Trâm Bầu (Combretum quadrangulare Kurz)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Hương Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Trâm bầu được biết đến là cây được sử dụng trong dân gian với công dụng phổ biến là bảo vệ gan, hạ sốt, giảm đau,.... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết và cụ thể hơn về loại thảo dược này.
1 Cây Trâm Bầu là cây gì ?
Cây trâm bầu hay còn gọi là Chưn bầu Tim bầu với tên khoa học là Combretum quadrangulare Kurz, thuộc họ Bàng - Combretaceae.
Trâm bầu được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian ở Đông Á và có liên quan đến các đặc tính dược lý dân tộc khác nhau bao gồm các hoạt động bảo vệ gan, hạ sốt, giảm đau, chống dị ứng và tẩy giun. Ở Việt Nam, cây này được dùng làm thuốc trị giun và viêm gan
1.1 Đặc điểm thực vật của cây Trâm bầu như thế nào ?
Cây Trâm bầu thuộc loại cây gỗ nhỏ hay cây nhỡ, chiều cao khoảng 5-9m; cành non có 4 cạnh và có 4 gờ dọc dạng cánh, có lông rải rác, cành già lác đác có gai. Lá mọc đối; phiến lá hình trứng ngược, dài 6-11cm, rộng 3-4.5cm, đầu nhọn hoặc có khi tròn, gốc thuôn, nhẫn và sần sùi ở mặt trên, sần sùi và rải rác có lông ở mặt dưới; gân bên 7-9 đôi; cuống lá dài 5-6mm. Cụm hoa thành bông nách lá và ở ngọn, dài 4-5 (-7)cm, có nhiều hoa. Hoa mẫu 4, tất cả đều lưỡng tính, dài cỡ 5mm; đài hình đấu có 4 răng; tràng có 4 cánh nhỏ màu vàng nhạt; 8 nhị thò xếp 2 vòng; đĩa mật hình vòng, có lông; bầu hạ, 1 ô, chứa 2 noãn. Quả khô có cánh, màu xanh, 2 cánh to dài 2cm, rộng 8-9mm; 2 cánh nhỏ hẹp hơn; hạt 1; dài 1cm, rộng 4mm.
1.2 Đặc điểm phân bố và sinh thái
Trâm bầu mọc nhiều ven kênh rạch ở vùng đồng bằng, ven rừng Tràm và hải đảo. Cây ưa sáng, mọc nhanh. Thường được trồng để lấy củi; cây không kén đất, nước ngập không chết; có nơi cây phát triển thành rừng. Ra hoa quả rải rác từ tháng 2 đến tháng 7, có thể kéo dài đến tháng 11
Tại Việt Nam, cây được bắt gặp chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và miền tây như Kon Tum, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang (còn gọi là cây Trâm bầu miền Tây). Ngoài ra, còn có ở các nước Đông Nam Á như lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma.
1.3 Thu hái và chế biến
Hạt, rễ, lá - Semen, Radix et Folium Combreti Quadrangularis của cây trâm bầu đều có thể được lấy để chế biến và sử dụng làm thuốc
Thu hái quả vào tháng 1-2, đem phơi khô, lấy hạt. Rễ, lá có thể thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học
Trong hạt có tanin, dầu béo, acid béo, oxalat calcium, acid oxalic tư do. Hàm lượng dầu trong hạt là 12%, chất không savon hoá là 4.3%. Dầu có màu nâu đỏ. Trong thành phần acid béo có acid palmitic (5.91%), acid linoleic (2.31%), do đó dầu Trâm bầu ngoài việc dùng trong công nghiệp xà phòng và tổng hợp các chất tẩy rửa, có thể dùng để ăn, nếu được tinh luyện kỹ ngay sau khi lấy dầu ra và loại bỏ độc tố.
Trong lá cây trâm bầu có chứa các triterpen, Flavonoid , vitexun đã được các nhà nghiên cứu và chứng minh có tồn tại. Ngoài ra, trong lá được chiết xuất cồn MeOH là một hợp chất quan trọng của bộ phận này.
