Táo Tây (Apple - Malus domestica)
15 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Táo Tây là loại quả được ưa chuộng trên thị trường làm thực phẩm, tuy nhiên, ăn táo tây cũng mang lại rất nhiều lợi ích như bổ sung dinh dưỡng, ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư, cao huyết áp... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Táo Tây.
1 Đặc điểm của quả Táo tây
Táo tây còn gọi là trái bôm hay bình ba, siêu phàm tử..., tên tiếng Anh là Apple.
Táo tây có tên khoa học là Malus domestica, Malus communis Poir., Malus communis Poir.,... thuộc họ hoa hồng - Rosaceae.
Trong quả táo tây có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa cao, mang lại lợi ích tuyệt vời khi bổ sung táo tây với lượng thích hợp.
2 Mô tả thực vật
Táo tây là một loài cây rụng lá, với chiều cao từ 2 đến 4,5 m trong điều kiện canh tác và có thể cao tới 9 m trong tự nhiên.
Mỗi bông hoa có 5 cánh, mọc thành từng cụm gồm 4-6 bông trên thân hoặc cành cây táo.
Trái táo còn được gọi là quả pome, thường thu hoạch quả vào cuối hạ hay mùa thu.
Hầu hết táo tây được trồng từ chồi ghép và gốc ghép vì táo không sinh sản ổn định từ hạt.
2.1 Cây táo tây có trồng được ở Việt Nam không?
Táo trồng được cho là có nguồn gốc ở Trung Á từ loài hoang dã Malus siersii (Ledeb.) M. Roem.
Tại Việt Nam, cây táo tây có thể sinh trưởng cho quả ở cả miền Bắc và miền Nam, miền Bắc, cây táo tây thường được trồng vào mùa xuân, mùa thu còn miền Nam được trồng vào đầu mùa mưa.
3 Thành phần hóa học
Các lớp cấu trúc chính của thành phần táo bao gồm polyphenol, polysacarit (pectin), phytosterol và triterpen pentacyclic. Ngoài ra, các vitamin và nguyên tố vi lượng hoàn thiện các đặc tính dinh dưỡng của quả táo.
Táo chứa hàm lượng polyphenol cao (lên đến 2 g/kg trọng lượng tươi) và các chất hóa học thực vật khác, nhiều chất trong số đó là chất chống oxy hóa mạnh.
Các hoạt chất sinh học của táo bao gồm polyphenol, axit hydroxycinnamic, Flavonoid glycosyl hóa, flavan-3-ols, proanthocyanidins (PAC), polysacarit (pectin), phytosterol, triterpen pentacyclic, axit triterpene, dihydrochalcones và vitamin.
Ngoài ra, nhiều loại hợp chất chống oxy hóa có trong táo và vỏ táo đã được báo cáo như catechin, axit chlorogenic, epicatechin, cyanidin-3-galactoside, procyanidin, axit coumaric, axit gallic, phloridzin, quercetin-3 galactoside và quercetin-3- rhamnoside
So với thịt táo, vỏ táo chứa hàm lượng flavonoid cao, đặc biệt là quercetin và epicatechin.
Triterpenoids và liên hợp quercetin chỉ được tìm thấy trong vỏ, cùng với nồng độ procyanidin, catechin, epicatechin và phloridzin cao hơn nhiều. Hàm lượng phenolic cao gấp 2 đến 6 lần và flavonoid cao gấp 2 đến 3 lần ở phần vỏ so với phần thịt quả. Tuy nhiên, lượng axit chlorogenic trong thịt cao hơn so với trong vỏ. Do đó, vỏ táo có hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính chống tăng sinh lớn hơn nhiều so với thịt quả.
Vitamin C trong táo đóng góp ít hơn 0,4% trong tổng số hoạt động chống oxy hóa. Loại quả này chứa tới 17% pectin và axit pectic.
Hydrogen xyanua, được giải phóng từ amygdalin glycoside cyanogen, được tìm thấy trong hạt. Ngoài ra, hạt chứa một loại dầu bán khô màu vàng (glucoside phlorizin) có mùi giống như quả hạnh đắng.
Lá, vỏ và rễ táo có chứa phloretin, một chất kháng khuẩn hoạt động trong ống nghiệm ở nồng độ thấp.
4 Táo tây có tác dụng gì?
4.1 Theo y học cổ truyền
Đông y cho rằng, táo tây tính mát, vị chua ngọt, có tác dụng sinh tân nhuận phổi, kiện tỳ, dưỡng tâm ích khí, thanh nhiệt giải thử, giải độc rượu, kiện tỳ.
