Trăn Gấm (Con Nưa, Trăn Gió, Trăn Vàng, Trăn Hoa - Python reticulatus)

0 sản phẩm

Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Animalia (Động vật)

Chordata (Động vật có xương sống)

Reptilia (Động vật bò sát)

Bộ(ordo)

Squamata (Có vảy)

Họ(familia)

Boidae (Trăn)

Chi(genus)

Python 

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Python reticulatus

Trăn Gấm (Con Nưa, Trăn Gió, Trăn Vàng, Trăn Hoa - Python reticulatus)

Trăn gấm có chiều dài thân khoảng từ 6 đến 8 mét, một số con có thể dài đến 11 mét. Đầu trăn nhỏ, thuôn dài giống hình tam giác, miệng trăn rộng, có răng nhọn, mọc xiên vào trong. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Cách nhận biết Trăn gấm

Tên khoa học: Python reticulatus

Tên gọi khác: Trăn mắt võng, Trăn nưa, Trăn gió, Trăn hoa, Trăn vàng.

Họ: Boidae (Trăn).

1.1 Trăn gấm có độc không?

Trăn Gấm có độc không?
Trăn Gấm có độc không?

Trăn gấm có chiều dài thân khoảng từ 6 đến 8 mét, một số con có thể dài đến 11 mét. Đầu trăn nhỏ, thuôn dài giống hình tam giác, miệng trăn rộng, có răng nhọn, mọc xiên vào trong, răng không có độc.

Phần lưng ở hai bên thân có màu nâu vàng hoặc màu vàng nhạt, nhiều vân tạo thành các hình đa giác khác nhau.

Bụng trăn có màu trắng hoặc vàng nhạt.

Đầu thuôn nhọn.

Bề mặt da nhẵn, trơn bóng.

1.2 Đặc điểm phân bố

Trăn gấm được tìm thấy ở nhiều nước thuộc châu Á như Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Tại nước ta, Trăn gấm thường chỉ tìm thấy ở các tỉnh phía Nam đặc biệt là khu vực rừng U Minh.

Trăn gấm thường sinh sống ở những khu vực ven rừng, đồi cỏ tranh, xavan cây bụi, gần khu vực có đầm lầy, nương rẫy, sống suối, những nơi ẩm ướt hoặc sống ở những cây dừa đã chết, rỗng ruột.

Trăn gầm thường lột xác vào mùa hè, những con trăn nhỏ có xu hướng lột xác nhiều hơn, thời gian lột xác thường kéo dài khoảng từ 1 đến 2 tuần.

Trăn gấm là loài thường sống đơn độc, chúng chỉ kết giao vào mùa động dục, Trăn gấm để trứng vào mùa xuân, số lượng mỗi lần đẻ từ 10 đến 50 trứng, những con có kích thước càng lớn thì càng đẻ nhiều trứng.

Trứng có dạng hình tròn, màu trắng, hơi dẹt, vỏ trứng mềm, dính với nhau, Trăn gấm tự ấp trứng cho đến khi trứng nở.

1.3 Trăn gấm ăn gì?

Thức ăn của Trăn gấm chủ yếu là các loài thú nhỏ, ếch nhái, chim, chuột. Những con mồi có thể có đường kính to hơn đường kính của thân trăn.

Trăn và rắn có cách bắt mồi khác nhau, Trăn gấm sau khi phát hiện được con mồi sẽ tìm cách tiếp cận, đớp rồi ngoạm thật chặt con mồi, dùng thân để quấn đến khi con mồi chết rồi mới nuốt.

1.4 Bộ phận dùng

Hình ảnh con Trăn gấm
Hình ảnh con Trăn gấm

Trăn gấm được dùng trong Y học cổ truyền với tên gọi là nhiễm xà, các bộ phận của Trăn đều được ứng dụng để làm thuốc bao gồm thịt, máu, mật, xương, da, mỡ.

Xương và thịt dùng để nấu cao toàn tính.

