Thôi Ba (Thôi Chanh, Bát Giác Phong - Alangium chinense (Lour.) Harms.)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Cornales (Sơn thù du) |
Họ(familia) | Cornaceae (Sơn thù du) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Alangium chinense (Lour.) Harms. |
Thôi ba thuộc dạng cây gỗ to, chiều cao mỗi cây khoảng 4 đến 8 mét hoặc hơn. Cành cây mọc nằm ngang, cành khi non có phủ lông màu hung nhưng khi già thì nhẵn, vỏ cây có màu nâu hoặc màu đen nhạt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Alangium chinense (Lour.) Harms.
Tên gọi khác: Bát giác phong, Thôi chanh, Tông da.
Họ thực vật: Cornaceae (Sơn Thù du).
1.1 Đặc điểm thực vật
Thôi ba thuộc dạng cây gỗ to, chiều cao mỗi cây khoảng 4 đến 8 mét hoặc hơn. Cành cây mọc nằm ngang, cành khi non có phủ lông màu hung nhưng khi già thì nhẵn, vỏ cây có màu nâu hoặc màu đen nhạt.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục, thỉnh thoảng có cạnh, gốc lá có dạng hình tim, đầu lá nhọn, mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới đôi khi có lông, gân nổi rõ, cuống lá ngắn, có màu đỏ.
Cụm hoa mọc thành xim phân đôi ở kẽ lá, hoa có màu trắng, cánh hoa dài, hẹp, bầu 2 ô, nhị có chỉ nhị dẹt.
Quả hạch, có dạng hình trái Xoan hoặc gần giống hình cầu, phần trên còn vết tích của đài.
Mùa hoa quả từ tháng 6 đến tháng 8.
Một số loài khác có công dụng tương tự như Alangium decipiens F. Evrard., A. salviifolium,...
Dưới đây là hình ảnh cây Thôi ba (Bát giác phong):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thời điểm thu hái: Mùa hạ, thu.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Thôi ba có nguồn gốc ở vùng ôn đới, được tìm thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Tại nước ta, loài này chỉ bắt gặp được ở các vùng núi phía bắc với độ cao phân bố tới 2000 mét.
Thôi ba là loài ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát, thường mọc ở bờ mương rẫy, ven rừng. Vào mùa đông, cây thường rụng lá, ra hoa quả nhiều hàng năm nhưng lại hiếm khi thấy cây mọc thành từng đám ngoài tự nhiên.
2 Thành phần hóa học
Rễ cây Thôi ba có chứa neonicotin, dl-anabasin, veroterpin.
3 Tác dụng của cây Thôi ba
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng giãn cơ
Nước sắc từ rễ của cây Thôi ba khi tiến hành nghiên cứu trên chó thí nghiệm ở liều 5g/kg bằng cách tiêm xoang bụng hoặc tiêm bắp thịt thì đều cho thấy tác dụng giãn cơ rõ rệt, động vật thí nghiệm có biểu hiện duỗi 4 chân sát đất, đầu không ngóc lên được nhưng vẫn rất tỉnh táo.
Alcaloid toàn phần từ rễ của cây Thôi ba khi tiêm tĩnh mạch ở liều 1,5mg/kg cho chó đã thấy tác dụng giãn cơ ngay lập tức. Ỏ thỏ thí nghiệm, liều giãn cơ là 2,47mg/kg còn liều gây chết là 5,65mg/kg.
Tác dụng giãn cơ yếu hơn so với succinylcholin nhưng lại có độ an toàn cao hơn.
Anabasin là hoạt chất chiết từ rễ cây Thôi ba cho thấy tác dụng ức chế hoàn toàn sự co bóp cơ sau khi kích thích dây thần kinh chi phối cơ này, tuy nhiên, trường hợp kích thích trực tiếp thì cơ vẫn co bóp bình thường. Điều này chứng minh rằng, hoạt chất có tác dụng phong bế sự dẫn truyền hóa học ở khớp thần kinh cơ.
3.1.2 Tác dụng trên hệ thần kinh
Dịch chiết từ rễ có tác dụng tăng cường tác dụng của các thuốc gây ngủ nhưng dịch chiết của cây Thôi ba lại không có tác dụng gây ngủ.
3.1.3 Ảnh hưởng trên hệ hô hấp
Khi tiêm tĩnh mạch rễ cây Thôi ba với liều 1,25 đến 1,5g/kg cho thỏ thì hô hấp bị kích thích trong thời gian ngắn sau đó động vật thí nghiệm xuất hiện tình trạng hô hấp khó khăn. Liều lớn gây ngừng hô hấp
3.1.4 Tác dụng đối với cơ trơn
Nước sắc rễ tơ và alcaloid toàn phần của cây Thôi ba cho thấy tác dụng kích thích.
3.1.5 Tác dụng khác
Khi tiến hành nghiên cứu dịch chiết cồn từ rễ cây Thôi ba ở chuột nhắt trắng, người ta nhận thấy rằng, các hoạt chất có tác dụng chống làm tổ của trứng đã được thụ tinh, ngừa thai ở giai đoạn đầu.
Thôi ba còn cho thấy tác dụng chống viêm trên mô hình gây viêm ở chuột cống trắng.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Thôi ba có vị cay, có độc, tính ôn, có tác dụng trừ thấp, khư phong, hoạt lạc, chỉ thống, tán ứ.
3.2.2 Công dụng
Rễ cây dùng để chữa phong thấp, tê liệt, đau mỏi, đau lưng do làm việc nhiều, vết thương do bị đánh đập. Ngoài ra, rễ cây còn dùng trong trường hợp bệnh nhân bị tâm thần phân liệt.
Liều dùng là 3-6g đem sắc nước uống.
Chú ý: Thôi ba là loài có độc, liều dùng cần phải kiểm soát chặt chẽ. Không dùng Thôi ba cho trẻ em, phụ nữ có thai, người già suy nhược cơ thể.
4 Cây Thôi ba (Bát giác phong) trị bệnh gì?
4.1 Chữa viêm thấp khớp
Rễ cây Thôi ba đem rửa sạch, thái mỏng, ngâm cùng với rượu theo tỷ lệ 1:3 trong 20 ngày, cách ngày lại lắc cho đều.
Mỗi lần uống 10ml ngày 2-3 lần.
4.2 Thuốc giãn cơ trong phẫu thuật ngoại khoa
9g rễ Thôi ba.
150ml nước.
Đun sôi trong vòng từ 20-30 phút.
Cho bệnh nhân uống trước khi phẫu thuật 30 phút, thường dùng trong trường hợp tiểu phẫu, khi rạch da thì vẫn cần cho bệnh nhân dùng thêm thuốc gây tê tại chỗ.
4.3 Chữa tâm thần phân liệt
Dùng 1,5 đến 2,4g bột rễ cây Thôi ba để uống, ngày 2 lần.
Không dùng quá liều.
4.4 Chữa mất ngủ
Mỗi lần uống 0,5 đến 1,0g bột rễ cây Bát giác phong, ngày 2-3 lần trước khi đi ngủ.
4.5 Chữa bán thân bất toại
Dùng 4,6g Thôi ba đem ninh với thịt gà để ăn trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bát giác phong, trang 179-181. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2024.