Vọng Cách

3 sản phẩm

Vọng Cách

Ngày đăng:
Cập nhật:

Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh về gan, giúp lợi tiêu hóa, Vọng cách được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Vọng cách. 

1 Giới thiệu về cây Vọng cách

Vọng cách hay còn được gọi là Cách, Bông cách, tên khoa học là Premna corymbosa (Burm. f.) Rottl. et. Willd. (P.integrifolia L.), thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cây thường mọc trong rừng hỗn giao, ven rừng, ven đường, ở độ cao dưới 300m. Dưới đây là hình ảnh cây Vọng cách.

Hình ảnh cây Vọng cách
Hình ảnh cây Vọng cách

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây gỗ nhỏ hoặc nhỡ, cao 5-7m, phân nhánh, có khi mọc leo, thường có gai. Cành non hình vuông, đôi khi có gai và lông mịn; cành già nhẵn, màu nâu đỏ, có rãnh và lỗ bì. Lá mọc đối, rất thay đổi, hình trái xoan hay bầu dục, dài 14-16cm, rộng 10-12cm, gốc tròn hay hình tim, chóp tù hay có mũi ngắn, nguyên hoặc hơi khía răng ở phần trên, mặt trên nhẵn bóng, gân hằn rõ, có ít lông ở dưới, nhất là trên các gân. Lá vò ra có mùi thơm như chanh. 

Cụm hoa mọc thành ngù dài 10-18cm ở đầu cành, có lông mịn. Hoa nhỏ, nhiều, màu trắng lục xám; nhị 4, hơi thò ra ngoài, chỉ nhị đính ở họng tràng; bầu nhẵn. Lá bắc nhỏ dạng lá; đài có lông và tuyến, chia 2 môi, môi trên nguyên hoặc xẻ 2 thùy, môi dưới nguyên hoặc có 2-3 răng nhỏ; tràng có lông ở mặt ngoài, ống hình trụ, chia 2 môi, môi trên có 2 thùy gần bằng nhau, môi dưới có 3 thùy hình tròn. Quả hạch hình trứng, màu đen, rộng cỡ 3-4mm, có 4 ô, mỗi ô chứa một hạt. Ra hoa từ tháng 4 đến tháng 10.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá, rễ và cành.

Rễ, lá có thể thu hái quanh năm. Lá lấy về, rửa sạch, phơi hay sấy khô hoặc sao vàng.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây mọc hoang và được trồng ở đồng bằng và rừng núi nhiều nơi từ Bắc vào Nam. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia đến Indonesia, Papua Niu Ghinê, Úc.

2 Thành phần hóa học

2.1 Tinh dầu

Vọng cách chứa hàm lượng tinh dầu trong khoảng 0,056–0,102%. Trong số các hợp chất được xác định, 1-octen-3-ol, Limonene, α-copaene, β-elemene, β-caryophyllene và δ-cadinene được tìm thấy chiếm nhiều tỷ lệ nhất. 

2.2 Diterpenoid

2 pimarane (1β,3α,8β-Trihydroxy-pimara-15-ene và 2α,19-Dihydroxy-pimara-7,15-diene) cùng với 1,3-dihydroxy và 2-hydroxy hiếm tương ứng được phân lập từ Vọng cách.

2.3 Aldehyde, alkaloid

Một số aldehyde đã được phân lập từ Vọng cách: 4-Hydroxybenzaldehyde, 4-Hydroxy-2-methoxybenzaldehyde, Syrangaldehyde, Acetoxy syranzaldehyde, Premnalin, Coniferaldehyde, 2-(4-methoxyphenyl)-2-butanone, Leonuriside A.

Các alkaloid được tìm thấy trong cây gồm: Premnine, Ganiarine, Aphelandrine.

Nhóm hợp chất chính trong Vọng cách
Nhóm hợp chất chính trong Vọng cách

==>> Mời bạn đọc xem thêm dược liệu có cùng công dụng: Cây Chè dây - Vị thuốc chữa bệnh dạ dày và giúp an thần

3 Tác dụng - Công dụng của cây Vọng cách

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống viêm

Nghiên cứu đánh giá hoạt động chống viêm khớp của chiết xuất Ethanol từ lá Vọng cách trong bệnh viêm khớp do tá dược Complete Freund (CFA) gây ra ở chuột đã được tiến hành. Kết quả chỉ ra rằng điều trị lâu dài ngăn chặn đáng kể sự phát triển của bệnh viêm khớp mãn tính do CFA gây ra. Trong các mô hình phù chân cấp tính, chiết xuất này có tác dụng ức chế đáng kể sự hình thành phù nề. Trong mô hình viêm gây u hạt mãn tính ở chuột, chiết xuất cũng làm giảm đáng kể sự hình thành u hạt. Các thí nghiệm này cho thấy hoạt tính chống viêm của lá Vọng cách.

