Măng Cụt (Garcinia mangostana L.)
13 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Măng cụt là loại quả được yêu thích bởi mùi vị thơm ngon, tuy nhiên, ít ai biết vỏ măng cụt là vị thuốc có tác dụng chữa đau bụng, đi ỉa lỏng, lỵ, vàng da. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về măng cụt cũng như vỏ măng cụt làm thuốc
1 Giới thiệu về măng cụt
Măng cụt còn có tên gọi khác là giáng châu hay sơn trúc tử. Tên khoa học của măng cụt là Garcinia mangostana L. (Mangostana garcinia Gaertn.). Thuộc họ Bứa Clusiaceae (Guttiferae).
2 Đặc điểm thực vật
Cây măng cụt to, có thể cao tới 20m, có tán lá hình tháp. Thân phân cành thấp và mọc ngang, vỏ ngoài màu đen, có chất Nhựa mủ màu vàng. Lá mọc đối, phiến dày, hình thuẫn hoặc hình bầu dục, dài 12 - 20cm, rộng 5 - 7cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, mặt trên màu lục sẫm; không có lá kèm. Lá non màu tía
Hoa đực và hoa lưỡng tính, cùng gốc; cụm hoa đực có 3 - 9 hoa, dài và tràng dày, có 4 thùy, mặt ngoài màu vàng hơi đỏ, mặt trong màu đỏ lục nhạt, nhị nhiều, chỉ nhị ngắn; hoa lưỡng tính có cuống phình, chia đốt, lá đài 4. cánh hoa 4, nhị nhiều, bầu 5 - 8 ô.
Quả măng cụt có hình cầu, to bằng quả cam trung bình, có đài tồn tại dày và cứng, vỏ quả dày và xốp, màu đỏ nâu tím; phía dưới có lá đài, phía đỉnh có đầu nhụy, có từ 5 - 8 hạt, có áo màu trắng, vị ngọt và thơm
Đặc điểm của cây này là người ta mới chỉ thấy cây cái. Người ta cho rằng trong số những nhị lép (staminode) bao quanh bầu có thể có bao phấn chứa phấn hoa.
3 Phân bố, sinh thái
Garcinia L. là một chi lớn gồm các cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, trừ châu Mỹ. Một vài loài có quả ăn được. Ở Việt Nam, chi này có 25 loài, đều là những cây gỗ lớn.
Măng cụt là cây trồng có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á. Các nước trong khu vực này cũng là nơi trồng nhiều măng cụt nhất thế giới. Cây còn dược trồng ở Ấn Độ. Xrilanca, Mianma, vùng Trung Mỹ và Australia nhưng với diện tích không đáng kể. Ở Việt Nam, măng cụt chỉ trồng được ở miền Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ.
Cây ưa khí hậu nhiệt đới điển hình. Ở dưới ngưỡng 20°C và trên 38°C, cây sinh trưởng kém; thậm chí có thể bị chết. Măng cụt không thích nghi được với mùa đông lạnh kéo dài ở các tỉnh phía bắc. Cây trồng ở các tỉnh phía nam sống được trên nhiều loại đất. Đất đỏ bazan, đất có thành phần nhiều sét (miền Tây) hoặc pha cát (ở Đồng Nai) đều thích hợp với việc trồng măng cụt. Cây ưa sáng, song trên thực tế, người ta thường trồng xen măng cụt với một số cây ăn quả khác như chôm chôm, sầu riêng, xoài, để cản bớt gió làm rụng quả. Trong thời kỳ còn nhỏ (1- 2 tuổi), cây ưa bóng, về sau tính ưa sáng được tăng dần lên.
Măng cụt ra hoa quả hàng năm. Cây trồng ở miền Nam Thái Lan, Malaysia, Philippin có mùa hóa cũng như mùa thu hoạch quả kéo dài. Tuỳ theo giống măng cụt mà số lượng quả và sản lượng khác nhau. Cây trồng ở các tỉnh miền Tây có thể cho từ 200 đến 2000 quả trên một cây. Mỗi năm, có đến hàng ngàn tấn quả măng cụt được thu hoạch ở các tỉnh phía nam Việt Nam. Ở các nước lân cận, sản lượng quả măng cụt hàng năm cũng rất cao như Thái Lan, Malaysia, Philippin.
3.1 Quả măng cụt mọc dưới đất hay trên cây?
Do măng cụt là cây gỗ, khi trưởng thành có chiều cao hàng chục mét, vì vậy khi ra quả cây sẽ mọc ở trên cây chứ không phải mọc dưới đất như các loại cây dây leo, cây thân thảo.
3.2 Cách trồng măng cụt
Măng cụt chỉ trồng được ở một số vùng nhất định ở miền Nam Việt Nam. Tuy được nhân giống bằng hạt, nhưng cây con được hình thành từ phôi giả (nucellus) phát triển không qua quá trình thụ phấn, nên chất lượng quả khá ổn định.
