Trám Trắng (Cà Na, Cây Bùi, Thanh Quả - Canarium album (Lour.) Raeusch.)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) | Burseraceae (Trám) |
Chi(genus) | Canarium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Canarium album (Lour.) Raeusch. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Pimela alba Lour. |
Trám trắng thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 20 mét hoặc hơn. Cành non có màu nâu nhạt, phủ một lớp lông mềm. Lá cây mọc kép dạng lông chim, lá mọc so le. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Quả Cà na là quả gì? Miền Bắc gọi là gì?
Quả Cà na và quả Trám thực chất là một, có tên khoa học là Canarium album (Lour.) Raeusch.
Tên đồng nghĩa: Pimela alba Lour.
Tên gọi khác: Cây bùi, Thanh quả, Cảm lãm.
Họ thực vật: Burseraceae (Trám).
1.1 Đặc điểm thực vật
Trám trắng thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 20 mét hoặc hơn. Cành non có màu nâu nhạt, phủ một lớp lông mềm.
Lá cây mọc kép dạng lông chim, lá mọc so le, phiến lá có chiều dài khoảng từ 35-40cm, gồm 7-11 lá chét, mặt trên của phiến lá chét có màu xanh nhạt bóng, mặt dưới có màu lông ánh bạc, những lá ở gần gốc ở đầu ngắn, những lá ở giữa thì dài hơn, lá tận cùng có dạng hình bầu dục, gân hơi rõ, những lá kèm có lông mềm, màu nâu ánh bạc.
Cụm hoa mọc thành chùm kép ở ngọn, chiều dài khoảng từ 8 đến 10cm, lá bắc dạng vảy, đài có lông, gồm 3 răng, tràng hình bầu dục, nhị 6.
Quả hạch có dạng hình trứng, nhọn ở đầu, quả khi chín có màu vàng nhạt, hạt cứng có vỏ dày.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 9.
1.2 Thu hái và chế biến
Rễ và lá được thu hái quanh năm, quả được thu hái khi chín, có thể dùng tươi hoặc muối rồi đem phơi hoặc sấy khô.
Ngoài ra, nhựa cây cũng được dùng để làm hương, cất tinh dầu hay điều chế colophan.
1.3 Đặc điểm phân bố
Canarium L. là một chi lớn, có khoảng 80 loài. Tại nước ta, chi này chỉ có 8 loài, trong đó Trám trắng có thể được coi là một loài đặc hữu của khu vực vì cây chỉ được tìm thấy ở phía Bắc, từ Quảng Bình trở ra, cây cũng được tìm thấy ở phần lãnh thổ phía Nam của Trung Quốc.
Trám trắng thuộc dạng cây gỗ to, thường được tìm thấy ở những khu rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay thứ sinh, độ cao phân bố dưới 500 mét.
Cây Cà na trồng bao lâu có trái? Cây mọc tự nhiên từ hạt, sau khi trồng được khoảng 8 đến 10 năm thì bắt đầu ra hoa quả. Trám là loài có thể sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất nên trồng ở khu vực đất feralit đỏ vàng hoặc đất có nhiều mùn. Những năm gần đây, nhân dân của một số tỉnh thành đã chủ động nhân giống cây Trám trắng ở trên khu vực đất được khoán.
2 Kỹ thuật trồng cây Trám trắng
Trám trắng có thể được trồng ở những khu vực đất đồi gò, nương rẫy ở các tỉnh miền Bắc hoặc miền Trung của nước ta.
Trám trắng là loài ưa sáng, nhiệt độ trung bình năm trên 22 độ C, thấp nhất là trên 13 độ C, lượng mưa mỗi năm dao động khoảng từ 1800 đến 2000 mm, độ ẩm không khí trên 80%. Đất trồng nên chọn loại đất tốt, có đủ ánh sáng, cây sai quả, sinh trưởng mạnh.
Trám trắng (Cà na) được nhân giống bằng hạt, hạt không thích hợp để bảo quản trong điều kiện khô nhưng có thời gian ngủ tương đối dài.
Quá trình nhân giống diễn ra như sau:
Vào tháng 8 đến tháng 9, sau khi quả chín, tiến hành chọn những quả không bị sâu bệnh, có kích thước đồng đều, sau đó ngâm vào nước nóng khoảng 70 độ đến khi thịt quả mềm rồi tách lấy hạt, hạt đem rửa sạch, hong khô, xếp hạt trong cát ẩm, sau khoảng 7-10 ngày thì đào hạt lên một lần cho thoáng khí, cung cấp đủ ẩm cho hạt, có thể thay cát mới nếu cần. Vào mùa xuân, sau khi hạt nứt nanh thì tiến hành đem hạt đi gieo trong bầu. Đất trồng được trộn thêm phân chuồng theo tỷ lệ 90% đất và 10% phân chuồng, mỗi bầu chỉ gieo 1 hạt, xếp bầu trong vườn ươm, chăm sóc trong vòng 1 năm rồi tiến hành chuyển bầu đi trồng.
