Xoan Trà (Xoan Nhừ - Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt et Hill.)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Sapindales (Bồ hòn)

Họ(familia)

Anacardiaceae (Đào lộn hột)

Chi(genus)

Choerospondias

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt et Hill.

Danh pháp đồng nghĩa

Spondias axillaris Roxb.

Spondias acuminata Gamble.

Xoan Trà (Xoan Nhừ - Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt et Hill.)

Xoan trà thuộc loại cây gỗ to, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 30 mét, cây rụng lá hàng năm. Lá cây mọc kép lông chim lẻ, mọc so le, chiều dài mỗi lá khoảng 25-40cm, gồm 7-15 đôi lá chét mọc đối. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt et Hill.

Tên đồng nghĩa: Spondias axillaris Roxb., Spondias acuminata Gamble.

Tên gọi khác: Xoan nhừ, Xoan Rừng, Xuyên cóc.

Họ thực vật: Anacardiaceae (Đào lộn hột).

Cây Xoan trà
Cây Xoan trà

1.1 Đặc điểm thực vật

Xoan Trà thuộc loại cây gỗ to, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 30 mét, cây rụng lá hàng năm.

Lá cây mọc kép lông chim lẻ, mọc so le, chiều dài mỗi lá khoảng 25-40cm, gồm 7-15 đôi lá chét mọc đối, chiều dài lá chét khoảng từ 10 đến 13cm, chiều rộng từ 2 đến 3,5cm, gốc lá hơi lệch, đầu lá thuôn nhọn, mép lá nguyên hoặc hơi khía răng.

Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá hoặc đầu cành, chiều dài mỗi cụm hoa khoảng từ 4 đến 12cm, hoa tạp tính khác gốc, hoa có màu đỏ tím nhạt, hoa đực và hoa lưỡng tính có kích thước nhỏ, hoa cái thường mọc đơn độc hoặc mọc tụ họp từ 2-3 bông, có kích thước lớn hơn, lá đài không lông, nhị 10, chỉ nhị ngắn, bầu thượng 5 ô.

Quả của cây Xoan trà có dạng hình bầu dục, chiều dài mỗi quả khoảng từ 2,5 đến 3cm, thịt quả ăn được, hạt cứng, trên đầu hạt có 5 vết lõm nhỏ.

Dưới đây là hình ảnh cây Xoan trà (Xoan nhừ):

Quả của cây Xoan trà
Quả của cây Xoan trà
Cây Xoan trà
Cây Xoan trà
Quả của cây Xoan trà
Quả của cây Xoan trà

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Vỏ thân, quả.

Thời điểm thu hái: Vỏ thân thu hái quanh năm, quả thu hái khi chín.

Chế biến: Quả sau khi thu hái về đem phơi hoặc sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Choerospondias Burtt et Hill. trên thế giới gồm một số loài đều là cây gỗ thường được tìm thấy ở vùng Ấn Độ và Đông Á. Tại nước ta, chi này chỉ có 1 loài duy nhất là Xoan trà, cây có nguồn gốc từ vùng phía đông của Trung Quốc và Nhật Bản, phân bố rải rác ở cả Ấn Độ, Lào và bắc Biệt Nam.

Tại nước ta, Xoan trà chỉ được tìm thấy ở một số tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, độ cao phân bố dưới 600 mét. Xoan trà thường mọc ở những khu rừng kín thường xanh, màu mỡ, rễ cây có thể phát triển mạnh, cắm sâu xuống đất khoảng 3 mét.

Xoan trà có bản chất là loài ưa sáng, sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là trong 5 năm đầu sau khi trồng cây, tốc độ phát triển chiều cao có thể lên đến trên 2 mét/năm, sau 10 năm thì đường kính thân có thể đạt được 20cm. Xoan trà là loài ra hoa quả hàng năm, cây tái sinh tự nhiên từ hạt tốt. Gỗ cây tuy không cứng nhưng lại chống được mối mọt, được dùng để làm đồ dùng trong gia đình hoặc dùng để làm nhà cửa.

Đặc điểm phân bố
Đặc điểm phân bố

2 Thành phần hóa học

Quả của cây Xoan trà có chứa daucosterol, Acid salicylic, quercetin, kaempferol-7-O-glucoside. Ngoài ra, quả của cây Xoan trà theo một số tác giả khác còn chứa acid galic, acid protocatechic, acid ellagic, acid citric, p.hydroxybenzene. Các chất kể trên trừ p.hydroxybenzene thì đều có khả năng ức chế tập kết tiểu cầu thỏ.

Theo tác giả Phan Tống Sơn và cộng sự thì vỏ thân cây Xoan trà mọc ở Quảng Ninh có chứa naringenin và flavonoid.

