Sung (Ficus glomerata Roxb. var. chittagonga King)
6 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cây sung là loại cây quen thuộc tại Việt Nam, cây có rất nhiều công dụng chữa bệnh như chữa mụn nhọt, chữa bỏng, nhức đầu, trị táo bón... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Cây sung.
1 Giới thiệu về cây sung: Quả sung là quả gì?
Cây sung hay còn có tên là ưu đàm thụ, có tên khoa học là Ficus glomerata Roxb. var. chittagonga King.
Quả sung chính là quả của cây sung hay ưu đàm thụ.
1.1 Mô tả thực vật: Hoa cây sung màu gì?
Cây sung là cây to, không có rễ phụ, có thể cao tới 15-20m. Cành mềm, có vảy, u lồi và sẹo, khi non có lông mềm, màu nâu nhạt.
Lá mọc so le, hình giáo hoặc bầu dục, dài từ 8-20cm, rộng khoảng 4-8cm, gốc tù, đầu có mũi nhọn, mép nguyên thường lượn sóng, hai mặt nhẵn thường hay bị một loại sâu bọ ký sinh, gây ra những mụn nhỏ gọi là "vú sung", gân gốc 3, cuống dài 2-7cm, có lông, lá kèm nhỏ.
Cụm hoa mọc dày đặc ở thân và cành già, không có lá, hoa đực xếp gần lỗ đỉnh cụm hoa, có đài nhẵn, các răng dính với nhau, nhị 2-3, hoa cái có cuống ở phía dưới, đài dính nhau ở gốc, bầu hình trái xoan.
Quả phức, khi chín màu đỏ hoặc đỏ nâu
Mùa hoa quả rơi vào tháng 6 đếm tháng 11.
1.2 Phân bố, sinh thái
Cây sung phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới Đông Bắc châu Phi, Ấn Độ, Malaysia, các nước Đông Dương và vùng Tây, Bắc Autralia.
Tại Việt Nam, cây sung khá phổ biến tại các vùng núi thấp dưới 700m, trung du và đồng bằng.
Cây sung là cây gỗ ưa ẩm, ưa áng nên thường mọc tự nhiên gần nguồn nước, dọc bờ sông, suối... Cây có thể chịu được ngập úng khoảng 1 tháng, ra hoa quả nhiều và tái sinh hàng năm chủ yếu từ hạt. Cây cũng có khả nnawg tái sinh cây chồi khỏe sau khi chặt.
Sung là cây gỗ mọc nhanh, gỗ thân màu trăng - xám, mềm và dễ mục nát. Người ta thường ngâm gỗ khoảng một năm rồi mới dùng. Quả xanh hay chín đều ăn được, lá được coi như 1 loại rau gia vị, ăn gỏi...
2 Cách trồng cây sung trước nhà
Cây có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất nhưng không sống được trên đất khô hạn, không nên trồng chỗ đất cát, đất nhiều sỏi, rễ cây khỏe, chịu được ngập, có thể trồng ở góc vườn, bờ ao.
Trồng bằng hạt sẽ giúp cây con khỏe hơn khi giâm hay chiết cành. Hạt nên lấy ở quả chín mềm, chín kỹ, chà xát, đãi nhớt rồi đem gieo ngay. Đất trước khi trồng cần làm sạch cỏ, xới cho tơi, mịn. Phủ rơm rạ lên sau khi gieo, tưới giữ ẩm. Cây cao khoảng 15-20 cm có thể đánh đi trồng. Khi trồng, nên cắt bỏ những lá non, lấp đất đến cổ rễ, tưới nước cho đến khi cây bén rễ.
Nếu đất xấu có thể tưới thúc mỗi năm 1-2 lần cho cây, và cắt tỉa cành, tạo tán...
3 Bộ phận sử dụng
Nhựa, lá, vỏ cây thu hái quanh năm, nhựa dùng tươi, lá và vỏ cây đem phơi khô.
Mùa hoa quả thu hoạch quả, có thể đem quả thái miếng, phơi khô hay tán mịn.
4 Thành phần hóa học
Nhựa mủ cây sung chứa bergenin, lupeol, acetat và b-sitosterol.
5 Tác dụng, công dụng
5.1 Tính vị, công năng
Sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng thông huyết, chỉ thống, lợi tiểu,tiêu thũng, tiêu viêm, bổ máu.
5.2 Vỏ cây sung chữa bệnh gì? Nhựa cây sung có độc không?
Uống nước cây sung có tác dụng chỉ thống, thông huyết, tiêu viêm, bổ máu...
Quả sung, lá sung non có thể làm rau ăn, lộc sinh dùng gói nem.
