Thiên Lý (Telosma cordata)
3 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Thiên lý được biết đến khá phổ biến với công dụng giúp ngủ ngon, giảm tiểu đêm, giảm mệt mỏi, chữa trĩ… Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Thiên lý.
1 Giới thiệu về cây Thiên lý
Thiên lý còn có tên gọi khác là Hoa thiên lý, Hoa lý, mọc ở bờ rào, giàn cây; thường được trồng bằng cách giâm cành trên đất thịt không đọng nước.
Tên khoa học của Thiên lý là Telosma cordata (Burm.f.) Merr. (Asclepias cordata Burm.f.), thuộc họ Thiên lý (Asclepiadoideae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây Thiên lý là loại dây leo quấn dài hàng mét, thân cành hơi có lông, có mủ trắng. Lá mọc đối, mỏng và mềm, phiến lá hình tim, dài 6-11cm, rộng 4-7,5cm, chóp nhọn, hai mặt nhẵn và gần như cùng màu lục, mép lá nguyên thường cong lên, chỉ có lông ở các gân; cuống lá dài 1-2cm.
Hoa khá to, nhiều, màu vàng lục nhạt, mùi thơm dễ chịu, mọc thành cụm hình xim dạng tán ở nách lá. Đài có 5 răng nhọn có lông; tràng có ống rất ngắn, cánh thuôn dài có lông rải rác ở mặt ngoài; cột nhị nhụy rộng, cao bằng nửa ống tràng, nhị có khối phấn hình cầu. Quả đại, dài 6-10cm, rộng 12-14mm. Hạt dài 1,5cm, có mào lông dài 3cm. Ra hoa tháng 4-5.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, hoa, rễ.
Thu hái lá và rễ quanh năm, thu hái hoa khi cây có hoa và quả, phơi hoặc sấy khô dùng dần.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây được trồng ở khắp mọi nơi trên cả nước. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác.
2 Thành phần hóa học
Nụ hoa được báo cáo là có các thành phần dinh dưỡng sau: 11g chất khô, 1,18g chất xơ, 2,62g đường, 3,13g protein, 0,74mg Vitamin C, 52mg β-caroten, 19mg Ca và 0,92mg Fe. Hàm lượng Flavonoid (mg/100 g FW) của nụ hoa lên tới 12,8% chất khô được tạo thành từ các flavonoid sau: quercetin 0,2mg, kaempferol 8,7mg và flavonoid tổng số 8,9mg. Tổng cộng có 43 hợp chất được xác định từ tinh dầu của loài hoa Thiên lý. Geraniol, β-ionone, dihydro-β-ionone, dihydro-β-ionol và cis-theaspirane và trans-theaspirane được phát hiện là đóng góp phần lớn vào mùi hương đặc trưng của hoa.
Phân đoạn của các chất chiết xuất đã cho các hợp chất thuộc các lớp khác nhau. Bốn hợp chất Lutein, L-dotriacontanol, 24E -stigmasta-5,22-dien-3β-ol và daucosterol được phân lập từ dịch chiết n-hexan.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Hòe - Vị thuốc cầm máu, giải nhiệt, hạ đường huyết hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của hoa Thiên lý
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tốt cho việc giảm cân
Hoa Thiên lý là một lựa chọn tuyệt vời mà bất kỳ ai đang muốn giảm cân, chống béo phì không nên bỏ qua. Hoa chứa nhiều chất xơ, chất diệp lục và tương đối ít calo, đó là lý do tại sao chúng có tác dụng giảm cân. Do đó, các món ăn được chế biến từ hoa Thiên lý sẽ làm tăng cảm giác no và giảm hấp thu chất béo khi tiêu thụ, từ đó hỗ trợ giảm cân đối với những người thừa cân, béo phì.
