Trạch Quạch (Muồng Nước - Adenanthera pavonina L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Mimosaceae (Trinh nữ) |
Chi(genus) | Adenanthera |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Adenanthera pavonina L. |
Trạch quạch thuộc dạng cây to, chiều cao có thể lên đến 15 đến 18 mét. Cành có dạng hình trụ nhẵn. Lá kép hai lần lông chim, lá mọc so le, dài khoảng 30-40cm hoặc hơn, cuống chung mập. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Adenanthera pavonina L.
Tên gọi khác: Muồng nước, Kiền kiện, Đậu gió.
Họ thực vật: Mimosaceae (Trinh nữ).
1.1 Đặc điểm thực vật
Trạch quạch thuộc dạng cây to, chiều cao có thể lên đến 15 đến 18 mét. Cành có dạng hình trụ nhẵn.
Lá kép hai lần lông chim, lá mọc so le, dài khoảng 30-40cm hoặc hơn, cuống chung mập. Lá chét có kích thước không bằng nhau, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trái Xoan ngược, mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới của lá hơi có lông áp sát.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông, lá bắc nhỏ, rụng sớm. Hoa nhỏ, nhiều, có màu vàng, xếp dày đặc thành từng vòng, bao phấn hình bầu dục, bầu nhẵn chứa nhiều noãn.
Quả hình lưỡi liềm, hạt hình mắt chim hoặc hơi hình thận, có màu đỏ bóng.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng là hạt được thu hái khi quả chín. Ngoài ra, còn dùng lá và vỏ cây đem phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Adenanthera L. tại nước ta có 2 loài thường được gọi là Trạch quạch và Ràng ràng.
Trạch quạch là loài của vùng nhiệt đới châu Á, phân bố rải rác ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây được tìm thấy ở các tỉnh miền núi với độ cao phân bố dưới 600 mét, đôi khi còn bắt gặp loài cây này ở các tỉnh miền Trung và các đảo lớn.
Trạch quạch là cây ưa sáng, có khả năng chịu khô hạn tốt, thường mọc ở những khu rừng thưa, các đồi cây bụi ở ven biển hoặc đảo. Trạch quạch ra hoa quả nhiều vào cuối mùa khô, quả chín mở tư, hạt rơi xuống đất, xung quanh cây mẹ. Tuy nhiên, chưa phát hiện được cây con mọc từ hạt.
Trạch quạch là loài có khả năng tái sinh tốt sau khi bị chặt.
2 Thành phần hóa học
Hạt của cây có chứa 28% dầu, acid lignoceric, HCN glucosid.
Lá cây chứa alcaloid.
Hạt của cây Trạch quạch còn chứa lipid mà thành phần acid béo chủ yếu là linoleic, bên cạnh là acid lignoceric và acid cerotic. Các men ức chế trypsin gồm 4 nửa đơn vị Cystein và 1 chuỗi acid pyroglutamic. Các men ức chế cystein proteinase là một loại protein có thành phần acid amin tương tự như Papain trong hạt Đu Đủ.
3 Tác dụng của cây Trạch quạch
3.1 Tác dụng dược lý
Có một chất chưa được xác định cấu trúc thu được từ hạt của cây Trạch quạch đã xác định được trọng lượng phân tử là 24000 cho thấy tác dụng ức chế men pepsin của tuyến tụy.
Rễ cây Trạch quạch cho thấy tác dụng gây nôn và gây tiêu chảy.
Một nghiên cứu đã đánh giá tác dụng bảo vệ thận của chiết xuất nước hạt cây Trạch quạch ở chuột mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin (STZ). Kết quả cho thấy, sau 13 tuần điều trị, ở chuột bị tiểu đường gây ra bởi streptozotocin, tình trạng tăng đường huyết nghiêm trọng đã phát triển, với sự gia tăng đáng kể protein niệu và Albumin niệu. Tuy nhiên, điều trị bằng chiết xuất nước từ hạt của cây Trạch quạch đã làm giảm đáng kể protein niệu, albumin niệu, mức lipid và lắng đọng HbA1c ở chuột bị tiểu đường. Những kết quả này cho thấy chiết xuất nước từ hạt của cây Trạch quạch đã làm giảm sự phát triển của bệnh thận đái tháo đường ở chuột mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin gây ra và có thể có tác dụng có lợi trong việc làm giảm sự tiến triển của bệnh thận đái tháo đường.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Hạt của cây Trạch quạch có tính hơi hàn, độc, có tác dụng tiêu viêm, khử độc. Rễ cây khi dùng có thể gây tiêu chảy (thương thổ, hạ tả).
Lá cây được dùng trong trường hợp thấp khớp mạn tính, đái máu, thống phong. Vỏ cây được dùng để sắc nước uống trong trường hợp thấp khớp, lỵ. Gỗ của cây Trạch quạch cũng là một vị thuốc có tác dụng tăng lực.
Hạt Trạch quạch dùng khi bị mụn nhọt, áp xe, đau nửa đầu, vết thương nhiễm khuẩn, thấp khớp.
Khi bị rắn cắn, có thể dùng hạt của cây Trạch quạch để chữa. Liều dùng là 7-10 hạt đem đập vỡ, bỏ vỏ, lấy nhân, giã nhỏ, thêm nước, gạn lấy nước uống, bã dùng để đắp lên vết rắn cắn.
Cần lưu ý rằng, toàn cây Trạch quạch có chứa chất độc, đặc biệt là hạt của cây, do đó, khi dùng cần hết sức thận trọng. Những người không có kinh nghiệm thì không nên dùng theo đường uống. Triệu chứng ngộ độc gồm nôn mửa, khó thở, đau bụng, co giật.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Ramdas Pandhare và cộng sự (Ngày đăng năm 2012). Extract of Adenanthera pavonina L. seed reduces development of diabetic nephropathy in streptozotocin-induced diabetic rats, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Trạch quạch, trang 982-983. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.