Xoan Leo (Tầm Phỏng, Tam Phỏng, Tầm Bóp Leo, Mang Hổ - Cardiospermum halicacabum L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) | Sapindaceae (Bồ hòn) |
Chi(genus) | Cardiospermum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Cardiospermum halicacabum L. |
Xoan leo thuộc dạng cây leo bằng tua cuốn, thường sống một hay nhiều năm. Cành cây mảnh, thể chất mềm, trên cành có khía dọc, bề mặt nhẵn hoặc phủ một ít lông. Lá kép mọc so le, cuống lá dài. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cardiospermum halicacabum L.
Tên gọi khác: Tầm phỏng, Tầm bóp leo, Mang hổ, Phong thuyền cát.
Họ thực vật: Sapindaceae (Bồ hòn).
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây Tầm phỏng thuộc dạng cây leo bằng tua cuốn, thường sống một hay nhiều năm. Cành cây mảnh, thể chất mềm, trên cành có khía dọc, bề mặt nhẵn hoặc phủ một ít lông.
Lá Tầm phỏng thuộc dạng lá kép mọc so le, cuống lá dài, lá xẻ 2-3 lần lông chim, phiến lá chét chia thùy sâu, có răng cưa, không có lá kèm.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, chùm hoa ngắn, cuống chung có 2 tua cuốn mọc đối nhau, hoa có kích thước nhỏ, lưỡng tính, hoa có màu trắng, đài gồm 4-5 răng, tràng 4 cánh, nhị 8, bầu 3 ô.
Quả nang, có dạng hình quả lê hoặc hình cầu, mỗi quả chia thành 3 ngăn, vỏ mỏng phình to lên, trên vỏ quả có gân lồi, phủ lông mềm.
Hạt có dạng hình tròn, màu đen.
Mùa hoa từ tháng 2 đến tháng 3, mùa quả từ tháng 4 đến tháng 5.
Dưới đây là hình ảnh cây Xoan leo (Tầm phỏng):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Xoan leo được tìm thấy rải rác ở hầu khắp các tỉnh thuộc vùng núi thấp, vùng đồng bằng và trung du. Độ cao phân bố của cây dưới 1000 mét.
Xoan leo là loài sống hàng năm, ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc leo lên các loại cây khác ở ven rừng, bờ mương, đồi, đôi khi còn bắt gặp cây ở những bãi sông hoặc lùm bụi quanh làng.
Hàng năm, phát hiện nhiều cây con mọc từ hạt khi thời điểm vào cuối xuân. Cây sinh trưởng và phát triển mạnh khi vào màu hè, sau khi quả già thì bước vào thời gian tàn lụi, thời gian sống kéo dài trong vòng 6 tháng.
2 Thành phần hóa học
Lá của cây Tầm phong có chứa apigenin, pinitol, O-glucuronide,...
Toàn cây chứa acid arachidic, apigenin,..
Một số tác giả còn tìm thấy trong Xoan leo chứa 3 loại Flavonoid glucosid cho thấy tác dụng diệt trứng và diệt ấu trùng của loài Musca domestica, các hoạt chất này còn thể hiện tác dụng diệt ấu trùng của Philosamia ricini.
Hạt có chứa dầu béo với thành phần gồm acid stearic, acid arachidic, acid linoleic, acid oleic. Ngoài ra, hạt của cây còn chứa cyanolipid.
Phần không xà phòng hóa của vỏ ngoài chứa sắc tố và flavon.
3 Cây Xoan leo có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Nghiên cứu cho thấy rằng, phân đoạn steroid của cây Xoan leo có chứa hoạt chất có tác dụng chống viêm ở chuột cống trắng. Cao chiết cồn từ bộ phận trên mặt đất của cây cũng thể hiện hoạt tính chống viêm ở chuột cống trắng khi tiến hành thử nghiệm gây phù chân bởi carrageenan. Cơ chế có thể thông qua sự ức chế hoạt tính của phospholipase II từ đó dẫn đến giảm nồng độ acid arachidonic.
Cao cồn của lá khi tiến hành thử nghiệm trên in vitro đã cho thấy tác dụng giảm đau, giảm co giật, chống viêm ở thử nghiệm túi u hạt trên chuột cống trắng và thử nghiệm cấy viên bông.