3.1.2 Ngăn ngừa phát ban nhiệt
Rôm sảy ở trẻ em trở thành vấn đề sức khỏe điển hình trong mùa hè nắng nóng; tuy không nguy hại đến sức khỏe của trẻ nhưng lại gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Nấu bột hoặc cháo cho trẻ ăn với hoa Thiên lý nghiền nát để ngăn ngừa điều này. Hoa Thiên lý có tính mát, tác dụng giải nhiệt, giúp cơ thể thanh nhiệt giải độc. Như vậy món ăn này có thể phát huy tác dụng trị chứng phát ban do nhiệt.
3.1.3 An thần, chống mất ngủ
Trong đông y, loài hoa này được cho là vị thuốc an thần, cải thiện giấc ngủ cho người bệnh. Chúng ta có thể sử dụng hoa Thiên lý để chống mất ngủ theo những cách sau: Sử dụng 50g hoa Thiên lý và lá Neem. Sau đó rửa sạch và nấu thành súp để ăn trong một tuần, tình trạng mất ngủ sẽ cải thiện rõ rệt. Tác dụng an thần cũng được tạo ra khi hoa Thiên lý được nấu với thịt bò băm nhỏ hoặc cá chép. Điều này giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ.
3.1.4 Hỗ trợ người bệnh trĩ
Hoa Thiên lý còn được coi là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng cho những người bị bệnh trĩ. Ngoài ra, loài hoa này có chứa các đặc tính kháng khuẩn tự nhiên mạnh giúp loại bỏ vi sinh vật và ngăn chặn chứng viêm. Các yếu tố có trong hoa Thiên lý cũng có tác dụng tăng tốc độ chữa lành vết thương. Nấu hoa Thiên lý để người bệnh trĩ bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày những món ăn bổ dưỡng. Những công thức tại nhà này không chỉ tuyệt vời mà còn có tác dụng giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây hoa Sen - Chữa mất ngủ, cơ thể suy nhược hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Thiên lý có tính bình, vị ngọt nhạt, quy vào kinh , có tác dụng bình can, thanh mục, tiêu viêm mắt, làm tan màng mộng, làm nhanh lên da non và thanh nhiệt giải độc. Hoa còn có tác dụng giải nhiệt, an thần gây ngủ, trị giun kim.
Trong đông y, hoa Thiên lý được dùng trong làm thuốc bổ mát, giúp ngủ ngon không trằn trọc, giảm đái đêm và đỡ mệt mỏi đau lưng.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Thiên lý
4.1 Cách dùng
Quả Thiên lý có ăn được không? Thông thường, người ta hay ăn hoa hơn là quả vì chứa nhiều dinh dưỡng và có lợi ích tốt hơn quả.
Ngày dùng 3-5g hoa hoặc lá dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng quả thay cho hoa. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát đắp. Rễ dùng 12-20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy lá hơ nóng đắp chữa mụn nhọt, lở loét.
Tác hại của hoa Thiên lý: Hoa chứa một lượng nhỏ độc tố alkaloid, có thể gây ngộ độc, do đó không nên dùng cho người có hệ tiêu hóa suy yếu hoặc chưa hoàn thiện như trẻ sơ sinh, người già.
4.2 Bài thuốc
Nấu canh lá hoặc hoa Thiên lý làm thuốc bổ mát, an thần dễ ngủ, giảm mệt mỏi: Canh Thiên lý nấu với rau khủ khởi và lá Mướp Đắng non, ăn mỗi ngày.
Chữa đái buốt, đái ra máu hoặc nước tiểu có cặn trắng: Rễ Thiên lý (10-20g) thái nhỏ sắc với 200ml nước tới khi còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày.
Chữa viêm kết mạc cấp và mạn tính, viêm giác mạc: Hoa hoặc lá Thiên lý 3-6g, sắc lấy nước uống.
Trị lòi dom và sa dạ con: Lấy 30-50g lá với 5% muối giã nhỏ, ép lấy nước cốt tẩm bông rịt vào hậu môn hay âm hộ (sau khi đã rửa sạch chỗ đau bằng nước muối), mỗi ngày thay 1 lần, dùng trong 3-4 ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả T. K. Lim (Xuất bản năm 2013). Telosma cordata trang 107-110, Edible Medicinal And Non-Medicinal Plants. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Thiên lý trang 867, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2023.