Trầu Không (Piper betle L.)
93 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Trầu không được sử dụng rộng rãi bởi công dụng sát trùng, chống viêm, chữa nhức mỏi. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Trầu không thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Trầu không
Trầu Không còn có tên gọi khác là Trầu; là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, nhiệt độ từ 22-26 độ C, thích nghi với đất giàu hữu cơ.
Tên khoa học của Trầu không là Piper betle L., thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Dưới đây là hình ảnh cây, lá Trầu không.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây dây leo bám bằng rễ mọc từ thân cành. Cành hình trụ, nhẵn, có khía dọc, bén rễ ở những mấu. Lá mọc so le từ các mấu, hình tim tròn, gốc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, dài 10-13cm, rộng 4,5-9cm, hai mặt nhẵn, mặt trên láng bóng, 5 gân vòng cung, nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá có bẹ kéo dài.
Cụm hoa mọc buông thõng ở kẽ lá thành bông ngắn; lá bắc tròn hoặc hình trái xoan. Hoa mọc khác gốc; hoa đực dài có cuống có lông, nhị 2, chỉ nhị ngắn; hoa cái dài khoảng 3cm, cuống phủ lông dày, bầu có lông ở đỉnh. Quả mọng tròn, có lông ở đỉnh. Cây có tinh dầu thơm, vị cay. Mùa hoa quả vào tháng 5-8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, đôi khi dùng cả thân và rễ.
Được thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc ở miền Trung và Đông Malaysia, hiện được trồng phổ biến tại các nước nhiệt đới ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây được trồng ở khắp nơi.
2 Thành phần hóa học
Thành phần hóa học của tinh dầu Trầu bao gồm chủ yếu là terpen và phenol. Lá chứa protein 3,1%, carbohydrate 6,9%, khoáng chất 2,3% và tanin 2%. Lá chứa các hợp chất đắng khoảng 0,7 đến 2,6%. Thành phần dinh dưỡng của lá Trầu không tươi: Nước (85-90%), Protein (3-3,5%), Chất béo (0,4-1,0%), Chất khoáng (2,3-3,3%), Chất xơ (2,3%), Diệp lục (0,01- 0,25%), Carbohydrate (0,5-6,10%), Axit nicotinic (0,63-0,89mg/100g), Vitamin C (0,005-0,01%), Vitamin A (1,9-2,9 mg/100g), Thiamine (10-70 µg/100g), Riboflavin (1,9-30 µg/100g), Tanin (0,1-1,3%), Nitơ (2,0-7,0%), Phốt pho (0,05-0,6%), Kali (1,1-4,6%), Canxi (0,2- 0,5%), Sắt (0,005-0,007%), Iốt (3,4 µg/100g), tinh dầu (0,08-0,2%), Năng lượng (44 kcal/100g). Lá trầu có mùi thơm cay nồng và mùi vị đặc trưng của trầu do phenol. Các nghiên cứu gần đây hơn với lá đã được phát hiện có chứa tinh bột, diastase, đường (0,8-1,8%). Các terpenoid bao gồm 1,8-cineole, cadinene, camphene, caryophyllene, Limonene, pinene, chavicol, allyl pyrocatechol, carvacrol, safrole, eugenol và chavibetol là những phenol chính được tìm thấy trong Trầu không, các acetat cũng thường được tìm thấy. Thành phần của các bộ phận khác nhau được trình bày trong bảng dưới.
