Thăng Ma (Acetaea cimicifuga L.)
43 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Thăng ma được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa trĩ, sa tử cung. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Thăng ma thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Thăng ma
Thăng Ma còn có tên gọi khác là Thăng ma (Bắc), có tên khoa học là Acetaea cimicifuga L., thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae).
Thăng ma ở Trung Quốc dùng một số loài cùng chi: Cimicifuga dahurica (Bắc Thăng ma), C.heracleifolia (Thiên Thăng ma) và C.foetida (Tây Thăng ma).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 1-2m, có lông nhỏ. Thân mọc đứng, phân nhánh nhiều. Lá kép lông chim, mọc so le, lá chét hình trứng hoặc hình mác, mép có răng cưa sâu và nhọn, lá chét tận cùng chia 3 thùy.
Cụm hoa mọc ở ngọn hoặc kẽ lá gần ngọn thành chùy phân nhánh rộng. Hoa gần đều, đường kính 6mm, có 5-7 cánh, màu trắng, xếp lớp, hình trứng, 1 hoặc 2 cánh trong xẻ sâu thành 2 thùy; nhị nhiều, dài hơn lá đài; bầu nhiều noãn. Quả dài 12mm, dẹt, có vòi nhụy tồn tại, hạt 6-8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ.
Thu hái vào mùa hè thu, phơi khô nửa chừng thì đốt cháy lớp rễ con, rồi phơi cho thật khô.
Mô tả dược liệu: Là những khối dài ngắn khác nhau, phân nhánh nhiều, có nhiều mấu nhỏ. Vỏ ngoài nâu đen hoặc nâu, thô nháp, còn sót lại nhiều rễ nhỏ. Thể chất nhẹ, cứng, khó bẻ. Mặt bẻ sù sì, có xơ, màu vàng lục hoặc vàng nhạt. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và chát.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây hiện có ở Trung Quốc, chưa tìm thấy hay nhập trồng ở Việt Nam.
2 Thành phần hóa học
2.1 Triterpenoid
Hầu hết các triterpenoid được phân lập từ Thăng ma là các triterpenoid loại cimigenol và shengmanol:
Loại triterpenoid | Hợp chất |
Cimigenol | Cimiracemoside A & C, Cimigenoside, 25-O-Acetylcimigenol xyloside, Cimicifoetiside B, 25,3'-O-Diacetylcimigenol-3-β-Dxylopyranoside, 25,4'-O-Diacetylcimigenol-3-β-Dxylopyranoside, Cimifoetiside IV, Cimigenol, 25-O-Acetylcimigenol, (23R,24R)-25-O-Acetylcimigenol-3-O-β-D-xylopyranoside, 12β-Hydroxy-7(8)-en-cimigenol, 25-Anhydrocimigenol xyloside, 25-Anhydrocimigenol, 24-epi-Cimigenol-3-one, Cimigenol-3,12-dione, Acerinol, Methyl-3,4-seco-4-hydroxy-3-cimigenolate |
Shengmanol | Cimicifugoside H1 & H2, 11-Dehydroxy-15-hydroxycimicidanol, Heracleifolinoside B, 2'-O-Acetyl cimiracemoside M… |
Cimiracerogenin | Cimiracemonol B, Cimyunnin A |
Cimifugenin | 23-epi-26-Deoxyactein, 26-Deoxyactein, Cimicifugoside, Actein, Yunnanterpene D & E |
Foetidinol | Cimilactone C |
Isodahurinol | Cimiracemoside E |
2.2 Phenylpropanoids
2.2.1 Phenylpropionic Acid
Một lượng lớn dẫn xuất axit caffeic đã được tìm thấy trong Thăng ma với nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như axit hydroxycinnamic bao gồm axit caffeic, axit ferulic và axit isoferulic. Thăng ma là loài thực vật quý hiếm có chứa cả axit ferulic và axit isoferulic. Hơn nữa, axit phenolic, cụ thể là các dẫn xuất của axit fukiic, bao gồm axit cimicifugic A-J, shomasides A-E và cimiracemate A-D, là thành phần hóa học đặc trưng của chi Cimicifuga.
2.2.2 Phenylpropanoid Glycosides
Hai glycoside phenylpropanoid, cimidahurine và cimidahurinine, được phân lập từ thân rễ của Bắc Thăng ma. Glycosyl của chúng lần lượt là hexose galactose và glucose. Ngoài ra, hai glycoside phenolic amide đã biết bao gồm cimicifugamid và isocimicifugamide được lấy từ các loài Thăng ma châu Á.
Trong những năm gần đây, một số phenolic và phenolic amit alloside/glycosides đã được phân lập từ chiết xuất n-BuOH của thân rễ Thiên Thăng ma. Hơn nữa, một phenolic amide glycoside, cụ thể là cimicifugamide A, được phân lập từ thân rễ của Bắc Thăng ma.
