Tục Đoạn (Dipsacus japonicus Miq.)
33 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Tục đoạn được biết đến khá phổ biến với công dụng giúp an thai, lợi sữa, chữa các bệnh như gãy xương, di tinh ở nam giới, đau lưng, mỏi gối. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Tục đoạn.
1 Giới thiệu về cây Tục đoạn
Tục Đoạn hay còn được biết đến với tên gọi là Xuyên tục đoạn, tên khoa học của loài này là Dipsacus japonicus Miq., thuộc họ Caprifoliaceae (họ Cơm cháy).
1.1 Hình ảnh cây tục đoạn
Cây thảo này có thể sống lâu năm, với rễ to và không phân nhánh. Thân cây có các rãnh dọc và gai nhỏ. Lá cây mọc đối, với phiến lá được xẻ sâu thành thùy. Cụm hoa của cây có hình dạng đầu, có thể có màu đỏ hoặc lam nhạt. Quả của cây có vỏ bọc.
1.2 Thu hái và bào chế tục đoạn Dược điển
Bộ phận sử dụng: Rễ (Radix Dipsaci) được phơi hoặc sấy khô.
Mô tả dược liệu: Rễ có hình dạng trụ, đường kính từ 0,4 cm đến 1 cm, dài từ 8 cm đến 20 cm, có độ cong queo nhẹ, màu nâu xám hay nâu nhạt. Đầu rễ phía trên to hơn, đầu phía dưới thuôn nhỏ dần. Mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu xám, có nhiều nếp nhăn và rãnh dọc. Các lát được cắt mỏng có hình dạng tròn hoặc hình bầu dục. Rễ có mùi nhẹ, vị đắng hơi ngọt và cảm giác se trên lưỡi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tục đoạn là một loại thảo mộc lâu năm, phân bố chủ yếu ở miền trung và miền bắc Trung Quốc cũng như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại Việt Nam, cây này thường mọc ở các vùng trảng cỏ thuộc các dãy núi cao ở biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu.
2 Thành phần hóa học
Rễ của cây Tục đoạn chứa đựng nhiều chất hữu cơ như tannin, dẫn xuất phenyl propan, lignan, iridoid và Saponin triterpenoid. Ngoài ra, thân của cây cũng chứa tinh dầu trong hoa.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Tục đoạn
3.1 Tác dụng dược lý
Tinh chất từ Tục đoạn được biết đến với khả năng ngăn chặn sự oxy hóa, giảm viêm và độc hại cho tế bào. Saponin, một thành phần có trong Tục đoạn, đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển quá mức của tế bào.
Thành viên của chi Dipsacus chứa một lượng lớn saponin, là một glycoside của triterpene. Các nghiên cứu hóa học thực vật trước đây về rễ D. japonicus đã dẫn đến sự phân lập iridoid và bisiridoid glycoside và hederagenin triterpenoid glycoside. Các nghiên cứu dược lý gần đây chứng minh rằng các thành phần saponin chính được phân lập từ chi Dipsacus có hoạt tính gây độc tế bào mạnh chống lại các dòng tế bào khối u (A549, H157, HepG2 và MCF-7) và một số hoạt tính hứa hẹn bổ sung. Các saponin triterpenoid, đặc biệt là những saponin được phân lập từ thành viên của chi Dipsacus , đã chứng minh các hoạt động dược lý khác nhau, chẳng hạn như các hoạt động gây độc tế bào chống nhiễm trùng và bảo vệ tim mạch.
3.2 Vị thuốc Tục đoạn - Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Theo kiến thức y học cổ truyền Đông y, tục đoạn được đánh giá là có vị đắng cay, tính hơi ôn, có tác dụng giúp thông huyết mạch, cầm máu, giảm đau, nối liền gân cốt, và bổ can ích thận hiệu quả.
3.2.2 Công dụng của cây Tục đoạn
Tác dụng của tục đoạn không chỉ giúp an thai, lợi sữa, mà còn được sử dụng làm thuốc chữa các bệnh như gãy xương, di tinh ở nam giới, đau lưng, mỏi gối, té ngã gây sưng tấy.
Đây là một trong những loại thuốc thảo dược truyền thống phổ biến nhất ở các nước châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam, và được sử dụng chủ yếu dưới dạng thuốc sắc. Ở Việt Nam, rễ phơi khô có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, chữa nhức mỏi gân cốt, mụn nhọt, bong gân, đau khớp.
4 Bài thuốc từ Tục đoạn
4.1 Chữa các vết thương, gãy xương không liền, trị liệu tiếp cốt
Mộc Hương 8g, tục đoạn 12g, Đương Quy 12g, Cốt Toái Bổ 12g, Hồng Hoa 12g, nhũ hương sao 12g, một dược sao 12g, tự nhiên đồng 12g, thổ miết trùng 12g, huyết kiệt 12g. Tất cả được xay nhuyễn thành bột mịn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 12g, pha với nước sôi. Hoặc có thể dùng ngoài: nhào với rượu hoặc giấm để làm thành bột hồ nhão, đắp lên vùng đau.
4.2 Bổ thận, chữa mỏi gân cốt ở người già
Hà Thủ Ô 5g, đương quy 5g, Câu Kỷ Tử 5g, tục đoạn 10g, Ngưu Tất 10g, Đỗ Trọng 10g, Tang Ký Sinh 10g. Nấu sắc uống trong ngày. Có tác dụng bổ thận, chữa mỏi gân cốt ở người già.
4.3 Chữa động thai
Tục đoạn (tẩm rượu sao) 80g, đỗ trọng (tẩm Gừng sao) 80g, đại táo 100g. Táo được lấy hạt ra, giã nát, sau đó trộn đều với tục đoạn và đỗ trọng để tạo thành viên, viên có kích thước bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên cùng với nước cơm. Có tác dụng chữa động thai.
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Tục đoạn trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Ba Thi Cham và cộng sự (Đăng ngày 22 tháng 7 năm 2020). Cell Growth Inhibition of Saponin XII from Dipsacus japonicus Miq. on Acute Myeloid Leukemia Cells, PubMed. Truy cập ngày 05 tháng 04 năm 2023.