Thiên Môn (Asparagus cochinchinensis)
52 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị ho hen, bổ phế, mụn nhọt, táo bón, Thiên môn đông được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Thiên môn đông.
1 Giới thiệu về cây Thiên môn đông
Thiên môn đông còn có tên gọi khác là Thiên môn, Dây tóc tiên, là loài cây ưa sáng và tàn thụi vào mùa đông hoặc mùa khô.
Theo cuốn sách Thần nông bản thảo kinh, Thiên môn đông còn có tên là minh thiên đông, thiên động, là cây dây leo sống lâu năm, phổ biến ở vùng Trung Bộ, Đông Bắc, lưu vực sông Trường Giang đến vùng đất phương Nam. Trong Bản thảo kinh độc có viết: Thiên môn có tác dụng thông khí huyết, mà trên thông với trời, nên gọi là "Thiên đông", cũng vì có tính bình nhưng thực hàn.
Tên khoa học của Thiên môn đông là Asparagus cochinchinensis, thuộc họ Thiên môn (Asparagaceae), mời các bạn theo dõi hình ảnh cây Thiên môn đông ở dưới đây.
1.1 Đặc điểm thực vật
Thiên môn đông là cây thân leo lâu năm, thân màu xanh nhạt, mảnh, bề mặt nhẵn, thường cong hoặc xoắn, dài 1-2m. Thường mọc ở sườn núi, ven đường, dưới rừng cây, thung lũng hay bãi đất hoang, có độ cao dưới 1750 m. Rễ củ có hình thoi, phình ra ở giữa hoặc gần cuối, dài 3-5cm và dày 1-2cm, mọc thành chùm; lõi giữa có màu trắng ngà. lThân mang nhiều cành dài nhọn có 3 cạnh, biến đổi giống như lá, có hình liềm, thường mọc thành cụm 3 hàng một, phẳng hoặc hơi nhọn hình tam giác do gân giữa có hình dạng ke, hơi cong, dài 0,5–8 cm và rộng 1–2 mm. Lá thật rất nhỏ, giống như vẩy.
hoa ở nách lá màu xanh nhạt, quả màu đỏ, cành có góc cạnh hoặc có cánh hẹp. cành lá Cụm hoa thường có hai hoa ở nách lá với các cánh hoa xen kẽ, màu trắng xanh; hoa đơn, nhỏ. Cuống dài 2–6 mm. Khớp thường nằm ở giữa, bao hoa dài 2,5–3 mm, hoa cái có kích thước tương tự hoa đực. Thời kỳ ra hoa và đậu quả thường từ tháng 5 đến tháng 10. Quả mọng, hình cầu; khi quả chín, nó có màu đỏ, đường kính 6–7 mm, mỗi quả chỉ có một hạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phần dùng: Rễ củ.
Mô tả dược liệu: Là những đoạn rễ có hai đầu thuôn nhỏ lại, có màu vàng nhạt tới vàng nâu, trong, mờ, sáng bóng. Thể chất cứng, dai, có chất nhầy dính, mặt cắt ngang mịn màng và bóng nhẹ; có mùi nhẹ, vị đắng nhẹ.
Rễ củ Thiên môn thường được thu hái vào mùa thu đông, rửa sạch phù sa, loại bỏ rễ xơ, giữ lại củ, trụng qua nước sôi 15 phút rồi bóc vỏ và bỏ lõi, tiếp tục sấy khô để thu được phần dược liệu.
1.3 Đặc điểm phân bố
Thiên môn đông phân bố rộng rãi ở các vùng ôn đới và nhiệt đới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Tại Việt Nam, cây mọc hoang tại các vùng ven biển phía nam, ở ngoài bắc được trồng để làm thuốc.
2 Thành phần hóa học
2.1 Saponin steroid
Saponin steroid là thành phần hóa học chính trong chiết xuất rễ củ Thiên môn đông. Cho đến nay, 71 saponin steroid đã được phân lập, chủ yếu bao gồm saponin steroid và ngưng tụ đường. Chúng được phân loại thành saponin spirostanol, saponin isosprirostanol, saponin pseudospirostanol và saponin furostanol dựa trên sự khác biệt về thành phần aglycone.