Bộ phận | Thành phần |
Lá | Chavibetol, Allyl pyrocatechol, Chavibetol acetate, Eugenol, Allyl pyrocatechol, Quercetin, Luteolin, stearaldehyde, -terpineol , ß- pinene, camphene, Caryophyllene, Safrole, Hydroxychavicol, ß- sitosterol, Diosgenin, ?- lactone, allyl catechol, eugenol methyl ether, cepharadione A, dotriacontane, triacontane, Linalool, Allyl diacetoxy benzene, 4-allyl phenyl acetate ,4-allyl phenol, -myrcene, D-limonene, Eucalyptol, Camphor, allyl anisole, 4-allylphenol, ß-iso safrole, thymol, 3-allyl-6-methoxyphenol, -bergamotene, -farnesene, -muurolene, -bisabolene, ledol, -cadinol, isoledene, - tocopherol, Eugenyl acetate, allyl pyrocatechol diacetate, allyl pyrocatechol monoacetate, terpinen-4-ol, thujene, camphene, sabinene, 1,4-cineole, (Z)-ß-ocimene, (E)-ß-ocimene, cis-sabinene hydrate, fenchone, terpinolene, 2-noanone, cis-limonene oxide, sabinene, m-cymen-8-ol, cis-piperitol, n-decanal, thymol, 2-undecanone, iso-ascaridole, 5-indanol, -cubebene, -copaene,(E)-ß- Damascenone, vanillin, -selinene, cuparene, germacrene A, n-eicosanea-pinene, Chavicol, ß-sitosteryl palmitate, dotriacontanoic acid, stearic acid, cepharadione-A, Benzene acetic acid, hexadecanoic acid, octadecanoic acid, myristic acid, 2,3-bis (hydroxy) propyl ester, 2-monopalmitin, limonine, octadecanoic acid, 2,3-bis(hydroxyl) propyl ester, Isoeugenyl acetate, (E)-ß-ocimene, terpinolene, allo ocimene, cymene, ß-caryophyllene, Germacrene-D |
Hoa | Methyl eugenol, flavone, Myrcene, Isoeugenol, Safrole, Hydroxychavicol, Eugenol, Quercetin |
Thân | Piperine, Piperlonguminine |
Thân rễ | Linalool, -pinene, Myrcene, ß-caryophyllene |
Rễ | ß-sitosterol, 4-allyl Resorcinol, humulene, stigmast-4-en-3,6-dione, aristololactam A-II, ß-sitosteryl palmitate, 3- ß-acetylursolic acid, ursonic acid |
Toàn cây | Gallic acid, procatechuic acid, chlorogenic acid, caffeic acid, ferulic acid, ellagic acid, Isoeugenyl acetate, N-Isobutyl-2E,4E-decadienamide, pipedardine, piperine |
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Cỏ Lào - Giúp cầm máu, làm lành vết thương hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của lá Trầu không
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn
Chiết xuất cây trầu không đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị vi khuẩn gram dương và gram âm. Dịch chiết Ethanol được sử dụng để chống lại E.coli ATCC 25922, E.coli O157:H7 NCTC 12049, Vibrio cholerae ATCC 6395, S.aureus ATCC 25923 và S.dysenteriae-1 MJ-84.
Các chiết xuất Trầu không khác nhau đã được chứng minh là chống lại Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Micrococcus luteus, Pseudomonas putida, Klebsiella pneumonia, Escherichia coli, Shigella flexneri, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi, Proteus mirabilis và Vibrio cholera. Thí nghiệm cho thấy chiết xuất ethanol có hoạt tính kháng khuẩn tốt nhất.
3.1.2 Kháng nấm
Chiết xuất từ cây trầu không có đặc tính kháng nấm đối với tất cả các loài nấm được thử nghiệm (C.albicans, C.krusei, C.tropicalis và Aspergillus niger) với sự hiện diện của vùng ức chế có đường kính từ 32 - 35mm.
Nghiên cứu cho thấy tinh dầu Trầu không có vùng ức chế đối với tất cả các chủng nấm thử nghiệm như Ctenomyces serratus, Arthroderma benhamiae, Microsporum gypseum, A.fumigatus, Asper niger, Trichophyton mentagrophytes, A.ochraceous, Aspergillus candidus và A.jlavous.
3.1.3 Chống oxy hóa
Hoạt tính nhặt gốc tự do được tìm thấy cao nhất trong dịch chiết etanolic (ức chế 89,46%) và thấp nhất (ức chế 62,03%) trong dịch chiết nước cất. Dịch chiết metanol của cây trầu không có đặc tính chống oxy hóa cao nhất nhờ ức chế mạnh 50% gốc DPPH ở nồng độ thấp 4,38μg/ml. Nghiên cứu cho thấy rằng cây trầu không có hoạt tính chống oxy hóa cao hơn so với Leucosyke capitella do hàm lượng phenolic, Flavonoid và tanin cao hơn trong chiết xuất cây trầu không.