3.1.2 Chống tiểu đường

Hoạt tính hạ đường huyết của dịch chiết rễ được đánh giá bằng cách sử dụng cả chuột tăng đường huyết thông thường và chuột bị tăng đường huyết do alloxan gây ra ở các mức liều tương ứng là 200 và 400 mg/kg qua đường uống. Kết quả cho thấy chiết xuất làm giảm rõ rệt nồng độ Glucose trong máu ở các mức liều được thử nghiệm theo cách phụ thuộc vào liều trong cả hai mô hình. Tuy nhiên, ở động vật có đường huyết bình thường, dịch chiết ở liều 400 mg/kg đã làm giảm đáng kể lượng đường trong máu vào ngày thứ 8. Kết quả của nghiên cứu này chứng minh cho việc sử dụng rễ của cây để điều trị bệnh tiểu đường như đề xuất trong các bài thuốc dân gian.

3.1.3 Bảo vệ gan

Khi điều trị bằng chiết xuất etanolic từ lá Vọng cách, tác dụng độc hại của CCl4 được kiểm soát đáng kể, bằng cách phục hồi mức độ của các thông số sinh hóa so với nhóm điều trị bằng thuốc Silymarin thông thường và tiêu chuẩn. Trọng lượng gan đã giảm bởi các nhóm được điều trị bằng chiết xuất etanolic. Từ đó cho thấy khả năng bảo vệ gan khỏi tổn thương của lá Vọng cách.

3.1.4 Chống oxy hóa

Tác dụng chống oxy hóa của chiết xuất methanolic, chloroform và ethyl axetat của lá Vọng cách đã được thử nghiệm trên thí nghiệm DPPH (1,1-diphenyl-2-picryl-hydrazyl), xét nghiệm phosphomolybdenium, quét gốc ROS và hoạt tính thải kim loại. Các kết quả chỉ ra rằng chiết xuất metanol cho thấy hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn so với các chiết xuất dung môi khác. Nghiên cứu đã chứng minh đây là một chất chống oxy hóa hiệu quả.

3.1.5 Kháng khuẩn

Nghiên cứu đã phân lập thành công chất tinh thể màu da cam từ dịch chiết cồn của vỏ rễ Vọng cách có hoạt tính chống lại Micrococcus aureus, Bacillus subtillisStreptococcus haemolyticus; nhưng không có tác dụng đối với Escherichia coli, Salmonella typhosaB.dysentriae.

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Tính vị, tác dụng: Vọng cách có vị ngọt, đắng, có mùi thơm, tính mát, có tác dụng trợ tỳ can, mát gan, sáng mắt, tiêu độc, lợi tiểu. Rễ thông kinh mạch, tán ứ kết tê bại, lợi tiêu hoá.

Cây Vọng cách chữa bệnh gì? Trong đông y, Vọng cách được dùng trị phù do gan, xơ gan và trị lỵ. Còn dùng trị thấp khớp và làm thuốc lợi sữa. 

Ở Ấn Độ, cây dùng trị đau dây thần kinh; rễ dùng trị chứng xuất huyết não; lá làm thuốc trị cảm lạnh và sốt, trị đầy hơi và dùng dưới dạng súp làm thuốc lợi tiêu hoá, gây trung tiện. Ở Ấn Độ và Indonesia, người ta còn dùng cây trị bệnh đau gan, đau dạ dày và làm thuốc hạ nhiệt. 

Tác dụng của Vọng cách
Tác dụng của Vọng cách

==>> Mời bạn đọc xem thêm dược liệu: Cây Đại hoàng - Vị thuốc trị các vấn đề về tiêu hoá hiệu quả

4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Vọng cách

4.1 Cách dùng

Ngày dùng 8-12g lá, đọt cây; rễ dùng với liều ít hơn. Lá 30-40g sắc uống chữa sốt, viêm gan, co thắt sau khi quan hệ. Rễ 20g sắc uống chữa đau bụng, khó tiêu, sốt.

4.2 Bài thuốc từ Vọng cách

4.2.1 Chữa lỵ

Dùng lá tươi 30g, giã nát, thêm nước sôi để nguội vào khuấy đều, chắt lấy nước, thêm tí đường cho ngọt mà uống. Ngày dùng 30-40ml. Trẻ em dùng nửa liều của người lớn. 

Cũng có thể dùng lá khô với liều 10-15g mỗi ngày, sắc uống. 

4.2.2 Chữa hậu sản vàng da

Nguyên liệu: Lá Vọng cách, Nhân Trần, Cối xay mỗi vị 12g.

Cách làm: Sắc nước uống.

5 Tài liệu tham khảo

1. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Cách trang 300-301, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2023.

2. Tác giả Roza Dianita, Ibrahim Jantan (Ngày đăng 9 tháng 5 năm 2017). Ethnomedicinal uses, phytochemistry and pharmacological aspects of the genus Premna: a review, NCBI. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2023. 

Các sản phẩm có chứa dược liệu Vọng Cách

Đại Tràng Ích Nhân
Đại Tràng Ích Nhân
Liên hệ
Corine Eva
Corine Eva
650.000₫
Hamega
Hamega
64.000₫
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633