Thủy Đoàn Hoa (Gáo viên, Thủ viên - Adina pilulifera (Lam.) Franch. ex Drake)
1 sản phẩm
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Ngành thực vật có mạch) Magnoliopsida (Lớp Hai lá mầm (Ngọc Lan)) |
Bộ(ordo) | Gentianales (Long đởm) |
Họ(familia) | Rubiaceae (Cà phê) |
Chi(genus) | Adina Salisb. |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Adina pilulifera (Lam.) Franch. ex Drake |
Cây Thủy đoàn hoa không chỉ là một loài thực vật có giá trị kinh tế (gỗ, bảo vệ đất) mà còn là nguồn dược liệu quý trong y học cổ truyền, đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan đến viêm nhiễm, tiêu hóa và tổn thương da. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Adina pilulifera (Lam.) Franch. ex Drake
Tên Việt Nam: Gáo viên, Thủ viên, Thủy đoàn hoa
Họ Cà phê (Rubiaceae)
1.1 Đặc điểm hình thái
Cây Thủy Đoàn Hoa là loại cây gỗ nhỏ, cao từ 5 đến 10m, hoặc có thể tồn tại dưới dạng cây bụi. Cây có các nhánh mảnh, khi còn non được phủ một lớp lông mịn màu vàng.
Lá: Mọc thành từng cặp không đồng đều; phiến lá có hình thon dài, chiều dài tới 12cm và chiều rộng khoảng 3cm. Đầu lá nhọn, có đuôi ngắn hoặc dài đến 2cm; mặt dưới của lá có màu nhạt hơn. Cuống lá dài khoảng 1cm. Lá kèm cao 5-7mm, bị chẻ sâu thành hai phần.
Hoa: Cụm hoa dạng đầu đơn độc, có đường kính từ 1 đến 1,5cm, nằm trên một cuống dài với lá bắc ở giữa. Hoa nhỏ, màu trắng.
Quả: Quả nang nhỏ, có lá đài tồn tại, cao từ 3 đến 4mm. Hạt màu xám, có cánh, dài khoảng 2mm.
Thời gian ra hoa và kết quả: Ra hoa từ tháng 5 đến tháng 8; có quả từ tháng 9 đến tháng 11.
1.2 Phân bố và sinh thái
Phân bố: Gáo viên phân bố ở Việt Nam, Trung Quốc, và Nhật Bản. Ở Việt Nam, cây thường gặp nhiều tại các vùng rừng núi Nghệ An và Hà Tĩnh.
Môi trường sống: Cây mọc phổ biến dưới tán rừng nhiệt đới ẩm, tại các thung lũng hoặc ven suối.
2 Thành phần hóa học
Các nghiên cứu về thành phần hóa học của Adina pilulifera đã ghi nhận sự hiện diện của nhiều hợp chất quan trọng, đặc biệt từ các phân đoạn chiết ethyl acetate và n-butanol. Các hợp chất này bao gồm triterpenoid, flavonoid, anthraquinone, và các hợp chất có hoạt tính sinh học đáng chú ý.
2.1 Hợp chất anthraquinone và các dẫn xuất
Eugenin, 7-O-β-D-glucosyl-noreugenin, quinovic acid, 2-hydroxy-3-methylanthraquinone, và 3,8-dihydroxy-1-methoxy-2-methoxymethylene-9,10-anthraquinone đã được phân lập từ phần thân rễ.
2.2 Hợp chất flavonoid
Sáu Flavonoid đã được xác định bao gồm naringenin, eriodictyol, quercetin, naringenin-7-O-β-D-glucopyranside, eriodictyol-7-O-β-D-glucopyranside, và quercetin-3-O-β-D-glucopyranside.
2.3 Các hợp chất khác
Sarracenin, 2-methyl-5,7-dihydroxychromone và morroniside được phân lập từ phân đoạn ethyl acetate và n-butanol của dịch chiết Ethanol từ cây Adina pilulifera.
3 Tác dụng dược lý
Hiện có khá ít các nghiên cứu về tác dụng dược lý của Adina pilulifera.
Nghiên cứu của LI Yan-lan và công sự năm 2009 thu được kết quả sau:
Tác dụng kháng virus: Các flavonoid aglycone naringenin, eriodictyol và quercetin thể hiện hoạt tính kháng virus in vitro đối với virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus Coxsackie B3 (CVB3), mặc dù mức độ hiệu quả có sự khác biệt giữa các hợp chất.
Tác dụng không hiệu quả: Các flavonoid glucoside naringenin-7-O-β-D-glucopyranside, eriodictyol-7-O-β-D-glucopyranside và quercetin-3-O-β-D-glucopyranside không cho thấy tác dụng kháng virus đối với RSV và CVB3.
4 Công dụng
Gỗ: Gỗ của cây có màu trắng vàng, có vân đẹp, thường được sử dụng trong điêu khắc và làm nông cụ.
Bảo vệ đất: Hệ rễ của cây phát triển dày và ăn sâu, phù hợp để trồng nhằm bảo vệ đê điều.
Dược tính:
- Bộ phận sử dụng: Rễ, vỏ, lá, hoa và quả của cây đều có giá trị làm thuốc.
Ứng dụng chữa bệnh:
- Ở Trung Quốc, rễ cây được sử dụng để trị cảm mạo, sốt cao, viêm nhiễm đường hô hấp trên và viêm tuyến mang tai.
- Hoa và quả dùng để trị lỵ, viêm dạ dày ruột cấp tính.
- Lá được dùng để chữa đụng giập, nhọt và eczema.
Cách dùng và liều lượng:
Dùng dưới dạng thuốc sắc:
- Hoa và quả: 10-15g/ngày.
- Cành, lá: 15-30g/ngày.
- Rễ: 15-30g/ngày.
Sử dụng ngoài da: Không giới hạn liều lượng.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả LI Yan-lan và cộng sự (đăng năm 2009). Flavonoids from Adina pilulifera and Their in vitro Antiviral Activity, Natural Product Research & Development. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Xue JY và cộng sự (đăng năm 2007). Studies on the chemical constituents of Adina pilulifera. Journal of Chinese Medicinal Materials. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Lin Sui Lin Sui và cộng sự (đăng ngày 14 tháng 11 năm 2012). Chemical constituents from ethyl acetate extract fraction from rhizome of Adina pilulifera, Drugs and Clinic. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2024.