Nhựa sung: Chữa mụn nhọt, chốc lở, tụ máu, sưng đau, nhức đầu, chữa hen.
Lá sung: Lá có tật phơi khô sao vàng, tán bột mịn, trộn với mỡ lợn bôi chữa bỏng, tăng tiết sữa, chữa nổi từng cục nhỏ ở ngực kèm đau nhức có sốt, thuốc bổ.
Vỏ sung chữa sốt rét, tê thấp, tăng tiết sữa.
5.3 Tác dụng của quả sung xanh và sung khô
Ăn quả sung xanh rất tốt. Quả sung giúp nhuận tràng, ổn định đường huyết và cholesterol, chống ung thư, chống viêm, giảm béo...
Quả sung khô còn có tác dụng chống oxy hóa, làm dịu cơn trào ngược dạ dày, chống béo phì, phòng ngừa nhồi máu cơ tim, tăng tiết sữa cho sản phụ, giúp chắc khỏe xương, giảm táo bón... bạn có thể ăn hay uống nước quả sung phơi khô có tác dụng rất tốt.
5.4 Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu quả sung
Sung tại Việt Nam được khuyến cáo mỗi ngày nên ăn khoảng 5 quả.
5.5 Những người không nên ăn quả sung
Những người đường huyết thấp, người đang bị bệnh thận, xuất huyết trực tràng hay đau dạ dày, dễ bị dị ứng... thì không nên ăn quả sung.
6 Bài thuốc có cây sung
6.1 Chữa mụn nhọt, chốc lở, tụ máu, sưng đau
Rửa sạch chỗ mụn, đau, lau khô, lấy nhựa sung bôi trực tiếp, ngày bôi 2 lần hoặc trộn nhựa sung với lá sung non giã nát, đắp tại chỗ, nếu mụn đã vỡ chú ý tránh miêng vết mụn. Để lấy ngòi mụn thì giã thêm một củ hành trộn với nhựa và lá sung rồi đắp. Nếu sung tại vú thì đắp hở đầu vú, những chỗ bị xây xát, vết thương hở nên tránh đắp.
6.2 Chữa nhức đầu
Lấy nhựa phết lên giấy bản, dán vào 2 bên thái dương, có thể phối hợp bôi ngoài với ăn lá non hoặc uống nhựa sung khoảng 5ml hòa với nước đun sôi để nguội.
6.3 Chữa hen
Hòa lượng nhựa sung vừa đủ với Mật Ong rồi uống trước khi đi ngủ.
6.4 Tăng tiết sữa
Dùng 100g lá sung, 1 chân giò lợn, 50g mít non bỏ vỏ, 50g Đu Đủ non, 10g lõi thông thảo, 5g hạt mùi sống, 100g gạo nếp, thái nhỏ đem nấu cháo thật nhừ, làm 1-2 lần trong ngày để ăn, dùng 2-3 ngày.
6.5 Chữa nổi từng cục nhỏ ở ngực kèm đau nhức có sốt
Dùng 40g lá sung có tật, 20g Huyền Sâm, 20g Huyết Giác, 20g Ngưu Tất, thái nhỏ sắc cùng 400ml nước lấy 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày.
6.6 Thuốc bổ
Dùng 200g lá sung, 100g củ mài, 100g hạt Sen, 100g đảng sâm, 100g thục địa, 100g hà thủ ô đỏ, 100g táo nhân, 100g ngải cứu.
Lá sung phơi trong râm cho khô tán bột, củ mài đồ chín, phơi khô sao vàng, tán bột. Hạt Sen, Đảng Sâm sấy khô tán bôt. Thục Địa tẩm nước Gừng sao thơm giã nhuyễn. Hà Thủ Ô tẩm nước đậu đen sao kỹ tán bột. Táo nhân sao đen tán bột, Ngải Cứu tưới nấu kỹ lấy nước đăc. Đem tất cả trộn đều, thêm mật làm viên bằng hạt ngô.
Người lớn uống mỗi lần 8-10 viên, trẻ em mỗi lần 2-6 viên, ngày uống 2 lần.
6.7 Chữa mặt nổi cục sưng đỏ như hạt đào, hạt mơ
Lá sung có tật lấy lượng vừa đủ nấu nước xông hàng ngày.
6.8 Chữa sốt rét, tê thấp
Dùng 20g vỏ sung, cạo sạch lớp bần, thái mỏng, phơi khô, và 20g cây vú bò tẩm mật sao vàng, đem sắc lấy nước uống.
7 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Sung trang 759-760, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 21 tháng 06 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Sung trang 495-496, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 06 năm 2023.