Tre (Bambusa blumeana)
10 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cảm sốt, bệnh thận, bệnh tiêu hóa…, Tre được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Tre.
1 Giới thiệu về cây Tre
Tre còn có tên gọi khác là cây Tre gai, Tre nhà, Tre lá ngắn, mọc hoang hoặc được trồng tại nhiều vùng quê, các bãi hoang, bờ đê để ngăn lũ…
Tên khoa học của Tre là Bambusa blumeana, thuộc họ Lúa (Poaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật của cây Tre
Cây to, mọc thành bụi dày, cao 10-15m, có khi hơn, có gai. Chồi non (măng) hình nón phủ bởi những vòng mo cứng, hình tam giác, mặt ngoài có gân dọc và lông cứng màu nâu đen, đầu xẻ thành tua ngắn. Thân thẳng có gióng rỗng và dài, vách thân dày, chia đốt, những đốt ở dưới gốc thường có rễ khí sinh. Cành mảnh, vươn dài, phân nhiều cành phụ. Lá mọc so le, có cuống rất ngắn, hình mác dài 8-15cm, rộng 1-2cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, gân song song, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông nháp, hai mặt cùng màu.
Cụm hoa là những bông hoa nhỏ mang nhiều hoa; mày hình trứng, mày ngoài ngắn, mày trong dài hơn; bao hoa có 2-3 vảy; nhị 6, chỉ nhị dài thò ra ngoài; bầu hình trứng nhẵn. Quả thuôn.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Tinh tre (Trúc nhự), nước tre non (Trúc lịch), lá tre (Trúc diệp).
Cạo lớp vỏ xanh, chẻ phần thân thành từng phoi mỏng còn phơn phớt xanh, phơi khô, khi dùng tẩm nước gừng, sắc lấy nước, cô lại thành tinh tre. Lấy tre non tươi về nướng, vắt lấy nước được nước tre non. Lá thường dùng tươi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây được trồng khắp các vùng đồng bằng, trung du và núi thấp.
2 Thành phần hóa học
Chiết xuất toàn bộ cây tre có chứa các chất hóa học thực vật như alkaloids, flavonoids, phenolics, sterol và tanin.
Lá tre chứa cholin, Betain, men urease, men Protease, diastatic và emulsin. Măng non chứa một glucoside cyanoganetic là một chất độc, bị thủy phân bởi men có trong măng khi thái lát và ngâm vào nước và giải phóng HCN.
Măng non chứa 0,03% HCN, 0,23% Acid benzoic, 2,5% đường khử, Nhựa và sáp dịch nước măng chứa 0,027% HCN, 0,16% acid benzoic.
Hạt chứa 11% nước, 73% tinh bột, 11,8% chất Albumin, 0,6% dầu, 1-7% sợi, 1,2% tro.
Các oligo và polysaccharide: Măng tre sau thủy phân thu được arabinoxylan trisaccharide với các nhóm ester của acid ferulic và acid acetic.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Cúc Hoa Vàng Và Những Lợi Ích Tuyệt Vời Cho Sức Khỏe
3 Tác dụng - Công dụng của Tre
3.1 Tác dụng dược lý
Lá tre có tác dụng an thần trong thí nghiệm trên chuột nhắt trắng và lợi tiểu nhẹ trên chuột cống trắng khi cho uống dịch chiết nước. Cao Ethanol từ lá tre có tác dụng hạ đường huyết trên thỏ. Thử nghiệm trên các tình nguyện viên khỏe mạnh cho thấy măng tre có khả năng giữ ẩm cho da. Nước uống giải khát phối hợp lá tre, Thảo Quyết Minh, cam thảo, rau má, Thổ Phục Linh, kim ngân đã được chứng minh có tác dụng giảm nhu cầu nước uống vào, nhưng lại ra mồ hôi nhiều hơn.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Lá tre có tính hàn, vị ngọt, nhạt, quy vào kinh tâm, phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, hạ sốt. Nước tre non để tươi, đem nướng có tính hàn, vị ngọt, quy kinh tâm, vị, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, hạ sốt. Tinh tre có tính mát, vị ngọt, hơi đắng, quy kinh phế, can, vị, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đờm, chỉ nôn. Cặn silic đọng trong gióng tre già có tính hàn, vị ngọt, hơi mặn, có tác dụng hạ sốt. Măng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt.