2 Thành phần hóa học

Thịt trăn có chứa lipid và protid.

3 Tác dụng của Trăn gấm

3.1 Tính vị, công năng

Thịt trăn gấm (nhiễm xà nhục) có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng giảm đau nhức, giảm tê mỏi, tăng cường sức khỏe.

Máu trăn gấm (hay nhiễm xà huyết) có vị mặn, tanh, tính ấm, có tác dụng bổ máu.

Mỡ Trăn (nhiễm xà cao) có vị ngọt, tính bình có tác dụng sát khuẩn, làm săn.

Mật trăn (nhiễm xà đởm) có vị đắng, ngọt, tính hàn, hơi độc có tác dụng chống co giật, giảm đau, khứ ứ ở trẻ.

Da trăn (nhiễm xà bì) có tác dụng chống loét, làm săn.

Xương trăn (nhiễm xà cốt) có tác dụng mạnh gân xương.

Trăn Gấm còn được gọi là Con nưa
Trăn Gấm còn được gọi là Con nưa

3.2 Công dụng

Thịt trăn gấm dùng trong trường hợp phụ nữ mới đẻ, người ăn uống kém, người sức khỏe kém, bệnh nhân lở ngứa, có thể làm thành ruốc để ăn hàng ngày.

Máu trăn gấm sau khi cắt tiết, đem pha cùng với rượu, thêm một ít chất thơm uống trong trường hợp chóng mặt, thiếu máu, lưng đau mỏi, người hoa mắt. Không dùng máu trăn cho bệnh nhân cao huyết áp.

Mật trăn có thể dùng riêng bằng cách đem mài và dùng khi trẻ em sài giật, ngoài ra còn có thể đem trộn với Dầu Vừng bôi tại chỗ khi bị lòi dom. Bài thuốc chữa viêm lợi sưng đau từ mật trăn gấm gồm 12g Mật trăn, 20g Hạnh nhân bỏ vỏ, cắt 3 đầu, 4g phèn phi. Dược liệu đem tán nhỏ, trộn với mật trăn, bôi hàng ngày. Mật trăn có thể phối hợp với mật gấu, Nghể trắng, Huyết lình, nhân hạt gấc, rễ Ô Đầu, ngâm với rượu dùng để xoa bóp ngoài trong trường hợp bong gân, sai khớp.

Mỡ trăn dùng sống, trộn với muối và tỏi giã nhỏ, đựng trong lọ sạch cho đến khi mỡ tan, hỗn hợp này dùng để chữa bỏng rất tốt, có thể đem rán lên như rán mỡ lợn để dùng. Mỡ trăn còn được dùng cùng với phèn phi, xác rắn để bôi khi bị tổ đỉa.

Da trăn nướng giòn, đem tán thành bột, mai mực cạo lấy bột, thêm muội nồi, chu sa phi, tán bột, các vị dùng một lượng bằng nhau sau đó trộn đều, dùng bông để lấy thuốc, bôi khi bị loét mũi, lở miệng. Da trăn còn cho giá trị kinh tế cao, dùng để xuất khẩu.

Cao Trăn toàn tính có tác dụng giảm nhức xương, giảm đau lưng đặc biệt ở bệnh nhân đau cột sống. Liều dùng là 5-10g cao, hòa với rượu hâm nóng, thêm Mật Ong. Phụ nữ có thai, trẻ em không được dùng cao trăn.

Mật trăn đem sấy khô, tán thành bột, bôi ngoài để chữa trị ngoại hoặc dùng 1-1,5g với rượu trong trường hợp động kinh, thấp khớp.

Mỡ trăn trộn với giấm theo một lượng bằng nhau, nấu thành cao, phết lên giấy, cao này dùng khi bị đau hoặc chữa trĩ.

