Thiên Niên Kiện (Homalomena occulta)
61 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Thiên niên kiện được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Thiên niên kiện.
1 Giới thiệu về cây Thiên niên kiện
Thiên niên kiện còn có tên gọi khác là Sơn thục, Thần phục, mọc ở dưới tán rừng thường xanh, nơi ẩm, cạnh suối hay dọc theo hai bên bờ khe suối.
Tên khoa học của Thiên niên kiện là Homalomena occulta (Lour.) Schott, thuộc họ Ráy (Araceae).
Thiên niên kiện là vị thuốc được danh y Triệu Học Mẫn (1719-1805) ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc trong sách Bản thảo cương mục thập di biên soạn năm 1803. Trong khi đó, Thiền sư Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu (quyển 10, chương 1, tiết 3) có ghi nhận một bài thuốc kinh nghiệm rất hay: dùng Thiên niên kiện và hạt Gấc mài với rượu ngon phết lên nhọt độc chạy chỗ này sang chỗ khác.
Và, trong Hồng Nghĩa giác tư y thư cũng của Tuệ Tĩnh, do Y viện triều Lê Dụ Tông khắc in năm 1723, thì ghi nhận vị thuốc này dưới các tên Ráy xước hay Sơn phục: “cây Ráy xước người rằng Sơn phục” (Nam dược quốc âm phú). Một số địa phương như Quảng Nam ngày nay vẫn gọi tên Sơn phục, Thần phục hay Tầm phục cho các loài Thiên niên kiện.
Như vậy, so với y văn Trung Quốc, y văn Việt Nam đã ghi chép về vị thuốc này sớm hơn ít nhất là một thế kỷ. Hiện nay, Trung dược đại từ điển chép về vị thuốc này vẫn còn khá sơ sài, đặc biệt không kèm theo một bài thuốc nào. Trong khi đó, sách Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam của tập thể tác giả Viện Dược liệu giới thiệu về cây thuốc này khá phong phú, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo to, sống nhiều năm, có thân rễ mập, bò dài, thơm, khi bẻ ngang có nhiều xơ như kim. Lá mọc ra từ thân rễ, có cuống dài 27-50cm, gốc cuống phình và xòe ra; phiến lá sáng bóng, rộng, hình mũi mác, dài tới 30cm, rộng tới 18cm, gốc lá hình tim, có 3 đôi gân gốc, 7-9 đôi gân bên, gân phụ hình lông chim, tỏa ra từ gân chính, mép lá nguyên.
Cụm hoa là những bông mo, có mo màu xanh, không mở rộng, dài 4-6cm, không rụng; buồng 3-4cm, ngắn hơn mo; hoa đực có 4 nhị rời, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn song song; hoa cái có nhị lép hình khối, dài bằng đầu nhụy, bầu hình trứng, chứa nhiều noãn. Quả mọng thuôn, chứa nhiều hạt có rạch. Mùa hoa vào tháng 4-6, mùa quả tháng 8-10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ, thường gọi là Thiên niên kiện.
Cách chế biến Thiên niên kiện: Thu hái thân rễ già, cắt thành từng đoạn dài 10-27cm, sấy nhanh ở nhiệt độ dưới 50 độ C cho khô đều mặt ngoài, làm sạch vỏ, bỏ rễ con, phơi hoặc sấy ở 50-60 độ C tới khô.
Mô tả dược liệu: Đoạn thẳng hay cong queo, có nhiều xơ, chắc, cứng, dài 10-30cm, đường kính 1-1,5cm, hai đầu đều nhau. Vỏ ngoài nâu nhạt hoặc sẫm, có nhiều nếp nhăn dọc hoặc vết tích của rễ con. Bẻ ngang thấy hơi dai, vết bẻ nâu nhạt hoặc sẫm, có các sợi vàng ngà lởm chởm. Mùi thơm hắc, vị cay.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây phổ biến ở Việt Nam, là loài bản địa của Việt Nam và nam Trung Quốc. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.