Đất trồng nên chọn đất dày, có nhiều mùn, đủ sáng. Nếu mục đích trồng để lấy quả thì nên trồng thưa, 2 cây cách nhau khoảng 7-8 mét còn nếu trồng để lấy gỗ thì khoảng cách có thể thu hẹp lại.
Thời điểm trồng Trám trắng (Cà na) tốt nhất là từ tháng 2 đến tháng 3 hoặc tháng 8 đến tháng 9, có thể trồng xen canh các loại cây khác như đậu, khoai, chè, sắn,...
Sau khi trồng cần thường xuyên làm cỏ, tưới nước cho cây bén rễ. Sau khi cây lớn thì tiến hành bón thúc mỗi năm một lần lúc cây chuẩn bị ra hoa hoặc sau khi thu hoạch quả, mỗi lần bón 50-70kg phân chuồng cho một gốc cây.
3 Thành phần hóa học
Quả Trám trắng có chứa protein, lipid, Canxi, hydrat carbon, phospho.
Dầu hạt chứa acid hexanoic, octanic, caproic, lauric, palmitic, myristic.
4 Tác dụng của cây Trám trắng
4.1 Trái Cà na có tác dụng gì? Trị bệnh gì?
2 hoạt chất triterpen được chiết xuất từ quả Trám trắng (quả Cà na) cho thấy tác dụng bảo vệ gan khi được nghiên cứu.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.2.1 Tính vị, tác dụng
Quả Trám trắng có vị chua, ngọt, béo, bùi, tính ấm, quy vào kinh phế, có tác dụng tiêu khát, thanh nhiệt, sinh tân, giải độc do rượu hoặc do cá độc, thanh giọng.
4.2.2 Công dụng
Trám trắng được dùng trong trường hợp sưng hầu, ho nhiều đờm, sưng amidan, tiêu chảy, lỵ, khát nước.
Quả tươi của cây được dùng để làm thuốc giải độc rượu, ngộ độc do cá. Quả khi chín lại có tác dụng an thần, dùng trong trường hợp động kinh, liều dùng mỗi ngày là 6-12g đem sắc nước uống.
Nhân hạt có tác dụng trị hóc xương và trị giun.
Vỏ cây dùng trong trường hợp dị ứng sơn, đau nhức răng. Nhựa của cây Trám được dùng để sản xuất nước hoa, colophan còn được dùng trong kỹ nghệ xà phòng. Nhân dân sử dụng Trám trắng trộn với bột từ thân cây đậu tương để làm thành hương thắp trong những ngày lễ, tết.
Quả trám trắng chín còn tươi, ủ với nước sôi trong 10-15 phút rồi ăn, có thể đem kho với thịt hoặc cá cũng rất ngon.
5 Cây Trám trắng trị bệnh gì?
5.1 Chữa đau họng, miệng khô, sưng amidan
500g quả Trám trắng tươi đem rửa sạch sau đó đập lấy cùi, bỏ hạt, nấu với nước 2-3 lần. Tiến hành lọc cho đến khi còn 250ml, thêm 125g đường kính hoặc phèn chua, tiếp tục đun cho đến khi còn 250ml, mỗi lần uống 2-5ml, ngày 2-3 lần.
5.2 Chữa lỵ
Sử dụng 90g quả Trám trắng tươi (cả hạt) sắc với 200ml nước cho đến khi còn 90ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
5.3 Chữa viêm tắc mạch
200g quả trám trắng, luộc kỹ, ăn và uống cả nước, ăn hàng ngày liên tục trong 50 ngày.
5.4 Chữa hóc xương cá
Sử dụng hạt Cà na đem đốt tồn tính, tán thành bột, thêm bột rễ của cây Đậu ván trắng, mỗi lần uống 4-6g.
Có thể dùng 5 quả Cà na đem sắc nước đặc để ngậm và nuốt dần hoặc dùng thịt quả, đập dập, ép lấy nước uống. Có thể kết hợp với lá hẹ giã nát, trộn cùng lòng trắng trứng đắp ngoài da tại chỗ bị hóc xương.
5.5 Chữa đau răng, sâu răng
Quả cà na đem đốt thành than, tán thành bột mịn, trộn với xạ hương, bôi vào chỗ răng bị đau.
Có thể dùng vỏ thân của cây Cà na cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, sau đó thái mỏng, phơi khô, sắc lấy nước ngậm trong 10 phút rồi nhổ đi, ngày có thể thực hiện nhiều lần.
5.6 Chữa tràng nhạc
Sử dụng một lượng bằng nhau hạt trám, vỏ quả Mướp Đắng, hạt gấc đem đốt thành than sau đó trộn với mỡ lợn để bôi.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Trám trắng, trang 994-996. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Trám trắng, trang 1042-1043. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.