Tang Ký Sinh (Scurrula parasitica L.)
44 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Tang ký sinh được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đau nhức xương khớp. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Tang ký sinh.
1 Tang ký sinh là gì?
Tang Ký Sinh còn có tên gọi khác là Tầm gửi cây dâu, mọc ký sinh trên thân cây dâu tằm, là cây ưa sáng, ưa ẩm, ra hoa quả nhiều.
Ở nước ta, có 2 loài tầm gửi có tên khoa học lần lượt là Loranthus chinensis và Loranthus parasiticus có thể ký sinh trên nhiều vật chủ là các loài cây khác nhau như cây Gạo, cây Dâu tằm, cây Bưởi, cây Mít,... Về bản chất, các cây chủ khác nhau và quá trình trao đổi chất khác nhau cũng sẽ tạo nên những tác dụng dược lý khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng, cây Dâu tằm là vật chủ tốt nhất của cây Tầm gửi và cây Tầm gửi ký sinh trên cây Dâu tằm cho thành phần dược chất cao nhất, cao hơn khi ký sinh trên các loài cây khác.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loài Tầm gửi được thu hái nhưng không rõ vật chủ là cây nào, các phương pháp kiểm tra theo tiêu chuẩn hiện nay không thể phân biệt được. Do đó, cần có biện pháp chặt chẽ hơn.
Tên khoa học của Tang ký sinh là Scurrula parasitica L. (Loranthus parasiticus (L.) Merr.), thuộc họ Tầm gửi (Loranthaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ thường xanh, sống ký sinh nhờ các rễ mút. Cành hình trụ, khúc khuỷu, màu xám hay nâu đen. Lá mọc so le, hình bầu dục, dài 3-8cm, rộng 2,5-5cm, gốc thuôn nhọn hoặc hơi tròn, đầu tù đôi khi lõm, mép hơi lượn sóng, gân phụ cong, cuống lá ngắn.
Cụm hoa mọc ở nách lá thành chùm ngắn gần như hình tán; lá bắc nhỏ hình tam giác; hoa màu đỏ hoặc hồng tím, đài hình chùy có răng nhỏ, tràng hình trụ hơi phình ở giữa, có lông; nhị 4, chỉ nhị dài hơn bao phấn; bầu hạ. Quả hình bầu dục, có vết tích của đài tồn tại. Mùa hoa quả tháng 1-3.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thu hái quanh năm, phơi hay sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin… Tại Việt Nam, cây phân bố phụ thuộc vào nơi có trồng cây dâu tằm.
2 Thành phần hóa học
Điều tra về thành phần chung của Tang ký sinh cho thấy nó chứa hàm lượng chất xơ thô rõ rệt lên tới 82,28%. Cây cũng chứa 9,21% độ ẩm, 2,44% tro, 2,70% protein thô, 0,77% chất béo thô và 2,60% các thành phần khác. Coriaria lactone là nhóm hợp chất quan trọng nhất được phân lập từ Tang ký sinh và bao gồm sesquiterpene lactone như coriamyrtin, tutin, corianin và coriatin. Các sesquiterpen này được phân lập từ chiết xuất Ethanol của lá Tang ký sinh ký sinh trên cành của C.sinica. Việc phân lập các sesquiterpenoid này từ C.sinica cũng gợi ý rằng chúng đã được vận chuyển từ cây ký chủ và tích lũy trong Tang ký sinh mà không bị chuyển hóa. Hai proanthocyanidin đã biết của AC trimer và (þ)-catechin đã được xác định từ phần nước của lá Tang ký sinh. Hình dưới cho thấy cấu trúc hóa học của các hợp chất được phân lập từ Tang ký sinh.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Dây đau xương - Trị đau nhức xương khớp và hỗ trợ tiêu hoá
3 Tang ký sinh có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Theo nghiên cứu, Tang ký sinh, với tổng hàm lượng phenolic cao nhất, được phát hiện là có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất. Các chất chiết xuất khác nhau thu được từ lá và cành của Tang ký sinh, khi được đánh giá về hoạt tính chống oxy hóa của chúng bằng hoạt tính khử gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH), cho thấy rằng chất chiết xuất từ nước thể hiện giá trị hoạt tính chống oxi hóa cao nhất 73,48%. Phần nước cho thấy hoạt động khử năng lượng mạnh nhất đối với quá trình peroxy hóa lipid và hoạt động thu hồi gốc tự do DPPH. Phần nước cũng tạo ra tổng hàm lượng phenolic cao nhất bao gồm axit phenolic, flavonoid, anthocyanin và tanin, do đó cho thấy tiềm năng sử dụng chiết xuất thực vật Tang ký sinh như một nguồn tự nhiên của chất chống oxy hóa.