2 Thành phần hóa học
2.1 Sesquiterpen
Đây là nhóm hợp chất chính trong thân rễ Thiên niên kiện. Từ chiết xuất Ethanol 88% đã phân lập được một loạt các sesquiterpen, bao gồm: Homalomenins A-E, asperpenoid, teucmosin, homalomenol C & D, 1β,4β,6β-trihydroxyeudesmane, 1β,4β,6α-trihydroxyeudesmane, pterodontriol, 1β,4β,7α-trihydroxyeudesmane, oplodiol, 4β-hydroxy-11,12,13-trinor-5-eudesmen-1,7-dione, bullatantriol, homalomenol A, 4α,10β-dihydroxyaromadendrane và ledol.
Chiết xuất từ các phần trên mặt đất cũng chứa sesquiterpen: 1β,4β,7β-trihydroxyeudesmane; 1β,4β,7β,11-tetrahydroxyeudesmane; homalomentetraol; mucrolidin; 1β,4β,7α-trihydroxyeudesmane; 1β,4β,6β,11-tetrahydroxyeudesmane; oplodiol; bullatantriol; acetylbullatantriol; homalomenol và maristeminol.
Ngoài ra, các hợp chất khác cũng được xác định, như: 3α,7α-dihydroxy-cadin-4-ene; 3-oxofabiaimbricatan; 3β,4α-dihydroxy-7-epi-eudesm-11(13)-ene; integrifonol A; 1β,6β-dihydroxy-7-epi-eudesm-11(13)-ene; 4β,7β,11-enantioeudesmantriol; epiguaidiol; oplopanone; 2α-hydroxyhomalomenol và (-)-T-muurolol.
2.2 Tinh dầu
Thiên niên kiện có chứa tình dầu với hàm lượng là 0,12% trọng lượng tươi, đã xác định được 54 hợp chất, chiếm 88,8% tổng lượng tinh dầu. α-bisabolol (22,8%), benzyl benzoat (11,4%), linalool (8,6%) là thành phần chính của tinh dầu. Ngoài ra còn có α-terpinolen, benzyl salicylat, α-cadinol, β-farnesen, spathoulenol…
2.3 Các hợp chất khác
Ngoài sesquiterpen, một số hợp chất khác cũng được phân lập trong thân rễ Thiên niên kiện, bao gồm: tangeretin, ergosterol peroxide, sitoindoside I, stigmasterol, 5-pentylresorcinol-β-glucoside, protocatechuic acid, 4-hydroxybenzoic acid, vanillic acid, 5-hydroxymethyl-2-furancarboxylic acid, 2-furoic acid, 5-hydroxymethyl-2-furfural, (R)-malic acid, (R)-dimethyl malate, 1,2,3-trimethyl propanetricarboxylate, 4-hydroxytetrahydrofuran-2-one và (1S,2S,4S)-p-menthane-1,2,4-triol.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Tạo phì thảo - Vị thuốc trị bệnh ngoài da, đau xương khớp
3 Tác dụng - Công dụng của cây Thiên niên kiện
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn
Các hợp chất sesquiterpenoid trong thân rễ Thiên niên kiện đã được thử nghiệm về đặc tính kháng khuẩn chống lại Shigella flexneri, S.dysenteriae, S.sonnei, Mycobacterium tuberculosis, Streptococcus ahemolytic và S.pneumoniae bằng phương pháp khuếch tán đĩa giấy. Kết quá cho thấy chiết xuất có khả năng chống lại các vi khuẩn thử nghiệm, được so sánh với thuốc tiêu chuẩn Rifampicin.
3.1.2 Ảnh hưởng tới xương
Chiết xuất chloroform của Thiên niên kiện cũng như các hợp chất riêng lẻ đã được thử nghiệm về hoạt động của chúng trong việc kích thích tăng sinh, biệt hóa và khoáng hóa nguyên bào xương. Các hợp chất oplodiol, oplopanone, homalomenol C và bullatantriol có tác dụng kích thích tăng sinh và biệt hóa đáng kể các nguyên bào xương nuôi cấy, trong khi chiết xuất chloroform và oplodiol kích thích đáng kể quá trình khoáng hóa các nguyên bào xương nuôi cấy trong ống nghiệm. Từ đó cho thấy tác dụng tích cực của Thiên niên kiện trong bệnh xương khớp.
