Tảo Đỏ
13 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Tảo Đỏ từ lâu đã trở thành nguồn dinh dưỡng quan trọng, không chỉ cung cấp dinh dưỡng, Tảo Đỏ còn có nhiều tác dụng có lợi đối với sức khỏe. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Tảo Đỏ.
1 Tảo đỏ là gì?
Tảo được định nghĩa là một nhóm tập hợp tất cả các thực vật bậc thấp có diệp lục
Trong nhóm thực vật bậc thấp có diệp lục gồm: 9 ngành tảo, 1 ngành địa y. Ngành tảo đỏ (Rhodophyta) hay Rong biển đỏ là một trong 9 ngành này, chủ yếu tảo đỏ sinh trưởng phát triển ở biển, tại mức nước sâu tới hơn 200m
Tổ chức cơ thể tản đa bào hình sợi phân nhánh hay hình bản dẹp, gốc có đĩa bám hay rễ giả, chỉ một số rất ít có dạng đơn bào. Kích thước của tản không lớn thường nhỏ hơn 0,5m
2 Cấu tạo tế bào
Tế bào tảo đỏ có vách bằng chất Cellulose, phía ngoài có chất geloze hay agar - agar (chất keo nhầy) bao bọc, hoặc thấm thêm chất vôi (CaCO3) nên cứng rắn. Một nhân nằm trong chất nguyên sinh ở sát vách.
Thể màu hình sao, hình đĩa, hình hạt, hình que hay hình dải, chứa diệp lục a và d, và hai chất màu phụ là phycoerythrin (màu hồng) và phycoxyanin (màu xanh) giống của Khuẩn lam. Nhờ 2 chất màu phụ này có khả năng hút các tia xanh, tia lục.
Tảo đỏ có thể sống ở những mức nước khá sâu. Tuỳ theo hàm lượng các chất màu mà cơ thể có màu đỏ tươi, đỏ tía, hồng hay gần như xanh. Đại đa số tế bào Tảo đỏ không có hạch tạo bột, sản phẩm đồng hóa là amylodextrin giống như tinh bột nhưng khi gặp iốt thì cho màu đỏ nhạt chứ không phải màu xanh (gọi là tinh bột Tảo đỏ).
3 Sinh sản và phát triển
Tảo đỏ có thể sinh sản theo 3 cách:
Tảo đỏ sinh sản sinh dưỡng bằng khúc tản.
Ngoài ra, tảo đỏ còn sinh sản vô tính bằng bào tử bất động, số lượng bào tử hình thành trong túi thường ít (1 hoặc 4), các túi bào tử này nằm ở đầu sợi hoặc ở mấu các tản.
Hay sinh sản hữu tính noãn giao. Cơ quan sinh sản đực là túi tinh, các túi tinh thường tụ họp lại thành nhóm nằm ở phần cuối của tản, mang các tinh tử hình cầu không roi (giống bào tử bất động). Cơ quan sinh sản cái là túi noãn đơn bào, có 2 phần: phần bụng phình to trong chứa 1 noãn cầu và phần trên kéo dài thành 1 vòi. Tinh tử nhờ nước dẫn đến túi noãn chui qua vòi đã hóa keo, vào thụ tinh với noãn cầu. Sau khi thụ tinh phần vòi héo đi, còn hợp tử phân chia theo 2 cách:
- Hợp tử phân chia giảm nhiễm ngay trong bụng túi noãn thành nhiều quả bào tử (n thể nhiễm sắc) họp lại thành bảo quả. Sau này mỗi quả bào tử sẽ phát triển thành 1 tản mới đơn bội. Trong trường hợp này tảo không có giai đoạn lưỡng bội trong chu trình sống, nghĩa là không có giao thế hình thái.
- Hợp tử không phân chia giảm nhiễm ngay mà phát triển thành các quả bào tử 2n cũng tụ họp thành bào quả. Sau đó quả bào tử phát triển thành những tản 2n (thể bào tử) mang các túi bào tử với 4 bào tử đơn bội (n) trong mỗi túi. Trường hợp này tảo có giai đoạn lưỡng bội (dù rất ngắn) và có giao thế hình thái (ở chi Tảo nhiều ống - Polysiphonia)
4 Các đại diện chính trong ngành tảo đỏ
4.1 Rong mứt (chi Porphyra)
Tản hình bản màu mận hồng với mép nhẵn hay lượn sóng, có cuống ngắn bám vào giá thể, thường gặp ở bờ biển miền Bắc nước ta. Rong mứt là loại rong biển quý, chứa nhiều vitamin, protein và chất khoáng, được nhân dân các nước Nhật Bản, Trung Quốc ưa thích.