3.1.2 Bảo vệ thần kinh
Hoạt tính bảo vệ thần kinh của chiết xuất etanol, etyl axetat và các phân đoạn nước từ lá Tang ký sinh khi được đánh giá chống lại các tế bào lai NG108-15, đã chỉ ra rằng phần nước thể hiện hoạt tính bảo vệ thần kinh mạnh nhất với hiệu suất 78,00%. Các đặc tính apoptotic bị suy giảm đáng kể, đã xác nhận tác dụng bảo vệ thần kinh của phần nước Tang ký sinh. Các hợp chất được phân lập, AC trimer và (þ)-catechin, từ phần nước cho thấy hoạt động bảo vệ thần kinh mạnh mẽ thông qua việc đảo ngược các tác động đối với quá trình tạo ROS nội bào, sự xuất hiện của Phosphatidylserine, sự phân tán tiềm năng màng ty thể và phân đoạn apoptotic phụ G1 trên các tế bào NG108-15.
3.1.3 Chống virus
Phần trên không của Tang ký sinh ở liều 250 g/mL và 25 g/mL gây ức chế chống lại Protease HIV-1 lần lượt là 59,8% và 27,8%. Dịch chiết nước cũng cho thấy tác dụng ức chế enzyme phiên mã ngược và protease của HIV-1 với giá trị IC50 lần lượt là 5g/mL và 260g/mL. Dịch chiết metanol và nước của toàn bộ cây Tang ký sinh thể hiện tác dụng ức chế enzym phiên mã ngược của vi rút gây bệnh nguyên bào tủy ở gia cầm (AMV). Kết quả cũng cho thấy có sự hiện diện của hàm lượng tanin 5,8% trong dịch chiết nước toàn cây Tang ký sinh.
3.1.4 Bảo vệ gan
Chiết xuất ethanol của thân cây Tang ký sinh nằm trong số 8 loài có tác dụng ức chế rõ rệt nhất. Nó gây ra sự ức chế 50% đối với glutamic-pyruvic transaminase (GPT) trong cả tổn thương D-galactosamine và carbon tetrachloride trong tế bào gan chuột, từ đó chứng minh tác dụng chống độc, bảo vệ gan của cây.
3.1.5 Chống ung thư
Một nghiên cứu trong ống nghiệm về dịch chiết nước được phân lập từ các nhánh Tang ký sinh chống lại ba dòng tế bào ung thư buồng trứng là SKOV3, CAOV3 và OVCAR-3. Một cuộc điều tra về tác dụng chống ung thư của chiết xuất Flavonoid của Tang ký sinh được thu hoạch từ các cây ký chủ khác nhau cho thấy khả năng chống ung thư phụ thuộc rất nhiều vào vật chủ. Chiết xuất flavonoid của Tang ký sinh ký sinh trên Nernium indicum cho thấy giá trị IC50 thấp nhất là 0,60 mg/L trên dòng tế bào ung thư bạch cầu ở người HL-60. Nghiên cứu về khả năng chống khối u trên các polysaccharid được phân lập từ lá Tang ký sinh bằng cách chiết xuất nước và kết tủa ethanol cho thấy tỷ lệ ức chế khối u là 54% đối với sự phát triển của sarcoma S180. Những kết quả này chỉ ra rằng sự ức chế đối với sự tăng sinh tế bào ung thư và gây ra quá trình chết theo chương trình là cơ chế chống ung thư có thể có của Tang ký sinh.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cốt toái bổ - Vị thuốc bổ thận, chữa đau nhức xương khớp hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Tang ký sinh có tính bình, vị đắng, quy vào kinh can, thận, có tác dụng bổ gan thận, trừ phong thấp, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa.