2.2.3 Lignans
Hai lignan đã được tìm thấy trong cây Thăng ma. Actaealactone, một neolignan có nguồn gốc từ C.racemosa. Ngoài ra, (+)- isolariciresinol-3-O-β-D-glucopyranoside cũng được xác định từ thân rễ của Bắc Thăng ma, được báo cáo là thành phần lignan của các cây thuộc chi Cimicifuga.
2.3 Hợp chất chứa nito
Nhiều loại hợp chất amide và alkaloid đã được tìm thấy trong Thăng ma. Đã phân lập được Cimicifine A, một alkaloid triterpene loại cycloartane, từ thân rễ của Tây Thăng ma. Ngoài ra, một số alkaloid loại guanidine đã được xác định từ chiết xuất etanol 75% của rễ/thân rễ Thăng ma, bao gồm cimipronidine, cyclocimipronidine và dopargine cũng như salsolinol, một alkaloid loại tetrahydroisoquinoline.
2.4 Các hợp chất khác
Furan chromone: Cimifugin, visnagin, norkhelloside.
Flavonoid: Isoflavone formononetin.
4α-metyl sterol: Cimisterol A.
Triterpen loại olean: 3β,6β-dihydroxyolean-12-en-27-oic acid, aceriphyllic A.
Monoterpene lactone: Cimicifugolides A-C.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Sài hồ - Vị thuốc trị cảm sốt, đau nhức, suy nhược cơ thể
3 Thăng ma có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Thăng ma có rất nhiều hoạt động dược lý khác nhau, bao gồm:
- Điều trị hội chứng mãn kinh: Chiết xuất Thăng ma giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ sau mãn kinh. Có tác dụng tương tự estrogen, làm giảm các triệu chứng như khô mắt và khô miệng ở phụ nữ mãn kinh. Đồng thời cải thiện các triệu chứng mãn kinh tốt tương đương Tibolone.
- Chống loãng xương: Giúp giảm đáng kể hoạt tính phosphatase kiềm (ALP) trong huyết thanh và mức độ bề mặt nguyên bào xương, cũng như khối lượng xương phân tử được bảo tồn, thể tích xương, chỉ số mô hình cấu trúc và mật độ khoáng xương của siêu hình xương chày gần hoặc siêu hình xương đùi ở chuột bị loãng xương.
- Chống viêm: Cơ chế là ức chế các yếu tố gây viêm như Interleukin, yếu tố hoại tử khối u TNF-…
- Chống virus HIV: Bằng cách ức chế sự vận chuyển nucleoside trong quá trình gây bệnh của HIV.
- Chống khối u: Cimicifuga thể hiện tác dụng gây độc tế bào mạnh trên dòng tế bào ung thư biểu mô cổ tử cung ở người (Hela) và dòng tế bào nguyên bào sợi của chuột. Dịch chiết ngăn chặn hiệu quả sự tăng sinh tế bào của các dòng tế bào ung thư vú MCF-7 và MDA-MB-231 được kích thích bởi Estradiol.
- Giãn mạch: Cơ chế của nó có thể là do sự ức chế dòng Ca2+ đi vào, được trung gian bởi việc mở các kênh Kali chỉnh lưu bên trong, giúp điều trị các triệu chứng mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa và tăng huyết áp.
- Chống tiểu đường: Giúp giảm trọng lượng cơ thể, giảm nồng độ Glucose trong huyết tương, cải thiện chuyển hóa glucose và độ nhạy Insulin.
- Chống bệnh Alzheimer: Thông qua ức chế acetylcholinesterase, giảm sản xuất amyloid- peptide.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Thăng ma có tính bình, vị ngọt cay, hơi đắng, quy vào kinh tỳ, vị, phế, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong, thăng dương, làm ra mồ hôi, thúc đẩy sởi mọc.
Trong đông y, Thăng ma được dùng trong chữa đau nhức răng, loét họng, sốt rét, đau đầu, ban sởi, đậu mùa, sa tử cung, băng huyết, bạch đới, trĩ.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Rau Diếp cá - Vị thuốc giải nhiệt, trị trĩ, viêm hiệu quả
4 Các bài thuốc từ cây Thăng ma
4.1 Trị bệnh răng miệng
Viêm amidan mạn tính: Thăng ma 6g, Huyền Sâm 16g, sa sâm, Mạch Môn, tang bạch bì, Ngưu Tất mỗi vị 12g, Xạ Can 8g, Cát Cánh 4g. Sắc uống.
Loét miệng: Thăng ma, trúc diệp, ngọc trúc, huyền sâm, tri mẫu mỗi vị 8g, thạch cao 40g, sinh địa, lô căn mỗi vị 20g, mộc thông 6g, Cam Thảo 4g. Sắc uống.
Viêm loét lợi: Thăng ma, Hoàng Cầm, liên kiều, ngưu bàng tử, Bạc Hà, ngọc trúc mỗi vị 12g, thạch cao sống 40g, sinh địa, huyền sâm mỗi vị 16g, tri mẫu, Hoàng Liên mỗi vị 8g. Sắc uống.
