Tiêu Lốt (Tất Bạt - Piper longum L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Magnoliidae (Phân lớp Mộc lan) |
Bộ(ordo) | Piperales (Hồ tiêu) |
Họ(familia) | Piperaceae (Hồ tiêu) |
Chi(genus) | Piper |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Piper longum L. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Chavica roxburghii Miq. |
Tiêu lốt thuộc dạng cây thảo, phần gốc cây mọc bò, thân cành mọc thẳng, nhẵn. Nhân dân thường sử dụng quả để làm thức ăn hoặc làm thuốc chữa tiêu chảy, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Piper longum L.
Tên đồng nghĩa: Chavica roxburghii Miq.
Họ thực vật: Hồ tiêu Piperaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Tiêu lốt thuộc dạng cây thảo, phần gốc cây mọc bò, thân cành mọc thẳng, nhẵn. Nhân dân thường sử dụng quả để làm thức ăn hoặc làm thuốc chữa tiêu chảy, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ.
Lá cây mọc so le, có dạng hình trứng thuôn, chiều dài khoảng 10cm, rộng khoảng 3cm. Gốc lá có dạng hình tim hơi lệch, đầu là nhọn. Mặt trên của lá tiêu lốt nhẵn, mặt dưới của lá có lông rất nhỏ, đặc biệt là gân lá. Mỗi lá có khoảng 5-7 gân, cuống lá ngắn, hơi có lông, lá có bẹ.
Cụm hoa mọc thành bông, các hoa đơn tính, chiều dài bông đực khoảng 5,5cm, lá bắc tròn, nhị 2, trục hoa nhẵn, chỉ nhị rất ngắn. Chiều dài bông hoa cái khoảng 1,5cm, trục hoa nhẵn, cuống ngắn, bầu có 3 nhụy hình trứng.
Quả mọng.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 3 đến tháng 5.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả chín.
Thời điểm thu hái: Tháng 9 đến 10.
Chế biến: Những quả phía dưới có màu đen, phơi khô.
1.3 Cách trồng tiêu lốt
Tiêu lốt có thể được trồng từ hạt hoặc giâm cành.
Tiêu lốt là loài ưa ẩm do đó trong quá trình chăm sóc cần tưới nước thường xuyên.
Cây đặc biệt thích nghi và phát triển tốt ở những khu vực rừng núi đá vôi.
Tiến hành tưới nước cho cây thường xuyên.
Cắt bỏ cành lá già để cây phát triển tốt, phòng ngừa sâu bệnh.
1.4 Đặc điểm phân bố
Tiêu lốt phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của châu Á như Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào và một số nước khác.
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh miền núi và trung du đặc biệt là những khu vực có rừng núi đá vôi.
Tiêu lốt có bản chất là loài ưa ẩm, có khả năng chịu bóng, thường mọc riêng lẻ hoặc mọc thành từng đám.
Cây có bộ rễ phát triển, mọc bò ra đến đâu thì rễ phát triển đến đó. Những đoạn thân mang lá mọc vươn thẳng, có khả năng phân nhánh tốt, ra hoa quả nhiều hơn loài Lá Lốt.
Tiêu lốt được nhân giống bằng hạt, cây có khả năng tái sinh khỏe sau khi bị cắt, có thể trồng được bằng cách giâm cành.
2 Thành phần hóa học
Quả tiêu lốt chứa:
- Alcaloid Piperin.
- Piplartine.
- Sesamin.
- Các amid.
- Các lignan và n-colignan.
- Tinh dầu.
3 Tác dụng - Công dụng của cây tiêu lốt
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng trên tim mạch
Tinh dầu của quả khi dùng với liều 0,2ml/kg, khi tiêm xoang bụng cho thấy tác dụng phòng ngừa rối loạn nhịp tim gây ra bởi adrenalin, bari chloride trên thỏ, chuột cống trắng đồng thời tăng cường sức chịu đựng của tim ở chuột lang đối với tác dụng gây chết của onabain nhưng không có tác dụng phòng ngừa rung thất gây ra bởi chloroform ở chuột nhắt trắng.
Tác dụng đối với chuyển hóa cholesterol
Khi tiến hành thí nghiệm mô hình gây cholesterol huyết ở chuột nhắt trắng bằng cách nuôi chuột với chế độ ăn giàu cholesterol, cho sử dụng thành phần không xà phòng hóa trong tinh dầu của cây tiêu lốt với liều 40mg/kg trong 20 ngày bằng đường uống đã thấy tác dụng hạ cholesterol toàn phần trong máu và trong gan đồng thời còn thấy tác dụng tăng cholesterol trong dịch mật.
