Xoan Rừng (Sầu Đâu Rừng, Sầu Đâu Cứt Chuột, Nha Đảm Tử, Khổ Sâm Nam - Brucea javanica (L.) Merr.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bò hòn) |
Họ(familia) | Simaroubaceae (Thanh thất) |
Chi(genus) | Brucea |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Brucea javanica (L.) Merr. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Brucea sumatrana Roxb. |
Xoan rừng thuộc dạng cây nhỏ, thường mọc tập trung thành từng bụi, chiều cao mỗi cây khoảng 1 đến 2 mét. Thân cây mềm, khi còn non có phủ một lớp lông bên ngoài, sau đó nhẵn, có màu nâu nhạt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Brucea javanica (L.) Merr.
Tên đồng nghĩa: Brucea sumatrana Roxb.
Cây Sầu đâu rừng còn gọi là cây Xoan rừng. Ngoài ra, còn có các tên gọi khác như Sầu đâu cứt chuột, Khổ sâm nam, Nha đảm tử, Cứt dê, Khổ luyện tử.
Họ thực vật: Thanh thất Simaroubaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Xoan rừng thuộc dạng cây nhỏ, thường mọc tập trung thành từng bụi, chiều cao mỗi cây khoảng 1 đến 2 mét.
Thân cây mềm, khi còn non có phủ một lớp lông bên ngoài, sau đó nhẵn, có màu nâu nhạt.
Lá kép lông chim lẻ, gồm 7-9 lá mọc đối nhau, phiến lá có dạng hình trứng, mép lá có răng thô, hai mặt phủ một lớp lông mềm, mặt dưới phủ nhiều lông hơn mặt trên, cuống lá dài có lông.
Cụm hoa mọc thành chùm xim ở kẽ lá, hoa nhỏ, đơn tính, lá bắc nhỏ, dễ rụng, đài 4 hình mác, tràng 4, bầu có 4 lá noãn.
Quả hạch, có dạng hình bầu dục, quả khi chín có màu đen.
Hạt có dạng hình trứng dẹt, màu nâu đen, có vị đắng đặc trưng.
Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 4, mùa quả từ tháng 5 đến tháng 6.
Dưới đây là hình ảnh cây Xoan rừng (Sầu đâu cứt chuột):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả chín.
Chế biến: Bỏ vỏ và tạp chất, đem phơi hoặc sấy khô.
1.3 Nguồn gốc cây Nha đảm tử
Chi Brucea J. F. Mill. tại nước ta có 3 loài. Xoan rừng phân bố từ Nam Á sang phía đông.
Tại nước ta, Xoan rừng phân bố ở các tỉnh thuộc vùng trung du, vùng núi thấp có độ cao dưới 600 mét, cây còn phân bố ở vùng đồng bằng.
Xoan rừng được tìm thấy ở các khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Đồng Nai, cây cũng được bắt gặp ở các đảo như Cát Bà, Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quốc.
Cây có bản chất là một loài thực vật ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, chịu được nắng nóng, thường mọc lẫn trong các quần xã cây bụi, ven rừng, nương rẫy.
Cây sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất khô cằn, đất cát ven biển. Cây ra hoa quả rải rác quanh năm, song mùa hoa quả của cây ở phía Nam thường sớm hơn ở phía Bắc khoảng 1 tháng.
Cây thụ phấn nhờ côn trùng, tái sinh tốt từ hạt. Những cây bị chặt phá vẫn có khả năng nảy chồi mới.
1.4 Cách trồng
Xoan rừng sinh trưởng tự nhiên, cây mọc từ hạt được thụ phấn nhờ côn trùng.
Có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau bao gồm cả đất khô cằn hoặc đất cát.
Nên trồng Xoan rừng ở những khu vực có nhiều ánh sáng, cây có khả năng chịu khô hạn tốt nên không cần tưới nước nhiều.
2 Thành phần hóa học
Quả chứa Albumin độc, alcaloid, dầu béo, brutoxin.
Xoan rừng chứa nhiều quassinoid đắng, đây là thành phần chính của cây. Ngoài ra, Xoan rừng còn chứa glycosid của quassinoid.
