Tra Bồ Đề (Thespesia populnea (L.) Soland.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Malvales (Cẩm quỳ) |
Họ(familia) | Malvaceae (Bông) |
Chi(genus) | Thespesia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Thespesia populnea (L.) Soland. |
Tra bồ đề thuộc dạng cây gỗ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 5 đến 8 mét, cành cây có phủ một lớp lông có dạng hình khiên. Phiến lá có dạng hình tam giá nhọn, gốc lá có dạng hình tim. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Thespesia populnea (L.) Soland.
Tên gọi khác: Tra lâm vồ.
Họ thực vật: Bông (Malvaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Tra bồ đề thuộc dạng cây gỗ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 5 đến 8 mét, cành cây có phủ một lớp lông có dạng hình khiên.
Phiến lá có dạng hình tam giá nhọn, gốc lá có dạng hình tim, phủ một lớp lông hình khiên ngay sát mặt dưới lá, chiều dài mỗi phiến lá khoảng 16cm, chiều rộng khoảng 11 cm. Trên phiến lá có 5 gân chính tỏa dạng tia, cuống lá có chiều dài bằng phiến lá.
Hoa có màu vàng hoặc màu đỏ, mọc đơn độc, có cuống.
Quả nang, có dạng hình cầu, mở không hoàn toàn, đường kính mỗi quả lên đến 5cm.
Hạt có dạng hình trứng ngược, nhọn, chiều dài khoảng 9mm, chiều rộng khoảng 6mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá có mùi vị dễ chịu, nhân dân miền đông của Malaysia sử dụng lá của cây Tra bồ đề để rửa mắt.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tra bồ đề được tìm thấy ở các nước nhiệt đới của khu vực châu Á và châu Phi. Cây thường mọc rải rác ven rừng với độ cao dưới 500 mét. Tại nước ta, Tra bồ đề thường mọc rải rác, chủ yếu ở các tỉnh thuộc phía Nam.
Thời điểm ra hoa từ tháng 3 đến tháng 7.
2 Thành phần hóa học
Hạt của cây Tra bồ đề có chứa: Dầu béo chiếm 20%.
Cánh hoa chứa populnin chiếm 0,33%, populnetin chiếm 0,07%, herbacetin chiếm 0,03%.
3 Cây Tra bồ đề có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng chống viêm
Chiết xuất Ethanol của vỏ cây Tra bồ đề đã được nghiên cứu về hoạt động chống viêm và giảm đau ở liều là 100, 200 và 400mg/kg trọng lượng cơ thể. Để đánh giá tình trạng viêm, phù nề bàn chân do carrageenan, histamin và serotonin được dùng làm mô hình cấp tính và viêm khớp do formaldehyde được dùng làm mô hình mãn tính ở chuột. Phản ứng đau do axit axetic gây ra và thời gian loét bàn chân do formalin gây ra ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của chuột được sử dụng để đánh giá hoạt động giảm đau. Liều cao hơn (200 và 400mg/kg) đã ức chế tình trạng phù nề bàn chân do carrageenan, histamin và serotonin gây ra cũng như viêm khớp do formaldehyde gây ra. Ngoài ra, liều 200 và 400mg/kg làm giảm đáng kể phản ứng đau do tiêm phúc mạc axit axetic và giai đoạn muộn của phản ứng đau do tiêm dưới gan bàn chân ở chuột. Hơn nữa, các nghiên cứu về hóa thực vật còn chỉ ra rằng chiết xuất ethanol của vỏ cây chứa ancaloit, carbohydrate, protein, tannin, phenol, Flavonoid, chất gôm và chất nhầy, Saponin và terpen. Từ các nghiên cứu về độc tính cấp tính qua đường uống (hướng dẫn OECD-423), không thấy tử vong ngay cả ở liều cao nhất (2000mg/kg).
3.1.2 Kiểm soát đường huyết
Tác dụng chống tăng đường huyết của chiết xuất ethanol của Tra bồ đề và chiết xuất nước của cây Tra bồ đề đã được đánh giá trên chuột mắc bệnh tiểu đường do alloxan gây ra. Nghiên cứu liều đơn 200 mg/kg cho thấy mức Glucose huyết thanh giảm đáng kể (p <0,05) sau 1, 3, 5 và 7 giờ. Điều trị liên tục bằng chiết xuất ethanol của Tra bồ đề và chiết xuất nước của cây Tra bồ đề với liều 200 mg/kg trong thời gian 28 ngày cho thấy mức glucose huyết thanh giảm đáng kể (p <0,05) ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Mức glucose huyết thanh giảm tối đa xảy ra sau 5 giờ.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Nhiều bộ phận của cây Tra bồ đề được phát hiện có các đặc tính dược liệu hữu ích, chẳng hạn như hoạt tính chống sinh sản, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, nhuận tràng và bảo vệ gan.
Lá cây có tác dụng làm dịu cảm giác đau, rễ cây có tác dụng bổ còn vỏ có tác dụng làm săn da.
Quả của cây Tra bồ đề được sử dụng ở Tahiti để làm thuốc trong các trường hợp đau đầu. Dịch Nhựa lấy từ cuống quả là vị thuốc dân gian được sử dụng trong trường hợp bị rết và Bọ Cạp cắn. Ngoài ra, nhựa từ cuống quả cũng được dùng để trị các bệnh về da, bầm dập.
Nhân dân Philippin sử dụng dịch vàng ép từ quả để đắp lên da trong các trường hợp bị bệnh ghẻ hoặc các bệnh ngoài da khác. Tuy nhiên, trước khi đắp thì cần dùng nước nấu từ rễ và lá của cây Tra bồ đề để tắm rửa. Nước sắc từ vỏ của cây Tra bồ đề được dùng để trị bệnh trĩ và bệnh lỵ.
Quả, lá và rễ của cây Tra bồ đề được nhân dân Ấn Độ sử dụng để đắp ngoài trị ghẻ, vẩy nến và các bệnh ngoài da khác.
Gỗ của cây Tra bồ đề có nhiều công dụng, được dùng để làm đồ nội thất, dụng cụ phục vụ nông nghiệp hoặc làm xuồng có kích thước nhỏ. Gỗ của cây Tra bồ đề dễ cưa và gia công, dễ đánh bóng. Gỗ cây có giá trị cao vì ít bị mối mọt.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2. Tra lâm vồ, trang 1023. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2024.
Tác giả SN Belhekar và cộng sự (Ngày đăng tháng 3 năm 2013). Antidiabetic and antihyperlipidemic effects of Thespesia populnea fruit pulp extracts on alloxan-induced diabetic rats, NCBI. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2024.