4.2 Rong thạch (chi Gelidium)
Tản hình sợi phân nhánh. Dùng để chế thạch, từ thạch có thể dùng làm bánh, mứt, kẹo, chế hồ dùng trong công nghiệp, làm thuốc chữa bệnh, và làm môi trường nuôi cấy vi sinh vật.
4.3 Rau câu (chi Gracillaria)
Tản hình sợi hay hình bản dẹt. Được dùng làm nộm ăn, nấu thạch (agar agar) ăn như một món giải khát.
4.4 Rong sụn (Kappaphycus alvarezii)
Nguồn quan trọng cung cấp Carrageenan là nhóm Polysaccharide tạo Gel và độ nhớt.
Dài tới 2m, màu xanh hoặc vàng, sinh trưởng nhanh, có thể tăng gấp đôi sinh khối sau 15 ngày.
4.5 Tản san hô (chi Corallina)
Tản mọc đứng, phân đốt, phân nhánh dạng lông chim. Tản hóa đá vôi khi già, là thành phần của các rạn san hô.
5 Vai trò của tảo
Tảo có vai trò quan trọng trong thiên nhiên và trong đời sống con người. Tảo có mặt ở khắp mọi nơi, xuất hiện ở mọi môi trường sống trên trái đất, từ vùng sa mạc nóng và lạnh khắc nghiệt đến vùng đất đá băng tuyết và mọi thủy vực.
+ Tảo là những sinh vật sản xuất sơ cấp, chúng tạo nên một nguồn thức ăn phong phú ở trong nước cho các động vật nhỏ và đặc biệt là cho cá. Chúng đóng vai trò chính trong loạt chuỗi thức ăn của các sinh vật ở các hệ thủy vực.
+ Khi quang hợp, tảo thải ra khí oxi cung cấp cho các động vật ở nước, đồng thời hút vào khí cacbonic. .
+ Cùng với địa y, một số tảo là đội quân tiên phong sống ở các vùng núi cao, cằn cỗi, mở đường cho các thực vật khác đến định cư.
+ Một số Tảo đỏ có màng tế bào khảm chất đá vôi nên cùng với san hô tạo thành các đảo san hô.
Một số Tảo đỏ được dùng trong công nghiệp làm giấy, chế keo, hồ giấy, hồ vải, tơ nhân tạo...
Trong nông nghiệp, Tảo được dùng làm phân bón, thức ăn gia súc. Tảo tiểu cầu có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên được dùng làm thức ăn gia súc và làm thức ăn cho người trên các con tàu vũ trụ.
Nhiều tảo khác là nguồn thực phẩm của con người, và chiết xuất hóa học của tảo được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và nhiều ngành công nghiệp khác, như rong mứt (Porphyra), rau câu (Gracillaria)....
Tảo còn được dùng trong y học làm thuốc chữa bệnh, đặc biệt hiện nay tảo được dùng làm Thực phẩm chức năng phổ biến trên thế giới.
Trong tương lai công dụng của tảo sẽ phát triển trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất thực phẩm.
6 Công dụng với sức khỏe
Các yếu tố tạo nên tảo gồm 75% là chất hữu cơ (lipid, protid, glucid, vitamin) và 25% là khoáng chất, các nguyên tố vi lượng như iốt, magiê, moliden, fluo, kali... nên rất có giá trị trong các lĩnh vực làm đẹp, sức khỏe, dinh dưỡng...
6.1 Tảo giàu sinh tố và vi lượng
Trong tảo chứa nhiều bêta-carotene, là chất chống ôxy hóa, tiền sinh tố A nhưng thành phần lipid thấp nên thường được sử dụng dưới dạng bột để thay thế chất béo trong nhiều thực phẩm chế biến.
