Thảo Đậu Khấu (Alpinia katsumadai Hayt.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) | Zingiberales (Gừng) |
Họ(familia) | Zingiberaceae (Gừng) |
Chi(genus) | Alpinia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Alpinia katsumadai Hayt. |
Thảo đậu khấu thuộc dạng cây cỏ, sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1-2 mét. Thân rễ cây có màu nâu đỏ. Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình mác, chiều dài mỗi lá khoảng 30-55cm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Alpinia katsumadai Hayt.
Tên gọi khác: Ngẫu tử.
Họ thực vật: Zingiberaceae (Gừng).
Ngoài vị Thảo đậu khấu được đề cập dưới đây thì nước ta có một vị thảo dược cũng tên là Thảo đậu khấu (đây là quả của cây Se có tên khoa học là Alpinia globosa Horan).
1.1 Thảo đậu khấu là gì?
Thảo đậu khấu thuộc dạng cây cỏ, sống lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1-2 mét. Thân rễ cây có màu nâu đỏ.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình mác, chiều dài mỗi lá khoảng 30-55cm, chiều rộng từ 2 đến 9cm.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm, chiều dài mỗi cụm hoa khoảng 30cm, hoa có màu trắng, tràng hình ống.
Quả hình cầu, đường kính mỗi quả khoảng 3,5cm, còn đài tồn tại. Quả của cây Thảo đậu khấu có màu vàng khi quả chín.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt.
Thời điểm thu hái: Vào tháng 8 đến tháng 9 hàng năm.
Chế biến: Quả sau khi hái về đem phơi gần khô sau đó bóc vỏ, tiếp tục phơi cho đến khô hẳn. Một số nơi còn hái quả về sau đó nhúng vào nước sôi rồi mới đem phơi, phơi gần khô thì bỏ vỏ và phơi tiếp cho đến khi khô hẳn. Nhân dân ở đảo Hải Nam chế biến Thảo đậu khấu bằng cách hái quả về, đem ngâm trong nước sôi 2-3 giờ sau đó bỏ vỏ và phơi khô, cách làm này giúp hạt chắc, không bị tách rời nhưng hàm lượng tinh dầu lại bị giảm bớt.
1.3 Thảo đậu khấu được trồng ở đâu?
Thảo đậu khấu hiện nay mới được khai thác ở đảo Hải Nam và Quảng Đông của Trung Quốc, cây chưa tìm thấy ở nước ta.
2 Thành phần hóa học
Hạt của cây Thảo đậu khấu có chứa tinh dầu với hàm lượng 4%, tinh dầu có mùi Long Não.
3 Thảo đậu khấu có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Thảo đậu khấu có tác dụng chống oxy hóa.
Một số nghiên cứu đã điều tra tác động của chiết xuất Ethanol từ AKH lên khả năng sống của nhiều loại tế bào ung thư ở người và tế bào gan bình thường LX-2 bằng cách sử dụng xét nghiệm Cell Counting Kit-8. Kết quả cho thấy rằng, Thảo đậu khấu ức chế đáng kể sự phát triển và gây ra apoptosis liên quan đến autophagy trong các tế bào ung thư bằng cách điều chỉnh các con đường truyền tín hiệu AMPK và Akt/mTOR/p70S6K. Do đó, Thảo đậu khấu có thể có tiềm năng được phát triển thành các tác nhân chống ung thư mới để sử dụng trong lâm sàng.
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu thử nghiệm cho chuột bị hen suyễn sử dụng chiết xuất ethanol từ Thảo đậu khấu, kết quả cho thấy rằng, Thảo đậu khấu là dược liệu tiềm năng trong điều trị hen suyễn thông qua việc ức chế đáng kể sự gia tăng các cytokine loại Th2 và biểu hiện mRNA như IL-4 và IL-5 trong BALF và mô phổi, và ức chế hiệu quả IgE, IgG2a, tăng bạch cầu ái toan và tăng tiết chất nhầy.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Thảo đậu khấu hiện nay mới chỉ dùng trong Đông y.
Tính vị: Thảo đậu khấu có vị cay, tính ôn, chát.
Tác dụng: Giải độc, khử hàn táo thấp, ôn trung khai vị.
Thảo đậu khấu thường được dùng trong trường hợp nôn mửa, dạ dày lạnh đau, giải độc khi ăn phải cá độc, bệnh nhân đau dạ dày nôn ra nước chua. Ngoài ra, cây còn được dùng để chữa say rượu, tả lỵ.
Liều dùng thông thường là 3-6g mỗi ngày.
4 Giá Thảo đậu khấu là bao nhiêu?
Thảo đậu khấu có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn 1kg, bạn đọc nên tìm mua ở những địa chỉ uy tín, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến kinh tế cũng như sức khỏe trong quá trình sử dụng.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Thảo Đậu Khấu trang 409-410. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Si Eun Lee và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2003). Antioxidant activity of extracts from Alpinia katsumadai seed, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Weixiao An và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2022). Alpinia katsumadai Hayata induces growth inhibition and autophagy‑related apoptosis by regulating the AMPK and Akt/mTOR/p70S6K signaling pathways in cancer cells, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Mee-Young Lee và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2010). Alpinia katsumadai seed extract attenuate oxidative stress and asthmatic activity in a mouse model of allergic asthma, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2024.