Trong đông y, lá tre được dùng trong chữa cảm sốt, khát nước, ra nhiều mồ hôi, ho, suyễn, thổ huyết, trẻ em kinh phong, cảm cúm đau đầu, tiểu buốt, tiểu rắt, lỵ mạn tính. Trúc nhự chữa cảm sốt, muộn phiền, bứt rứt, nôn nghén, mụn mủ lâu ngày, ho đờm, hồi hộp khó ngủ, rong kinh. Măng chữa sốt cao, mụn nhọt đã vỡ mủ, lở loét lâu ngày.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Viễn chí - Vị thuốc an thần, chữa bệnh về đường hô hấp
4 Các bài thuốc từ cây Tre
4.1 Chữa cảm sốt, cúm
Chữa cảm sốt, khô khát: Lá tre 30g, thạch cao 12g, Mạch Môn 8g, gạo tẻ 7g, Bán Hạ 4g, Nhân Sâm (hoặc đẳng sâm), Cam Thảo mỗi vị 2g. Sắc uống.
Chữa cảm sốt và cúm có sốt cao: Lá tre, kim ngân mỗi vị 16g, cam thảo đất 12g, Kinh Giới, Bạc Hà mỗi vị 8g. Hoặc: Lá tre 20g, bạc hà 40g, kinh giới, Tía Tô, cối xay mỗi vị 20g. Đều sắc uống.
Chữa say nắng, cảm nắng: Nước măng chua 300ml, Gừng gió, muối ăn mỗi vị 20g, hành tươi, tỏi tươi mỗi vị 10g, gừng tươi 5g, trứng gà 1 quả. Đun sôi nước măng, các vị khác giã nát, trộn lẫn, cho vào nồi nước măng, đập trứng vào, khuấy cho chín, uống nóng. Sau khi uống thuốc, ủ ấm người cho ra mồ hôi.
4.2 Chữa bệnh tiêu hóa
Chữa viêm đại tràng mạn tính thể táo: Trúc nhự, Cúc Hoa mỗi vị 8g, Sài Hồ, Đương Quy, Nhân Trần, Chi Tử sao, vỏ cây khế, đẳng sâm, chỉ thực, thương truật, Bạch Thược, táo nhân sao đen mỗi vị 12g, bạc hà 6g. Sắc uống.
Chữa lỵ mạn tính: Búp tre 4g, chè tươi 10g, hạt cau già 2g. Sao vàng, sắc uống.
Chữa loét miệng: Lá tre 16g, thạch cao 20g, Sinh Địa, chút chít, cam thảo nam mỗi vị 16g, Huyền Sâm, ngọc trúc, mộc thông mỗi vị 12g. Sắc uống.
4.3 Chữa bệnh hô hấp
Chữa viêm phế quản cấp: Lá tre, tang bạch bì, mạch môn, sa sâm, thiên môn, Hoài Sơn mỗi vị 12g, thạch cao 16g, lá hẹ 8g. Sắc uống.
Chữa hen phế quản đợt cấp: Trúc lịch 20ml, tang bạch bì 20g, hạnh nhân, hoàng cầm, mỗi vị 12g, bán hạ chế 8g, ma hoàng 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa viêm phổi giai đoạn đầu: Trúc nhự, hạnh nhân mỗi vị 8g, kim ngân, sài đất, Bồ Công Anh mỗi vị 20g, kinh giới, cỏ Mần Trầu mỗi vị 16g, tang bạch bì 12g. Sắc uống.
Chữa viêm phổi giai đoạn chưa biến chứng: Trúc nhự 8g, thạch cao, cỏ mần trầu mỗi vị 20g, Hoàng Liên, hoàng bá, Kim Ngân Hoa, bồ công anh, Sài Đất mỗi vị 16g, tang bạch bì, hạnh nhân mỗi vị 12g, bối mẫu, cam thảo mỗi vị 6g. Sắc uống.
Chữa viêm thanh quản nói không ra tiếng: Trúc nhự, lá tre, tang bạch bì mỗi vị 12g, thổ bối mẫu 10g, thanh bì, Cát Cánh mỗi vị 8g, nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống.
Chữa viêm màng phổi do lao, tràn dịch màng phổi: Lá tre, thương truật mỗi vị 10g, Phục Linh 12g, Hồng Hoa, đào nhân mỗi vị 8g, cam thảo 6g, nguyên hoa, cam toại, đại kích mỗi vị 4g, đại táo 10 quả. Sắc uống, theo dõi mạch, huyết áp vì gây tiêu chảy.
