Thài Lài (Rau Trai - Commelina communis L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) | Commelinales (Thài lài) |
Họ(familia) | Commelinaceae (Thài lài) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Commelina communis L. |
Thài lài thuộc dạng cây thảo, cây sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 60cm, hơi có lông mềm, có lông tơ hay lông lởm chởm. Rễ thuộc dạng rễ sợi. Thân cây phân nhánh. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Commelina communis L.
Tên gọi khác: Rau trai, Trai thường.
Họ thực vật: Commelinaceae (Thài lài).
1.1 Đặc điểm thực vật
Thài lài thuộc dạng cây thảo, cây sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 60cm, hơi có lông mềm, có lông tơ hay lông lởm chởm.
Rễ thuộc dạng rễ sợi. Thân cây phân nhánh, thường mọc rạp xuống, các rễ đâm từ đốt.
Lá cây thuộc dạng lá thuôn hay có hình ngọn giáo, bẹ ở gốc, chiều dài mỗi lá khoảng từ 4 đến 9cm, chiều rộng từ 1,5 đến 2cm, lá không có cuống.
Cụm hoa xim không có cuống, lá bắc dạng mo mọc bao quanh nhìn giống như con trai, mỗi mo gồm 2 hoa. Hoa có 3 lá đài màu xanh và 3 cánh hoa có màu xanh lơ.
Quả của cây Thài lài thuộc dạng quả nang thường bao bởi bao hoa, mọc thuôn hay gần hình cầu, mỗi quả gồm 4 hạt.
Dưới đây là hình ảnh cây Thài lài:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Thài lài được tìm thấy ở Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam và các nước ở châu Phi.
Thài lài thường mọc ở những khu vực có đất ẩm ven đường, ven rừng, ven sông suối hoặc các ruộng đất ẩm.
Cây ra hoa vào tháng 5 đến tháng 9, ra quả vào tháng 6 đến tháng 11.
1.4 Cây Thài lài có mấy loại?
Thài lài có 6 loại gồm:
- Thài lài (tên khoa học là Commelina communis L.).
- Thài lài lá dài (tên khoa học là Commelina longifolia Lam.).
- Thài lài lông (tên khoa học Commelina benghalensis L.).
- Thài lài nước (tên khoa học là Commelina paludosa Blume).
- Thài lài tím (tên khoa học là Tradescantia pallida (Rose) Hunt).
- Thài lài trắng (tên khoa học là Commelina diffusa Burm. f.).
2 Thành phần hóa học
Thài lài có chứa một số thành phần hóa học như:
- Awobanin.
- Delphin.
- Flavocommenlin.
- Commelinin.
Hạt của cây có chứa dầu béo.
3 Tác dụng của cây Thài lài
3.1 Tác dụng dược lý
Chiết xuất từ cây Thài lài có tác dụng chống viêm liên quan đến việc ức chế con đường NF- κ B và có thể được sử dụng để điều trị tình trạng viêm mãn tính.
3.2 Công dụng trong Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Thài lài có vị ngọt, nhạt, tính hàn, cây có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu thũng, lợi thủy.
3.2.2 Công dụng
Thài lài thường được dùng trong các trường hợp cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm amidan cấp, phù thũng, viêm hầu họng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường sinh dục, viêm ruột thừa cấp, kiết lỵ.
Liều dùng thông thường được khuyến cáo là 30-40g dưới dạng thuốc sắc.
Thài lài có thể dùng ngoài trong trường hợp viêm mủ da, giải độc trong trường hợp bị rắn cắn, Bọ Cạp đốt gây đau buốt. Ngoài ra, cây Thài lài dùng để chữa xương khớp bằng cách lấy lá để đắp ngoài khi bị sưng đau đầu gối.
4 Cây Thài lài chữa bệnh gì?
4.1 Chữa viêm họng, viêm amidan
30g Thài lài tươi đem sắc nước uống hoặc dùng 90-120g cây tươi giã nát, chắt lấy nước cốt uống trong thời gian dài.
4.2 Chữa viêm cầu thận cấp, phù thũng, đái ít
30g Thài lài.
30g Cỏ xước.
30g Mã Đề.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
4.3 Viêm đường hô hấp trên
30g Thài lài.
30g Dâu tằm.
30g Bồ Công Anh.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
4.4 Chữa rắn cắn
16g Thài lài đem rửa sạch, nhai nuốt lấy nước, bã dùng để đắp lên chỗ rắn cắn, mỗi ngày làm 1-2 lần.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Thài lài, trang 818-819. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Ji-Hee Kim và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2022). Treatment with Commelina communis Extract Exerts Anti-inflammatory Effects in Murine Macrophages via Modulation of the Nuclear Factor-κB Pathway, NCBI. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2024.