2.2 C21 - steroid
C21 - steroid là dẫn xuất steroid có 21 nguyên tử carbon và là một trong những hợp chất quan trọng trong chiết xuất Thiên môn đông. Các hợp chất này chủ yếu là các dẫn xuất hydroxyl với pregnane hoặc các chất đồng phân của nó làm khung cơ bản. Theo loại khung xương, chúng có thể được chia thành bốn loại. Ngoài ra, có nhiều nhóm hydroxyl và carbonyl trên nhân mẹ C21 - steroid, và hầu hết các nhóm carbonyl đều ở C20.
2.3 Axit amin
Bốn loại axit amin được phân lập từ A.cochinchinensis, được trình bày trong hình bên dưới.
2.4 Lignan
Lignan là một loại hợp chất tự nhiên được tổng hợp bằng cách trùng hợp các dẫn xuất phenylpropanoid hai phân tử, hầu hết là tự do và một số ít là glycoside liên kết với đường. Hiện tại, một lượng nhỏ lignans đã được xác định từ A.cochinchinensis. So với các hợp chất khác, lignan có ít cấu trúc hơn. Do đó, những nỗ lực trong tương lai nên được thực hiện để phân lập và mô tả đặc điểm của lignan ở A.cochinchinensis .
2.5 Polysacarit
Trong những năm gần đây, polysacarit thực vật đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu cao do hoạt tính sinh học độc đáo và nguồn gốc tự nhiên của chúng, có tiềm năng lớn để bảo vệ sức khỏe con người. Các polysacarit của A.cochinchinensis chủ yếu bao gồm Man, Rha, Glc, Gal, Ara, Xyl, Fru, GlcUA và GalUA..
2.6 Các hợp chất khác
Ngoài năm nhóm hợp chất hóa học thực vật chính được đề cập ở trên, các thành phần khác cũng đã được phân lập, bao gồm một số Flavonoid, tinh bột, đường, chất nhầy, chất khoáng.
3 Tác dụng - Công dụng của Thiên môn đông
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống hen suyễn
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng dịch chiết butanol của rễ Thiên môn đông có tác dụng ức chế sự phát triển của bệnh hen suyễn thông qua các cơ chế tiềm năng khác nhau, bao gồm phục hồi các tế bào miễn dịch, nồng độ huyết thanh IgE, độ dày của biểu mô đường hô hấp và sự xâm nhập của tế bào viêm trong đường thở. Ngoài ra, nó cũng được chứng minh là có tác dụng đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh hen suyễn mãn tính bằng cách ngăn chặn tình trạng viêm và tái tạo đường thở nhờ khôi phục sự điều hòa cholinergic của các tế bào cấu trúc và tế bào viêm trong các mô hình hen suyễn mãn tính.
3.1.2 Chống viêm
Tác dụng chống viêm của chiết xuất Thiên môn đông là nhờ việc nó có thể ức chế sự tiết ra yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α) bằng cách ức chế sự tiết Interleukin 1 (IL-1), từ đó ức chế viêm cấp tính và mãn tính. Ngoài ra, độ dày của da và trọng lượng mô, quá trình sản xuất cytokine gây viêm, hoạt động myeloperoxidase (MPO) qua trung gian bạch cầu trung tính và các thông số mô bệnh học đã giảm đáng kể. Hơn thế nữa, chiết xuất thảo dược này có thể ức chế quá trình sản xuất NO của tế bào RAW264.7 do LPS kích thích, biểu hiện COX-2, sản xuất các loại oxy phản ứng (ROS) và chu kỳ tế bào cytokine gây viêm.
3.1.3 Chống oxy hóa
A.cochinchinensis được chứng minh là làm tăng đáng kể hoạt động của các enzym chống oxy hóa như superoxide dismutase (SOD), catalase (CAT), nitric oxide synthase (NOS), NO và Glutathione Peroxidase (GPX). Nó có thể cải thiện khả năng miễn dịch và bảo vệ đáng kể gan và thận khỏi tổn thương oxy hóa, đồng thời có khả năng nhặt gốc tự do mạnh mẽ, ức chế quá trình oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa.
3.1.4 Chống khối u
Chiết xuất Thiên môn đông ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư phổi tế bào lớn ở người (NCI-H460) bằng cách gây ra quá trình chết theo chương trình và ngừng chu kỳ tế bào. Ngoài ra, dịch chiết của A.cochinchinensis đã ức chế quá trình chết theo chương trình do TNF-α gây ra của các tế bào Hep G2; do đó có thể ngăn chặn khả năng gây độc tế bào do EtOH gây ra.