Cao cồn của lá còn cho thấy tác dụng ức chế thần kinh trung ương, làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp trên cơ quan đã bị cô lập. Cao cồn còn cây co bóp mạnh hồi tràng chuột lang cô lập.
Tinh dầu và phân đoạn tan trong nước của của cao cồn từ lá cho thấy tác dụng làm giảm huyết áp tức thì ở chó đã bị gây mê.
Cao methanol cho thấy tác dụng ức chế sinh hồng cầu hình liềm.
Saponin của Xoan leo liên quan đến tác dụng lợi tiểu.
3.2 Cây Xoan leo có độc không?
Xoan leo có vị đắng, hơi cay, tính mát có tác dụng tiêu thũng, giảm đau, tiêu sưng, làm se, lương huyết, giải độc.
Rễ cây có tác dụng làm ra mồ hôi, khai vị, lợi tiểu, làm sung huyết da, nhuận tràng, điều kinh.
3.3 Tắm cây Xoan leo có tác dụng gì?
Cây Xoan leo có ăn được không? Xoan leo thường được dùng trong các trường hợp cảm sốt, viêm thận phù thũng, viêm đường tiết niệu, thấp khớp. Liều dùng là 15 đến 30g dưới dạng thuốc sắc.
Có thể dùng ngoài trong trường hợp viêm da có mù, đòn ngã tổn thương, ghẻ ngứa, eczema, rắn cắn. Tùy từng trường hợp mà có thể dùng cây Xoan leo tươi đem giã lấy nước uống hoặc dùng dây lá để nấu thành nước đem tắm hoặc rửa chân. Cây Xoan leo tắm cho trẻ có tác dụng làm dịu da, giảm ngứa.
Dịch ép từ lá dùng để chữa đau tai.
Nhân dân các nước Đông Nam Á sử dụng rễ cây để làm thuốc, đây cũng được coi là bộ phận quan trọng nhất. Rễ cây Xoan leo có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, gây nôn, hạ nhiệt và tẩy. Nhân dân Indonesia và Philippin sử dụng rễ cây trong trường hợp bị viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu. Nhân dân Philippin còn dùng lá khi bị thấp khớp, có thể dùng theo đường uống hoặc dùng ngoài để đắp.
Nhân dân Indonesia còn sử dụng lá cây Xoan leo vò nát sau đó đắp trị nhức đầu, nước hãm lá dùng để làm thuốc thụt trị tiêu chảy, lỵ.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng nước sắc từ cây Xoan leo để làm nước rửa vết thương sau phẫu thuật, nước hãm giúp làm dịu da khi bị ngứa. Nhân dân Đài Loan sử dụng lá cây Xoan leo giã cùng với một ít nước để chữa sưng tấy.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng rễ để làm thuốc lợi tiểu, gây nôn, làm ra mồ hôi, nhuận tràng, gây sung huyết da, điều kinh. Dịch ép từ cây Xoan leo còn non có tác dụng trị bệnh lậu.
4 Cây Xoan leo (Tầm phỏng) trị bệnh gì?
4.1 Chữa tê thấp, đau mình mẩy
20g cả cây Xoan leo.
20g rễ Xấu hổ.
15g rễ Cỏ xước.
10g củ Sả.
Các vị đem sao vàng, sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng một thang, uống một lần trước bữa ăn 30 phút.
Chữa kiết lỵ
20g cả cây Xoan leo.
20g Ké Đầu Ngựa (dùng cành và lá).
Các vị đem sắc lấy nước uống khi đói, mỗi ngày một thang.
4.2 Chữa vết thương sưng đau
60g cây Xoan leo, các vị đem giã nhỏ sau đó thêm nước, rồi gạn lấy nước uống, còn bã để đắp.
Chữa phụ nữ mang thai hay sau khi bị trúng gió, cắn răng không tỉnh, trào đờm, mình uốn ván, tay chân cứng đờ
Sử dụng lá cây Xoan leo đem giã nát, chế thêm đồng tiện sau đó vắt lấy nước cốt để uống.
4.3 Chữa đái tháo đường
Sử dụng 60g toàn cây Xoan leo đem sắc nước uống, mỗi ngày một thang.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Abbirami Elangovan và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2022). Ethnomedical, phytochemical and pharmacological insights on an Indian medicinal plant: The balloon vine (Cardiospermum halicacabum Linn.), PubMed. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2024.