3.1.4 Trị tiểu đường
Chiết xuất cây trầu không có hoạt tính hạ đường huyết rõ rệt ở chuột bị tiểu đường do Streptozotocin gây ra và chuột khỏa mạnh. Chiết xuất cây trầu không thể hiện khả năng ức chế mạnh enzym α-glucosidase, đặc biệt khi tăng liều lượng. Chiết xuất etanolic của Trầu không có tỷ lệ (%) ức chế tốt hơn so với hợp chất đối chứng, Acarbose (thuốc chống tiểu đường).
Thí nghiệm trên cá da trơn cho thấy rằng quá trình tạo đường tăng lên và có thể so sánh với các mô-đun trị đái tháo đường hiện có khác. Điều này có lẽ là do khả năng kích thích hoạt động của Insulin, kích thích sản xuất glycogen, gián tiếp chứng minh rằng trầu không có đặc tính trị đái tháo đường tương đương hoặc thậm chí tốt hơn.
3.1.5 Chống ung thư
Dịch chiết Trầu không có khả năng chống lại sự tăng sinh của dòng tế bào ung thư vú MCF-7 ở người. Dựa trên thí nghiệm, nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất cây trầu không có cả đặc tính gây độc tế bào và chống di căn. Chiết xuất lá trầu không có khả năng làm tăng khả năng gây độc tế bào của 5-fluorouracil trong việc hạn chế sự phát triển của HT29 và HCT116 của các tế bào ung thư ruột kết.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Lô hội - Dược liệu đa lợi ích, tốt cho sức khỏe
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Trầu không có tính ấm, vị cay nồng, mùi thơm hắc, quy vào kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng trừ phong thấp, trừ hàn, hạ khí, tiêu đàm, tiêu viêm, sát trùng.
Trong đông y, Trầu không được dùng trong chữa hàn thấp nhức mỏi, đau bụng đầy hơi, vết thương nhiễm trùng gây sưng đau mưng mủ, hen suyễn do thay đổi thời tiết, đờm nhiều khó thở, cảm mạo, bỏng, mụn nhọt, hắc lào, mề đay, ghẻ lở, côn trùng đốt, viêm quanh răng, viêm tai, viêm họng.
4 Các bài thuốc từ cây Trầu không
4.1 Trị bệnh tiêu hóa
Chữa ho, khó thở, đầy bụng: Dùng lá Trầu không và Gừng sống ép lấy nước uống.
Chữa đau bụng lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, khó tiêu: Lá Trầu không 2-4g, nhai nuốt nước.
4.2 Trị bệnh ngoài da
Chữa sưng tấy: Lá Trầu không, lá Ráy rửa sạch, giã nhỏ, hơ nóng, đắp lên vùng sưng đau.
Chữa hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt: Lá Trầu không vò đắp lên vùng da bệnh.
Chữa mụn nhọt: Dùng lá Trầu không, lá Thồm lồm, hoa Dâm Bụt, đồng lượng; rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng mụn nhọt.
4.3 Chữa bỏng
Dùng lá Trầu không phơi khô, tán thành bột, chiết bằng phương pháp ngấm kiệt, cô thành cao đặc, bào chế cùng vaselin thành dạng thuốc mỡ 1% bôi mỗi ngày.
Hoặc: Lá Trầu không giã nát, hòa với rượu rồi thoa lên vết bỏng.
4.4 Chữa vết thương
Dùng lá Trầu không, lá Thanh táo, lá Cỏ răng cưa, đồng lượng; rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương.
Hoặc: Dùng lá Trầu không tươi 40g rửa sạch, sắc với 2L nước sôi trong 15-20 phút, để nguội, gạn lấy nước trong. Thêm Phèn phi 8g, khuấy tan rồi dùng nước đó rửa vết thương.
4.5 Chữa vết thương, bỏng
Nguyên liệu: Lá Trầu không, Hành, Tỏi mỗi vị 300g, lá Ớt 200g (đều dùng tươi), mật lợn 1L.