3.1.5 Chống trầm cảm và bảo vệ thần kinh
Chiết xuất A.cochinchinensis kích hoạt các con đường truyền tín hiệu phosphatase 2 (Shp-2), ERK1/2 và Akt, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều trị trầm cảm và bảo vệ thần kinh; nó chứa phenol, saponin và protodiosgenin giúp tăng cường tiết yếu tố tăng trưởng thần kinh và giảm ROS nội bào trong tế bào thần kinh và các dòng tế bào microglia, ức chế hoạt động của acetylcholinesterase, do đó cải thiện bệnh Alzheimer.
3.1.6 Ảnh hưởng đến đường ruột
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất A.cochinchinensis có thể điều trị tổn thương đường ruột do các ion kim loại gây ra. Đồng thời, saponin trong chiết xuất rễ có thể làm tăng tần suất phân, quá trình vận chuyển qua Đường tiêu hóa, độ dày lớp niêm mạc, bề mặt dạ dày phẳng và số lượng tế bào paneth, do đó đóng vai trò trong việc điều trị táo bón. Ngoài ra, fructan loại Inulin đã được chứng minh là có tác dụng điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột một cách có lợi.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Rễ củ Thiên môn đông có tính đại hàn, vị ngọt, đắng, quy vào kinh phế, thận, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, tiêu đờm, lợi tiểu, nhuận tràng.
Cao Thiên môn có tác dụng gì? Trong đông y, cây Thiên môn đông được dùng trong chữa ho, viêm họng, viêm mũi, tiểu đường, táo bón. Dạng dùng ngoài da giúp trị mụn nhọt, viêm da có mủ, rắn cắn.
Theo cuốn sách Thần nông bản thảo kinh có viết: Thiên môn đông có vị đắng, tính hàn. Chủ trị phong thấp cấp dẫn đến bán thân bất toại, có tác dụng mạnh gân cốt, diệt các ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Bên cạnh đó, dược liệu còn có tác dụng ngăn chựn các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Sử dụng lâu dài tốt cho cơ thể gầy yếu, bổ ích nguyên khí, tăng cường chức năng hoạt động của cơ thể, kéo dài tuổi thọ.
Vì Thiên môn đông có công dụng trừ thấp nhiệt, nên có thể diệt hết các loại ký sinh trùng trong cơ thể. Ngoài ra, phong độc, khí độc ở bên ngoài xâm nhập vào cơ thể là yếu tố dẫn đến đau nhức chân tay, phong thấp, bán thân bất toại, và Thiên môn đông đều có thể chữa trị. Kinh độc cho rằng: Thiên môn đông thân mập, mọc lạn rộng, mềm trơn, vì thế mà “không chứng tắc nghẽn nào không thể trị thông", cho nên có tác dụng trị phong thấp tốt nhất. Thiên môn đông đạt được tinh hoa của hàn thủy, nên giúp dưỡng thận thủy, bổ gân cốt, thận khỏe thì nguyên khí sung mãn, nguyên khí sung mãn thì không đói không khát, tuổi thọ tự nhiên được kéo dài.
Bản thảo cương mục có viết: Thiên môn đông có tác dụng thanh nhiệt, ngoài ra còn có tác dụng “thanh kim - giảng hỏa", nhuận phổi, hóa đờm, thích hợp trị các chứng bệnh ho có đờm, ho khan. Trong thương hàn - dược tỉnh phủ cho rằng: Thiên môn đông thanh nhiệt hóa đờm, đồng thời còn có công hiệu chữa bệnh thận. Tác dụng trị liệu thận của Thiên môn đông trong Bản thảo cương mục ghi rằng: Nó có tác dụng thông thận khí, trị dương vật không cương cứng. Về sau Y học lâm sàng hiện đại thường xuyên sử dụng để thanh trừ hỏa phế, thận âm hư, nhuận tràng, trị ho lao, ho ra máu, nôn ra máu, lưỡi khô miệng khát, táo bón... Nghiên cứu đã chứng minh, Thiên môn đông có tác dụng chống nấm, vi khuẩn, phù thũng, ung nhọt, diệt ấu trùng của ruồi, muỗi. Nhưng cần chú ý, nếu như có hiện tượng tỷ, vị hư hàn, bệnh tiểu dưỡng, tốt nhất là không nên dùng.
4 Các bài thuốc từ cây Thiên môn đông
4.1 Cách nấu cao Thiên môn trị ho, phổi yếu, nhiều đờm, nóng trong tim, khô miệng, hay khát
Nguyên liệu: Thiên môn đông tươi, 7 chén rượu, 1 chén Mạch nha, 160g Tử Uyển.
