Thông Tre Lá Dài (Bách Niên Tùng - Podocarpus neriifolius D. Don)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Pinophyta (ngành Thông) |
Bộ(ordo) | Pinales (Thông) |
Họ(familia) | Podocarpaceae (Kim giao) |
Chi(genus) | Podocarpus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Podocarpus neriifolius D. Don |
Thông tre lá dài thuộc dạng cây gỗ, kích thước trung bình, có các cành mọc vòng, những nhánh cây khi còn non có màu lục, có góc, gần như có cánh do cuống lá mọc men xuống. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Podocarpus neriifolius D. Don
Tên gọi khác: Bách niên tùng.
Họ thực vật: Podocarpaceae (Kim giao).
1.1 Đặc điểm thực vật
Thông tre lá dài thuộc dạng cây gỗ, kích thước trung bình, có các cành mọc vòng, những nhánh cây khi còn non có màu lục, có góc, gần như có cánh do cuống lá mọc men xuống.
Lá cây mọc so le, phiến lá có hình dải đến hình ngọn giáo, hai đầu thon hẹp, mũi lá nhọn dài và sắc, chiều dài mỗi lá khoảng từ 8 đến 12cm, chiều rộng từ 8 đến 12cm, mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới có màu lục mốc, hai mặt đều có lông mọc lồi lên, mép lá cong xuống dưới, trên cuống lá có một rãnh, chiều dài cuống lá khoảng 3 đến 5mm.
Hoa đực mọc riêng rẽ hoặc xếp thành 2-3 cái một, hoa không có cuống, hình trụ, chiều dài khoảng từ 2,5 đến 5cm, hoa cái mọc đơn độc ở những cuống có chiều dài khoảng 5-10mm.
Hạt của cây Thông tre lá dài có dạng hình trứng, không cân, chiều dài mỗi hạt khoảng 12mm, chiều rộng khoảng 8mm, vỏ hạt dày, nạc dai, phía dưới có đế hoa mập màu tía, đường kính bằng hoặc lớn hơn hạt.
Dưới đây là hình ảnh cây Thông tre lá dài:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Cành, lá, rễ.
1.3 Đặc điểm phân bố
Thông tre lá dài thường được tìm thấy ở Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Nam Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin và Việt Nam.
Tại nước ta, cây được tìm thấy ở Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai.
Thông tre lá dài thường mọc rải rác ở trong các khu rừng rậm thường xanh, cây lá kim hay cây lá rộng trên đất có tầng dày và nhiều mùn.
2 Thành phần hóa học
Một cyclopeptide mới, neriitide A (1) và một lignan mới, neriilignan (2), cùng với sáu hợp chất đã biết bao gồm hai diterpenoid, ba sesquiterpenoid và một sterol đã được phân lập từ lá của Podocarpus neriifolius. Cấu trúc của chúng đã được làm sáng tỏ bằng phương pháp phân tích quang phổ mở rộng bao gồm các kỹ thuật HREIMS, NMR 1D và 2D. Đây là báo cáo đầu tiên về cyclopeptide và lignan tách ra từ cây này.
3 Tác dụng của cây Thông tre lá dài
3.1 Tác dụng dược lý
Chiết xuất Ethanol của cây Thông tre lá dài cho thấy hoạt động chống tăng sinh đối với hai dòng tế bào khối u chính, cụ thể là u xơ HT-1080 ở người và ung thư biểu mô màu 26-L5 ở chuột. Phân đoạn hướng dẫn xét nghiệm sinh học cho thấy hoạt động chống tăng sinh cao nhất ở phân đoạn hòa tan trong cloroform. Nagilactone C, thành phần chính của phân đoạn này đã được phân lập và định tính bằng các phương pháp quang phổ NMR, IR và FAB-MS. Nagilactone C sở hữu hoạt động chống tăng sinh mạnh đối với u xơ ở người và dòng tế bào khối u ung thư biểu mô đại tràng ở chuột biểu hiện giá trị ED50 lần lượt là 2,3 và 1,2 microg/ml. Do đó, nagilactone C có thể là thành phần hoạt tính được tìm thấy trong cây này.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Thông tre lá dài có tác dụng khư phong tiếp cốt.
3.2.2 Công dụng
Hạt khi chín có mùi thơm, có thể ăn được. Lá cây đem sắc uống trong trường hợp bị thấp khớp, đau xương khớp.
Nhân dân Malaysia và Ấn Độ sử dụng lá trong trường hợp bị ho, ho ra máu, sưng cuống phổi.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng cành, lá để trị phong thấp, sưng đỏ các khớp, gãy xương, ban cấp tính.
Rễ cây được dùng trong trường hợp bị thủy thũng.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Thông tre, trang 919. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2024.
Tác giả K Shrestha và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2001). An antiproliferative norditerpene dilactone, Nagilactone C, from Podocarpus neriifolius, PubMed. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Jingjing Wu và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2017). A new cyclopeptide and a new lignan from Podocarpus neriifolius, PubMed. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2024.