Trong đông y, Tang ký sinh được dùng trong chữa phong thấp, gân cốt nhức mỏi, tê bại, đau mỏi lưng gối, động thai đau bụng, phụ nữ sau sinh ít sữa.
4 Các bài thuốc từ cây Tang ký sinh
4.1 Chữa tăng huyết áp
Tăng huyết áp đơn thuần: Tang ký sinh 16g, chi tử, câu đằng, ngưu tất, ý dĩ, Mã Đề mỗi vị 12g, xuyên khung, Trạch Tả mỗi vị 8g. Sắc uống.
Tăng huyết áp ở người trẻ, hoặc do rối loạn tiền mãn kinh: Tang ký sinh 20g, Rau Má 30g, Hoa Hòe, lá tre, cỏ tranh mỗi vị 20g, hạt muồng, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g, Ngưu Tất 12g, Hạ Khô Thảo 10g, tâm Sen 8g. Sắc uống.
Tăng huyết áp ở người cao tuổi: Tang ký sinh, kỷ tử, sinh địa, dâu chín, ngưu tất mỗi vị 12g, Mẫu Lệ 20g, Hà Thủ Ô 16g, trạch tả 8g. Hoặc: Tang ký sinh, bạch truật, Đảng Sâm, táo nhân, long nhãn, ngưu tất mỗi vị 12g, Đương Quy, Viễn Chí, hoa hòe, Hoàng Cầm mỗi vị 8g, Mộc Hương 4g. Đều sắc uống.
Tăng huyết áp kèm tăng cholesterol máu: Tang ký sinh, câu đằng, hoa hòe, Thiên Ma, ngưu tất, ý dĩ mỗi vị 16g, Bạch Truật 12g, Phục Linh 8g, Bán Hạ chế, cam thảo, Trần Bì mỗi vị 6g. Hoặc: Tang ký sinh, hoa hòe, hoàng cầm mỗi vị 16g, trúc nhự, long đởm thảo mỗi vị 12g, chỉ thực, phục linh, bán hạ chế mỗi vị 8g, trần bì, Cam Thảo mỗi vị 6g. Đều sắc uống.
4.2 Chữa bệnh xương khớp
Trị đau lưng: Tang ký sinh, ngưu tất, Cẩu Tích mỗi vị 12g. Sắc uống.
Trị đau lưng cấp do co cứng cơ: Tang ký sinh, khương hoạt, ngưu tất mỗi vị 12g, phục linh 10g, Quế chi, thương truật mỗi vị 8g, can khương 6g. Sắc uống.
Phòng viêm khớp dạng thấp tái phát: Tang ký sinh 16g, độc hoạt, Phòng Phong, đẳng sâm, phục linh, ngưu tất, đỗ trọng, sinh địa, Bạch Thược mỗi vị 12g, tế tân, tần giao, đương quy, quế chi, phụ tử chế mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Sắc uống.
Chữa thấp khớp mạn, đau nhức: Tang ký sinh, u chặc chìu, kê huyết đằng, Đan sâm, thục địa, Xích Thược, Thổ Phục Linh, thiên niên kiện, độc hoạt, khương hoạt, Đỗ Trọng mỗi vị 12g, Đẳng Sâm 20g, Hoài Sơn 16g, ngưu tất 10g, nhục quế 8g. Sắc uống.
Ngâm rượu Độc Hoạt Tang ký sinh chữa tứ chi đờ đẫn, eo lưng đầu gối đau buốt: Tang ký sinh, phòng phong, Xuyên Khung mỗi vị 8g, độc hoạt, ngưu tất, đẳng sâm, Tần Giao mỗi vị 12g, đương quy, đỗ trọng, Sinh Địa mỗi vị 20g, phục linh 16g, nhục quế, cam thảo mỗi vị 6g, Tế Tân 5g. Giã vụn, cho vào bình, ngâm với 600g rượu trắng trong 2 tuần, lọc cặn; uống chén nhỏ mỗi ngày.