Hạt măng cụt rất chóng mất sức nảy mầm. Nên lấy hạt từ quả tươi và gieo ngay, tỷ lệ mọc có thể đạt trên 80%. Có thể gieo hạt trong vườn ươm hoặc trong bầu, nhưng phải dùng giá thể xốp, thoáng, nhiều dinh dưỡng và giữ ẩm tốt. Tốt nhất là dùng 1/3 đất phù sa trộn với 1/3 cát và 1/3 mùn hoặc phân chuồng hoai. Đặt hạt sâu khoảng 1 cm, tưới ẩm đều. Sau khoảng 10 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm, sau 1 tháng, có đôi lá thật, lúc đầu màu đỏ, sau chuyển dần sang màu xanh. Cây con để nguyên tại chỗ hoặc sau 3 – 4 tháng chuyển sang đất mới. Cách làm này tuy tốn công, nhưng cây con sẽ có chất lượng tốt hơn. Nếu được chăm sóc tốt, sau 18 - 24 tháng, cây con đạt chiều cao 40 - 60 cm, có thể đánh đi trồng.
Trong suốt quá trình ở vườn ươm, cần chú ý tạo bóng râm tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây con và tưới nước đều nhưng không được để ủng. Măng cụt khó ra rễ. Việc làm dứt rể, nhất là thời kỳ cây còn nhỏ, sẽ có ảnh hưởng xấu. Do đó, gieo trong hầu là hiện pháp tốt nhất để bảo đảm tỷ lệ sống khi trồng.
Đất trồng phải nhiều mùn, thành phần sét nhiều hơn cát, giữ nước và thoát nước tốt
Khi trồng, đào hố 80 x 80 x 80cm hoặc to hơn, với khoảng cách 9 x 9 m hoặc là 10 x 10m, bón lót ít nhất 30 - 50 kg phân chuồng thật hoại cho mỗi hố (có thể đến 80 - 100kg). Cần phân biệt đất mặt với đất đáy. Sau khi trộn phân với đất, cho đất mặt xuống lưng hố rồi đặt cây giống và dùng đất đáy lấp đầy hố. Chú ý lèn dất cho vững cây nhưng không làm vỡ bầu. Trong 2 -3 năm đầu, cần che bóng và tưới đều cho cây Có thể trồng xen với các loại cây khác để giữ ẩm và che bóng. Cần làm cỏ quanh gốc, dùng rơm, rạ, trấu, mùn để phủ gốc
Cây măng cụt trống ít nhất 7 - 8 năm mới có quả và có khả năng cho quả tốt đến khi cây 60 - 70 năm tuổi, có cây sống hàng trăm năm. Hàng năm, cần bón thúc cho mỗi cây ít nhất 80 - 100kg phân chuồng, 0,5 - 1 kg đạm, 1- 2 kg lân và 0,5 - 0,6kg Kali. Bón làm 2 lần trước khi cây ra hoa và sau khi thu hoạch quả.
Măng cụt thường bị một số loài sâu hại lá, có thể diệt trừ bằng các thuốc có chứa lân hữu cơ hoặc carbarnat. Bệnh tương đối nghiêm trọng là bệnh chảy nhựa vàng trên quả, chưa rõ nguyên nhân.
Thu hoạch quả tốt nhất là khi vỏ quả đã chuyển sang màu đỏ hoặc màu tím. Quả chỉ giữ được nhiều nhất là 5 - 7 ngày trong điều kiện bình thường. Ở 9 - 12 độ C, có thể bảo quản được 1 tháng
3.3 Có nên bán măng cụt xanh hay không?
Hiện nay, không chỉ măng cụt khi chín mang lại hiệu quả kinh tế mà giá măng cụt xạnh tại vườn cũng tăng cao do cơ sốt làm những món ăn từ măng cụt xanh như gỏi gà măng cụt, nộm măng cụt... Thậm chí giá măng cụt xanh ngày mai đã có thể tăng cao hơn hẳn giá măng cụt hôm nay, thời giá thay đổi liên tục.
Hái măng cụt xanh khi được giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa, còn giảm công sức cũng như tiền bạc bỏ ra để chăm sóc cho đến khi quả chín, bởi nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa nhiều sẽ dễ làm hỏng quả.
4 Thành phần hóa học
Thịt quả măng cụt chiếm 1/3 quả, chứa nước 79,2%, protein 0,5%, carbohydrat 19,8%, chất xơ 0,3%, Ca 11mg%, P 17mg%, Sắt 0,9mg%, Vitamin C 66mg, Vitamin A 14 đơn vị quốc tế /100g, đường 16,42% (sucrose Glucose, frucrose).
Vỏ quả chứa 7 - 14% tanin (catechin), Xanthones. Xanthones là các hợp chất hoạt tính sinh học quan trọng và các chất chuyển hóa thứ cấp trong vỏ quả măng cụt. Xanthone là một hợp chất phenolic bao gồm cấu trúc xanthene-9-one ba vòng. Một xanthone có thể tồn tại ở dạng glycoside, aglycones, monome hoặc polyme.