Cách làm: Thiên môn đông rửa sạch bỏ vỏ bỏ lõi, giã lấy 7 chén nước cốt. Cho nước cốt vào nồi, thêm các nguyên liệu còn lại, nấu thành cao, mỗi ngày uống một lượng bằng quả táo.
4.2 Trị phổi yếu, hư lao, phong nhiệt
Nguyên liệu: Thiên môn đông, Mật ong.
Cách làm: Thiên môn đông tán thành bột mịn, trộn với mật ong, vo thành viên hoàn, mỗi lần uống 20 viên cùng trà ấm.
Hoặc có thể nấu chín Thiên môn đông tươi rồi bỏ vỏ và lõi, ăn trực tiếp.
4.3 Trị suy yếu, phục hồi sau ốm sốt lâu ngày
Nguyên liệu: Nhân sâm 4 – 8g, Thiên môn đông, Thục Địa mỗi vị 10 – 20g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
4.4 Tư âm, dưỡng huyết, ôn bổ hạ nguyên
Nguyên liệu: Thiên môn đông, Sinh Địa mỗi vị 80g, Nhân sâm 40g, Táo tàu 9 quả.
Cách làm: Rửa Thiên môn đông, sinh địa bằng rượu, sau đó chưng chín và phơi 9 lần tới khi thật khô. Nhân Sâm tán thành bột mịn, táo tàu bỏ hạt, trộn đều tất cả, giã nhuyễn, vo thành viên hoàn nhỏ như hạt ngô, uống với rượu nóng 30 viên/lần x 3 lần/ngày trước khi ăn.
4.5 Trị suyễn, nóng xương, bứt rứt, miệng khát, mồ hôi trộm ở phụ nữ
Nguyên liệu: Thiên môn đông, Thanh hao, Miết giáp (mai ba ba), Mạch Môn, Sài Hồ, Ngưu Tất, Bạch Thược, Địa cốt bì, Ngũ Vị Tử đồng lượng.
Cách làm: Sắc lấy nước uống trong ngày.
4.6 Trị loét miệng lâu ngày
Nguyên liệu: Thiên môn đông, Mạch môn, Huyền Sâm đồng lượng.
Cách làm: Tán nhỏ thành bột mịn, trộn với Mật Ong tạo viên hoàn to bằng hạt long nhãn, mỗi lần lấy 1 viên ngậm.
4.7 Trị tiêu khát
Nguyên liệu: Thiên môn đông, mạch môn, ngũ vị tử.
Cách làm: Nấu thành cao, thêm mật ong để dùng dần.
4.8 Trị nám da mặt
Nguyên liệu: Thiên môn đông khô.
Cách làm: Tán nhuyễn, trộn với mật ong vo thành viên hoàn, mỗi lần rửa mặt lấy 1 viên pha vào nước rửa.
4.9 Cải thiện làn da, nhan sắc tươi trẻ
Nguyên liệu: Thiên môn đông, thục địa, hồ ma nhân.
Cách làm: Tán nhuyễn, trộn với mật ong, vo thành viên hoàn bằng hạt long nhãn, mỗi lần uống 20 viên với nước nóng.
4.10 Trị táo bón
Nguyên liệu: Thiên môn đông 10g; sinh địa 12g; Đương Quy, huyền sâm, hạt gai đay mỗi thứ 10g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
5 Phân biệt Thiên môn đông và Thiên môn chùm
Thiên môn đông | Thiên môn chùm | |
Tên thường gọi | Củ éo biển | Củ éo núi |
Tên khoa học | Asparagus conchinchiensis | Asparagus racemosus |
Đặc điểm thực vật | Hoa đơn tính, quả hình cầu có một hạt duy nhất | Hoa lưỡng tính, quả chia 3 múi, có thể chứa nhiều hạt |
Công dụng | Dưỡng phế âm, lợi tiểu tiêu viêm | Dưỡng thận âm, bổ bào cung, bổ cho phụ nữ |
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Meng Wang và cộng sự (Ngày đăng 30 tháng 11 năm 2022). Asparagus cochinchinensis: A review of its botany, traditional uses, phytochemistry, pharmacology, and applications, Frontiers in Pharmacology. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2023.
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Thiên môn đông trang 281-282, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2023.
- Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh (Xuất bản năm 2021). Thiên môn đông, trang 45-46. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.