Thốt Nốt

0 sản phẩm

Thốt Nốt

Ngày đăng:
Cập nhật:

Hiện nay, Thốt nốt được biết đến với công dụng gần gũi với đời sống hằng ngày là giải nhiệt, hồi phục sức, hay dùng làm đường, còn thịt quả có thể ăn. Vậy xét dưới góc độ là một loài dược liệu dùng để chữa bệnh tác dụng của loài này sẽ là gì ? Trong bài viết này, bạn đọc có thể tham khảo những thông tin chi tiết về Thốt nốt tại Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) đưa ra nhé !

1 Giới thiệu về cây Thốt nốt

Cây Thốt nốt còn được gọi là cây Cọ đường hay Thốt lốt, với tên khoa học là Borassus flabellifer L., là loài thực vật thuộc họ Cau - Arecaceae.

Đây là một trong những loài cây nhiệt đới điển hình, thích hợp ở các miền có khí hậu nhiệt đới, gió mùa, và mùa khô tương đối dài, có khả năng chịu được khô hạn ngập nước, ưa nắng nhưng không chịu rét.

Quả cây Thốt nốt

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây Thốt nốt là cây to trông hơi giống thân cây dừa, thân thẳng, được bao quanh bởi các sẹo lá, có một vòm lá vươn rộng 3m theo chiều ngang. Lá cây dày cứng, cuống to, có gai, phiến lá hình quạt, tua chẻ ở 2 đầu lá. Buồng đực mang nhánh chứa nhiều hoa có kích thước nhỏ, nhị 6, nhụy cái lép. Buồng cái ít hoa. Hoa cái có kích thước lớn hơn hoa đực. Cụm hoa cây là những bông mo, mang hoa đơn tính khác gốc. Quả hạch có hình dạng tròn, màu nâu sẫm, to khoảng 10-20cm, chứa 3 hạt hóa gỗ dẹp, có lỗ thủng ở đỉnh. Trung bình thốt nốt sẽ cho từ 50-60 quả/ 1 cây. Thông thường cây Thốt nốt non ban đầu phát triển chậm, về sau sẽ mọc nhanh hơn.

Ảnh cây Thốt nốt lúc còn non và lúc già

1.2 Thu hái và chế biến

Hiện nay, người ta thường thu dịch thốt nốt khi cây trong khoảng 25-30 tuổi và kéo dài khoảng 80 năm. Bộ phận được dùng của cây Thốt nốt là cuống của cụm hoa, rễ, và dịch cây với tên khoa học là Pedunculus, Radix et Jus Borassi Flubellifris.

Khi có cụm hoa, để dễ thao tác, người thu hái phải trèo lên cây, và cắt bớt lá xung quanh cụm hoa sau đó cắt phần đầu của cuống cụm hoa và hứng dịch. Để tránh trường hợp lên men làm hỏng, cuống cụm hoa phải được rửa sạch. Có thể cho Ca(OH)2 vào chất dịch để chống lên men. Mỗi lần cắt, dùng dao sắc cắt lát một càng mỏng càng tốt ở đầu cuống cụm hoa. Lượng dịch chảy ra vào buổi tối gấp đôi lượng dịch chảy ra ở ban ngày. Cụm hoa đực và cái đều lấy dịch được, nhưng xét về năng suất thì ở cây cái cao hơn. Lượng bình quân có thể thu được 100-160l/ cây/ năm, tương đương khoảng 16 đến 17kg đường. 

Nếu trồng cây để lấy quả, trung bình mỗi cây có thể thu được 200-350 quả/ cây/ năm, khoảng 130 tấn/ quả/ ha/ năm.

Sau khi thu chất dịch có thể đun thành đường thốt nốt màu nâu. Sản phẩm sau khi nấu thường đổ vào khuôn làm từ sọ dừa, nên đường thốt nốt sau khi khô có dạng hình bán cầu.

Ảnh thịt quả Thốt nốt

 

1.3 Đặc điểm phân bố

Ở Việt Nam, Thốt nốt được trồng và phát triển phổ biến ở tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ cụ thể là các tỉnh từ Tây Ninh đến Kiên Giang. Còn ở các nước trên thế giới, cây có ở Tây Ả Rập qua Ấn Độ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đến Niu GHine, Australia, Châu Phi. Thốt nốt chịu được thời tiết khô hạn hơn cây dừa, và có thể mọc trên nhiều đất khác nhau, nhưng phù hợp nhất là đất cát pha, giàu hữu cơ. Cây ưu địa hình bằng phẳng hoặc dốc nhẹ. Ở Vùng đồng bằng ven biển, dọc sông suối là nơi thích hợp nhất để phát triển và trồng trọt những loài cây này. Thốt nốt sinh trưởng, phát triển thích hợp nhất ở nhiệt độ trung bình khoảng 23॰C, nhưng cây cũng có thể chịu được ở nhiệt độ 45॰C hoặc 0॰C. Thốt nốt ra hoa hằng năm, thụ phấn nhờ côn trùng hoặc gió. Hạt dễ nảy mầm khi tiếp xúc với đất ẩm.

2 Thành phần hóa học

Thành phần hóa học của các bộ phận cây

Một quả tươi cây Thốt nốt có thể nặng đến 2.790g. Trong đó các thuỳ bao hoa nặng 175g (6,3%), vỏ quả ngoài 120g (4,3%), khối sợi vỏ quả giữa 66g (2,4%), phần cùi ăn được 1.425g (51,0%) và 3 hạt 1.004g (36%). Hạt gồm vỏ 394g, nội nhũ 609g và phôi nặng 1g.