Thân cây chứa 3 triterpenoid nhóm apotirucallane.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Xoan rừng
3.1 Tác dụng dược lý
Các hợp chất quassinoid phân lập từ quả cho thấy tác dụng trị amip, chống ung thư, trị sốt rét.
Hoạt chất bruceamin có tác dụng kháng amip, chống ung thư, chống sốt rét, hoạt tính chống sốt rét của cây không chỉ có tác dụng độc hại tế bào.
Bên cạnh đó, quassinoid từ quả cũng được chứng minh ức chế sự phát triển của chủng kháng với cloroquin Plasmodium falciparum K1 trên in vitro.
Các bruceolid đã được chứng minh có tác dụng chống viêm ở các mô hình viêm khớp trên thực nghiệm.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Quả Xoan rừng có vị đắng, hơi độc, tính mát.
Tác dụng: Quy kinh đại trường, có tác dụng sát trùng, tiêu độc, chỉ lỵ.
3.2.2 Công dụng - Liều dùng của cây Xoan rừng
Nha đảm tử chữa bệnh gì? Quả của cây Xoan rừng (Nha đảm tử) được dùng trong các trường hợp sốt rét, lỵ amip với liều dùng là 4-6g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Có thể dùng ngoài trong trường hợp bị trĩ ngoại bằng cách giã nát nhân hạt hoặc có thể ép để lấy dầu dùng bôi ngoài.
Xoan rừng là loài có độc, nếu sử dụng liều cao có thể xuất hiện các phản ứng nôn mửa, đau bụng, người mệt mỏi, kém ăn.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn không nên dùng, người suy nhược toàn thân.
Có thể dùng nhân hạt ép bỏ dầu để giảm độc tính của Xoan rừng. Có thể dùng lá cây để đun nước tắm dùng để chữa ghẻ, đắp ngoài khi bị trĩ ngoại.
Rễ cây đem phối hợp với rễ na và lá cây ngâu rừng trong trường hợp sốt rét bằng cách sắc lấy nước uống.
Các tài liệu còn ghi chép rằng, quả Xoan rừng dùng để chữa lỵ amip, sốt rét. Y học dân gian dùng lá cây để đắp mụn nhọt, các bệnh nấm ngoài da, giun đũa, sán dây, rết cắn, trĩ.
Hạt và dầu hạt dùng để trị nốt chai chân, mụn cơm.
Quả dùng để trị bệnh gây ra bởi Trichomonas, mụn cóc, mụn cơm.
Liều dùng quả trong trường hợp lỵ amip là 4-6g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột, chia làm 3 lần uống trong ngày, điều trị từ 3-7 ngày. Để điều trị sốt rét, dùng 3-6 chia làm 3 lần uống sau bữa ăn, thời gian điều trị từ 4 đến 5 ngày.
Chống chỉ định sử dụng quả Xoan rừng cho trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú.
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng quả chín để trị lỵ, sốt rét, dùng ngoài chữa mụn cóc, mụn cơm.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Xoan rừng
4.1 Chữa lỵ cấp tính
Bài thuốc bao gồm:
- 20g quả Xoan rừng.
- 20g Hoàng Liên gai.
- 20g hạt Dưa hấu.
- 20g Bồ Kết.
- 20g Hạt cau.
- 20g Đại hoàng.
- Các bị đem tán thành bột, mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần.
Hoặc:
- 100g quả Xoan rừng.
- 100g Hoàng liên gai.
- 100g Binh lang.
- 100g Trần Bì.
- 100g Ngô thù.
- 20g Anh túc xác.
- Các vị đem tán thành bột, tạo viên, mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần.
4.2 Chữa lỵ mạn tính
- Bài thuốc bao gồm:
- 100g quả Xoan rừng.
- 50g Sáp ong.
- Buồng cau rủ.
- Các vị đem tán thành bột, làm viên, mỗi ngày uống 10g chia làm 2 lần.
Hoặc
- Sử dụng một lượng bằng nhau các vị quả Xoan rừng, Sáp ong, Bách thảo sương. Các vị đem tán nhỏ thành bột, làm viên, mỗi ngày uống 10g chia làm 2 lần.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Xoan rừng, trang 1122-1125. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2024.