Xương Sông (Blumea lanceolaria)
4 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Xương sông được biết đến khá phổ biến với công dụng trị viêm phế quản, viêm họng, ho, cảm sốt; sốt co giật ở trẻ em, viêm miệng và tưa lưỡi. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Xương sông.
1 Lá xương sông là lá gì? Giới thiệu về cây Xương sông
1.1 Lá xương sông miền Nam gọi là gì?
Cây xương sông, tên khoa học là Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce, hay còn gọi là hoạt lộc thảo, rau húng ăn gỏi, là loại cây thuộc họ Cúc - Asteraceae
1.2 Đặc điểm thực vật
Cây thảo có đặc tính sống lâu năm, thường hình thành bụi nhỏ, cao từ 0,8 đến 2 mét. Lá có hình dạng bầu dục, thuôn dài, chóp nhọn, dài từ 6 đến 25 cm, rộng từ 1 đến 7 cm. Mép lá có những chi tiết răng cưa nhỏ, cuống ngắn, hai mặt không có lông, đôi khi có hai tai. Hoa tụ hợp thành dạng chùm ở ngọn, kích thước của mỗi đầu hoa khoảng từ 7 đến 10 mm. Tràng hoa dạng ống, có màu vàng nhạt. Hoa lưỡng tính có đỉnh ống tràng chia thành 5 cánh. Hoa cái có đỉnh tràng chia thành 2-3 cánh. Quả bế có hình dạng trụ, có 5 cạnh. Khi chín, mào lông màu vàng sẽ chuyển thành màu nâu nhạt.
⇒ Xem thêm Dược liệu khác tại đây: Rau Húng quế - Trị sổ mũi, đau đầu và tiêu hoá kém
1.3 Thu hái và chế biến
Phần của cây được sử dụng: Lá - Folium Blumeae Lanceolariae. Trong một số trường hợp, toàn bộ cây được sử dụng bao gồm cả rễ.
Thu hái lá ở giai đoạn lá bánh tẻ, sử dụng tươi hoặc phơi khô dưới bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khi khô.
1.4 Lá xương sông mọc ở đâu?
Loài cây này có thể được tìm thấy dọc ven rừng thưa ẩm, cũng như xung quanh các khu vực dân cư và thường được sử dụng như một loại gia vị. Cây thường nở hoa vào tháng 1-2 và cho trái vào tháng 4-5. Loài cây này được phân bố rộng rãi ở khu vực châu Á nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ. Nó có thể được tìm thấy ở nhiều tỉnh miền núi và đồng bằng của Việt Nam, bao gồm Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai.
⇒ Xem thêm Dược liệu khác tại đây: Lá Mơ lông - Chữa bệnh đường ruột, tốt cho hệ tiêu hoá
2 Thành phần hóa học
Trong lá của cây có chứa tinh dầu với tỷ lệ là 0.24%. Tinh dầu này chứa thành phần chủ yếu là methylthymol chiếm 94.96% tổng số, còn lại bao gồm p-cymen (3.28%) và limonen (0.12%).
3 Công dụng - Tác dụng của lá Xương sông
3.1 Tác dụng dược lý
Thành phần hóa học của B. lanceolaria thể hiện các hoạt động chống viêm và an toàn thông qua hấp thụ qua đường miệng. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng chiết xuất metanol của lá hoặc rễ của B. lanceolaria có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.
3.2 Vị thuốc Xương sông - Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Xương sông có vị cay, tính bình, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, tiêu thũng chỉ thống và khư phong trừ thấp.
3.2.2 Công dụng của cây Xương sông
Lá Xương sông là một loại thực vật có thể được sử dụng trong ẩm thực, bao gồm gỏi cá, gỏi chả nướng, và cũng có thể được dùng để làm gia vị sau khi băm ra và ngâm trong muối một vài ngày hoặc nấu với thịt cá.
Lá Xương sông còn được sử dụng như một loại thuốc trị nhiều chứng bệnh như:
- Viêm phế quản, viêm họng, ho, cảm sốt; sốt co giật ở trẻ em;
- Viêm miệng, tưa mồm, trắng lưỡi;
- Nôn mửa, đầy bụng đi ngoài.
Liều dùng đề xuất là 15-20g dạng thuốc sắc. Lá Xương sông cũng có tác dụng trong việc chữa các vấn đề liên quan đến xương khớp: có thể dùng lá tươi ngậm hoặc chiết lấy nước uống, hoặc giã nát, xào nóng rồi chườm lên những chỗ thấp khớp, sưng tấy, đau nhức.
Ở Trung Quốc, lá Xương sông được sử dụng để trị đau đầu phong, phong thấp, sản hậu đau khớp xương và đòn ngã. Trong khi đó, ở Hải Nam, toàn bộ cây được sử dụng làm thuốc ra mồ hôi, trị viêm phế quản, lở loét, viêm miệng. Ở Malaysia, lá Xương sông được sử dụng để làm cao dán trị tê thấp.
Trong y học dân gian, B. lanceolaria được sử dụng để điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến viêm nhiễm, chẳng hạn như sốt, ho, hen suyễn, loét mãn tính, vết thương và kiết lỵ. Hơn nữa, loại dược liệu này có thể ăn được và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày để nấu cá, tôm, thịt lợn, thịt rắn.
4 Bài thuốc và món ăn từ lá Xương sông
4.1 Điều trị ho trẻ em
Sắc Xương xông, hoa Đu Đủ đực, lá Hẹ, Hồng bạch để uống.
4.2 Điều trị trẻ em co giật, sốt cao, thở gấp
Dùng Xương sông và Chua me đất giã nhỏ, cho vào nước nóng, vắt lấy nước cốt uống.
4.3 Điều trị trúng phong cấm khẩu
Dùng lá tươi Xương bồ và lá Xương sông giã sắc nước hoặc hòa với nước nóng uống.
4.4 Chả thịt rắn trị phong thấp
Sử dụng thịt rắn, lá Xương sông, Lá Lốt và rau ngổ, băm vụn thịt rắn với rau ngổ và lá Xương sông, sau đó vo viên, bọc bằng lá Xương sông hoặc lá Lốt và nướng, ăn nóng với các loại rau thơm khác.
4.5 Món ăn từ lá Xương Sông
Chả trai nướng: Sử dụng thịt con trai băm với thịt heo, sau đó gói bằng lá Xương sông và nướng. Món ăn này có tác dụng cải thiện tình trạng suy giảm tình dục, tiêu thực và chống dị ứng.
Thịt bò gói lá Xương sông: nướng trên bếp giúp giảm mỡ cao trong máu.
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Xương sông trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Đỗ Thị Thanh Huyền và cộng sự (Đăng ngày 14 tháng 11 năm 2022). Essential Oils from the Leaves, Stem, and Roots of Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce in Vietnam: Determination of Chemical Composition, and In Vitro, In Vivo, and In Silico Studies on Anti-Inflammatory Activity, PubMed. Truy cập ngày 05 tháng 04 năm 2023.