Viêm nha chu mạn tính: Thăng ma, sinh địa, huyền sâm, sa sâm, Quy Bản, thạch hộc, kỷ tử, ngọc trúc mỗi vị 12g, Kim Ngân Hoa 16g, Bạch Thược 8g. Sắc uống.
Chảy máu chân răng: Thăng ma, hoàng liên, ngọc trúc, huyền sâm, trắc bá diệp mỗi vị 12g, thạch cao 20g, sinh địa, thiên môn mỗi vị 16g. Sắc uống.
4.2 Trị bệnh phụ nữ
Rong kinh: Thăng ma, Hoàng Kỳ, Bạch Truật mỗi vị 8g, Đảng Sâm 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Bế kinh: Thăng ma, đương quy, sài hồ, bạch thược, Đan sâm, ngưu tất mỗi vị 8g, hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm mỗi vị 12g, Trần Bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Rong huyết: Thăng ma 8g, đảng sâm 16g, hoàng kỳ, bạch truật, ô tặc cốt, Mẫu Lệ mỗi vị 12g, huyết dụ 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Rong huyết sau sinh: Thăng ma, Xuyên Khung, hoàng kỳ, a giao, Sơn Thù, Đương Quy mỗi vị 8g, bạch truật 16g, phục linh, đảng sâm, Thục Địa, Tục Đoạn mỗi vị 12g, bạch thược 10g, cam thảo 6g, nhục Quế 4g. Sắc uống.
4.3 Trị sốt, sởi, quai bị
Cảm sốt, ban sởi, ban sởi không mọc, gây biến chứng: Thăng ma 6g, Cát Căn 16g, bông trang, nọc sởi, kim ngân hoa, Kinh Giới mỗi vị 10g, liên kiều (hoặc Đơn Kim), cam thảo dây mỗi vị 8g. Sắc uống.
Sởi: Thăng ma, ngưu bàng tử, liên kiều, cát căn mỗi vị 8g, phù binh, đậu sị mỗi vị 12g, xác ve sầu 4g. Sắc uống.
Quai bị: Thăng ma, liên kiều, thiên hoa phấn, hoàng cầm, cát cánh mỗi vị 8g, thạch cao 16g, ngưu bàng, cát căn mỗi vị 12g, sài hồ, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống.
4.4 Trị táo bón, trĩ, sa tử cung
Táo bón ở người già, phụ nữ đẻ nhiều lần: Thăng ma, hoàng kỳ, bạch truật, đẳng sâm, Sài Hồ mỗi vị 12g, đương quy, Nhục Thung Dung, bá tử nhân, vừng đen mỗi vị 8g, trần bì, cam thảo mỗi vị 6g. Sắc uống.
Trĩ: Thăng ma, đương quy, địa du sao đen, Hoa Hòe sao đen mỗi vị 8g, Đẳng Sâm 16g, hoàng kỳ, bạch truật, sài hồ, kinh giới sao đen mỗi vị 12g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Sa tử cung: Thăng ma, hoàng kỳ, bạch truật, sài hồ mỗi vị 12g, đẳng sâm 16g, đương quy, trần bì mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.
4.5 Trị bệnh đường niệu
Tiểu máu: Thăng ma, đương quy, trần bì mỗi vị 8g, cỏ nhọ nồi sao 16g, hoàng kỳ, bạch truật, đẳng sâm, sài hồ, Ngải Cứu sao, xích thạch chi, ngầu tiết sao mỗi vị 12g, cam thảo 6g. Sắc uống.
Tiểu rắt, tiểu són, tiểu không tự chủ: Thăng ma, hoàng kỳ, bạch truật, sài hồ, sơn thù, khiếm thực, Hoài Sơn mỗi vị 12g, đẳng sâm 16g, đương quy, tang phiêu diêu mỗi vị 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
4.6 Trị bệnh khác
Viêm tai giữa mạn tính: Thăng ma, đương quy, hoàng bá, hoàng liên mỗi vị 8g, đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, sài hồ, Phục Linh mỗi vị 12g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Viêm gan virus cấp tính: Thăng ma, hoàng liên, đan sâm, huyền sâm, Thạch Hộc mỗi vị 12g, Nhân Trần 40g, Sinh Địa 24g, Chi Tử, đan bì, sừng trâu mỗi vị 16g. Sắc uống.
Vảy nến: Thăng ma, tử thảo mỗi vị 12g, hòe hoa sống, sinh địa, Thổ Phục Linh, thạch cao mỗi vị 40g, Ké Đầu Ngựa 20g, chích thảo 4g. Sắc uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Yaqing Guo và cộng sự (Ngày đăng 14 tháng 9 năm 2017). Traditional uses, phytochemistry, pharmacology and toxicology of the genus Cimicifuga: A review, Science Direct. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
2. Chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Thăng ma trang 280-281, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.