Thanh Ngâm (Mật Cá, Mật Đất - Picria fel - terrae Lour.)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Lamiales (Hoa môi)

Họ(familia)

Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)

Chi(genus)

Picria

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Picria fel - terrae Lour.

Danh pháp đồng nghĩa

Curanga amara Juss.

Thanh Ngâm (Mật Cá, Mật Đất - Picria fel - terrae Lour.)

Cây thảo, sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng 20cm. Thân cây có cạnh, phân nhiều nhánh, vỏ ngoài có màu lục hoặc màu đỏ tím, bề mặt nhẵn hoặc hơi có lông. Dùng để trị rắn cắn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Picria fel - terrae Lour.

Tên đồng nghĩa: Curanga amara Juss.

Tên gọi khác: Cây mật cá, Thằm ngăm đất.

Họ thực vật: Hoa mõm chó Scrophulariaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng 20cm. Thân cây có cạnh, phân nhiều nhánh, vỏ ngoài có màu lục hoặc màu đỏ tím, bề mặt nhẵn hoặc hơi có lông.

Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trái xoan hoặc hình trứng rộng, chiều dài mỗi là khoảng 3,5 đến 4,5cm, chiều rộng từ 2,5 đến 3cm. Gốc lá tròn, đầu lá tù, mũi hơi nhọn, méo lá có khía răng tù, hai mặt của lá nhẵn. Cuống lá đôi khi hơi có cánh.

Cụm hoa mọc thành chùm ở đầu cành, gồm 5-6 hoa màu trắng, lá bắc có dạng hình trái xoan.

Quả nang, có dạng hình trứng dẹt, mũi nhọn, nằm trong đài tồn tại.

Mùa hoa quả từ tháng 9 đến tháng 11.

Hoa của cây Thanh ngâm
Hoa của cây Thanh ngâm

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Mùa hạ.

Chế biến: Phơi khô, có khi sao thơm để dùng.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Picria Lour. tại nước ta chỉ có một loài là Thanh ngâm. Cây có nguồn gốc ở khu vực Ấn Độ - Myanmar, hiện nay, vùng phân bố tự nhiên của cây là Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Lào, Indonesia, Philippin.

Tại nước ta, thanh ngâm phân bố chủ yếu ở vùng núi thấp với độ cao phân bố dưới 1000 mét và các khu vực trung du gồm Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tây. Cây chưa phát hiện thấy ở các tỉnh phía Nam.

Thanh ngâm là loại ưa ẩm, chịu bóng nhẹ, thường mọc ở các khu vực ven rừng, chân núi đá vôi, khe suối. Cây thường mọc tập trung thành từng đám nhỏ, ra quả hoa hàng năm, có khả năng tái sinh bằng hạt, cây được trồng từ cành.

Cây Thanh ngâm
Cây Thanh ngâm

2 Thành phần hóa học

Cây chứa glucosid curangin.

3 Tác dụng - Công dụng của cây thanh ngâm

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng kháng nọc rắn

Dịch chiết bằng cồn 60 độ từ toàn cây Thanh ngâm khô khi cho chuột nhắt trắng uống theo liều tính theo dược liệu khô là 50g/kg cho thấy tác dụng bảo vệ sau khi đã tiêm cho động vật thí nghiệm 1 liều tối thiểu gây chết bằng nọc độc của rắn hổ mang. Tỷ lệ bảo vệ rơi vào khoảng 30%.

3.1.2 Tác dụng trợ tim

Glycosid curangin có tác dụng tương tự digitalin do đó có tác dụng trợ tim.

Thanh ngâm
Thanh ngâm

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Toàn cây có vị đắng, chát, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc, lợi thấp, giảm đau, cầm máu.

Lá cây có tác dụng làm ra mồ hôi, kích thích ruột, điều kinh, lợi tiểu.

3.2.2 Công dụng

Lá cây thường được sử dụng trong các trường hợp bị bệnh gan, phù thũng, đau dạ dày, đau vùng thượng vị.

Toàn cây được dùng trong các trường hợp cảm sốt, đau bụng, sốt rét, đau thắt lưng, vết thương, ghẻ lở. Toàn cây Thanh ngâm còn được dùng làm thuốc tẩy giun. Liều dùng là 8-12g sắc nước uống, có thể phối hợp cùng với các vị thuốc khác.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Thanh ngâm

4.1 Thuốc bổ máu cho phụ nữ sau sinh

10g Thanh ngâm.

10g sâm đại hành.

20g nghệ vàng.

Sâm đại hành và nghệ vàng đem thái nhỏ, sấy hoặc phơi khô, tán bột, mỗi ngày uống 1 lần, uống cùng với nước sắc Thanh ngâm đặc. Dùng trong 7-10 ngày.

4.2 Chữa kinh sợ, kém ăn, hoảng hốt, kém ngủ

10g toàn cây thanh ngâm.

10g hạt Táo Chua.

10g quả trắc bá.

10g Hoài Sơn.

10g hạt Sen.

10g Mạch Môn.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

4.3 Chữa đau thượng vị đột ngột

20g thanh ngâm.

Đem sắc còn 100ml, thêm 1 chén rượu rồi uống.

Hình ảnh mặt dưới lá
Hình ảnh mặt dưới lá

4.4 Chữa ho gà đau ngực

10g lá thanh ngâm.

10g Rau Má.

Đem hãm hoặc sắc nước uống.

4.5 Chữa đái ra máu

15g thanh ngâm sắc nước uống.

4.6 Thuốc tẩy giun

Toàn cây Thanh ngâm, dùng 6-12g cây khô, đem sắc với 200ml nước cho đến khi còn 50ml. Có thể dùng 30g cây tươi, rửa sạch, băm nhỏ, đem trộn cùng với trứng, rán ăn vào sáng sớm khi bụng còn đói.

4.7 Trị rắn cắn

Thanh ngâm và dạ cẩm dùng tươi. Liều dùng là 20-30g giã nát, chắt lấy nước cốt để uống, bã đắp vào chỗ bị rắn cắn.

Có thể dùng riêng 50g thanh ngâm tươi.

4.8 Chữa ghẻ, mẩn ngứa

Thanh ngâm, dây bòng bong dùng lượng bằng nhau, dùng tươi. Đem nấu nước rồi tắm.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Thanh ngâm, trang 821-822. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Thanh Ngâm (Mật Cá, Mật Đất - Picria fel - terrae Lour.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633