Hình ảnh con Trăn gấm
Hình ảnh con Trăn gấm

4 Phân biệt Trăn gấm và Trăn đất

Trăn gấm và Trăn đất đều thuộc họ Trăn (Python), hai loài này được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền với nhiều tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, Trăn gấm và Trăn nưa có một số đặc điểm khác nhau về hình thái, bạn đọc có thể tham khảo bài viết để dễ dàng phân biệt hai loài này:

Trăn gấm (Trăn nưa, Trăn gió, Trăn mắt võng, Trăn vàng) tên khoa học là Python reticulatus Schneider. Lưng và hai bên thân có màu vàng nhạt hay vàng, có nhiều đường vân tạo thành hình đa giác. Bụng màu trắng hay vàng nhạt.

Trăn đất (Trăn mốc, Trăn cá, Trăn đen) tên khoa học là Python molorus L. với thân màu xám đen, khoang hình chữ nhật, hình thoi hay hình vuông, cách nhau bởi những đường màu vàng nhạt. Da trơn, hơi mốc mốc. Bụng trăn có màu trắng, trên bụng có những đốm đen hay nâu.

Phân biệt Trăn gấm và Trăn đất
Phân biệt Trăn gấm và Trăn đất

5 Trăn Gấm và con Nưa 9 mũi có phải là một không?

5.1 Con Nưa 9 mũi là con gì?

Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam thì con Nưa là con Trăn gấm, tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng đây là 2 loài khác nhau vì con Nưa có 9 lỗ mũi còn Trăn gấm chỉ có 2 lỗ mũi.

5.2 Truyền thuyết về con nưa 9 mũi

Theo truyền thuyết, Nưa là một loài vô cùng đặc biệt, có hình dáng giống như trăn, chứa nọc độc, vào ban đêm sẽ phì ra một loại khí độc, rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.

Cũng theo những lời kể của người đi trước thì con Nưa tỏa ra một mùi rất hôi, giống như mùi xác chết lâu ngày, cách xa hàng chục mét vẫn có thể cảm nhận được.

Những người ăn phải thịt con Nưa sẽ xuất hiện tình trạng ngộ độc với các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, sốt, vã mồ hôi, nặng hơn có thể có tình trạng hôn mê, tổn thương gan,... Nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

5.3 Con nưa thường sống ở đâu?

Theo lời đồn thổi, con Nưa thường sống trong những khu rừng ẩm ướt, có nhiều cây cối, thức ăn là các loài động vật gặm nhấm như chuột, sóc hoặc một số loài động vật khác.

5.4 Con nưa nặng bao nhiêu kg?

Theo đó, mỗi con Nưa trưởng thành có trọng lượng khoảng 13-15kg, một số con có kích thước và trọng lượng lớn hơn.

5.5 Tại sao không được gọi tên con Nưa?

Người dân thường đồn tai nhau không được gọi tên con Nưa vì đây là một loài động vật nguy hiểm, thịt có chứa độc tính, mũi rất thính nên việc gọi tên có thể vô tình khiến con Nưa tìm đến tận nhà gây nguy hiểm đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

5.6 Con nưa 9 mũi có thật không?

Có rất nhiều sự tích về con nưa được truyền miệng từ thời ông bà, bố mẹ. Theo lời kể thì con nưa là một loài động vật vô cùng đặc biệt có hình dáng giống con trăn, có 9 lỗ mũi, khi bò thì sẽ ngóc đầu lên khỏi mặt đất, mắt đỏ như máu. Vậy con nưa có thật không?

Có một loài động vật thường bị nhầm lẫn với con Nưa nhiều nhất là loài Trăn gấm còn có tên gọi khác là Trăn nưa, Trăn mắc võng (tên khoa học là Python reticulatus) thuộc họ Trăn (Pythonidae), loài này hiện nay cũng được Trại rắn Đồng Tâm tại Tiền Giang nuôi thuần dưỡng và bảo tồn.

Đầu tiên, con nưa chỉ là một sản phẩm truyền miệng và không có thật vì cho đến hiện nay không hề có bất kỳ một hình ảnh hay video nào được ghi lại về loài vật này.