Khi dùng ở liều 20, 30, 40mg/kg thì tác dụng tăng theo liều lượng.
Chính nhờ tác dụng này mà tiêu lốt còn có khả năng ngăn ngừa xơ vữa động mạch thông qua việc thúc đẩy quá trình este hóa, quá trình bài tiết của cholesterol.
3.2 Tác dụng kháng khuẩn
Tinh dầu tiêu lốt cho thấy tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng như Bacillus dysenteriae, Staphylococcus aureus,...
3.3 Tác dụng hạ huyết áp
Hợp chất Piplartine cho thấy tác dụng hạ huyết áp nhưng không có tác dụng trên nhịp thở và hô hấp.
3.4 Tác dụng khác
Tiến hành thí nghiệm trên hồi tràng cô lập của thỏ và chuột cống trắng các nhà khoa học nhận thấy rằng, piplartine có tác dụng ức chế trương lực và co bóp của ruột.
3.5 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.5.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Cay, tính nóng, quy vào các kinh tỳ, vị.
Tác dụng: Tán hàn, ôn trùng, hạ khí, chỉ thống.
3.5.2 Công dụng
Y học cổ truyền sử dụng tiêu lốt để chữa đau bụng, dạ dày lạnh, sôi bụng, nôn ra nước chua, tiêu chảy, đau đầu, viêm xoang, chảy nước mũi, kinh nguyệt không đều với liều 1,5 đến 3,0g quả hoặc 2,0 đến 5,0g rễ cây dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng viên hoàn.
Có thể dùng riêng hoặc phối hợp cùng với các loại thuốc khác.
Lưu ý: Không nên dùng tiêu lốt ở những người uất hỏa, thực hiện, âm hư hỏa vượng.
4 Một số cách trị bệnh từ cây tiêu lốt
4.1 Chữa thương hàn tích lạnh, sôi bụng, toát mồ hôi, tiêu chảy
2g tiêu lốt.
2g nhục Quế.
3g cao lương khương.
3g can khương.
Các vị đem nghiền thành bột, trộn hồ, chế viên to bằng hạt đậu xanh.
Mỗi lần uống 20 viên trước khi ăn.
4.2 Chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, khí huyết bất hòa, đau bụng liên miên
Tiêu lốt sao muối.
Bồ hoàng sao.
2 vị dùng lượng bằng nhau, đem tán thành bột, trộn cùng với Mật Ong sau đó chế thành viên có kích thước bằng hạt đậu xanh.
Mỗi lần uống 30 viên, ngày uống 2 lần.
Uống khi đói, cùng với rượu ấm hoặc nước cơm.
4.3 Chữa đau răng
50g Tiêu lốt.
50g Hùng hoàng.
50g Băng phiến.
Các vị đem nghiền thành bột, sau đó nhét vào răng bị đau.
4.4 Chữa báng sốt rét
30g tiêu lốt.
30g đại hoàng.
Các vị đem tán thành bột, thêm xạ hương.
Chế thành viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 20 viên với rượu, ngày uống 2-3 lần.
4.5 Chữa đau thắt ngực
90g tiêu lốt.
15g Tế Tân.
45g đàn hương.
3g băng phiến.
30g diên hồ tố.
45g cao lương khương.
Chiết thành cao, cất lấy tinh dầu, đem trộn với nhau, cho vào nang, mỗi nang có chứa 0,3g.
Mỗi lần uống 1 nang, ngày 3 lần.
4.6 Chữa chảy nước mũi
Tiêu lốt nghiền thành bột, thổi vào mũi.
4.7 Chữa nôn mửa, ăn không tiêu
2-3g rễ tiêu lót đem sắc nước uống.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Giá tiêu lốt tươi là bao nhiêu?
Giá tiêu lốt tươi rơi vào khoảng 200.000 đến 250.000 đồng/kg quả tươi.
5.2 Lá tiêu lốt có ăn được không?
Tiêu lốt thường dùng quả để chế biến các món ăn hoặc sử dụng nhằm mục đích chữa bệnh.
5.3 Cách ngâm rượu tiêu lốt
Chọn quả Tiêu lốt già, không nên già quá, đem rửa sạch và để ráo.
Rượu.
Bình chứa.
Cho tiêu lốt vào bình chứa, thêm rượu ngập mặt.
Chờ khoảng nửa tháng đến 1 tháng có thể uống.
5.4 Cây giống tiêu lốt mua ở đâu?
Bạn có thể tìm mua trực tiếp tại các khu vực trồng tiêu lốt hoặc những kênh phân phối chính thống, tránh tình trạng mua phải cây giống kém chất lượng.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Tiêu lốt, trang 956-958. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.