3 Tác dụng - Công dụng của cây Thốt nốt

3.1 Tác dụng dược lý

  • Giúp tăng cường và khôi phục sức khỏe cho hệ tiêu hóa
  • Tốt cho da
  • Hỗ trợ điều trị chứng đau nửa đầu
  • Chống viêm
  • Ngăn ngừa táo bón
  • Trị sỏi mật trị lậu, lỵ
  • Hỗ trợ điều trị viêm gan
  • Tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể
  • Công dụng của cây Thốt nốt theo Y học cổ truyền

3.2 Tính vị, tác dụng

Rễ cây Thốt nốt có vị ngọt dịu, tính bình; có tác dụng giải nhiệt, hồi phục sức; cây non giúp lợi tiểu, tiêu viêm. Dịch cây lợi tiểu, kích thích và tiêu viêm, Thịt quả có tác dụng làm nhầy và bổ dưỡng. Cuống cụm hoa có tác dụng lợi tiểu, trừ giun.

3.3 Công dụng

Thốt nốt được biết đến là một loài cây đa tác dụng. Ở Ấn Độ đã thống kê được khoảng 800 loại công dụng của loài cây này. Hầu như bộ phận nào cũng có thể sử dụng được.

Lá và cuống được dùng để đan lát, làm lạt, đan buộc nón, hàng mỹ nghệ như lá cọ, dừa nước, hay lá cũng được dùng để lợp nhà, thưng vách. Thời xưa người ta còn dùng lá thốt nốt để làm giấy viết. Thốt nốt có thân cây to nên có thể dùng để xây dựng nhà cửa, cầu cống, hay máng nước; ngọn thân cây có chứa tinh bột nên dùng để ăn khi đói. Hay thông dụng hơn từ nước thốt nốt sau khi cô đặc thành đường mọi người thường hay sử dụng để làm thành bánh.

Bánh bò thốt nốt

Cụm hoa non, được cắt cho ra nhựa non chứa nhiều đường dùng làm đường Thốt nốt, cho lên men làm rượu có vị thơm, ngọt dịu, chứa nhiều loại vitamin B. Thịt quả cho bột ngon, thường dùng ăn tươi.  Thịt quả già được giã nát thành một khối bột dẻo, trắng như bột nếp có thể dùng làm bánh tôm, bánh ý hay nấu chè. 

Trong Y học cổ truyền, cuống cụm hoa, cây non và rễ thốt nốt được sử dụng làm thuốc. Cuống cụm hoa khi còn non được dùng làm thuốc giải nhiệt, lợi tiểu khi bị sốt cao do sốt rét và lách to. Nước vắt từ cuống cụm hoa sau khi nướng được uống để tẩy giun,...

Cụm hoa Thốt nốt

Hiện nay, Thốt nốt ở mỗi nơi trên thế giới sẽ được dùng để chữa các bệnh khác nhau. Dưới đây là cách dùng của một số quốc gia.

Các quốc giaBộ phận dùngCông dụng
Ấn ĐộDịch câyChữa các loại viêm nhiễm và phù thũng
CampuchiaCuống của cụm hoaChữa các bệnh đau bụng do ảnh hưởng của sốt rét, nhất là sốt có sưng lá lách
NhựaUống lúc đói vào sáng sớm làm thuốc nhuận trường
Đường Thốt nốtDùng giải độc, nhất là giải độc strychnin
Cây nonTrị sỏi mật, trị lậu, trị lỵ
RễTrị lậu
Vân Nam 
 Trung Quốc 
RễTrị viêm gan

4 Các bài thuốc từ cây Thốt nốt

Bông Thốt nốt

4.1 Bài thuốc giúp nhuận tràng

Vào sáng sớm, chúng ta cắt cụm hoa của cây Thốt nốt để lấy phần nước chảy ra từ cụm. Sau đó uống trực tiếp giúp giải khát và nhuận tràng, ngăn ngừa chứng táo bón.

4.2 Bài thuốc lợi tiểu

Bài thuốc 1

Chuẩn bị 50g rễ cây thốt nốt. Đem rửa sạch, thái thành từng khúc. Cho vào sắc cùng với 3 bát nước ở lửa nhỏ cho cô lại đến còn khoảng 1 bát. Uống trực tiếp khi nước còn ấm nóng, mỗi ngày 1 thang. Nên dùng liên tục trong vòng 1 tuần.

Bài thuốc 2

Chuẩn bị 100g vòi hoa thốt nốt. Thái nguyên liệu thành từ lát mỏng. Cho vào sắc cùng với 600ml nước trên lửa nhỏ trong khoảng 15p. Chia lượng thuốc thu được thành nhiều lần uống. Mỗi ngày chỉ dùng 1 thang trong 1 tuần liên tục.

4.3 Bài thuốc trị giun đũa

Nướng cuống cụm hoa thốt nốt nóng rồi đem đi vắt nước. Thêm vào nước 1 ít đường và uống vào buổi sáng. Mỗi ngày uống khoảng 100ml. Với bài thuốc này chỉ cần uống trong vài ngày có thể đỡ bệnh.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 2 ( Xuất bản năm 2021). Thốt nốt trang 919 - 920, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2023
  2. Tác giả Tunit Prakairat , Phanit Thammarat , Siriporn Okonogi,Chuda Chittasupho ( ngày đăng 17 tháng 2 năm 2022 ). Hydrogel Containing Borassus flabellifer L. Male Flower Extract for Antioxidant, Antimicrobial, and Anti-Inflammatory Activity., pubmed. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2023
  3. Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ. Thốt nốt. Truy cập ngày  16 tháng 5 năm 2023
     

Các sản phẩm có chứa dược liệu Thốt Nốt

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633