Tầm Sét (Ipomoea digitata Lin.)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cây Tầm Sét có tên khoa học là Ipomoea digitata Lin.). Tầm Sét là loại cây có vị đắng, tính hàn, được sử dụng với mục đích để hạ sốt, lợi sữa, đắp ngoài chữa mụn nhọt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Tầm Sét
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Ipomoea digitata Lin.
Tên gọi khác: Khoai Xiêm, Bìm Bìm Xẻ Ngón.
Họ thực vật: Bìm Bìm Convolvulaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Tầm Sét thuộc dạng dây leo bằng thân quấn, gốc cây hóa gỗ.
Thân và cành của cây có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, có màu xanh, trên thân có nhiều khía.
Lá mọc so le, phiến lá được chia thành nhiều thùy (thường là 5-7 thùy), các thùy có dạng hình thoi hoặc đôi khi là hình mác. Lá chia thùy sâu, có khi đến khoảng ⅔ phiến lá. Mỗi phiến lá có đường kính khoảng 8-20cm, gốc lá có dạng hình tim, đầu lá nhọn. Lá của cây Tầm Sét nhẵn cả 2 mặt nhưng mặt dưới có màu nhạt hơn. Gân lá thuộc dạng lông chim, mỗi cuống dài khoảng 4-8cm.
Cụm hoa mọc thành chùy nhưng lại phân đôi nên giống như ngù, hoa thường mọc ở kẽ lá. Cuống hoa có chiều dài khoảng 12 đến 17cm gồm 2-3 hoa cái có màu hồng.
Đài 5, nhị 5, bầu 2 ô.
Quả thuộc dạng quả nang, hình cầu, mỗi quả có chứa 4 hạt có lông màu hung vàng.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Ipomoea L. là một chi lớn gồm nhiều loài được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới đặc biệt là khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Tầm Sét là loại cây nhiệt đới, thường phân bố từ các tỉnh thuộc phía Nam Trung Quốc đến các nước ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Loại cây này cũng được tìm thấy ở một số nơi như Ấn Độ. Tại nước ta, cây thường được tìm thấy ở các khu vực thuộc vùng núi thấp có độ cao dưới 600m, các vùng trung du và đồng bằng.
Tầm Sét là loại cây ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc chùm lên các loại cây khác ở các khu vực như bờ sông, bờ ao.
Chồi thân thường mọc vào cuối xuân đầu hè sau đó nhanh chóng phát triển thành thân leo sau đó tiếp tục phân nhánh trong mùa mưa có độ ẩm cao.
Vào mùa đông, phần trên mặt đất sẽ tàn lụi sau khi ra hoa và quả.
Cây có khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt. Ngoài ra, trong mùa sinh trưởng mạnh, cây có thể mọc ra nhiều chồi mới từ những thân hoặc cành đã bị cắt.
2 Thành phần hóa học
Rễ của cây chứa chất Nhựa.
Lá tươi chứa 6,3% caroten.
3 Tác dụng - Công dụng của cây tầm sét
3.1 Tác dụng dược lý
Các thành phần có khả năng tan trong ether sau khi chiết được từ thân rễ của cây có tác dụng hạ huyết áp trên chó thí nghiệm. Cơ chế có thể do ức chế trực tiếp cơ tim đồng thời gây giãn phế quản.
Thuốc có tác dụng ức chế ruột non của thỏ và tử cung của chuột cống trắng.
Các thành phần không tan trong ether nhưng có khả năng tan trong cồn có tác dụng kích thích hô hấp đồng thời gây tăng huyết áp, kích thích tử cung và ruột thỏ sau khi cô lập. Tuy nhiên, thuốc lại có tác dụng gây giãn cơ trơn phế quản của chuột lang.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị đắng, tính hàn.
Tác dụng: Bổ huyết, lợi sữa, nhuận gan, giảm đau, thông mật, tiêu thũng, trục thủy.
3.2.2 Công dụng
Tại nước ta, cây được sử dụng để chữa vết thương do mụn nhọt hoặc đạn bắn.
3.2.3 Chữa trẻ em gầy yếu
Rễ Tầm Sét có thể phối hợp với bột mì, đường, sữa, Mật Ong để làm thành bánh kẹo giúp bồi dưỡng cho trẻ em gầy yếu.
3.2.4 Lợi sữa
Phối hợp Tầm Sét, rau mùi, cỏ Cari để lợi sữa cho mẹ sau sinh.
3.2.5 Chữa di tinh
Để chữa di tinh, người ta thường phối hợp rễ Tầm Sét tươi với đường và cây cumin.
3.2.6 Chữa sốt
Để chữa sốt, viêm phế quản, ho người ta sử dụng Tầm Sét, Bạch Tật Lê, Thóc Lép, Cà Dại Hoa Tím, Sâm Rừng và Asparagus racemosus để làm thuốc sắc và uống.
3.2.7 Kích dục
Sử dụng bột rễ Tầm Sét cùng với Hạnh Nhân, Nhục Đậu Khấu, hạt Mộc Qua, hành.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Tầm Sét 796-797. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2024.