5 Mủ măng cụt có độc không?
Ngoài tanin ra, trong vỏ quả măng cụt còn có chất nhựa và chất mangosun (C20H22O5), có tinh thể hình phiến nhỏ, màu vàng tuơi, không vị, tan trong rượu, ête và chất kiềm, không tan trong nước. Độ chảy 175 độ C. Chất mangostin có thể chiết suất như sau: Lấy kiệt vô măng cụt bằng nước lạnh, sau bằng nước sôi. Hợp cả hai nước đó lại. Cô đặc và bốc hơi cho khô. Rửa cặn bằng nước rồi hòa tan bằng rượu. Thêm nước và axit axetic vào dung dịch. Để một thời gian sẽ xuất hiện một đám tinh thể. Gạn và ép. Khi thêm vào chất mangostin Dung dịch clorua feric, sẽ có màu lục đen nhạt. Nếu thêm axit sunfuaric sẽ có
màu đỏ
Phần nhựa mủ này có thể gây tác dụng không mong muốn như táo bón, buồn nôn,...
Lá chứa 3B - hydroxy - 26 - nor - 9, 19 - cyclolanost - 23 - en - 25 - o, 2- ethyl - 3 - methylmaleimid N - B - D - glucopyranosid
Hạt chứa 3% dầu béo.
6 Vỏ quả mang cụt có tác dụng gì?
6.1 Nghiên cứu về tác dụng dược lý
Vỏ quả măng cụt có tác dụng làm săn, gây đông tinh dịch, nên giữ tinh trùng bên trong tinh dịch bị đông làm ảnh hưởng đến khả năng di động và thụ tinh của tinh trùng. Trong thí nghiệm in vitro, dịch chiết vỏ quả măng cụt có tác dụng ức chế yếu sư sinh trưởng của Entamoeba histolytica.
Đã thử lâm sàng cao lỏng vỏ quả măng cụt chứa 10% tanin và hỗn dịch cao lỏng này với Berberin 1% về tác dụng điều trị tiêu chảy trẻ em đạt kết quả tốt.
Xanthones trong măng cụt sở hữu vô số đặc tính có lợi, bao gồm hoạt tính chống oxy hóa, hoạt tính chống viêm và đặc tính kháng khuẩn. Ngoài ra, xanthones có thể được sử dụng làm nguyên liệu thô và/hoặc thành phần trong nhiều ứng dụng thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm
6.2 Công dụng
Vỏ quả măng cụt có vị chát được dùng làm thuốc chữa tiêu chảy, lỵ mạn tính với liều dùng là 10 - 20g dùng sắc uống
Ở các nước Malaysia, Campuchia, Philippin, để chữa đau bụng, đi lòng, kiết lỵ, đôi khi bệnh vàng da, nhân dân đã lấy chừng 10 vỏ quả măng cụt cho vào một nồi đất hay nồi đồng (tránh nồi sắt hay nồi tôn), thêm nước vào cho ngập, rồi đun sôi trong vòng 15 phút. Để nguội, ngày uống 3 đến 4 chén to.
Ở Indonesia, người ta dùng nước sắc vỏ quả măng cụt với vỏ Lansuum domesticum để điều trị tiêu chảy ra máu. Ở Ấn Độ, vỏ quả măng cụt chứa tiêu chảy man tính và lỵ
7 Ăn măng cụt có nóng không?
Quả măng cụt rất thơm ngon và giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, cũng như những loại quả chứa lượng đường cao khác, ăn quá nhiều măng cụt có thể khiến cơ thể bạn bị nóng, biểu hiện như nổi mụn, mẩn ngứa, nhiệt miệng...
8 Đơn thuốc có chứa vỏ măng cụt
6.2.1 Chữa tiêu chảy
Vỏ quả măng cụt khô 24g; hạt mùi, hạt thìa là mỗi vị 2 g. Sắc và uống làm 2 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
8.1 Chữa lỵ:
Đơn 1: Vỏ quả măng cụt 6g; Rau Sam, Rau Má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa, rễ mua, mỗi vị 8g; trà ngon 6g; Cam Thảo, vỏ quýt, mỗi vị 4g: Gừng 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang
Đơn 2: Vỏ quả măng cụt nướng 8g, rau má 10g; dền tía, khổ sâm, gương Sen, củ rối sao đen, vỏ lựu sao, mỗi vị 8g; hạt cau già 6g; cam thảo, vỏ quýt nướng, mỗi vị 4g. Sắc uống hoặc tán bột uống, ngày 1 thang
8.2 Chữa vàng da
Vỏ quả măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thìa là 5g, nước 1200ml. Đun sôi, sắc kỹ cho cạn còn chừng một nửa (600ml). Mỗi lần uống 120ml. Uống mỗi ngày 2 lần. Nếu đau bụng có thể thêm ít thuốc phiện. Trong trường hợp này không dùng cho trẻ con được
9 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2004). Măng cụt trang 239. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 03 tháng 06 năm 2023.
- Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2006). Măng cụt trang 428. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 03 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: Vasin Yuvanatemiy và cộng sự (Ngày đăng: năm 2022). A Review of the Influence of Various Extraction Techniques and the Biological Effects of the Xanthones from Mangosteen ( Garcinia mangostana L.) Pericarps, Pubmed. Truy cập ngày 03 tháng 06 năm 2023.