x 3 lần/ngày. 

Thuốc có thể phát huy tác dụng chỉ vài ngày sau chỉnh liều nhưng có thể phải mất tới 2 tuần để đạt tác dụng tối đa. 

Liều dùng khi phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường khác Sử dụng acarbose với insulin và các thuốc nhóm sulfonylurê có thể gây hạ đường huyết quá mức. Nếu hạ đường huyết quá mức, cần điều chỉnh liều của thuốc cho phù hợp. 

Liều dùng cho bệnh nhân suy thận 

Nếu ClCr ≥ 25 ml/phút: Không cần thiết phải hiệu chỉnh liều. 

Nếu ClCr < 25 ml/phút: Không khuyến cáo sử dụng thuốc do chưa có nghiên cứu về liều dùng trên đối tượng bệnh nhân này. 

Trường hợp trẻ em 

Chưa xác định tính an toàn và hiệu quả của thuốc trên bệnh nhân trẻ em nên không dùng thuốc cho bệnh nhân dưới 18 tuổi.

11 Tương tác thuốc 

Các thuốc điều trị đái tháo đường khác 

Khi dùng đơn độc, thuốc không gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, thuốc có nguy cơ làm tăng tác dụng hạ đường huyết của các thuốc điều trị đái tháo đường khác như insulin, metformin hay các thuốc nhóm sulfonylurê. Có thể sốc nặng do hạ đường huyết quá mức với các triệu chứng như thay đổi nhận thức, lẫn lộn và co giật. Khi phối hợp với acarbose, cân nhắc giảm liều các thuốc một cách phù hợp. Trong trường hợp có hạ đường huyết quá mức, có thể cho bệnh nhân sử dụng glucose nhưng không sử dụng saccharose do hấp thu glucose không bị ức chế bởi acarbose. 

Các thuốc gây tăng đường huyết 

Khi dùng cùng các thuốc gây tăng đường huyết như thuốc lợi tiểu, corticosteroid, phenothiazin, hormon tuyến giáp, estrogen, thuốc tránh thai đường uống, Phenytoin, acid nicotinic, thuốc kích thích giao cảm, thuốc chẹn kênh calci và Isoniazid có thể gây mất kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân. Do đó, cần giám sát chặt đường huyết nếu phối hợp thuốc. 

Các thuốc hấp phụ ở ruột và enzym thủy phân carbohydrat

Các thuốc hấp phụ ở ruột (như than hoạt) và các chế phẩm chứa enzym thủy phân carbohydrat (như amylase, pancreatin) có thể làm giảm tác dụng của acarbose, do đó không nên dùng đồng thời.

Neomycin: Dùng đồng thời với Neomycin có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết sau ăn, đồng thời làm tăng tần suất và mức độ nặng của các ADR trên đường tiêu hóa. 

Cholestyramin: Cholestyramin có thể làm tăng tác dụng của thuốc, đặc biệt là trên đường huyết sau ăn. Do đó không nên phối hợp hai thuốc này. 

Digoxin: Trong một số trường hợp, thuốc có thể ảnh hưởng đến Sinh khả dụng của Digoxin dẫn tới cần phải chỉnh liều digoxin. Nên xem xét giám sát nồng độ digoxin trong máu. 

Saccharose: Saccharose và thực phẩm chứa saccharose thường gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy trong quá trình dùng thuốc, do hiện tượng tăng lên men carbohydrat ở đại tràng. 

12 Quá liều và xử trí 

Không giống như sulfonylurê hoặc insulin, quá liều acarbose không gây hạ glucose huyết. Quá liều acarbose có thể gây tăng chướng bụng, tiêu chảy, đau bụng, nhưng các triệu chứng thường hết nhanh chóng. Trong trường hợp quá liều, không nên cho người bệnh dùng đồ uống hoặc thức ăn chứa nhiều carbohydrat (polysaccharid, oligosaccharid và disaccharid) trong 4 - 6 giờ. 

Cập nhật lần cuối: 2017.

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Acarbose

Ginkgo Cholin DHĐ
Ginkgo Cholin DHĐ
120.000₫
Acnacare Gel
Acnacare Gel
Liên hệ
Acarbose 50mg Khapharco
Acarbose 50mg Khapharco
Liên hệ
Nutrigen Supra Syrup
Nutrigen Supra Syrup
380.000₫
Dưỡng Khớp Long Phụng
Dưỡng Khớp Long Phụng
Liên hệ
Hasanbose 50
Hasanbose 50
230.000₫
Edithz Pro Serum
Edithz Pro Serum
Liên hệ
Vernient
Vernient
Liên hệ
Atopshield Forte
Atopshield Forte
360.000₫
Dorobay 50mg
Dorobay 50mg
170.000₫
SaVi Acarbose 100
SaVi Acarbose 100
450.000₫
Acarbose Friulchem 50mg
Acarbose Friulchem 50mg
Liên hệ
12 1/2

SO SÁNH SẢN PHẨM CÙNG HOẠT CHẤT

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633