Vỏ thân và lá cây Xoan trà mọc ở Vĩnh Phúc có chứa acid hữu cơ, dầu béo, tanin, Flavonoid, phytosterol, quinon.

Xoan trà còn gọi là Xoan nhừ
Xoan trà còn gọi là Xoan nhừ

3 Tác dụng của cây Xoan trà

3.1 Tác dụng dược lý

Cao chiết với nước nóng của vỏ cây cho thấy tác dụng ức chế yếu với các chủng vi khuẩn bao gồm tụ cầu bàng, Bacillus subtilis, Escherichia coli, Shigella flexneri và rất yếu với trực khuẩn mủ xanh khi nghiên cứu trên in vitro.

Cao từ vỏ cây Xoan trà thể hiện tác dụng chống viêm khi nghiên cứu trên chuột nhắt trắng, tác dụng lợi niệu khi nghiên cứu trên chuột cống trắng đồng thời gây trấn tĩnh cũng như làm giảm hoạt động của động vật thí nghiệm. Ngoài ra, cao này cũng cho thấy tác dụng làm giảm huyết áp động mạch, gây co mạch trên tai thỏ đã bị cô lập đồng thời gây giãn mạch ở tai thỏ cô lập nhưng không gây ảnh hưởng đến dây thần kinh đi từ tai đến hệ thần kinh trung ương.

Cao cồn 1/80 từ vỏ cây cho thấy tác dụng chống oxy hóa.

Cao chiết với nước nóng từ bột vỏ cây Xoan trà sau khi loại bỏ tanin cho thấy tác dụng giảm số lượng chuột tử vong, kéo dài thời gian sống trên chuột thí nghiệm.

Cao chứa flavon toàn phần từ quả của cây Xoan trà khi tiêm phúc mạc cho chuột cống trắng với liều 5,1 đến 11,2 mg/kg cho thấy tác dụng giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của động vật thí nghiệm.

Cao Xoan trà sau khi bôi lên vết thương mới bị bỏng đã tạo ra một màng phủ lấy vết bỏng, chống nhiễm khuẩn. Nghiên cứu tiến hành trên động vật thí nghiệm sau khi gây bỏng nông và sâu đã cho thấy cao của cây Xoan trà có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng của bỏng. Cao không gây ra phản ứng dị ứng trong quá trình điều trị, không thấy thuốc xâm nhập vào tổ chức viêm, không thấy hình ảnh tế bào dị dạng, không gây độc cho gan và thận, khi dùng thì không cần thay băng do đó giảm bớt đau đớn cho người bệnh. Màng thuốc giúp bảo vệ vết thương nhưng lại khô ráo nên không gây mùi hôi, không gây ảnh hưởng đến vận động của bệnh nhân cũng như quá trình khám bệnh của thầy thuốc. Khi so sánh với các phương pháp chữa bỏng khác thì Xoan trà cho thấy thời gian điều trị ngắn hơn, không gây sẹo lồi ở những vết bỏng xuất hiện ở phần trung bì. Tuy nhiên, thuốc không đem lại hiệu quả ở những vết bỏng đến muộn (thường sau 48 đến 72 giờ) hoặc những vết bỏng có dấu hiệu nhiễm khuẩn vì không tạo được màng thuốc trên bề mặt vết bỏng.

Cây Xoan trà dùng để chữa bỏng
Cây Xoan trà dùng để chữa bỏng

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Xoan trà có tác dụng giải độc, tiêu viêm, cầm máu, giảm đau.

3.2.2 Công dụng

Vỏ cây, lá và quả được dùng để chữa bỏng, vết thương, có thể dùng dưới dạng nước sắc đặc hoặc chế thành cao để bôi.

Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng Xoan trà để tăng lưu thông khí huyết, chữa khí huyết ứ trệ với biểu hiện đau ngực, đánh trống ngực, hơi thở ngắn, khó chịu tinh thần. Xoan trà dùng ngoài khi bị bỏng.

Nhân dân Nepal sử dụng hạt của cây Xoan trà đem rang vàng, chế thành bột nhão, uống khi bị tiêu chảy với liều 2 thìa cà phê bột nhão với Mật Ong, ngày dùng 2-3 lần, liên tục trong 2-4 ngày. Có thể dùng bột nhão đắp lên vết nhọt để vết thương nhanh khô mủ và nhanh lành. Thịt quả sau khi phơi khô, dùng 10g sắc với 150ml nước, thêm muối, uống khi nóng trước khi đi ngủ trong trường hợp bị ho và cảm sốt.

Lá cây Xoan trà
Lá cây Xoan trà

4 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Xoan trà, trang 1125-1127. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Xoan Nhừ trang 571-572. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Xoan Trà (Xoan Nhừ - Choerospondias axillaris (Roxb.) Burtt et Hill.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633