Cách làm: Hành, Tỏi bóc vỏ, rửa sạch nguyên liệu, cùng với Trầu không, lá Ớt giã nhỏ, cho 0,5L nước vào nấu kỹ, lọc 2-3 lần, cô còn khoảng 300ml. Thêm 1kg đường đun thành cao lỏng rồi cho mật lợn vào canh kỹ, đựng trong lọ kín. Mỗi ngày bôi 1 lần.
4.6 Chữa sai khớp, bong gân
Nguyên liệu: Lá Trầu không, lá Cúc tần, lá Xạ Can mỗi vị 12g, Nghệ già 20g.
Cách làm: Rửa sạch, giã nát, trộn với chút giấm, bọc gạc đắp lên chỗ sưng đau, 2-3 ngày thay băng một lần.
4.7 Thuốc xoa bóp, đánh gió, chống say nắng
Nguyên liệu: Lá Trầu không già 5 lá, Tóc rối 15g, Dầu hỏa (loại trắng trong) 5ml.
Cách làm: Giã nát lá Trầu, trộn cùng Dầu hỏa, Tóc rối, gói vào vải mềm. Xát lên người theo chiều dọc cơ thể từ trên xuống, nhất là ngực bụng và thân lưng.
4.8 Chữa bệnh khác
Chữa đau tai: Lá Trầu không giã nát, ép lấy nước cốt nhỏ vào tai.
Chữa viêm họng, hỗ trợ trị bạch hầu: Súc miệng với nước chứa dịch ép lá Trầu không mỗi ngày.
Thuốc cầm máu: Lá Trầu không 3-5 lá, Binh lang 1 hạt, phơi khô, tán thành bột rồi rắc lên chỗ chảy máu.
Chữa cảm mạo: Dùng lá Trầu không đánh gió, xát ở xương sống từ trên xuống dưới.
Chữa tiểu rắt: Dùng rễ Trầu không (hoặc thân, lá), rễ Cau, mỗi vị 10g; sắc uống mỗi ngày, dùng vài ngày tới khi khỏi.
Chữa viêm chân răng có mủ: Dùng lá Trầu không, nấu thành cao rồi thoa lên chân răng.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Lá Trầu không ăn được không?
Từ rất lâu đời, nhân dân ta đã có tập tục ăn trầu cau cùng vôi trắng, đây là một trong những nét đẹp văn hóa dân gian rất được tôn trọng và yêu quý. Trong thời kỳ hiện đại, mọi người thường không sử dụng lá Trầu không trong nấu ăn vì vị cay hắc của nó.
5.2 Lá Trầu không có tác dụng gì với da mặt?
Lá Trầu không giúp sát trùng, kháng khuẩn, giảm bớt dầu thừa, giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng mụn trứng cá. Ngoài ra, dịch lá cũng chứa các phenolic có thể làm giảm hắc tố da, giúp da trắng sáng hơn.
5.3 Tác dụng của lá Trầu không với bệnh phụ khoa?
Như ở trên đã tình bày, lá Trầu không có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm rất tốt, vì vậy là một vị thuốc hữu ích trong việc điều trị bệnh phụ khoa như viêm ngứa âm đạo. Các chị em có thể lấy nước lá Trầu không rửa vùng kín theo cách sau: Rửa sạch vài lá Trầu không (5-7), đun với 1-2L nước, bỏ bã, lấy phần nước trong. Vệ sinh vùng kín sạch rồi dùng khăn thấm nước lá Trầu không thoa nhẹ nhàng lên vùng kín, tránh thụt rửa sâu vào âm đạo, có thể thực hiện mỗi ngày một lần.
5.4 Tác hại của lá Trầu không là gì?
Lá Trầu không chứa nhiều hợp chất phenolic có thể làm lột da, trong quá trình bào chế nếu sai cách hoặc bôi thoa quá nhiều lên da có thể dẫn tới viêm da tiếp xúc, dị ứng, bỏng rát do tính cay nóng của nó, đặc biệt là thay đổi sắc tố rất khó chữa, vì vậy cần lưu ý khi sử dụng.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả N I Azahar, N M Mokhtar, M A Arifin (Ngày đăng 30 tháng 12 năm 2020). Piper betle: a review on its bioactive compounds, pharmacological properties, and extraction process, ResearchGate. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Trầu không trang 302-304, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2023.