4.4 Chữa bệnh thận, tiết niệu
Chữa viêm cầu thận cấp: Lá tre 16g, bồ công anh, bạch mao căn mỗi vị 20g, sinh địa, mộc thông, hoàng bá, Hoàng Cầm mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa viêm bàng quang cấp: Lá tre 16g, sinh địa, mộc thông, hoàng cầm mỗi vị 12g, cam thảo, đăng tâm mỗi vị 6g. Sắc uống.
Chữa tiểu ra dưỡng chấp: Lá tre, Kim tiền thảo, mía dò mỗi vị 20g, giá đỗ xanh, tỳ giải mỗi vị 16g, ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống.
Chữa tiểu buốt, tiểu rắt: Búp tre, Rau Má (đều tươi), mỗi vị 20g. Giã nát với chút muối, thêm nước, chắt uống, ngày 1 thang.
4.5 Chữa bệnh thần kinh
Chữa trầm cảm, hoang tưởng, ảo giác: Trúc nhự, bán hạ chế, Trần Bì, đởm nam tinh, chỉ thực, củ gấu, Ô Dược mỗi vị 8g, cam thảo dây 12g. Hoặc: Trúc nhự, cam thảo mỗi vị 6g, phục linh 12g, bán hạ, trần bì, chỉ thực mỗi vị 8g, gừng 2g. Đều sắc uống.
Chữa giai đoạn sau cơn kịch phát của bệnh tâm thần hưng phấn: Lá tre 16g, sinh địa, mạch môn, huyền sâm, mộc thông mỗi vị 12g, tâm Sen, cam thảo nam mỗi vị 8g, đăng tâm 6g. Trúc lịch 12ml, tiểu mạch, đại táo, mạch môn mỗi vị 12g, Sơn Thù, bạch thược, bán hạ chế mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Đều sắc uống.
Chữa co giật trẻ em: Lá tre 16g, sinh địa, mạch môn, Câu Đằng, lá vông mỗi vị 12g, chi tử 10g, cương tàm, bạc hà mỗi vị 8g. Sắc uống.
4.6 Chữa nôn mửa khi mang thai
Bài 1: Trúc nhự 6g, Đẳng Sâm 16g, Bạch Truật, ý dĩ mỗi vị 12g, trần bì, bán hạ chế mỗi vị 8g, gừng tươi 2g.
Bài 2: Trúc nhự, trần bì, bán hạ chế, Bạch Linh, mạch môn, tỳ bà diệp, đại táo mỗi vị 8g, đẳng sâm 16g, gừng tươi 2g.
Bài 3: Trúc nhự 8g, trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 6g, tô diệp, hoàng liên, mỗi vị 4g.
Bài 4: Trúc nhự, trần bì, Chỉ Xác mỗi vị 6g, hoàng liên, bán hạ chế, phục linh mỗi vị 8g, cam thảo 4g.
Đều sắc uống.
4.7 Chữa bệnh khác
Chữa sởi thời kỳ đang mọc: Lá tre 20g, sài đất, ngân hoa mỗi vị 16g, mạch môn, sa sâm, sắn dây, cam thảo đất mỗi vị 12g. Sắc uống.
Chữa thủy đậu: Lá tre, liên kiều, mỗi vị 8g, cát cánh, đam đậu sị mỗi vị 4g, bạc hà, sơn chi, cam thảo mỗi vị 2g, hành tăm 2 củ. Sắc uống.
Chữa vết thương chảy máu: Lá tre non, gạo tẻ mỗi thứ 40g, thuốc lào 20g. Phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn, rắc vào vết thương rồi băng lại.
Chữa tăng huyết áp: Búp tre non 10g, lá diễn tươi 100g, lá dâu tươi 50g, hoa cúc vàng 15g. Sắc uống thay trà.
Chữa lỗ rò lao hạch hay tràng nhạc ở cổ: Tinh tre 10g, lá chanh, lá tầm xoong, mỗi vị 20g. Phơi khô, tán nhỏ, rửa sạch vết loét, rắc thuốc rồi băng lại.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Mohammad Amil Zulhilmi Benjamin và cộng sự (Ngày đăng 1 tháng 1 năm 2023). A comprehensive review of the ethnobotanical, phytochemical, and pharmacological properties of the genus Bambusa, J Appl Pharm Sci. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2023.