Con nưa 9 mũi chỉ là truyền thuyết không xác thực, các tài liệu cũng không có bất kỳ một ghi chép nào về hình dáng cụ thể của con nưa bao gồm các đặc điểm được truyền miệng từ đời này qua đời khác: hình dạng giống con trăn, có 9 lỗ mũi, thịt độc, khi bò thì ngóc đầu lên khỏi mặt đất và mắt đỏ như lửa. Chưa đề cập đến chuyện có rất nhiều báo đăng tin về việc người dân ăn phải thịt con nưa dẫn đến tình trạng ngộ độc phải nhập viện cấp cứu nhưng các hình ảnh cung cấp cho độc giả thì không có và sử dụng hình ảnh của các loài khác rồi đặt tiêu đều với tên là con nưa.

Giải thích về đặc điểm 9 lỗ mũi thì hầu hết các loài trăn đều có 2 lỗ mũi chính, ngoài ra chúng còn có các hố nhiệt nằm ở xung quanh miệng, các hố nhiệt giúp chúng phát hiện được con mồi hoặc kẻ thù để đề phòng, Trăn gấm cũng có 2 lỗ mũi và các hố nhiệt xung quanh miệng, chính đặc điểm này có thể khiến nhiều người nhầm lẫn con trăn gấm thành con Nưa.

Còn lời đồn thổi về thịt Nưa có chứa độc thì cũng không thực sự đáng tin, tại nước ta chỉ có một số loài rắn có khả năng tiết chất độc ở da thịt đều đã được ghi nhận cụ thể, có hình dạng, có tài liệu ghi chép về đặc điểm sinh thái, môi trường sống,... chưa kể có rất nhiều trường hợp được các báo đăng tin ngộ độc do ăn thịt con Nưa nhưng lại không hề có bất kỳ hình ảnh nào về con Nưa. Không loại trừ khả năng người dân ăn phải thịt trăn có nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây bệnh, Trăn gấm thường bị nhầm lẫn với con Nưa, loài này thường sống ở những nơi ẩm thấp, có tập tính bò trên mặt đất nên việc thịt Trăn gấm có thể chứa các loại vi khuẩn gây bệnh, hơn nữa, nhân dân ta có sở thích ăn tiết canh, ăn thịt tái, người dân ăn phải thịt Trăn gấm cũng có nguy cơ bị ngộ độc.

Theo truyền thuyết, mắt của con Nưa có màu đỏ như máu nhưng mắt của loài trăn lại có màu đen. Tuy nhiên, về đặc điểm hình thái thì mắt của các loài trăn có đồng tử hình elip, vào ban ngày, đồng tử khép tạo thành một đường thẳng, Trăn gấm có mống mắt màu đỏ hay đỏ cam, do đó, rất có thể người dân nhìn thấy Trăn gấm nhưng lại đồn đại là con Nưa 9 mũi.

Hình ảnh con Nưa hiện nay được đăng tải trên mạnh xã hội cũng sử dụng rất nhiều hình ảnh của con Trăn gấm.

Tóm lại, con Nưa 9 mũi chỉ là truyền thuyết được người đi trước kể lại, loài động vật với đặc điểm hình thái kỳ lạ này không hề tồn tại, vốn dĩ chúng chỉ là những con Trăn gấm bình thường nhưng lại bị nhầm lẫn.

6 Trăn gấm (Con nưa) giá bao nhiêu?

Trăn gấm giống dưới 1kg có giá khoảng từ 850.000 đến 1.250.000 đồng 1 con, giá thành những con có kích thước lớn hơn cũng sẽ khác nhau.

7 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Trăn, trang 1220-1223. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2025.
  2. Tác giả M Auliya và cộng sự (Ngày đăng tháng 5 năm 2002). Review of the reticulated python (Python reticulatus Schneider, 1801) with the description of new subspecies from Indonesia, Pubmed. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Trăn Gấm (Con Nưa, Trăn Gió, Trăn Vàng, Trăn Hoa - Python reticulatus)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595