3.1.3 Chống viêm
Các sesquiterpenoid đã phân lập trong thân rễ được đánh giá về tác dụng ức chế của chúng đối với sự biểu hiện protein COX-2 mRNA và COX-2, cũng như quá trình sản xuất prostaglandin E2 (PGE2) trong các tế bào Raw264.7. Kết quả cho thấy các hợp chất homalomenin E, homalomenol C và ledol thể hiện hoạt tính chống viêm mạnh bằng cách ngăn chặn sự biểu hiện COX-2 do LPS gây ra và ức chế sản xuất PGE2 theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Đây là cơ sở cho việc sử dụng Thiên niên kiện trong trị viêm xương khớp.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cốt toái bổ - Vị thuốc bổ thận, chữa đau nhức xương khớp hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Thiên niên kiện có tính ấm, vị đắng, cay, mùi thơm, quy vào kinh can, thận, có tác dụng khư phong thấp, bổ gân cốt, chỉ thống tiêu thũng.
Trong đông y, Thiên niên kiện được dùng trong chữa phong hàn thấp, nhức mỏi gân xương, co quắp tê dại, cũng dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đau dạ dày, Đau Bụng Kinh.
4 Cách dùng và các bài thuốc từ cây Thiên niên kiện
4.1 Cách dùng và lưu ý khi sử dụng Thiên niên kiện
Mỗi ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Hoặc dùng tươi, giã ngâm rượu xoa bóp vào chỗ đau nhức, tê bại, phong thấp. Lá tươi giã với ít muối, đắp ngoài da chữa nhọt độc.
Lưu ý: Không dùng cho người âm hư nội nhiệt, táo bón, nhức đầu.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Chữa thấp khớp, đau nhức xương
Bài 1: Thiên niên kiện 20 phần, Hy Thiêm 40 phần, mộc qua 35 phần, Ngưu Tất 5 phần. Sắc uống.
Bài 2: Thiên niên kiện, dây chiều, kê Huyết Đằng, Đan sâm, Thục Địa, Xích Thược, Thổ Phục Linh, Độc Hoạt, khương hoạt, Tang Ký Sinh, Đỗ Trọng mỗi vị 12g, Đẳng Sâm 20g, Hoài Sơn 16g, ngưu tất 10g, nhục Quế 8g. Sắc uống.
Bài 3: Thiên niên kiện, Ngải Cứu, Thương Nhĩ tử mỗi vị 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ Phục Linh 20g, cỏ nhọ nồi 16g. Sao vàng, sắc uống.
Bài 4: Thiên niên kiện 12g, rễ Bưởi bung 10g, quả dành dành 8g. Thái mỏng, phơi khô, ngâm rượu uống.
Bài 5: Thiên niên kiện, vòi voi, kim ngân, cỏ xước, thổ phục linh, hy thiêm, Ké Đầu Ngựa, trinh nữ, Dây Đau Xương, cây cà gai, đồng lượng. Rửa sạch, phơi khô, đun kỹ, tỷ lệ 1kg dược liệu lấy 1L nước thuốc, chế thành rượu thuốc và siro để uống.
Bài 6: Thiên niên kiện 12, cốt toái bổ 10g, Bạch Chỉ 8g. Sắc uống.
4.3 Cách ngâm rượu Thiên niên kiện uống
Bài 1: Thiên niên kiện, rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong, kê huyết đằng, Hà Thủ Ô trắng, ngũ gia bì. Ngâm rượu uống.
Chú ý: Phụ nữ có thai không dùng rượu Thiên Niên Kiện
4.3.1 Chữa đau bụng kinh
Nguyên liệu: Thiên niên kiện, rễ bưởi bung, rễ bướm bạc, gỗ vang, rễ sim rừng, đồng lượng.
Cách làm: Sắc uống.
4.3.2 Chữa dị ứng, mẩn ngứa, lở sơn
Nguyên liệu: Thiên niên kiện, sả, Gừng mỗi vị 10g.
Cách làm: Sắc uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Jun-Li Yang và cộng sự (Ngày đăng 22 tháng 3 năm 2019). Further sesquiterpenoids from the rhizomes of Homalomena occulta and their anti-inflammatory activity, PubMed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Thiên niên kiện trang 872-873, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
3. Chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Thiên niên kiện trang 282-283, Nhân thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.