Công dụng táo tây nó trong y học cổ truyền rất đa dạng, bao gồm điều trị ung thư, tiểu đường, kiết lỵ, táo bón, sốt, bệnh tim, bệnh còi và mụn cóc. Táo cũng được cho là có hiệu quả trong việc làm sạch răng. Nước trái cây được tiêu thụ tươi, lên men như rượu táo, hoặc chưng cất thành rượu táo. Gỗ của cây táo được coi là củi đốt.
4.2 Các nghiên cứu hiện đại
Hiện nay có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các hoạt chất sinh học có trong táo và vỏ táo có khả năng cải thiện sức khỏe con người, ví dụ như góp phần ngăn ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm nhiễm và ung thư.
Bằng chứng ngày càng tăng từ các nghiên cứu in vitro, in vivo và dịch tễ học cho thấy rằng flavonoid có trong táo có thể bảo vệ chống ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, hen suyễn, béo phì, các bệnh mãn tính khác và tử vong chung.
Các tác dụng có lợi cho sức khỏe có thể là do các chất hóa học thực vật, đường Fructose và chất xơ có trong táo. Táo chứa ít calo, chất béo và natri, những đặc điểm đóng góp tích cực cho sức khỏe tim mạch.
Táo sống là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan và không hòa tan trong chế độ ăn kiêng, 2/3 trong số đó được tìm thấy trong vỏ. Chất xơ hòa tan, chẳng hạn như pectin, có thể giúp giảm mức cholesterol và bình thường hóa lượng đường trong máu và Insulin. Chất xơ không hòa tan thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và giúp di chuyển thức ăn nhanh chóng qua đường tiêu hóa; do đó nó có thể có hiệu quả trong điều trị táo bón, túi thừa và một số loại ung thư. Hoạt tính chống oxy hóa, cùng với tác dụng của hàm lượng chất xơ, đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến nhiều cơ chế liên quan đến việc ngăn ngừa ung thư và bảo vệ tim mạch.
Táo tây có thể cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân viêm khớp, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng và viêm dạ dày cấp tính đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng.
Nhiều cơ chế bảo vệ tim mạch có liên quan đến hoạt tính chống oxy hóa của táo, cùng với tác dụng của hàm lượng chất xơ trong táo. Các cơ chế liên quan bao gồm giảm quá trình oxy hóa lipid, giảm cholesterol, cải thiện đường huyết và lipid trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, tác dụng có lợi đối với bệnh béo phì, cải thiện chức năng nội mô và hoạt tính sinh học của oxit nitric, và loại bỏ độc tố urê huyết thông qua sự kết hợp của một số polyphenol (tức là tyrosine, tryptophan) bởi hệ vi sinh vật đường ruột.
Một nghiên cứu trên chuột bị viêm đại tràng do hóa chất cho thấy tác dụng điều hòa miễn dịch và chống viêm có lợi của procyanidin trong táo đối với tế bào biểu mô ruột và tế bào lympho nội biểu mô, cho thấy táo có thể là tác nhân phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm ruột. Một nghiên cứu khác cho thấy việc sử dụng đó táo giàu polyphenol cải thiện tình trạng viêm ruột kết ở chuột đang phát triển bệnh viêm ruột tự phát.
Các nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình chuột cống và chuột nhắt đã chứng minh rằng sự suy giảm chức năng não trong quá trình lão hóa có thể được ngăn chặn bằng cách tăng tiêu thụ táo.
5 Tương tác
Một số nghiên cứu đã báo cáo tương tác thuốc dược động học không đáng kể với các sản phẩm tự nhiên.
Nước ép táo có thể làm giảm khả năng hấp thụ một số loại thuốc thông qua ức chế OATP, có liên quan đến việc hấp thu thuốc ở ruột, gan và thận.
6 Lưu ý
Táo khá an toàn khi được dùng làm thực phẩm, phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú có thể dùng, tuy nhiên, tránh ăn quá nhiều do chưa có nghiên cứu lâm sàng về độc tính
Do hàm lượng hydro xyanua của chúng, không nên ăn hạt táo với số lượng lớn do có khả năng gây độc, và triệu chứng ngộ độc mất vài giờ mới xảy ra
7 Tài liệu tham khảo
- Tác giả: Chuyên gia Drugs (Ngày đăng: Ngày 22 tháng 12 năm 2022). Apples, Drugs.com. Truy cập ngày 12 tháng 07 năm 2023.
- Tác giả: Jiri Patocka và cộng sự (Ngày đăng: Ngày 19 tháng 10 năm 2020). Malus domestica: A Review on Nutritional Features, Chemical Composition, Traditional and Medicinal Value, MDPI. Truy cập ngày 12 tháng 07 năm 2023.