Rễ cây Trâm bầu được nghiên cứu và phân tích tìm ra 3 axit cacboxylic tracplic pentacyclic.
2 Các bộ phận của cây trâm bầu trị bệnh gì ?
2.1 Rễ cây Trâm bầu có tác dụng gì ?
Ether và ethanolic được chiết xuất từ vỏ rễ khô của cây đã được thử nghiệm in vitro có hiệu quả chống lại giun đất và sán lợn
Ngoài ra, rễ cây còn có thể đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương và kháng khuẩn.
2.2 Vỏ cây Trâm bầu có tác dụng gì ?
Ở vỏ và cành non của cây trâm bầu có chứa chất nhầy nên có thể dùng hai bộ phận này để tẩy giun. Bên cạnh đó, còn có thể phối hợp với lá mơ tam thể để chữa đau bụng và tiêu chảy.
2.3 Tác dụng của Hạt cây trâm bầu
Hạt cây trâm bầu được chiết xuất cồn thô đã được chứng mình có hoạt tính kháng khuẩn, chống lại cầu khuẩn gram dương, Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA), Escherichia coli sinh beta-lactamase phổ rộng. Bên cạnh đó, hoạt tính chống lại vi khuẩn gram âm không lên men P. aeruginosa và Acinetobacter baumanii và trực khuẩn gram âm lên men cũng đã được chứng minh.
Hạt khô của cây cũng có thể để chữa trị giun đất.
2.4 Tác dụng của lá cây Trâm bầu
Chiết xuất cồn của lá đã phân lập được các Cycloartane triterpenoid và flavonoid. Các chất này có khả năng gây độc tế bào ở tế bào ung thư di căn gan từ ung thư biểu mô đại tràng. Trong số các testterpenoids có Methyl quadrangutarate B và D có độc tính tế bào mạnh.
3 Công dụng của cây Trâm bầu theo Y học cổ truyền
3.1 Tính vị, tác dụng:
Hạt và rễ đều có tác dụng trị giun; rễ chữa thương và lá làm thuốc giảm đau, cầm ỉa chảy.
Nước trâm bầu được sắc từ hạt Trâm bầu có tác dụng trên giun đất và sán lợn.
3.2 Công dụng của cây Trâm Bầu theo Y học cổ truyền
Hạt được dùng trị giun sán cho người và gia súc; chất nhầy ở vỏ và cành non, rễ cũng có tác dụng trị giun, nhất là đối với giun đũa và giun kim. Lương y Việt Cúc dùng Trâm bầu trừ phong thấp, chữa sốt rét rừng và trị đau bụng. Lá sao sắc uống cầm ỉa chảy.
Ở Thái Lan, rễ được dùng trị giun và các vết thương; lá được dùng trị đau cơ.
4 Một số bài thuốc từ cây Trâm bầu
Để trị giun đũa, giun kim, dùng hạt Trâm bầu đem nướng rồi kẹp qua Chuối chín, nhai nuốt.
Người lớn dùng 10-15 hạt (1420g), trẻ em tuỳ tuổi 5-10 hạt (7-14g).
Uống liền trong 3 ngày.
Nhân dân thường dùng phối hợp với lá Mơ tam thể, cắt nhỏ hai thứ trộn đều, thêm bột và nước làm bánh ăn vào sáng sớm lúc đói.
Có cơ sở đã dùng bột hạt Trâm bầu phối hợp với bột lá Muồng Trâu, làm thuốc viên Trâm bầu.
Có nơi dùng lá, đọt Trâm bầu phối hợp với Nhân Trần làm trà nhuận gan
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2021). Trâm bầu, trang 1055, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.
- Tác giả Thi-Bich-Ngoc Dao và cộng sự, ngày đăng báo năm 2021. Flavones from Combretum quadrangulare Growing in Vietnam and Their Alpha-Glucosidase Inhibitory Activity, pubmed. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2023.