6.2 Ngăn ngừa bệnh ung thư
Tảo biển có thể giúp ngừa bệnh ung thư, nhất là ung thư vú do có tác dụng làm giảm lượng estrogen - nguyên nhân gây ung thư. Phụ nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt nên bổ sung tảo biển trong chế độ ăn hàng ngày (khoảng 700mg) để cân bằng lại.
6.3 Sản xuất các chế phẩm thuốc
Chất chiết xuất từ tảo được dùng làm thuốc sủi hoặc thuốc viên nang và cả những loại thuốc không tan trong dạ dày, chỉ phóng thích hoạt chất ở ruột non. Ngoài ra tảo còn được nghiên cứu làm thuốc cầm máu và sát trùng.
6.4 Giúp làm đẹp
+ Vì tảo biển chứa các chất căn bản trong trị liệu như nước, Muối Khoáng và dinh dưỡng cho cơ thể nên thường được sử dụng để chăm sóc da. Tảo phóng thích các hoạt chất tác động hiệu quả trong nước tắm, trong kem xoa mặt và toàn thân nhờ hàm lượng magiê và Kali cao, giúp cơ thể chống lại các khối u xơ ở cơ bắp, làm săn da, giảm hiện tượng da sần, da vỏ cam.
+ Chất chiết từ tảo còn được dùng trong một số sản phẩm như thuốc đắp, thuốc làm mặt nạ, kem hoặc dùng để tắm. Riêng tảo đỏ Asparagopsis có tính năng diệt khuẩn và nấm, giúp chống mụn và hiện tượng gàu.
+ Do thành phần khoáng chất có trong tảo biển tương tự thành phần cấu tạo của các chất lỏng trong cấu trúc cơ thể người nên không gây kích ứng cho làn da. Do vậy có thể dùng tảo để tự chăm sóc da tại nhà bằng cách đắp mặt nạ, chăm sóc da toàn thân...
+ Để đắp mặt có thể dùng tảo tươi hoặc tảo bột. Nếu dùng tảo tươi, chỉ cần nghiền nát tảo rồi đắp lên mặt (tránh vùng quanh mắt) trong thời gian từ 5 đến 10 phút rồi rửa lại bằng nước ấm. Khi dùng tảo ở dạng bột thì hòa chung một muỗng nhỏ bột tảo với một muỗng lớn sữa tươi hay sữa chua, sau đó dùng cọ phết bột tảo lên mặt để trong khoảng 20 - 30 phút rồi rửa mặt lại bằng nước lạnh. Mặt nạ tảo có tác dụng làm sáng da và tăng độ đàn hồi.
+ Để chăm sóc da toàn thân, có thể kết hợp tảo với muối biển. Đây là một trong những phương thức thường được áp dụng trong các spa. Muối được pha với tinh dầu có vị ấm và mùi thơm tự nhiên như húng Quế, Gừng, sả... để thoa đều khắp cơ thể theo vòng tròn nhằm lấy sạch đi lớp tế bào chết trên cơ thể, sau đó thoa tảo biển lên toàn bộ cơ thể và ủ trong 20 phút. Phương pháp này sẽ giúp tạo ra làn da sáng mịn và cơ thể khỏe mạnh. Người ta thường phát nhạc nhẹ trong phòng tắm, giúp người được trị liệu có được trạng thái thư giãn hoàn toàn.
6.5 Tác dụng dinh dưỡng
+ Những món ăn từ tảo biển rất thích hợp với người ăn chay và tiêu hóa kém.
+ Tảo đỏ chứa nhiều Vitamin A, được dùng để chế biến món salad hoặc kết hợp với các thực phẩm khác như sò, ốc, nghêu...
+ Tảo biển màu đỏ porphyra dạng khô được dùng như món rau trong bữa ăn hàng ngày của người Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và người xứ Wales vì chứa nhiều vitamin A, B.
+ Tảo giàu chất dinh dưỡng đã, đang, sẽ được sử dụng làm thực phẩm và thực phẩm chức năng để góp phần nuôi sống con người, nhất là thời kỳ gia tăng dân số, đất chật người đông.
7 Tài liệu tham khảo
- Thực phẩm chức năng - Functional Food (Xuất bản năm 2017). Ngành Tảo đỏ (Rhodophyta) 1016 - 1031, Thực phẩm chức năng - Functional Food. Truy cập ngày 27 tháng 06 năm 2023.