4.3 Chữa bệnh tim mạch
Trị viêm tắc động mạch thời kỳ đầu và giữa: Tang ký sinh, Thục Địa mỗi vị 16g, xuyên quy, phụ tử chế, xuyên khung, bạch thược, xuyên luyện tử, đan sâm, ngưu tất, Hoàng Kỳ mỗi vị 12g, quế chi, đào nhân, Hồng Hoa, bạch giới tử mỗi vị 8g. Sắc uống.
Xơ cứng động mạch vành, hoặc thời kỳ ổn định sau nhồi máu cơ tim: Tang ký sinh, kỷ tử, hoàng tinh mỗi vị 16g, hà thủ ô 20g, thục địa, Thạch Hộc, Quy Bản mỗi vị 12g. Sắc uống.
4.4 Chữa hội chứng Ménie (chóng mặt, ù tai, nôn mửa)
Ở người tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, rối loạn giao cảm: Tang ký sinh, Câu Đằng mỗi vị 16g, thạch quyết minh 20g, thiên ma, phục linh, dạ giao đằng, hoàng cầm mỗi vị 12g, Chi Tử 8g. Sắc uống.
Ở người thiếu máu, xơ cứng động mạch:
- Bài 1: Tang ký sinh, thục địa, hà thủ ô mỗi vị 16g, xuyên khung, kỷ tử, ngưu tất, long nhãn, cỏ nhọ nồi, hoài sơn mỗi vị 12g.
- Bài 2: Tang ký sinh, hà thủ ô mỗi vị 16g, thục địa, đương quy, bạch thược, kỷ tử, long nhãn, ngưu tất mỗi vị 12g, xuyên khung, a giao mỗi vị 8g.
4.5 Chữa bệnh thần kinh
Trị suy nhược thần kinh: Tang ký sinh, thục địa, hoài sơn, hà thủ ô, kim anh, Liên Nhục mỗi vị 12g, quy bản, kỷ tử, Thỏ Ty Tử, ngưu tất, đương quy, táo nhân mỗi vị 8g. Sắc uống.
Liệt nửa người không hôn mê do tai biến mạch máu não: Tang ký sinh, câu đằng, kê Huyết Đằng mỗi vị 16g, thạch quyết minh 20g, ngưu tất, Cúc Hoa, Địa Long, hà thủ ô mỗi vị 12g. Sắc uống.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên: Tang ký sinh, Ké Đầu Ngựa, kê huyết đằng, ngưu tất mỗi vị 12g, quế chi, Bạch Chỉ, uất kim, trần bì, Hương Phụ mỗi vị 8g. Sắc uống.
Đau dây thần kinh hông do thoái hóa cột sống chèn ép: Tang ký sinh 16g, thục địa, cẩu tích, Tục Đoạn, ngưu tất, đẳng sâm, ý dĩ, bạch truật, hoài sơn, tỳ giải, hà thủ ô mỗi vị 12g. Sắc uống.
4.6 An thai, lợi sữa
Trị động thai đau bụng: Tang ký sinh 60g, a giao (hoặc cao ban long nướng thơm), lá Ngải Cứu mỗi vị 20g. Sắc, chia 3 lần uống trong ngày.
Phòng sảy thai, đẻ non khi bị động thai: Tang ký sinh, thỏ ty tử, tục đoạn, a giao mỗi vị 20g. Tán nhỏ làm viên, ngày uống 16-20g.
Chữa tắc sữa, chân tay tê bại: Tang ký sinh 30g, ngưu tất 12g. Sắc uống.
4.7 Chữa bệnh khác
Trị ho: Tang ký sinh 30g, rễ chanh 20g, trắc bách diệp 10g. Sao vàng, sắc uống.
Trị viêm cầu thận mạn tính: Tang ký sinh, câu đằng, mã đề mỗi vị 16g, cúc hoa, sa sâm, ngưu tất, đan sâm, quy bản, trạch tả mỗi vị 12g. Sắc uống.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Soheil Zorofchian Moghadamtousi và cộng sự (Đăng vào năm 2014). Phytochemistry and biology of Loranthus parasiticus Merr, a commonly used herbal medicine, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Tang ký sinh trang 781-784, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023.